Dương Khiết, mối duyên với Tây Du Ký

Ở Trung Quốc thời Dương Khiết làm phim “Tây Du Ký”, hình tượng 4 thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh thật ra đã trở nên quen thuộc trong tưởng tượng của mọi người, từ kịch đến phim hoạt hình đều đã phổ biến, nhưng phim truyền hình thì chưa. Làm thế nào để cải biên từ danh tác của Ngô Thừa Ân thành bản phim truyền hình với những nhân vật bằng xương bằng thịt.

Phương châm 8 chữ mà Dương Khiết đặt ra cho chính bà cùng hai cộng sự biên kịch: “Trung thành nguyên tác, cải biên thận trọng”.

Trên đây là lời mở đầu trong cuốn hồi ký kể về quá trình làm phim “Tây Du Ký” của đạo diễn tài ba người Trung Quốc, bà Dương Khiết, người vừa qua đời hôm 15-4-2017, thọ tuổi 88.

“Phù thủy phim truyền hình”

“Dương Khiết, cô có dám dựng bản phim truyền hình “Tây Du Ký” không?”, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) Hồng Dân Sinh bất ngờ đưa ra câu hỏi trong buổi họp báo quảng bá cho bộ phim “Hồng Lâu Mộng” của đạo diễn Vương Phù Lâm, khiến Dương Khiết sửng sốt. Phút sửng sốt đó cũng là khoảnh khắc lịch sử trong cuộc đời bà. Bà Dương trả lời: “Có tiền thì có gì mà không dám làm!”. Ông Hồng lập tức giao việc cho bà: “Được, vậy “Tây Du Ký” sẽ do cô Dương Khiết đảm nhiệm!”.

Đó là tháng 11 năm 1981. Lời tuyên bố của ông Hồng khiến không chỉ Dương Khiết mà những người có mặt tại sự kiện ngày hôm đó đều cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Ngay bản thân Dương Khiết cũng không tin vào tai mình khi một đề tài khó đến như vậy lại được giao cho bà.

Nhớ lại bà vẫn còn bồi hồi: “Nhanh thật, Cục phó Hồng Dân Sinh ngay lập tức thực hiện lời hứa, vừa giao cho tôi một trọng trách vô cùng lớn lao nhưng cũng vô cùng vinh quang”.

Vợ chồng diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng và Vu Hồng thăm bà Dương Khiết.

Trong cuốn hồi ký kể về quá trình làm phim, bà ghi chép đầy đủ mọi chuyện, từ bối cảnh làm phim, chọn người hóa trang, chọn diễn viên… cho tới những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua để có thể cho ra đời tác phẩm mãi ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ người Trung Quốc cũng như khán giả màn ảnh nhỏ ở nhiều nước trên thế giới.

Bộ phim “Tây Du Ký” đưa Dương Khiết thành huyền thoại làng truyền hình Trung Quốc. Đây là tác phẩm đầu tiên trong tứ đại danh tác của Trung Quốc được đưa lên màn ảnh nhỏ. “Tây Du Ký” là phim được phát lại nhiều lần nhất trong lịch sử Trung Quốc, với khoảng 2.000 lần. Thời gian cho thấy dù kỹ xảo hạn chế, phim vẫn có sức sống mãnh liệt, là giấc mơ ngây thơ, bay bổng của hàng triệu tâm hồn.

Phim kể chặng đường đi Tây Thiên thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng. Quá trình làm phim được ví là chặng đường thỉnh kinh ngoài đời thực, với vô vàn sóng gió. Quả không quá lời khi nói rằng, nếu Ngô Thừa Ân chính là người tạo ra một trong tứ đại danh tác của nền văn học Trung Hoa – Tây Du Ký, thì có thể nói điều tương tự với nữ đạo diễn Dương Khiết trong lĩnh vực phim truyền hình với tuyệt phẩm cùng tên, phát sóng năm 1986.

Sau này, “bà phù thủy” đã dựng nên những hình tượng bất hủ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng, Sa Tăng… khiến hàng tỷ người bị mê hoặc theo những bước đường của 4 thầy trò sang Tây Trúc thỉnh kinh…

Cống hiến kiệt xuất

Người đạo diễn tài năng, “bà phù thủy” Dương Khiết đã biến những tưởng tượng phong phú trong thế giới thần thoại của Ngô Thừa Ân thành câu chuyện xuyên suốt không gian, thời gian… đi vào lòng người, làm cho cả người già, người trẻ, người có học, người không biết chữ ở Trung Quốc và nhiều nước khác… đều say mê, xem đi, rồi lại xem lại… đã qua đời vào ngày 15-4-2017.

Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Tôn Ngộ Không chia sẻ trên trang cá nhân với nội dung như sau: “Tôi nhận được thông tin đạo diễn Dương Khiết qua đời từ ông Trì Trọng Thụy (vai Đường Tăng), vô cùng đau đớn và bất ngờ, đây là mất mát to lớn đối với truyền hình Trung Quốc. Đạo diễn Dương Khiết là ân sư của tôi và cũng là người thầy đã hướng dẫn tôi trên con đường nghệ thuật. Nếu không có bộ phim kinh điển “Tây Du Ký” (1986) của đài CCTV, thì đã không có Lục Tiểu Linh Đồng (Chương Kim Lai) của ngày hôm nay.

Đạo diễn Dương Khiết sinh năm 1929, tại tỉnh Hồ Bắc, là nữ đạo diễn thế hệ thứ nhất của truyền hình Trung Quốc, đồng thời cũng là nhà điều hành sản xuất. Từ năm 1982 -1988, đạo diễn Dương Khiết đã mất 6 năm để dàn dựng bộ phim thần thoại đầu tiên “Tây Du Ký” trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc và đã trở thành tác phẩm kinh điển gắn bó với tên tuổi của bà trong suốt 30 năm qua.

Năm 1988, đạo diễn Dương Khiết quy tụ dàn diễn viên của phần 1 dàn dựng “Tây Du Ký” 2, giúp đài CCTV đặt dấu chấm kết hoàn mỹ cho series phim “Tây Du Ký”, mà đến nay vẫn chưa có một phiên bản nào vượt trội hơn. Đạo diễn Dương Khiết được bình chọn là một trong “10 đạo diễn xuất sắc Trung Quốc”, từ năm 1978 đến 1987. Năm 2010, đạo diễn Dương Khiết được Hội ủy viên công tác đạo diễn truyền hình Trung Quốc trao giải thưởng “Cống hiến kiệt xuất”.

Trả lời phỏng vấn tờ Ifeng, các thành viên trong đoàn phim “Tây Du Ký” cho biết ngày cuối cùng, bà được gia đình đưa về nhà và đã chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng tại nhà riêng. Trước khi mất, bà ấy cũng bày tỏ tâm nguyện tang lễ diễn ra giản dị, kín đáo, không gây ồn ào, không tổ chức rùm beng. Trước thông tin đau buồn này, khán giả, đặc biệt là những người yêu mến đạo diễn Dương Khiết bày tỏ sự thương xót với gia đình bà.

Đạo diễn Dương Khiết chỉ đạo một cảnh trong phim. Ảnh: Sina.

Thần kỳ phim truyền hình

Không thể phủ nhận “Tây Du Ký” dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Dương Khiết từng trở thành một tác phẩm “thần kỳ” gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Mặc dù thời điểm ghi hình cho bộ phim mọi điều kiện vật chất đều thiếu thốn và cũng không có nhiều công nghệ quay phim như hiện tại nhưng Dương Khiết vẫn cho ra đời một tác phẩm rất thành công và trở thành một cơn sốt toàn châu Á. Mặc dù sau này có khá nhiều bản “Tây Du Ký” khác được thực hiện nhưng chưa có tác phẩm nào có thể vượt qua được cái bóng quá lớn của “Tây Du Ký” 1986.

Khi lên ý tưởng thực hiện phim, đạo diễn Dương Khiết và ê-kíp gặp rất nhiều khó khăn. Đạo diễn Dương Khiết được mệnh danh là một nữ chiến binh bởi bà phải tranh đấu vô cùng gian khổ để có thể cho ra mắt bộ phim một cách trọn vẹn.

Chỉ riêng chuyện thiếu tiền mà bà Dương Khiết đã khắc phục được để cho ra mắt phim cũng đã là một kỳ công. Trong quá trình làm “Tây Du Ký”, vì không có tiền, chỉ có 1 máy quay được sử dụng và nhà quay phim Vương Sùng Thu chính là chồng bà. Cũng vì thiếu thiết bị hiện đại, quay phim thường phải đặt mình vào những góc độ rất kì quặc để có thể nắm bắt những khoảnh khắc của diễn viên như ý muốn. Có những lúc ông phải treo mình lơ lửng trên tấm ván hoặc nằm rạp xuống đất để các diễn viên nhảy qua người mình.

Cũng vì ít tiền, trong khi phần lớn chi phí làm phim được “ném vào” phần kỹ xảo nghệ thuật, và chỉ một tỷ lệ ngân sách khiêm tốn được dành để trả thù lao cho các thành viên trong đoàn. Mức cát-sê… cao nhất trong đoàn làm phim “Tây Du Ký” thuộc về đạo diễn Dương Khiết, Lục Tiểu Linh Đồng và Mã Đức Hoa, với khoảng 11,2 USD/tập phim. Mỗi tập mất 3-4 tháng để hoàn thành.

Sinh ra để đạo diễn “Tây Du Ký”, cả cuộc đời Dương Khiết đau đáu vì bộ phim. Nữ đạo diễn tiếc nuối vì thiếu tiền, bà không thể làm đẹp hơn. Kỹ xảo thô sơ, nhiều cảnh quay không được như ý… là điều được bà nhắc đi nhắc lại. Bà nhớ lại, vào những năm 80 của thế kỷ trước, việc kiếm nguồn tài trợ là vô cùng khó khăn, ê-kíp làm phim đã từng nghĩ đến việc giải thể vì hết kinh phí làm phim.

Trong thời gian này, có người đưa ý kiến lập quỹ tài trợ, quyên góp từ các cá nhân, công chúng khán giả nhưng ngay lập tức bị CCTV phản đối. Một số khán giả “nhí” khi biết đoàn phim vì không có tiền quay tiếp sẽ bị xóa sổ liền gửi tiền lì xì năm mới, tiền ăn sáng qua đường bưu điện đến cho đoàn phim. Dương Khiết còn nghe nói có vài tải thư gửi tiền như vậy được gửi đến trợ giúp đoàn phim.

Tuy vậy, nhà đài làm sao có thể nhận tiền của khán giả như vậy. Dương Khiết không nản lòng. Bà không tin “Tây Du Ký” lại bị bóp chết như thế. Cuối cùng, đoàn phim cũng đã nhận được tin vui khi lãnh đạo Cục Công trình 11 thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc đã ưu tiên hỗ trợ 3 triệu NT cho đoàn phim thực hiện những tập phim tiếp theo. Tin vui này khiến bà trào nước mắt vì “Tây Du Ký” được hồi sinh.

Bản lĩnh “nhạc trưởng”

“Tây Du Ký” là tác phẩm có sức sống bền bỉ hiếm có trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc, các diễn viên chính tham gia phim cũng trở thành những cái tên khó phai trong lòng khán giả. Nói tới thành công của phim, còn phải kể tới tài năng của dàn diễn viên như Lục Tiểu Linh Đồng – vai Tôn Ngộ Không; Diễm Hoài Lễ – vai Sa Tăng; Mã Đức Hoa – vai Trư Bát Giới; Trì Trọng Thụy và Uông Việt trong vai Đường Tăng…

Trước khi nhập vai, Dương Khiết yêu cầu Uông Việt tới chùa Pháp Nguyên ở Bắc Kinh, tìm hiểu lối sống nơi cửa Phật. Uông Việt cạo trọc đầu, mặc tăng y, thể nghiệm cuộc sống ở đây. “Ở chùa 10 ngày, cậu ấy trở về. Phó đạo diễn rất không hài lòng, phê bình Uông Việt không chịu khó, và gọi là kẻ bỏ trốn. Uông Việt cảm thấy oan uổng, nói với tôi rằng: ‘Em không chịu nổi muỗi cắn. Chúng không chỉ chích người mà còn chích trên đầu đến trọc tóc. Các hòa thượng không cho đánh muỗi, bảo là không được sát sinh”, Bà Dương kể lại.

Kể về cái “duyên” đến với “Tây Du Ký”, Dương Khiết cho biết, bà đam mê tác phẩm văn học cổ điển từ nhỏ. Bà đọc Tây Du Ký lần đầu năm lên 8. Thời đó, bố của Dương Khiết yêu cầu con gái đọc sách về cách mạng, không cho đọc tiểu thuyết. Bàn đọc của bố và của Dương Khiết đối diện nhau. Lúc bố cặm cụi viết lách, Dương Khiết lén đọc tiểu thuyết mình thích. Cứ như vậy, cô bé đọc hết tứ đại danh tác…

Bốn thầy trò Đường Tăng trên phim trường ngoại cảnh phim “Tây Du Ký” 1986.

Hồi nhỏ, Dương Khiết không đến trường, bà được bố dạy học. Bà cũng không được theo học một trường lớp chính quy nào về làm phim. Qua quá trình mày mò tự học, bà học hết tài liệu của Học viện Điện ảnh. Đầu thập niên 1980, phim truyền hình còn là thứ xa xỉ, lạ lẫm đối với người Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Dương Khiết là đạo diễn bộ môn nghệ thuật Hý khúc.

Một hôm, bà nói với chủ nhiệm Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Trung ương về ý muốn làm phim truyền hình, vị này nói: “Cô muốn dựng phim truyền hình? Thôi, cứ để các đạo diễn có chuyên môn làm đi”. Tuy nhiên đến tháng 11-1981, cuộc gặp với ông Hồng đã thay đổi cuộc đời bà.

Vương Sùng Thu – chồng bà Dương Khiết – kể, bà Dương là một đạo diễn nghiêm khắc: “6 năm quay phim, người trong đoàn nhiều vô kể. Nếu bà ấy không nghiêm khắc, làm sao quản lý nổi cả đoàn”. Nghiêm vậy, nhưng vô cùng tình cảm. 6 năm làm phim, đoàn Tây Du Ký không có một ngày nghỉ. Để vỗ về, an ủi mọi người, Dương Khiết quản lý cả đoàn theo cách người nhà cư xử với nhau. Bà tổ chức sinh nhật cho nhân viên, cùng mọi người đón lễ tết, chia sẻ từng miếng bánh…

“Hồi đó tinh thần phấn chấn, vui vẻ, ai nấy theo đuổi nghề nghiệp một cách vô tư, kiên trì, say mê. Không giống diễn viên bây giờ, ra đến cửa là có vệ sĩ, trợ lý. Nếu bây giờ bảo một diễn viên ở trong đoàn làm phim 6 năm, có lẽ không ai dám nghĩ đến”, ông Vương Sùng Thu nói.

“Điều đáng nói nhất về đoàn Tây Du Ký là, ở thời đó, những người làm phim không sợ khó, chẳng sợ khổ, ai ai cũng có tinh thần xả thân vì phim. Còn những thứ khác đã nói nhiều quá rồi, không cần nhắc lại nữa”, đạo diễn Dương Khiết chia sẻ trong một lần hiếm hoi với báo chí. Chỉ có điều duy nhất bà nuối tiếc, trăn trở, đó cũng là vì “Tây Du Ký”.

Để hoàn thành “Tây Du Ký”, bà đã phải sẻ đôi trái tim, một nửa cho bộ phim, một nửa cho cô con gái khi đó mới 12 tuổi, sống một mình. Bà phải nhờ khi thì bố mẹ già, khi thì hàng xóm, bạn bè chăm sóc… Trái tim bà luôn nhói đau khi mỗi lần nhớ lại cảnh bà không thể che chở cho cô con gái bé bỏng mỗi lần lên cơn đau đầu…