Dưới biển có gì

Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái đất và khiến cho Trái đất có màu xanh khi nhìn từ không gian bên ngoài. Bạn có biết rằng dưới đại dương xanh thẳm và bao la như vậy, ẩn chứa cả một kho báu khổng lồ. Hãy cùng tìm hiểu xem kho báu này có những gì nhé!

Biển và đại dương giống và khác nhau như thế nào?

Các đại dương trên Trái đất kết nối với nhau tạo thành một khối nước liên tục, bao phủ hơn 70% bề mặt Trái đất. Có năm đại dương là: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Nam Đại Dương và Bắc Băng Dương.

Biển là một nhánh nhỏ của đại dương, một phần được vây quanh bởi đất liền. Có khoảng hơn 50 vùng biển khác nhau trên toàn thế giới. Một số vùng biển lớn là: Biển Địa Trung Hải, Biển Ca-ri-bê, Biển Đông, Biển Okhotsk, Vịnh Mê-hi-cô,v.v… Tất cả biển và đại dương trên Trái đất hợp lại thành “thế giới đại dương” (World Ocean). Ngoại trừ điểm khác biệt kể trên, biển và đại dương có những đặc điểm tương tự như nhau. Vì vậy, người ta thường sử dụng cả hai thuật ngữ “biển” và “đại dương” mà ít khi có sự phân biệt cụ thể.

Nếu như không khí có chỉ số đo chất lượng không khí AQI (Air quality Index), nước có chỉ số chất lượng nước WQI (Water quality index) thì đại dương cũng có chỉ số sức khỏe cho riêng mình. 

Ocean Health Index (OHI) là chỉ số đánh giá chất lượng đại dương, được xây dựng dựa trên 10 tiêu chí về sinh thái, xã hội và kinh tế, bao gồm: Khả năng cung cấp thực phẩm, cơ hội đánh bắt cá cho ngư dân địa phương, khả năng cung cấp các sản phẩm tự nhiên, khả năng lưu trữ carbon, khả năng phòng hộ ven biển, khả năng cải thiện đời sống và kinh tế ngư dân ven biển, giá trị dịch vụ du lịch và giải trí, cảnh quan, nước sạch và đa dạng sinh học. OHI được coi là một công cụ hữu hiệu giúp các quốc gia kiểm soát sức khỏe sinh thái biển. OHI của Việt Nam đang xếp ở thứ hạng 150 trên 221 vùng biển trong bảng đánh giá – là thứ hạng khá thấp so với các quốc gia khác, từ đó có thể căn cứ theo các tiêu chí để để ra các biện pháp bảo vệ biển cũng như phát triển bền vững trong tương lai. [1]
 

Tại sao biển rất mặn?

Nếu bạn đã từng đến bãi biển, bạn sẽ biết rằng nước biển rất mặn. Nhiều bạn hẳn đã nhận ra, nước biển mặn do nó có chứa muối. Nếu có thể tách hết muối ra khỏi nước biển và rải nó trên bề mặt Trái đất, chúng ta có thể có một lớp muối dày hơn 150 mét, tương tự chiều cao của một tòa nhà 40 tầng. Vậy muối trong đại dương đến từ đâu?

Photo: Einsteinium03 Youtube

Thông qua các quá trình xói mòn của đất đá cùng với nước mưa và các dòng chảy, lớp đá rất cũ trong lớp vỏ của Trái đất (còn gọi là đá lửa) được chia nhỏ thành những mảnh li ti, hình thành nên muối và muối này được giải phóng vào đại dương và biển. Quá trình này bắt đầu từ cách đây hàng triệu năm, rất lâu trước khi con người xuất hiện.

Bạn chắc hẳn sẽ băn khoăn tại sao biển lại mặn cho dù nước ngọt từ sông, suối,… đổ vào đó hàng ngày. Như đã đề cập ở trên, vị mặn của biển xuất phát từ những quá trình tự nhiên; khối lượng nước ngọt từ sông suốt đổ ra không đủ để giảm được độ mặn của biển. Nếu độ mặn của nước ngọt là 0% thì độ mặn của nước biển là khoảng 3,5%.

Tại sao biển có màu xanh?

Khi lấy nước biển vào một chiếc cốc, chúng ta đều thấy rằng nước biển có vẻ trong suốt. Thế nhưng khi chúng ta nhìn vào biển từ phía xa, biển lại có màu xanh. Để hiểu lý do tại sao điều này xảy ra, trước tiên bạn cần biết ánh sáng mặt trời bao gồm nhiều cung bậc màu sắc: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh dương, chàm và tím. Những cung bậc màu sắc này chúng ta vẫn thường gọi là “bảy sắc cầu vồng”. Bảy cung bậc màu sắc có thể chia thành hai gam màu: màu nóng (đỏ, cam, vàng) và màu lạnh (xanh lá cây, xanh dương, chàm, tím).

Khi ánh sáng mặt trời chiều vào nước biển, các tia màu nóng có thể xuyên qua nhiều vật cản hơn, do đó các tia sáng màu này không ngừng bị hấp thu bởi nước biển và các sinh vật biển. Trong khi đó, các màu thuộc gam lạnh chỉ bị nước biển và những sinh vật màu lạnh như tảo biển hấp thu một phần nhỏ. Phần lớn loại tia sáng màu này sẽ bị cản trở bởi nước biển và tán xạ ra xung quanh, hoặc bị phản chiếu ngược trở lại. Ở những vùng biển nước sâu, ánh sáng bị tán xạ càng nhiều, nước biển lại càng có màu xanh sẫm.

Ngoài ra, trên thế giới cũng cò một số vùng biển có màu lạ. Biển Đỏ có màu đỏ bởi nó có rất nhiều tảo đỏ trong đó. Một biển khác là Biển Đen trông có vẻ gần như màu đen. Nước biển ở đây có chứa một nồng độ cao hyđrô sunfua. Tuy nhiên cũng đừng quá lo lắng, da bạn sẽ không chuyển sang màu hồng hay xám nếu bạn có tình cờ đi bơi ở các vùng biển này đâu!

Tại sao nhiệt độ nước lại khác nhau giữa các vùng biển?

Nguồn nhiệt lớn nhất mà nước biển nhận được là từ mặt trời. Tuy nhiên, do sự phân bố của bức xạ mặt trời không đồng đều trên các vùng địa đới khác nhau, nhiệt độ nước biển ở các vùng biển hay đại dương trên thế giới cũng không giống nhau. Ví dụ như ở Biển Đông nước ta, biển ở miền Bắc có nhiệt độ dao động từ 22 đến 24 độ C, trong khi đó biển ở miền Nam là khoảng từ 25 đến 27 độ C.[2] Do vậy, khi đi tắm biển ở miền Nam, bạn có thể cảm nhận nước biển ở đó ấm áp hơn một chút đấy!

Biển không ngừng chuyển động!

Khi đến các bãi biển, chúng ta có thể thấy biển không bao giờ đứng yên mà chuyển động liên tục. Một số chuyển động có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, nhưng cũng có một số chuyển động chỉ diễn ra ở các tầng nước rất sâu của đại dương.

Sóng biển: Sóng biển được hình thành chủ yếu từ gió. Đây là hiện tượng chuyển động của nước diễn ra ở lớp nước gần mặt biển. Sóng có thể di chuyển hàng nghìn ki-lô-mét trước khi vào đến đất liền. Sóng biển có thể lăn tăn gợn sóng hiền hòa, nhưng cũng có thể mạnh mẽ, dữ đội và cao đến hàng chục mét khi có bão. Các yếu tố, chẳng hạn như tốc độ gió và thời gian nước bị gió thổi, sẽ giúp quyết định kích thước, hình dạng khác nhau cũng như tần suất của sóng biển.[3]

Sóng thần: Sóng thần hình thành do một sự xáo trộn lớn ở đại dương, có thể là một trận động đất, một vụ lở đất hay phun trào núi lửa. Sóng thần rất khó dự đoán, do vậy khi một trận động đất sắp xảy ra, người ta cũng đưa ra lời cảnh báo về sóng thần. Sức phá hủy của một cơn sóng thần là vô cùng khủng khiếp. Khi ở ngoài khơi, một cơn sóng thần có thể di chuyển với vận tốc 800-965 km/giờ, ngang với vận tốc của một chiếc máy bay phản lực! Khi đến vùng nước nông gần bờ, vận tốc của cơn sóng có giảm đi, chỉ còn khoảng 50 km/giờ. Tuy nhiên lúc này cơn sóng thần có thể cao tới 15 đến 30 mét, hoàn toàn có thể dễ dàng và nhanh chóng nhấn chìm và phá hủy cả một thành phố ven biển. Gần đây nhất, năm 2011, một trận sóng thần cao 15 mét xuất hiện tại Fukushima, Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 ngàn người, khiến hơn 60 ngàn người phải di tản, đồng thời gây ra sự cố rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.[4]

Thủy triều: Thủy triều là sự lên – xuống của nước biển theo một chu kỳ nhất định. Thủy triều được hình thành do lực hấp dẫn của Mặt trăng (phần lớn) và Mặt trời (phần nhỏ). Cư dân ven biển thường nhận thấy có hai loại thủy triều trong một ngày: Nhật triều và Bán nhật triều. “Nhật triều” là trong một ngày quan sát được 1 lần triều lên và 1 lần triều xuống, phổ biến ở vùng biển phía Bắc nước ta và Thanh Hóa. “Bán nhật triều” là trong một ngày quan sát được 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống, phổ biến ở những vùng biển gần xích đạo, như ở nước ta là ở biển Thuận An (Huế),… Ngoài ra, “triều cường” là hiện tượng thủy triều lên cao nhất vào ngày không có trăng và ngày trăng tròn; “triều kém”là khi thủy triều xuống thấp vào ngày trăng khuyết.

Dòng chảy: Dòng chảy là sự di chuyển của khối nước lớn theo một hướng nhất định. Dòng chảy có thể chỉ chạy tạm thời theo một hướng rồi chuyển dòng hoặc cũng có thể chạy mãi theo hướng đó. Chúng ta có thể nhìn thấy những dòng chảy ở gần bề mặt nước, tuy nhiên có những dòng chảy chỉ xuất hiện ở tầng nước sâu của đại dương. Dòng hải lưu cũng là một loại dòng chảy, chúng được gọi là các dòng sông trong đại dương bởi chúng chảy cố định theo một hướng. Có 2 loại dòng hải lưu chính là dòng hải lưu nóng và dòng hải lưu lạnh. Dòng hải lưu nóng bắt nguồn từ xích đạo chảy về hai cực, khiến cho khí hậu vùng ven biển ẩm ướt, mưa nhiều. Ngược lại, dòng hải lưu lạnh bắt nguồn từ hai cực chảy về xích đạo, khiến cho vùng ven biển khô hạn, ít mưa.

Dòng chảy xa bờ: Dòng chảy xa bờ là một luồng nước mạnh chảy theo hướng vuông góc từ bờ ra biểm. Tuy với kích thước nhỏ (từ 3 đến 30 mét, chiều dài 100-150 mét) nhưng tốc độ của dòng chảy xa bờ có thể đạt cực đại ở 2 mét/giây.[5] Với vận tốc này, dòng chảy xa bờ có thể cuốn trôi người tắm biển ra khoảng 120 mét chỉ trong 1 phút! Khi đó, không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Để thoát khỏi dòng chảy xa bờ, chúng ta cần giữ bình tĩnh, tránh bơi ngược dòng biển mà bơi song song với bờ biển (vuông góc với dòng chảy).[6]

Sự sống ở biển

Đại dương chính là ngôi nhà chung cho hàng triệu sinh vật biển. Sinh vật biển là các loài động vật, thực vật, vi khuẩn, vi-rút rất đa dạng sinh sống trong thế giới đại dương, từ loài có kích thước nhỏ chỉ vài micrô-mét như vi tảo cho đến loài động vật lớn nhất thế giới là cá voi xanh, phân bố từ vùng nước lợ cửa sông, bờ biển cho đến đáy biển sâu thẳm. Về cơ bản, sinh vật biển xác định bản chất của hành tinh chúng ta. Sinh vật biển tạo ra khí ôxy mà chúng ta hít thở. Các bờ biển phần nào đó được hình thành và bảo vệ bởi mạng lưới các sinh vật biển, thậm chí chính các sinh vật biển cũng giúp hình thành nên những vùng đất mới ven bờ.

Hầu hết các dạng vật chất sống trên Trái đất đều bắt nguồn từ môi trường biển. Đại dương cung cấp khoảng 99% không gian sống trên Trái đất. Những động vật có xương sống đầu tiên xuất hiện dưới dạng các loài cá. Một số trong số này phát triển thành những loài lưỡng cư, sinh sống một phần trong nước, một phần trong đất liền. Một số phát triển thành động vật có vú trên đất liền, sau đó quay trở lại sống trong nước, ví dụ như hải cẩu, cá heo, cá voi. Các dạng thực vật trong nước, như tảo, cũng phát triển, trở thành nền tảng cho một số hệ sinh thái biển. Thực vật phù du là những sinh vật sản xuất chủ chốt trong chuỗi thức ăn đại dương. Tổng cộng có khoảng 230 000 loài sinh vật biển đã được xác định, bao gồm hơn 16 000 loài cá, và ước tính có khoảng 400 000 – 700 000 loài sinh vật biển chưa được ghi nhận.[7]

Nơi cư ngụ của các loài sinh vật có phạm vi từ vùng nước bề mặt cho tới những rãnh đại dương sâu nhất, bao gồm rạn san hô, rừng tảo biển, thảm cỏ biển, vũng nước triều, bãi bùn, bãi cát, tầng đá đáy biển, vùng biển khơi,…

Biển Việt Nam sở hữu khoảng 20 hệ sinh thái khác nhau như hệ sinh thái cửa sông ven biển, hệ sinh thái bãi bồi, vùng triểu, rừng ngập mặn, rạn san hô,… Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 11 000 loài sinh vật biển. Trong đó, có khoảng 2000 loài cá, 6000 loài động vật đáy, hơn 600 loài tảo, 14 loài cỏ biển… Bên cạnh đó, biển Việt Nam cũng có những động vật như tôm biển, rùa biển, rắn biển, chim nước,… rất đa dạng về loài.[8]

Bạn có biết?

  • Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất trên thế giới và chiếm tới 30% bề mặt Trái đất.
  • Biển Chết được mệnh danh là biển mặn nhất thế giới với nồng độ muối lên tới khoảng 30%, nghĩa là gấp 7-8 lần độ mặn trung bình ở những nơi khác. Chính bởi độ mặn đáng kinh ngạc như vậy, bạn không cần biết bơi mà vẫn có thể nổi trên mặt nước!
  • Hiện tượng mặt biển chia đôi là hiện tượng nước biển chia thành hai màu xanh khác nhau, thường xuất hiện ở cửa sông nơi nước sông chảy ra biển hoặc khu vực giao nhau của hai đại dương. Sự chênh lệch về độ mặn của nước chính là lời giải đáp cho hiện tượng này.
  • Hiện tượng mặt biển chia đôi

Nguồn ảnh: Rahul Gupta, Marine Insight.

  • Thủy triều đỏ, hay còn có tên gọi khác là tảo nở hoa, là hiện tượng tảo biển phát triển quá mức và tập trung ở một vùng nước với mật độ cao. Nguyên nhân của hiện tượng này là do gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong nước, có thể do nước thải ô nhiễm từ bờ. Quá trình này sinh sản ra độc tố, làm giảm ôxy hòa tan,… có thể giết chết các loài cá, động vật có vú,… sinh sống dưới biển.

Hiện tượng Thủy triều đỏ. Nguồn ảnh: Space Coast Daily, trích Wall Street OTC Image

  • Nước biển ở đảo Maldives nổi tiếng với những con sóng phát quang. Đó là do sự hiện diện của vô số sinh vật phù du, sinh vật đơn bào hoặc động vật thuộc nhóm giáp xác có khả năng phát quang nhằm thoát khỏi sự chú ý của những kẻ săn mồi.
  • Ở Việt Nam, tục thờ Cá Ông, tức cá voi, cá heo,… hay các loài cá lớn nói chung là một tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng duyên hải miền Trung và miền Nam, từ Thanh Hóa trở vào. Theo ngư dân, Cá Ông chính là hiện thân của thần Nam Hải. Họ thường thờ Cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm.

Tục thờ Cá Ông. 
“Lời cầu nguyện cho linh hồn cá Ông” bởi nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh, chiến thắng trong cuộc thi ảnh Our Ocean, One Future.

  • Trong văn hóa nhân loại, biển xuất hiện dưới những hình thức trái ngược nhau, lúc dữ dội, lúc thanh bình, vừa tốt đẹp nhưng đầy hiểm nguy. Biển chiếm một vị trí trong văn học, nghệ thuật, thi ca, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc cổ điển,…