Giám đốc Trung tâm NCKH và Đào tạo chứng khoán Đào Lê Minh :…
* Để được hành nghề trong Cty CK cần những điều kiện gì, thưa ông?
– Những người đạt được chứng chỉ chuyên môn về CK và thị trường CK được xem là điều kiện cần để xét cấp chứng chỉ hành nghề. Để vượt qua kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, học viên (HV) phải trải qua 3 khoá học: Cơ bản về CK và thị trường CK; phân tích và đầu tư CK; Luật áp dụng trong ngành CK. HV có thể theo học các khoá học trên tại SRTC, hoặc 5 trường đại học vừa được cấp phép là ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân TP.HCM và ĐH Ngân hàng TP.HCM. Sau đó, tùy theo từng công việc khác nhau trong Cty CK, sẽ có những yêu cầu cụ thể về chứng chỉ cần phải có khi hành nghề.
* Chỉ gói gọn trong thời gian từ 3-4 tháng như thế có đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực?
– Trên thực tế, thời gian trên chỉ đủ cung cấp kiến thức cơ bản, tối thiểu để hành nghề. Tuy nhiên, chúng ta đang vướng vào nghịch lý: Cả HV và Cty đều sốt ruột, muốn đào tạo nhanh để có thể làm việc ngay, nếu chờ đào tạo đúng quy trình thì rơi vào khủng hoảng nhân lực. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không có cách nào khác là các Cty phải có kế hoạch tự đào tạo kỹ hơn và chuyên sâu hơn, đáp ứng đòi hỏi mới của thị trường.
* Việc cho phép thêm 5 trường đại học cùng tham gia đào tạo CK liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo không, thưa ông?
– Để có những đánh giá cụ thể về chất lượng, còn phải thẩm định thêm. Tuy nhiên, qua các kỳ thi sát hạch, HV đến từ các trường bộc lộ điểm yếu cố hữu là nặng về lý thuyết, hạn chế trong thực hành thể hiện ở nhiều bài thi thực hành không đạt yêu cầu. Hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất khiến HV không có điều kiện thực hành trên hệ thống giao dịch trong khi nghề này đòi hỏi HV không thể chỉ giỏi lý thuyết mà phải nhuần nhuyễn thực tiễn, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới để đáp ứng đổi mới của ngành
* Để theo kịp những phát triển của ngành, thời gian tới, chương trình đào tạo của SRTC có gì đổi mới ?
– So với thế giới, thị trường CK VN còn khá non trẻ, bởi vậy chúng tôi sẽ hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường, cần đến đâu, chúng tôi sẽ đào tạo đến đó. Bên cạnh 3 giáo trình hiện tại, Trung tâm đang gấp rút soạn thảo và hoàn thiện thêm 4 giáo trình: Môi giới và tư vấn đầu tư CK; phân tích báo cáo tài chính DN; quản lý quỹ và tài sản; tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành. Với các giáo trình đi sâu vào từng chuyên ngành, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho HV kiến thức chuyên sâu về ngành.
* Được làm việc trong lĩnh vực CK đang là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Ông có lời khuyên nào cho các bạn theo đuổi ngành này ?
– Muốn theo đuổi ngành này, trước hết các bạn cần có trong tay kiến thức chuyên môn về CK và thị trường CK (do các trường đại học đào tạo), tốt nhất là từ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng. Đây là điều kiện cần. CK là ngành cao cấp, muốn theo đuổi và không bị thải loại phải luôn giữ vững ý chí, bản lĩnh, nỗ lực học và làm. Điều này không chỉ đúng với nhân viên mà cả quan chức của các DN. Sự lăn lộn trong thực tiễn, những kinh nghiệm rút ra sẽ là vốn quý giúp các bạn trẻ nhanh chóng trưởng thành. Theo tôi, một nhân viên muốn làm việc được và tốt trong ngành CK cần hội tụ 3 yếu tố: Kiến thức cơ bản và chuyên sâu; kiến thức về nghề; kinh nghiệm thực tiễn.
Chứng chỉ hành nghề chứng khoán (CC CK) được cấp cho cá nhân có trình độ ĐH, có trình độ chuyên môn về CK và thị trường CK; đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch do UB Chứng khoán Nhà nước tổ chức. Đối với người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về thị trường CK hoặc những người đã hành nghề CK hợp pháp ở nước ngoài thì chỉ cần thi sát hạch pháp luật về CK của VN.
CC CK chỉ có giá trị khi người được cấp chứng chỉ làm việc tại một Cty CK hoặc Cty quản lý quỹ và được Cty đó thông báo với UB Chứng khoán Nhà nước.
Người hành nghề chứng khoán bị thu hồi CC CK nếu không hành nghề CK trong ba năm liên tục. (Theo Luật Chứng khoán VN)