Giang Nam – Ai đã từng đến? – Tạp chí Đẹp

Đến Giang Nam hít thở khí sạch
Điều ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất trong suốt chuyến hành trình Giang Nam chính là sạch. Khắp các con phố, ngõ hẻm hay vỉa hè đều hiếm khi thấy rác. Ở các trấn cổ thì càng không phải nói. Sớm tinh mơ hay màn đêm buông xuống, hình ảnh các cụ ông cụ bà cần mẫn quét rác luôn được bắt gặp ở mọi ngõ ngách, thậm chí trên con sông vắt qua làng cổ. Ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân nơi đấy khiến tôi rất nể phục.

000000001
Thú vị hơn cả là ở Thượng Hải luôn có một dãy xe đạp màu sắc rực rỡ của chính phủ hoặc tư nhân dựng sẵn ven đường để người dân hay khách du lịch thuê sử dụng với giá rất “bèo” (khoảng 1 đến 3 tệ), nhằm giúp giảm thiểu chất thải ra môi trường từ các phương tiện khác. Quả thật, Giang Nam là nơi hiếm hoi còn lại ở đất nước tỷ dân mà người ta có thể tự tin hít thở khí trời trong lành mỗi ngày.

img_8075

“Diện kiến” vua Càn Long
Người ta nói, “Tô Hàng xuất mỹ nữ”, tức Tô Châu, Hàng Châu là vùng đất được mệnh danh là có nhiều người đẹp nhất nhì Trung Quốc. Riêng với tôi, “Tô Hàng” không chỉ khiến người ta “say” mỹ nhân mà còn “say” bởi cảnh đẹp đầy thơ mộng nức tiếng của vùng đất Giang Nam.

img_8052
Cũng tại đây, tôi may mắn có cơ hội “gặp gỡ” một trong những nhân vật vô cùng nổi tiếng trong sử sách lẫn màn bạc, vua Càn Long tại Ngự Viên Càn Long – Chuyết Chính Viên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và là một trong tứ đại hoa viên danh trấn thiên hạ. Tương truyền, trấn nhỏ này cũng là nơi yêu thích của vua Càn Long. Ông tới Tô Châu 6 lần thì 5 lần đã chọn nơi đây để dừng chân.

img_8161
Dạo quanh khuôn viên tạo cho tôi cảm giác như lạc vào bối cảnh của một bộ phim cổ trang với kiến trúc cổ kính từ bức tường, mái ngói đến từng viên gạch lát lối đi quanh hoa viên rất tinh tế. Đặc biệt, bước chân vào thư phòng của vua Càn Long vốn còn giữ nguyên hiện trạng như trăm năm trước khiến cảm giác này lại càng chân thật hơn.

img_8199

Sững sờ với Hổ Khâu Sơn – Ngô Trung đệ nhất thắng cảnh
Nằm ở độ cao 34,5m so với mặt nước biển, núi Hổ Khâu có diện tích khoảng 200ha, nổi tiếng với Tháp Hổ Khâu có lịch sử hơn 1.000 năm và Suối Gươm “sâu không thể tả”, nơi Ngô Vương – Ngô Phù Sai nằm lại với hơn 3.000 thanh gươm báu trong lòng suối, một nhân chứng lịch sử bi thương thời Xuân Thu chiến quốc.

img_9896
Đây cũng là nơi gắn liền với câu chuyện về hai thanh kiếm thần là Can Tương và Mạc Tà. Để đúc được hai thanh kiếm đó, Mạc Tà đã tự mình nhảy vào lò đúc táng thân. Can Tương dâng thanh kiếm cho Vua Ngô Hạp Lự chém thử vào viên đá và bị nứt đôi. Vết tích của viên đá này vẫn còn tại Hổ Khâu, riêng hai thanh kiếm thì được cho là ở dưới đáy suối Kiếm.

img_8405

Sáng thức giấc ở Ô Trấn
Có lẽ điểm đến ấn tượng nhất của tôi về chuyến đi này chính là Ô Trấn, ngôi làng cổ hơn 1.300 năm. Ô Trấn là một trấn cổ nằm ở huyện Đồng Dương thuộc khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Chiết Giang. Giống như nhiều cổ trấn khác của Trung Quốc, Ô Trấn có một con sông đào cổ len lỏi trong lòng trấn là sông Kinh Hàng tạo nên cảnh tượng đầy thơ mộng.

img_0018
Khi ánh đèn đêm được bật sáng cũng là lúc trấn cổ đẹp một cách lạ thường. Sự giao thoa giữa ánh đèn và màn đêm thăm thẳm đã vẽ lên một bức tranh nên thơ, đầy sống động. Cả không gian như được bao trùm bởi một tấm lụa mỏng, thêu lên đó là sắc màu của cuộc sống, vừa cổ kính, vừa bình dị. Có khoảnh khắc tôi chẳng làm gì cả, chỉ đứng yên trên cây cầu nhỏ bắc qua sông, nhìn xuyên qua bóng đêm và ngắm trấn cổ. Giữa cái ồn ào xung quanh, tôi vẫn thực sự cảm thấy được sự tĩnh lặng của dòng thời gian như đang ngưng đọng nơi Ô Trấn ngàn năm.

img_0026
Hôm sau, theo gợi ý của anh bạn đi cùng, tôi thức dậy từ sáng sớm, lúc cả trấn vẫn còn chìm trong sương mờ và chưa hoàn toàn bị đánh thức bởi các đoàn du lịch. Tôi lại bắt đầu công cuộc lang thang để khám phá từng ngõ ngách nơi đây.
Không khí buổi sáng thật trong lành. Lưa thưa vài du khách dậy sớm đang chầm chậm dạo bước. Trên sông, người lái thuyền nhẹ nhàng khua mái chèo vớt rác mà không hề làm kinh động đến sự yên bình của buổi sớm mai nơi trấn cổ. Xa xa là vài chiếc thuyền chở hàng đi bán dạo ven sông… Quá đỗi thanh bình!