Dự thảo (sửa đổi) Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chỉ để cho vui?!
10% TỶ LỆ RỦI RO
Dự thảo Nghị định 39 (sửa đổi) về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 3 điều, điều 1 quy định các nội dung sửa đổi, bổ sung so với Nghị định số 39 năm 2019; điều 2 quy định chuyển tiếp và điều 3 là điều khoản thi hành.
Trong đó, điều 1 của dự thảo tập trung sửa đổi về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của quỹ, bỏ quy định quỹ hoạt động theo mô hình “công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” và bổ sung quy định “Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa” là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Về cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Cơ cấu tổ chức tương tự cơ cấu tổ chức đã quy định tại Nghị định số 39 gồm Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Giám đốc và bộ máy giúp việc. Phương án 2: Thay đổi cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm Hội đồng quản lý, Kiểm soát viên và Cơ quan điều hành Quỹ.
Trong đó, cơ quan chủ trì soạn thảo ưu tiên lựa chọn phương án 2, với ưu điểm là bộ máy tổ chức tinh gọn, không có tầng lớp trung gian trong điều hành hoạt động.
Dự thảo cũng quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về lộ trình đối với hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ. Theo đó, hoạt động cho vay trực tiếp của quỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro do đối tượng cho vay là DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nên cần có lộ trình để thực hiện, bảo đảm Quỹ cho vay hiệu quả và an toàn.
Để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn của Quỹ và thúc đẩy các ngân hàng thương mại hợp tác với Quỹ để giải ngân, dự thảo Nghị định đã sửa đổi điều kiện vay vốn theo hướng đơn giản hơn, trao quyền quyết định mức phí cho vay gián tiếp cho quỹ và ngân hàng; đồng thời không giới hạn mức phí cho vay gián tiếp.
Quy định về hoạt động tài trợ cũng được sửa đổi theo hướng đơn giản, tiến bộ hơn, dựa trên cơ sở tham khảo mô hình tài trợ tại các diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo GEN, mô hình tài trợ của KOSME (Hàn Quốc) và một số Quỹ tài chính nhà nước tại Việt Nam…
Dự thảo cũng sửa đổi về tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ, từ 5% thành 10% do hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ cho vay DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có tính rủi ro cao, là hoạt động đầu tư mạo hiểm, vì thế quỹ sẽ chịu toàn bộ rủi ro trong hoạt động. Ngoài ra, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc sử dụng vốn nhàn rỗi thuộc vốn hoạt động của quỹ.
ảnh minh hoạ (vietnamplus.vn)
PHẢI SỬA LUẬT HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DN NHỎ VÀ VỪA
Dự thảo Nghị định 39 (sửa đổi) về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có giải quyết được những khó khăn vướng mắc hiện nay? Phóng viên VOV Giao thông phỏng vấn TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) ở góc nhìn đại diện cho nhóm thụ hưởng chính sách này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 39 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa?
TS. Tô Hoài Nam: Đây là việc làm cần thiết, bởi trong bối cảnh hiện tại trên 75% DN nhỏ và vừa đang thiếu vốn, trong khi đó kênh tiếp cận vốn với các tổ chức tín dụng luôn có những tồn tại, hạn chế về mặt các quy định không tương thích với nhau. Ví dụ chuẩn của các tổ chức tín dụng luôn cao hơn cái mà DN có thể đáp ứng được.
Kinh nghiệm thế giới và các bài toán xử lý thường phải có các định chế tài chính như các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên biệt. Tôi đã tham gia xây dựng, thành lập quỹ này từ giai đoạn xây dựng ý tưởng và trực tiếp làm thành viên hội đồng quản lý nhiệm kỳ đầu tiên.
Sau đó do thay đổi của các quy định pháp luật nên hoạt động của quỹ bị giảm đi, quy mô nhỏ hơn và nhiều lúng túng hơn trong quá trình hoạt động, không phát huy được ý nghĩa khi xây dựng là hỗ trợ cho khu vực DN nhỏ và vừa
PV: Theo ông các quy định đưa ra trong Dự thảo nghị định lần này đã tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay?
TS. Tô Hoài Nam: Theo tôi sửa đổi thì phải sửa đổi 2 hoạt động, một là về mặt tổ chức hoạt động, cơ cấu và thứ hai là nội dung hoạt động. Hiện nay dự thảo do Bộ KH&ĐT xây dựng cơ bản đã tiếp thu những điều đó, trên cơ sở những hạn chế trong hoạt động của quỹ đã mở ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề đó.
Câu hỏi của chị đặt ra là có giải quyết được hết không, tôi cho rằng không giải quyết hết được, bởi đây là dự thảo nghị định mà nghị định thì không thể cao hơn luật được. Vì thế phải cố gắng làm sao hạn chế được tối đa nhất những cái cứng nhắc, gò bó khả năng hoạt động, làm cho quỹ không phát huy được vai trò và không tháo gỡ được khó khăn cho cộng đồng DN, không phát huy sứ mệnh của nó.
Vì thế muốn giải quyết được hết các tồn tại đó thì phải sửa Luật hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa.
PV: Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 phương án về cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ, ông nghiêng về phương án nào và tại sao?
TS. Tô Hoài Nam: Chúng ta biết là trong phương án của mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lựa chọn phương án hội đồng quản lý quỹ là cơ quan lãnh đạo cao nhất của quỹ theo ý tưởng thành lập từ ban đầu. Đấy là phương án tôi cho là đúng với tình hình thực tế, vì nhiệm kỳ 1 hoạt động tốt hơn tất cả các nhiệm kỳ sau.
Vì thế mô hình nào hoạt động có kết quả cao nhất, không vi phạm pháp luật thì đấy là mô hình phù hợp. Tôi nghĩ đấy là sự mạnh dạn, thể hiện tính nghiêm túc và cầu thị, đây cũng là điểm mà tôi rất trân trọng trong bản dự thảo.
PV: Xin cảm ơn ông!
ảnh minh hoạ (tapchitaichinh.vn)
DỰ THẢO ĐƯA RA ĐỂ CHO VUI
Các quy định về điều kiện cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được nới lỏng và đảm bảo tính khả thi hay chưa? Phóng viên VOVGT phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 39 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Ông Nguyễn Văn Thân: Những sửa đổi này đã đi đúng hướng nhưng chưa đi vào trọng tâm, bởi quan trọng nhất là điều kiện cho vay phải thấp hơn hẳn so với các điều kiện cho vay của ngân hàng, thứ hai là nguồn vốn.
Vốn ngân sách có 2 nghìn tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, số vốn này rất nhỏ nếu cứ để như thế kể cả khi sửa đổi thì hiệu quả cũng không cao, không giúp được DN nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh hiện nay DN đang rất cần vốn.
Bởi vì, thứ nhất là cơ chế không lợi nhuận và thứ hai là thu hút nguồn vốn từ các nguồn, trong khi nguồn vốn này chủ yếu nguồn từ ngân sách nhà nước, nguồn từ những chỗ khác rất ít ỏi nên không thể hy vọng nguồn khác có nhiều được.
Bên cạnh đó trình độ quản lý, sản xuất kinh doanh của DN nhỏ và vừa thấp hơn nên nếu theo định chế của ngân hàng thì không cho vay được. Cái này chúng ta vẫn quy định chặt chẽ, không có đột phá, cần phải xác định rõ cho vay cái này tính mạo hiểm cao thì quỹ phải giảm các điều kiện cho vay đi mới có thể làm được.
Vì thế theo đề cương dự thảo này quỹ hoạt động cũng sẽ không hiệu quả, điều này tôi đã cảnh báo hàng chục năm nay rồi.
PV: Ngoài các nội dung mà dự thảo Nghị định đã đề cập ông có bổ sung gì thêm để làm sao Quỹ này hoạt động thực sự hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Thân: Hiện nay về nguồn vốn của nhà nước chỉ có 2 nghìn tỷ đồng, thậm chí tổng kết 3 năm vừa rồi cũng không kí được, trong khi quỹ này hàng tháng cứ hao hụt đi không có gì bù đắp.
Quan niệm quỹ trực tiếp cho vay nhưng bộ máy lại rất ít, Giám đốc – Chủ tịch lại hưởng lương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính trách nhiệm tôi nghĩ là không cao, đặc biệt trong việc cho vay người đứng ra phải thực sự nhiêm túc và có các bộ phận lành nghề.
Cho nên tôi nghĩ dự thảo đưa ra là để cho vui chứ không phải để thực hiện, không cho vay được.
Khi không cho vay được lại ủy quyền nhờ ngân hàng cho vay, nhưng bây giờ các ngân hàng họ cũng đều có khối cho DN nhỏ và vừa vay với nhiều ưu tiên ưu đãi. Vì thế giải pháp là phải tăng nguồn và giảm điều kiện cho vay, có cơ chế rất rõ ràng thì người cho vay mới dám cho vay được.
Hiện lãi suất được quy định bằng 80% lãi suất của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, khi DN nhỏ và vừa họ đang rất cần vốn thì việc giảm lãi suất không phải là lớn lắm, cơ bản là điều kiện cho vay phải chấp nhận một sự rủi ro lớn hơn rủi ro của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế thì độ rủi ro của các khoản vay của DN nhỏ và vừa thấp hơn các DN lớn, vừa rồi thất thoát nhiều là từ mấy DN lớn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 39 đến hết tháng 9/2022 tổng số vốn Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa chấp thuận cho vay là hơn 233 tỷ đồng, vốn đã giải ngân đạt gần 178 tỷ đồng.
Con số này khá khiêm tốn so với vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 2 nghìn tỷ đồng và kết quả cho vay thấp hơn so với giai đoạn cách đây gần 10 năm khi thực theo Quyết định 601; đối tượng hỗ trợ cũng bị thu hẹp và rất khó đảm bảo đồng thời mục tiêu giải ngân số lượng lớn với mục tiêu bảo đảm an toàn vốn. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Nghị đinhh 39 là hết sức cần thiết.
Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Nghị định 39 (sửa đổi)? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư.
—
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần, trên vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.