Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt khoảng 200.000 tỉ đồng
FE Credit thị phần lớn
Thời gian vừa qua, lực lượng công an đã khởi tố một số vụ án liên quan đến Công ty CP Kinh doanh F88, khám xét và lấy lời khai nhân viên Công ty tài chính Mirea Asset, gần đây, ngày 28.3, công an đã phong tỏa, kiểm tra Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit tại TP.HCM.
Vì sao các công ty cầm đồ và tài chính lại lọt vào “tầm ngắm” của công an? Và các công ty này hiện nay đang làm ăn như thế nào?
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính được phép hoạt động theo luật. Tính đến hết năm 2022 (con số thống kê mới nhất), dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 200.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Còn theo báo cáo của một số công ty chứng khoán, hiện công ty có thị phần lớn nhất là FE Credit, chiếm 50% dư nợ của các công ty tài chính tính đến quý 2/2022. Các công ty có thị phần lớn tiếp theo như Home Credit (15%), HD Saison (10%), Mcredit (9%)…
Cột 1FE Credit 50%Home Credit 15%HD SaiSon 10%Mcredit 9%
Về hiệu quả hoạt động của các công ty này, FE Credit dù chiếm thị phần tới 50% nhưng tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong những năm gần đây, thậm chí ghi nhận lỗ trong năm 2022 vừa qua. Công ty chứng khoán VCBS cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỉ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh. Đáng nói, tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính này cuối quý 4/2022 là 21,8%, cao hơn nhiều so với mức 14,1% cuối năm 2021.
FE Credit tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng thuộc VPBank. Năm 2015, VPBank chuyển hoạt động Tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (được nhận diện với thương hiệu FE Credit). Năm 2021, VPBank bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản. Hiện FE Credit vẫn là công ty tài chính có quy mô cho vay lớn nhất trên thị trường tín dụng tiêu dùng, với dư nợ cuối năm 2022 trên 75.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, HD Saison tiền thân có tên gọi tắt là SGVF, thuộc sở hữu của Ngân hàng Société Générale đến từ Pháp. Sau đó, HDBank mua lại 100% vốn chủ sở hữu, SGVF đổi tên thành HDFinance. Đến tháng 3.2015, Credit Saison (Nhật Bản) đầu tư vào HDFinance, nắm giữ 49% vốn điều lệ và HDFinance sau được đổi tên thành HD Saison như hiện nay.
Trong khi FE Credit là công ty tài chính có thị phần cho vay tiền mặt lớn nhất thì HD Saison lại đang sở hữu lợi thế ở mảng cho vay mua xe máy. Theo thông tin của HDBank, thị phần cho vay xe máy của HD Saison năm 2022 là 41%, tăng so với mức 34% của năm 2021 và cao nhất thị trường. Cuối năm 2022, tổng tài sản của HD Saison đạt 17.900 tỉ đồng, tăng 27,8% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.152 tỉ đồng,
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit) thành lập năm 2016, muộn hơn so với FE Credit và HD Saison. Đây là Công ty tài chính liên doanh giữa ngân hàng MB và ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản), mỗi bên sở hữu 50% vốn công ty.
Năm 2022, doanh thu của MCredit đạt 5.687 tỉ đồng, tăng 63% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lên tới 1.201 tỉ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ.
Còn Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam có nguồn gốc từ châu Âu, do PDF Group nắm giữ 100% vốn. Vào Việt Nam năm 2008, Home Credit hiện là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực vay tiêu dùng trả góp. Tháng 9.2022, vốn điều lệ của công ty tài chính này được điều chỉnh tăng mạnh từ mức 550 tỉ đồng lên 2.050 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận liên tục sụt giảm trong những năm gần đây, từ 1.636 tỉ đồng năm 2017 xuống 638 tỉ đồng năm 2020.
Đáng chú ý, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt VietCredit (tiền thân Công ty tài chính cổ phần xi măng Việt Nam – CFC) là công ty tài chính duy nhất hiện nay đang niêm yết trên sàn chứng khoán (mã TIN – sàn UpCOM). Báo cáo tài chính của công ty được kiểm toán bởi KPMG – 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Theo đó, thu nhập lãi thuần lũy kế cả năm đạt hơn 1.315 tỉ đồng, tăng 9,4% so với mức thực hiện năm 2021. Tổng tài sản của công ty trong năm 2022 tăng 5,25% so với năm trước, đạt hơn 6.535 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2022, VietCredit báo lãi sau thuế gần 64 tỉ đồng, tăng 73% so với mức thực hiện năm 2021.
Về cơ cấu cổ đông, theo báo cáo bán niên năm 2021, VietCredit có vốn điều lệ hơn 687 tỉ đồng tương đương hơn 68,7 triệu cổ phần (năm 2022 tăng vốn lớn hơn 700 tỉ đồng) trong đó có 1 cổ đông lớn chiếm 14,59% là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và các cổ đông nhỏ chiếm 85,41% (134 cổ đông).
Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch HĐQT (ông Phương từng làm Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Ngân hàng TMCP Bản Việt) đang sở hữu hơn 2,9 triệu cổ phần tương ứng 4,32% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Chí Hiếu, thành viên HĐQT của VietCredit (Giám đốc Công ty CP Timo Việt Nam) sở hữu hơn 3,2 triệu cổ phần tương đương 3,38% vốn điều lệ.
Lãi suất công ty nào cao nhất?
Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính đã góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn từ các gói vay của ngân hàng thương mại, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, đi cùng với những giá trị tích cực cũng xuất hiện nhiều góc nhìn tiêu cực như phương thức đòi nợ, lãi suất cho vay của các công ty tài chính quá cao. Đây cũng là lý do nhiều công ty tài chính đang lọt vào “tầm ngắm” của lực lượng công an.
Thống kê cho thấy, hiện FE Credit là công ty có lãi suất vay khá cao, từ 21%/năm; Home Credit 22,8%/năm; HD Saison gần 18%/năm; Prudential Finance khoảng 18%; Mcredit khoảng 17%/năm. Cá biệt có những khoản vay trả góp lên tới thậm chí 39 – 40%/năm.
Lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đang quá cao
Ngọc Thắng
Theo một chuyên gia tài chính, hiện chi phí vay tại các công ty tài chính phổ biến trong khoảng 20 – 30%/năm, thậm chí cao hơn. Lãi suất cao bởi công ty tài chính cho vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, điều kiện vay lại dễ dàng hơn so với ngân hàng nên dễ tiếp cận được đa số những người dân có nhu cầu vay nhanh. Tuy nhiên, rủi ro là nợ xấu cũng cao hơn.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trên thị trường có hai loại hình cho vay là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an quản lý, hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo bộ luật Dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động dưới sự cấp phép và quản lý của NHNN thực hiện theo luật Các tổ chức tín dụng và luật Doanh nghiệp.
Ông Hùng lưu ý, hai đối tượng của công ty cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng dưới chuẩn, vì vậy Hiệp hội đề nghị NHNN cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động.