Dùng các loại hạt khô ngày Tết, cần lưu ý điều gì?
Theo chuyên gia y tế, những ai có vấn đề về hô hấp nên hạn chế dùng các loại hạt khô có trong ngày Tết như hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí…
Hạt khô ngày Tết dễ gây kích ứng hô hấp
Trong ngày Tết, nhiều loại hạt khô như hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí… có mặt trên bàn khách của mọi nhà.
Mặc dù các loại hạt mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng, chứa các nhóm chất tốt cho cơ thể như đạm, chất xơ, các loại vitamin, các axit béo không no nhưng theo khuyến cáo của các bác sĩ, do đặc điểm cấu trúc và cách chế biến, bảo quản, các loại hạt ngày Tết có thể tiềm ẩn một số nguy cơ cho sức khỏe hệ hô hấp nhưng ít người để ý.
Các loại hạt thường được dùng trong ngày Tết
Ths. BS. Lã Quý Hương, Khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo, người đang có vấn đề về hô hấp không nên ăn nhiều các loại hạt trong ngày Tết, khi ăn nên chú ý loại bỏ hết phần vỏ cứng, tách bỏ vỏ lụa, chỉ ăn phần nhân hạt để giảm nguy cơ gây ho. Khi ăn hạt, tránh sử dụng đồ uống lạnh, hút thuốc lá, sẽ càng làm dễ kích ứng cổ họng gây ho, khàn giọng.
Hơn nữa, trong quá trình thu hoạch và bảo quản, hạt có thể bị nấm mốc, hỏng từ bên trong, bám nhiều bụi, bị nhuộm phẩm màu công nghiệp… Ngoài gây ra các vấn đề về tiêu hóa, hạt bị nấm mốc, bụi và nhiễm hóa chất còn có thể gây kích ứng đường hô hấp, ho nhiều, thậm chí khởi phát cơn hen cấp tính ở người bệnh hen suyễn. Do đó, mọi người nên chọn mua hạt tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tốt nhất nên dùng tay tách hạt để tránh nuốt trực tiếp bụi, hóa chất vào cơ thể.
Cảnh báo hóc các loại hạt
Các loại hạt ngày Tết thường có kích thước nhỏ, một số loại hạt có dáng tròn (hạt đậu nành, lạc) rất dễ hóc sặc nếu ăn không cẩn thận. Trong một số trường hợp, dị vật không ra ngoài được mà sẽ trôi sâu hơn xuống đường thở, rơi vào phế quản, gây khó thở, có thể nguy hiểm tính mạng.
Theo khuyến cáo của BS. Hương, nếu chẳng may bị hóc, sặc, người bệnh nên xử trí như sau:
Cố gắng ho để tống dị vật ra khỏi đường thở. Nếu bị sặc khó thở, không nói được, người nhà cần thực hiện liên tục phương pháp ép bụng, vỗ lưng cho đến khi dị vật được đẩy ra ngoài. Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật hoặc vuốt xuôi xuống vì có thể làm dị vật rơi sâu hơn vào đường thở.
Nếu tất cả phương pháp sơ cứu không có hiệu quả, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.
Đặc biệt, trẻ nhỏ, người già là những người có cơ nhai nuốt yếu, cần chú ý khi ăn các loại hạt; riêng trẻ nhỏ chỉ nên ăn hạt đã được bóc sẵn vỏ. Khi ăn không nên cười nói to hoặc chạy nhảy có thể dẫn đến hóc, sặc.
“Mặc dù các loại hạt ngày Tết chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhưng chúng cũng rất giàu năng lượng, do đó chúng ta không nên ăn quá nhiều. Với người bệnh hen suyễn, từng có tiền sử dị ứng với một loại hạt bất kỳ cần lưu ý tránh sử dụng hạt đó”, BS. Hương thông tin.