Du lịch Tam Cốc Bích Động ở Ninh Bình

Tam Cốc Bích Động ở đâu?

Tam Cốc Bích Động là một khu vực cảnh quan rộng lớn, nổi bật với những hang động đá vôi, phong cảnh làng quê tuyệt đẹp và ngôi chùa cổ Bích Động. Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động nằm ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía nam.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình là một phần trong Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản thế giới kép đã được UNESCO công nhận về các giá trị văn hóa và tự nhiên.

Tam Cốc – Bích Động mùa nào đẹp nhất

Nên đi đến khu du lịch Tam Cốc Bích Động vào thời gian nào? Với hai mùa cơ bản là mùa mưa và mùa khô, Tam Cốc – Bích Động có mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10, trong khi mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Thời điểm tốt nhất để tham quan Tam Cốc – Bích Động là từ tháng 5 đến giữa tháng 6 vì đây là mùa lúa vàng ở Tam Cốc, với những cánh đồng lúa chuyển dần từ màu xanh sang màu lúa chín vàng tươi.

Nếu muốn tham dự các lễ hội của Ninh Bình như lễ hội Tràng An, lễ hội khai xuân chùa Bái Đính – ngôi chùa gắn liến với nhiều kỷ lục thế giới, thì các bạn nên đi vào tháng 1-4 Âm lịch.

Hướng dẫn đi Tam Cốc Bích Động Ninh Bình

Đi bằng Đường bộ

Phương tiện công cộng

Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Ngoài ra, nếu địa điểm chỗ ở các bạn thuận lợi trên đường xe các tỉnh Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… thì cũng có thể lên những xe này để đi qua Ninh Bình, các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục.

Phương tiện cá nhân

Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1h – 1h45 phút các bạn sẽ tới được trung tâm TP.Ninh Bình.

Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa. Chú ý nhìn các biển chỉ dẫn để tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định – Thái Bình.

Đi bằng Đường sắt

Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.

Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22 và tàu SE19 (20h05) đến Ninh Bình lúc khoảng 23h.

Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.

Đi từ thành phố Ninh Bình đến Tam Cốc Bích Động

Nếu không có phương tiện di chuyển cá nhân, bạn có thể thuê xe máy tại bất kỳ nhà nghỉ, khách sạn, homestay ở Ninh Bình. Hay đơn giản hơn là làm một chuyến taxi. Với nhóm 4 người, giá thành taxi từ Tp.Ninh Bình đến Tam Cốc chỉ vài chục nghìn. Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là nên thuê xe máy ở Ninh Bình để khám phá được nhiều địa điểm đẹp. Ngoài ra, các địa điểm du lịch tại Ninh Bình không cách quá xa nhau, dó đó, có một chiếc xe máy phượt bụi là lựa chọn tối ưu nhất.

Giá vé tham quan Tam Cốc Bích Động

Tuyến Tam Cốc – Chùa Bích Động

– Vé tham quan danh lam thắng cảnh

Người lớn: 120.000đ/người/lượt

Trẻ em (cao dưới 1.4m): 60.000đ/người/lượt

– Vé chở đò: 150.000đ/chuyến đò

Khách nội địa: 4 người/đò/chuyến (phụ thu người thứ 5: người lớn: 40.000đ; trẻ em: 20.000đ)

Khách quốc tế: 2 người/đò/chuyến (phụ thu người thứ 3: người lớn: 75.000đ; trẻ em: 35.000đ)

Tuyến Thạch Bích – Thung Nắng

– Vé tham quan

  • Người lớn: 20.000đ/người

  • Trẻ em từ 6-15 tuổi: 10.000đ/người

  • Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên): 10.000đ/người

– Vé đò:

  • Người lớn: 100.000đ/chuyến

  • Trẻ em từ 6-15 tuổi: 50.000đ/chuyến

  • Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên): 50.000đ/chuyến

  • Khách nội địa: 4 người/đò/chuyến

  • Khách quốc tế: 2 người/đò/chuyến

Các địa điểm đẹp khi du lịch Tam Cốc Bích Động

Tam Cốc

Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Khách du lich khi đi tham quan Tam Cốc chỉ có một con đường thuỷ duy nhất, vào ra mất khoảng trên dưới 2 giờ đồng hồ. Đến đình Các ở thôn Văn Lâm, ra bến sông Ngô Đồng – con đường thủy dẫn vào Tam Cốc.

Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng.

Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ

Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia

Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng có thể thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).

Đền Thái Vi

Đền Thái Vi là nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông.  Đến đền Thái Vi có hai cách, hoặc là trên đường xuôi thuyền vào Tam Cốc, đến lối lên bờ thì dừng chân ở đầu con đường nhỏ đi bộ vào đền. Hai là từ bến đò Văn Lâm rẽ phải, đi theo đường bộ, con đường song hành với dòng Ngô Đồng để vào đền.

Đền Thái Vi

Động Thiên Hương

Động Thiên Hương nằm trên đường từ sông Ngô Đồng vào đền Thái Vi, là một động khô và sáng nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15 m. Động có chiều cao khoảng 60 m, sâu 40 m, rộng 20 m. Đỉnh động rỗng nên động còn có tên là Động Trời. Nằm gọn trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung, vợ vua Lý Huệ Tông. Là một người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren.

Xuyên Thủy Động

Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài khối núi Bích Động. Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Bình quân bề rộng của Xuyên Thủy động là 6m, chỗ rộng nhất là 15 m. Trần và vách động thường bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng.

Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào chùa Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, du khách có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động.

Chùa Bích Động

Chùa Bích Động nằm cách Tam Cốc khoảng 3 km. Chùa được xây dựng vào năm 1428 trên dãy núi đá vôi Trường Yên. Bích Động có nghĩa là Động Xanh. Bích Ðộng đã được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam).

Năm 1705, có hai vị hoà thượng Trí Kiên và Trí Thể quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm 1707, hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối.

Tam Cốc Bích Động - Điểm Du Lịch Hot

Hai bên lối nhỏ dẫn đến cổng chùa là bạt ngàn hoa sen khoe sắc trên sông. Chùa Bích Động gồm 3 chùa riêng biệt: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Chùa Hạ – Bích Động

Chùa Hạ có ban thờ Phật và nơi tưởng nhớ những vị đạo sư đã xây dựng chùa.

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá như thế là một kỳ công.

Tại chùa Hạ, một bức Đại tự bằng chữ Hán ở chính giữa có ghi “Thanh thản cổ mộ” – để nói lên cái tâm chính của chùa là thanh bạch từ xưa đến nay. Trên cùng là tòa tam thế.

Chùa Trung – Bích Động

Từ chùa Hạ đi lên thêm khoảng 120 bậc tới lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Ngay phía trước là hai chữ Bích Động tạc vào vách núi. Đây là một chùa rất độc đáo: một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật.

Ngay trước cửa động có một chiếc chuông đồng cổ kính với những đường nét chạm trổ rất tinh xảo. Nhìn ra phía ngoài là cầu Giải Oan. Hầu hết khách qua đây thường “thỉnh” lên ba tiếng chuông ngân nga như để “giải oan” cho tâm hồn mình ở nơi cửa Phật được thanh thản.

Động Tối – chùa Bích Động

Từ chùa Trung lên cao khoảng 6 m là đến Động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch. Đường lên Động Tối gần thẳng đứng, đi dưới cầu giải oan, vì cửa động có hình như cầu vồng. Động Tối là một không gian dài, rộng có điện thắp sáng. Tất cả như một thế giới cổ tích bị hoá đá của tạo hoá. 

Dưới nền hang nhỏ này có nhũ đá giống như hình con rùa và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ, gõ vào kêu như tiếng mõ, một hòn nghe tiếng trầm, một hòn nghe tiếng thanh. Động Tối cũng là chùa thờ Phật – một ngôi chùa thiên tạo.

Chùa Thượng – Bích Động

Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ Quan Âm Bồ Tát. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Từ chùa Thượng nhìn ra xa có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.

Bích Động là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Chùa Thượng có hai miếu hai bên: bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa có một bể nước gọi là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn.

Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động, không những đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa – kiến trúc, mà nơi đây còn mang ý nghĩa là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình

Chùa Bích Động Ninh Bình: Viên ngọc tinh khiết giữa chốn thâm sơn cùng cốc  - Vivu

Động Tiên

Động Tiên là động khô đẹp của khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Động nằm cách chùa Bích Động gần 1 km. Phạm vi động gồm có ba hang lớn, rộng và cao. Trần động có nhiều vân đá, nhũ đá rủ xuống lấp lánh nhiều màu sắc trông như những rễ cây lớn. Trên trần có nhiều dơi và chim cư trú. Đứng từ bên ngoài nhìn động như một lâu đài tráng lệ. Các biến đổi của tự nhiên tạo nên những hình dáng kỳ thú của nhũ đá trong động với hình thù là cây tiền, cây thóc, ông tiên, cô tiên, con voi, con sư tử, con hổ, con kỳ đà, con rồng, con đại bàng, và cả những đám mây bay lượn nhiều màu sắc. Những khối đá trong động khi gõ vào sẽ tạo ra nhiều loại âm thanh rất lạ.

Động Tiên | Mytour.vn

Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc nằm trong núi chùa Móc. Chùa quay hướng tây, phía trước là một cánh đồng nước. Theo văn bia đặt ở chùa, Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông. Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ. 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ thánh tăng là đức A Nam Đà và đức tổ tây, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón là người Ấn Độ. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam.Điện Mẫu quay lưng vào sườn núi, hướng tây nam, xây dựng theo kiểu chữ ” Tam”. Hậu cung là một gian thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thiêu hương gồm 3 gian thờ Công Đồng Thánh Mẫu, Tiền Đường 5 gian, gian cuối bên tay trái có treo quả chuông.

Làng Việt Cổ – Cố Viên Lầu

Cố Viên Lầu là một trong các điểm du lịch nằm trong vùng đệm của Quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình. Cố Viên Lầu là khu nhà cổ gồm nhiều ngôi nhà cổ được sưu tầm chủ yếu tại Ninh Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2008, khu nhà cổ Cố Viên Lầu được ngành Văn hóa – Du lịch Ninh Bình bổ sung vào khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Cố Viên Lầu nằm ngay cạnh bến thuyền Tam Cốc và bên đường đi đền Thái Vi.

Cố Viên Lầu có diện tích khoảng 20.000 m²,trưng bày 22 ngôi nhà cổ ở nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ, bên trong các ngôi nhà có trưng bày nhiều dụng cụ như:tràng kỷ, sập gụ, tủ chè,…Những ngôi nhà cổ ở Cố Viên Lầu chủ yếu được xây dựng từ thời nhà Nguyễn trở lại đây nhưng cũng thể hiện được nét văn hóa độc đáo và đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Tuyến Thạch Bích – Thung Nắng

Từ bến thuyền Đình Các (Tam Cốc), đi khoảng hơn 500m đường bộ sẽ đến bến thuyền Thạch Bích để đi Thung Nắng. Ngồi thuyền vượt qua một quãng đường thuỷ với hai bên là cánh đồng lúa ngả vàng, núi non trùng điệp, qua đền Vối là đến Thung Nắng

Thung Nắng là một cảnh quan kỳ vĩ, với một vùng trời mây, non nước bao bọc xung quanh. Hành trình ngồi trên thuyền ngắm cảnh kéo dài khoảng 3 km đường thuỷ, các bạn sẽ đến với nhiều huyền thoại như núi Ba Dọi, Núi Cóc, núi Măng, núi Vàng…

Vượt qua hang Thung Nắng khoảng 100m là đến đền Thung Nắng. Đền được xây dựng trong một không gian tĩnh lặng, lưng đền dựa vào thế núi linh thiêng là nơi thờ Chúa Thượng ngàn.

Sau khi tham quan Thung Nắng, trên đường quay lại bến Cây Gạo các bạn sẽ tới đền Vối. Đền Vối có cách đây hàng trăm năm, được xây dựng bằng đá, với các đồ thờ bằng đá được chạm khắc công phu, tỉ mỉ. Đền Vối có từ thời nhà Lê thờ ông Lý Đông Hải là quan chấn trạch sơn lâm.

Nguồn: sưu tầm