e-News – Hà Tiên thập cảnh
Từ Long Xuyên, chỉ mất hơn ba giờ đi xe là đã đến phố biển Hà Tiên. Nếu khởi hành sớm, bạn sẽ được Hà Tiên chào đón bằng khung cảnh thơ mộng của bình minh trên biển và khi ra về tạm biệt Hà Tiên trong cái ráng chiều nhiều thi vị. Nên không có gì ngạc nhiên nếu mỗi khi nhắc đến du lịch biển, du khách An Giang lại nghĩ ngay đến “vùng biển tiên sa” này. Như bản thân tôi cũng đã hơn ba lần được đắm mình trong vẻ đẹp biển xanh, nắng vàng nơi đây mà vẫn mong có dịp trở lại.
Thị xã Hà Tiên nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, phía Đông và phía Nam giáp huyện Kiên Lương, phía tây giáp biển Tây, phía bắc giáp Campuchia. Từ lâu, Hà Tiên đã nổi tiếng có nhiều thắng cảnh đẹp, non nước hữu tình. Không ai nhớ chính xác tên gọi này có từ bao giờ. Chỉ biết Hà Tiên xưa kia thuộc vùng đất Mang Khảm (tục danh Trấn Phiên thành, còn gọi là Đồng Trụ trấn). Tương truyền rằng, ngày xưa vì mến cảnh trần gian nơi đây, tiên nữ thường xuất hiện tắm gội trên sông Giang Thành nên Mạc Cửu đặt tên là Hà Tiên.
Năm 1679, Mạc Cửu (quê quán Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) vì bất mãn với chế độ nhà Thanh, lưu lạc đến vùng đất Hà Tiên, chiêu tập lưu dân lập nên xứ Hà Tiên. Năm Hiển Tông đời thứ 7, nghe lời mưu sĩ Tô Quân cùng các thuộc hạ Trường Cầu, Lý Xá dâng biểu cầu thân với nhà Nguyễn. Kể từ ngày đó, Hà Tiên trở thành mảnh đất cuối cùng của đất Việt về hướng Tây Nam.
Hà Tiên cũng như nhiều vùng đất ven biển khác, đất rộng người thưa, xe chạy một khoảng xa mới thấy được vài căn nhà tập trung quanh một ruộng tôm, ruộng muối,… Nhà cửa nơi đây thường xây thấp thôi để tránh những cơn giận của gió biển, tránh sự hanh nóng của núi rừng. Nhưng đổi lại, Hà Tiên có lợi thế về du lịch và khoáng sản, nên vùng đất này ngày nay không ngừng phát triển về cơ sở hạ tầng, kinh tế, tuy nhiên vẫn không hề đánh mất vẻ hoang sơ của phố biển ngày nào.
Phố biển này đã thu hút du khách gần xa bởi những vẻ đẹp của tạo hóa. Có thể gói gọn trong bài thơ “Hà Tiên thập cảnh tống vịnh” của Mạc Thiên Tích như sau:
“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh
Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sững muôn năm cũng để dành”
Hà Tiên Thập Vịnh gồm mười bài thơ vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích lập tao đàn Chiêu Anh Các để tập hợp những anh tài trong thiên hạ cùng làm, khởi xướng từ năm Bính Thìn 1736 gồm:
1. Kim Dữ Lan Đào
Kim Dữ là hòn đảo vàng. Lan là ngăn chặn, đào là sóng to. Kim Dữ Lan Đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng to gió cả ở cửa biển Hà Tiên.
2. Bình San Điệp Thúy
Bình là tấm bình phong, san là núi. Bình san là dãy núi dựng như bức bình phong sau thành Hà Tiên. Điệp là trùng trùng lớp lớp, thúy là màu xanh chi trả. Bình San Điệp Thúy là ngọn núi như tấm bình phong sắc xanh lớp lớp. Bước theo những bậc thang xây lên núi Bình San sẽ đến lăng Mạc Cửu và nhiều lăng mộ lớn nhỏ khác của dòng họ Mạc. Do đó, núi Bình San còn có tên gọi khác là núi Lăng.
3. Tiêu Tự Thần Chung
Tiêu tự là cảnh chùa vắng vẻ tịch mịch. Thần chung là tiếng chuông thỉnh mỗi sáng. Tiêu Tự Thần Chung là tiếng chuông buổi sáng sớm, ngân vang ở cảnh chùa tịch mịch.
4. Giang Thành Dạ Cổ
Giang thành là thành bảo đồn thú bên bờ sông. Dạ cổ là tiếng trống cầm canh ban đêm. Giang Thành Dạ Cổ là tiếng trống cầm canh ở chỗ đồn thú bên bờ sông về ban đêm.
5. Thạch Động Thôn Vân
Thạch động là động đá. Thôn vân là nuốt mây. Thạch Động Thôn Vân là động đá nuốt mây. Trên vách động có hình nàng công chúa bị đại bàng bắt cóc đem về và nhiều hình ảnh khác tùy vào trí tưởng tượng phong phú của bạn.
6. Châu Nham Lạc Lộ
Châu nham là ngọn núi như châu ngọc. Lạc lộ là đàn cò trắng bay đáp xuống nghỉ cánh. Châu Nham Lạc Lộ là ngọn núi đá có đàn cò trắng bay đáp xuống nghỉ ngơi. Ngày nay gọi là núi Đá Dựng.
7. Đông Hồ Ấn Nguyệt
Đông hồ là hồ phía Đông thành Hà Tiên. Vì hồ ở phía Đông nên khi trăng mọc thì nhô lên ngay giữa mặt nước gương hồ. Thi nhân nhìn thấy bóng trăng in xuống mặt hồ y như chiếc ấn tròn đóng trên tờ giấy bạch nên gọi là ấn nguyệt. Đông Hồ Ấn Nguyệt là trăng in đáy nước hồ Đông.
8. Nam Phố Trừng Ba
Nam phố là bãi biển phía nam Hà Tiên. Trừng ba là lặn sóng.
Vì mùa giông nam ở Hà Tiên từ tháng tư đến tháng bảy, suốt mặt biển Tây Nam đâu đâu cũng có sóng bạc trùng trùng. Nhưng có một cánh bãi tục gọi là bãi Ớt nhờ địa thế nằm nép khuất sau một mũi núi sóng gió không lọt vào được. Thành ra dẫu là mùa nam biển động mà cánh bãi này vẫn êm đềm lặng lẽ như mặt nước ao thu nên gọi là Nam Phố Trừng Ba, tức là bãi biển phía Nam lặng sóng.
9. Lộc Trĩ Thôn Cư.
Lộc trĩ là mũi Nai, mũi núi như hình con Nai. Thôn cư là chốn thôn trại điền trang. Lộc Trĩ Thôn Cư là xóm mũi Nai.
10. Lư Khê Ngư Bạc.
Lư khê là rạch vược. Rạch vược là nơi có nhiều giống cá Vược. Ngư bạc là thuyền ngư đỗ bến. Lư Khê Ngư Bạc là bến chài rạch vược.
Hà Tiên không chỉ có Thập cảnh mà còn rất nhiều cảnh đẹp khác. Thiên nhiên ưu đãi cho Hà Tiên một tổng thể hài hòa: núi, biển, đảo và đồng bằng kết hợp thành một vùng đất đẹp như tên gọi. Tin rằng, du khách nào từng đến đây sẽ khó phai trong tâm tưởng bởi những nét đẹp được tô vẻ từ thiên nhiên.
Tham khảo:
– Lược trích “Văn học Hà Tiên” của Đông Hồ.
– “Hà Tiên thập cảnh” của Đông Hồ và Mộng Tuyết.
– “Hà Tiên thập cảnh” của Đông Hồ và Mộng Tuyết.
Bảo Châu – DH8NH