GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
Chắc hẳn khi chuẩn bị nộp hồ sơ vào khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, mỗi bạn đều có rất nhiều câu hỏi. Hãy đến với những câu hỏi thường gặp đã được các thầy cô giải đáp dưới đây các bạn nhé!
1. Năm học 2015-2016, khoa Hóa học tổ chức xét tuyển các môn thi nào?
– Khoa Hóa học tổ chức xét tuyển 2 nhóm môn thi tương ứng với 2 khối A và B như các đợt tuyển sinh các năm trước: Toán, Lý, Hóa và Toán, Hóa, Sinh.
2. Những thông tin cơ bản về chương trình đào tạo Cử nhân tài năng (CNTN) của khoa Hóa học?
– Chương trình CNTN được xây dựng nhằm phát hiện và đào tạo những sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về Hóa học thông qua việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng phương pháp dạy – học tiên tiến, nhằm đạt chuẩn chất lượng quốc tế.
– Chỉ tiêu 30 sinh viên.
– Thông tin chi tiết, xin xem ở mục
Đào tạo ĐH/Giới thiệu chung/Chương trình CNTN
3. Những thông tin cơ bản về chương trình đào tạo Cử nhân Văn bằng đôi Việt-Pháp của khoa Hóa học?
– Chương trình Văn bằng đôi hợp tác giữa Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM (HCMUS) và Đại học Maine (UM) được thực hiện nhằm đào tạo cử nhân Hóa học sử dụng tiếng Pháp với mục tiêu: nâng cao chất lượng đào tạo, hòa nhập vào hệ thống đào tạo tiên tiến của cộng đồng các nước nói tiếng Pháp trên thế giới, nâng cao trình độ chuyên môn của sinh viên thông qua chương trình đào tạo hóa học được thiết kế chặt chẽ, đầy đủ, chuyên sâu và được giảng dạy bởi các giảng viên, chuyên gia hàng đầu của hai trường HCMUS và UM, và cung cấp cho sinh viên nhiều cơ hội nhận học bổng để tiếp tục học sau đại học ở cộng đồng đại học pháp ngữ, cụ thể là tại UM.
– Khi tốt nghiệp từ chương trình, sinh viên sẽ được nhận các bằng cấp và chứng chỉ sau: Bằng cử nhân (licence) hóa học và chứng chỉ Master 1 của Đại học Maine, Bằng cử nhân hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
– Chỉ tiêu 30 sinh viên.
– Thông tin chi tiết, xin xem ở trang thông tin sau
Đào tạo ĐH/Giới thiệu chung/Chương trình Việt Pháp
4. Khi học ngành hóa trường ĐH KHTN, sinh viên có được học thực hành và ứng dụng nhiều hay chỉ được học lý thuyết như bậc phổ thông trung học? Phần kiến thức học ở bậc phổ thông trung học sử dụng được bao nhiêu trong quá trình học đại học và khi đi làm?
– Ngành hóa trường ĐH KHTN là một trong những ngành có khối lượng giờ thực hành nhiều nhất trong trường ĐH KHTN. Sinh viên vừa được đào tạo sâu về kiến thức lý thuyết, vừa được rèn luyện kỹ về kỹ năng thực hành, từ đó mở rộng ra các vấn đề ứng dụng. Trong quá trình học ở ĐH KHTN, phần kiến thức hóa học ở bậc phổ thông trung học gần như được sử dụng toàn bộ. Đối với quá trình đi làm, tùy vào lĩnh vực công việc mà khối lượng kiến thức được sử dụng sẽ thay đổi. Tuy nhiên bất cứ lĩnh vực công việc nào cũng đều đòi hỏi khả năng tư duy, điều mà sinh viên sẽ được giảng dạy và rèn luyện liên tục khi theo học ngành hóa tại trường ĐH KHTN.
5. Học hóa có độc không? Có phù hợp với nữ không?
– Bất cứ hóa chất nào cũng có mức độ độc hại khi hàm lượng chúng vượt qua mức cho phép. Vì vậy việc học hóa càng trở nên cần thiết hơn, để có thể sử dụng hóa chất một cách an toàn, kiểm soát và điều khiển các quy trình một cách hợp lý và hiệu quả.
-Ngành Hóa phù hợp với cả nam lẫn nữ. Là nữ giới, đức tính cẩn thận, chịu khó, khéo léo trong công việc lại là thế mạnh khi học ngành Hóa.
6. Khoa Hóa có học bổng không? Cơ hội du học của sinh viên khoa Hóa như thế nào?
– Chế độ học bổng của khoa Hóa học tuân theo chế độ học bổng khuyến khích chung của Trường. Ngoài ra, nhiều học bổng của các tổ chức khác cũng dành cho sinh viên khoa Hóa như: học bổng Cử nhân tài năng, học bổng hệ Văn bằng đôi Việt – Pháp, học bổng Lê Văn Thới, học bổng Lawrence Sting, Odon Vallet…
– Học bổng du học dành cho sinh viên khoa Hóa học cũng rất đa dạng. Mỗi năm vào tháng 3, 6, 9, nhiều học bổng được triển khai cho phép sinh viên khoa Hóa học tiếp tục học cử nhân hoặc học thạc sĩ ở nhiều nước khác nhau như: Anh, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Singapore, Nhật, Hàn Quốc…
7. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành hóa?
– Sinh viên ngành hóa khi ra trường có thể làm việc trong các công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân tích, tư vấn, nghiên cứu, quản lý về các vấn đề hóa học, vật liệu, môi trường. Sinh viên ra trường cũng có thể làm việc trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, cũng như giảng dạy trong các trường đại học, trường phổ thông.
8 Tốt nghiệp ngành hóa trường ĐH KHTN có thể làm việc ở vị trí hay tuyển sinh viên ngành công nghệ hóa hay không?
– Sinh viên ngành hóa trường ĐH KHTN khi ra trường có thế mạnh làm việc trong các bộ phận nghiên cứu phát triển của các công ty sản xuất kinh doanh về hóa chất, vật liệu, môi trường… Tuy nhiên thực tế chứng minh các em khi ra trường hoàn toàn có thể ứng cử và làm việc tốt ở các vị trí kỹ sư, kỹ thuật, quản lý dây chuyền sản xuất, kiểm định…
9. Chuyên ngành hóa dược đào tạo về gì?
– Một cách ngắn gọn, hóa dược đào tạo sinh viên có kiến thức và khả năng tổng hợp các nguyên liệu dùng trong sản xuất dược liệu, thuốc.
10. Chuyên ngành hóa vô cơ đào tạo về gì?
– Một cách ngắn gọn, hóa vô cơ đào tạo sinh viên kiến thức và khả năng tổng hợp, phân tích, xử lý các vật liệu vô cơ như gốm sứ, thủy tinh, phân bón, xúc tác, xử lý môi trường…
11. Chuyên ngành hóa phân tích đào tạo về gì?
– Một cách ngắn gọn hóa phân tích đào tạo sinh viên có kiến thức và khả năng xây dựng các quy trình phân tích, kiểm nghiệm các chất độc hại có trong thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, môi trường… cũng như các chất độc hại trong các loại hàng hóa lưu hành trong thị trường tiêu dùng.
12. Chuyên ngành hóa hữu cơ đào tạo về gì?
– Một cách ngắn gọn, hóa hũu cơ đào tạo sinh viên kiến thức và khả năng tổng hợp các hợp chất trong dược phẩm, trong công nghiệp, trong nông nghiệp… hoặc nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên, khả năng ứng dụng hoạt tính của các hợp chất đó trong nhiều lĩnh vực dược phẩm cũng như trong nông nghiệp…
13. Chuyên ngành hóa lý đào tạo về gì?
– Một cách ngắn gọn hóa lý đào tạo sinh viên có kiến thức về các loại thiết bị phân tích về tính chất của các chất, nghiên cứu về chất xúc tác, năng lượng tái tạo, lĩnh vực môi trường…
14. Chuyên ngành hóa polymer đào tạo về gì?
-Một cách ngắn gọn hóa lý đào tạo sinh viên có kiến thức về polymer thiên nhiên, polymer phân hủy sinh học, phụ gia polymer, tái chế polymer…
15. Học ngành hóa xong có thể học ngành dược được hay không?
– Sau khi tốt nghiệp ngành hóa, sinh viên có thể chọn thi văn bằng 2 dược sĩ của Đại học Y Dược TP. HCM (điều kiện có bằng cử nhân hóa hoặc công nghệ hóa). Môn thi thông thường sẽ là Hóa hữu cơ và Sinh học.
16. Sự khác biệt giữa khoa Hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên so với các ngành đào tạo hóa học của Đại học Bách Khoa, Đại học Công Nghiệp…?
– Khoa Hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên đào tạo và cung cấp cho sinh viên những kiên thức cơ sở của Hóa học, bản chất của Hóa học. Từ những kiến thức này, sinh viên có thể tạo ra những sản phẩm hóa chất, vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sinh viên ra trường có thể làm việc ở những bộ phận Nghiên cứu và phát triển trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty, viện nghiên cứu… Trong khi sinh viên học ngành hóa của Đại học Bách Khoa, Đại học Công Nghiệp được trang bị các kiến thức về công nghệ, kỹ thuật hóa nhằm có thể điều hành các dây chuyền sản xuất sản phẩm liên quan.
17. Đại học Sư Phạm vẫn có đào tạo cử nhân, bao gồm cử nhân sư phạm hóa và cử nhân hóa học, vậy cử nhân sư phạm với cử nhân hóa học của Đại học Sư Phạm khác cử nhân của ĐH KHTN như thế nào?
-Cử nhân bên Đại học Sư Phạm chủ yếu đào tạo về mặt lý thuyết nhiều hơn là làm nghiên cứu thực nghiệm. Trong khi đó, bên Đại học Khoa học Tự nhiên chúng ta thiên về nghiên cứu chuyên sâu.
18. Hóa học nghe rất chung chung, không cụ thể như môi trường hay ngành chế biến thực phẩm mặc dù hai ngành đó em nghe nói cũng có liên quan đến hóa, vậy sau khi tốt nghiệp ngành hóa, em làm 2 ngành đó được ko, bằng cấp bên nào sẽ tốt hơn?
-Sau khi tốt nghiệp đại học ngành hóa em có thể làm việc tốt cả hai ngành đó. Do chúng ta học đại học là học về nghiên cứu chuyên sâu giúp chúng ta có thể nghiên cứu chuyên sâu bất cứ ngành nào có liên quan đến hóa học. Bằng cấp là giấy chứng nhận quá trình học tập của em, chính khả năng linh hoạt và năng lực của em sẽ giúp em phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
19. Chương trình đào tạo của khoa Hóa như thế nào?
-Khoa Hóa của trường ĐH KHTN TP. HCM đào tạo các bậc: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hóa học. Bậc đào tạo cử nhân chuyên đào tạo các cử nhân hóa học có kiến thức nền tảng vững chắc, đồng thời trang bị các kỹ năng thực hành đáp ứng nhu cầu thực tế trong lĩnh vực hóa học. Khoa Hóa hiện đào tạo 6 chuyên ngành lớn gồm: Hóa hữu cơ, Hóa lý, Hóa phân tích, Hóa vô cơ và ứng dụng, Hóa polymer, Hóa dược. Có 3 chương trình đào tạo hệ cử nhân đó là: hệ chính quy đại trà, hệ cử nhân tài năng, hệ văn bằng đôi Việt-Pháp.
20. Khoa Hóa trường ĐH KHTN có hợp tác hay liên kết với các công ty, các trường đại học khác hay không?
-Trong đào tạo và nghiên cứu, khoa Hóa có hợp tác với các công ty, các trường đại học khác như: chợ sơn, Mỹ Lan, Miss Sài Gòn, ĐH Maine, ĐH Grenoble 1, ĐH Umea…
21. Sinh viên ngành Hóa trường mình có được đi thực tập ở các công ty hay không?
-Trong quá trình học, ở một số môn, SV được đi tham quan thực tế ở các nhà máy, xí nghiệp.
-Trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp, một số SV sẽ được làm đề tài ở công ty.
22. Sinh viên ngành Hóa có được định hướng nghề nghiệp trong quá trình học cũng như có được giới thiệu việc làm khi tốt nghiệp hay không?
-Sinh viên sẽ được giới thiệu và định hướng nghề nghiệp ngay khi vừa vào trường đại học với môn học “Nhập môn hóa học”. Thông qua môn học sinh viên sẽ được hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, ngành nghề của mình. Ngoài ra trong suốt quá trình học, sinh viên được đi tham quan thực tế ở các nhà máy nhằm tiếp cận những công việc thực tế liên quan đến ngành Hóa học.
-Hiện nay, trường ĐH KHTN có Trung tâm hỗ trợ sinh viên có thể hỗ trợ thông tin về việc làm thêm trong quá trình học cũng như giới thiệu công việc sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, mỗi năm khoa Hóa đều có tổ chức Ngày hội việc làm nhằm giúp sinh viên có thêm thông tin về các nhà tuyển dụng.