dongcong.net

 
 

 

 

 

 

 

 

Năm
Thánh Thể

 

 

Lm.
Đức Anh, OP

 

<<<
 
 

Thánh
Thể: Trung tâm đời sống Kitô giáo

I.
Hai mẫu tin

1. Ngày 6 tháng 3 năm 1998, Đức cha Thomas Tobin, Giám mục giáo
phận Youngtown, bang Ohio, Hoa kỳ, đã công bố một thư mục vụ với
tựa đề “Yêu mến và sống Thánh Thể – Eucharist: to be loved, to
be lived” để kêu gọi toàn giáo phận của ngài thường xuyên học
hỏi về bí tích Thánh Thể. Đồng thời, ngài cũng mời gọi các giáo
xứ hãy nghiêm chỉnh cứu xét việc tái lập những việc đạo đức truyền
thống để cổ võ lòng sùng kính đối với sự hiện diện thực sự của
Chúa Kitô trong Thánh Thể.

Đức cha Tobin cho biết ngài công bố thư mục vụ trên đây, sau khi
thấy các cuộc thăm dò dư luận chứng tỏ có nhiều tín hữu Công giáo
không tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể,
và điều này là một sự kiện rất đáng lo âu. Vì thế, sau khi tham
khảo ý kiến Hội đồng Mục vụ của giáo phận, Hội đồng Linh mục và
Giáo dân, các giáo sĩ và tu sĩ trong giáo phận, ngài quyết định
công bố thư mục vụ để mời gọi tín hữu trong giáo phận duy trì
và phát huy truyền thống sùng kính đối với Thánh Thể. Bức thư
tái khẳng định xác tín sâu xa của giáo phận Youngtown về chỗ đứng
trung tâm của Thánh Thể trong đời sống Kitô giáo. Đồng thời, kêu
gọi các linh mục hãy dùng những thời điểm đặc biệt trong năm phụng
vụ để đề cập tới phép Thánh Thể trong các bài giảng, hầu giáo
huấn rõ ràng cho các tầng lớp giáo hữu về bí tích trọng yếu này.

Đức cha Tobin viết: “Việc cử hành thánh lễ là trung tâm đời sống
Công giáo, nhưng thánh lễ không phải là hình thức duy nhất nói
lên lòng sùng kính của chúng ta đối với phép Thánh Thể. Còn có
nhiều việc sùng kính khác đối với bí tích này cần được bảo tồn
và khích lệ. Có lẽ trong những năm gần đây, chúng ta có xu hướng
coi nhẹ những hình thức sùng mộ ấy.” Đức cha Tobin đặc biệt ca
ngợi những giáo xứ còn duy trì thói quen chầu Mình Thánh 40 giờ
đồng hồ, hoặc cử hành những Ngày Thánh Thể. Đồng thời, ngài cũng
đề cao những giáo xứ đã thiết lập thói quen chầu Mình Thánh Chúa
liên tục (CNS 10.3.98).

2. Chiều ngày 3.1.2001, Đức cha Theodore McCarrick, nguyên là
Tổng giám mục giáo phận Newark, bang New Jersey, đã làm lễ nhận
chức TGM giáo phận thủ đô Washington, Hoa kỳ, trong buổi hát kinh
chiều trọng thể tại nhà thờ chính toà thánh Matthêu, trước sự
hiện diện của hàng giáo sĩ, tu sĩ, thân nhân và đại diện giáo
dân.

Đức TGM McCarrick, năm nay 75 tuổi (7.7.1930), đã từng thăm viếng
Việt Namba lần trong phái đoàn HĐGM Hoa kỳ, trong tư cách là Chủ
tịch ủy ban GM về di dân và tị nạn, và Chủ tịch Ủy ban Chính sách
Quốc tế thuộc Hội đồng Công giáo Hoa kỳ.

Trong bài giảng tại lễ nhậm chức, Đức TGM McCarrick kể lại sự
tích ngài một mình đến thăm trại tị nạn Việt Nam ở Kampuchia,
sau thời kinh hoàng của khmer Đỏ. Đức cha nói bằng tiếng Pháp
với người tị nạn rằng ngài hy vọng Giáo hội có thể làm được một
cái gì cho họ. Những người tị nạn có mặt gật đầu, rồi họ hỏi ngài
rất nhiều câu hỏi, như thể họ vấn đáp ngài về giáo lý. Sau một
lát, họ nói: “Xin Đức cha đi với chúng con”. Rồi họ dẫn ngài vào
rừng rậm, đi suốt nửa tiếng đồng hồ, tới một túp lề. Đức cha bước
vào túp lều. Những người tị nạn Việt Nam lôi ra một chiếc hộp,
giống như một hộp đựng xì-gà. Trong hộp có một Mình Thánh Chúa.
Người tị nạn kể lại với Đức cha rằng cách đó sáu tháng, một linh
mục đã ghé lại trại tị nạn và cử hành thánh lễ. Các tín hữu tị
nạn ấy vẫn giữ lại một Mình Thánh Chúa để thờ lạy. Họ nói với
Đức cha: “Chúng con không hề nói với ban giám đốc trại và cũng
chẳng nói với ai về điều này. Mỗi khi có thể, chúng con đến đây
để cầu nguyện. Đy là sự hiện diện duy nhất của Chúa giữa Bankok
và Sàigòn”.

Sau khi kể lại sự tích trên đây, Đức TGM McCarrick nói với đông
đảo giáo sĩ tại nhà thờ chính toà rằng: “Anh em thân mến, tôi
tin thực rằng chỉ trong bí tích Thánh Thể, anh em và tôi mới có
thể tìm được sức mạnh để phục vụ các tín hữu và chỉ trong Thánh
Thể, các tín hữu của giáo phận Washington này mới tìm được sức
mạnh để sống cuộc sống của họ trong Chúa Kitô” (CNS 4.1.2001).

Hai mẩu tin vắn trên đây do hãng tin Công giáo Hoa kỳ truyền đi
cho thấy một đàng có sự sa sút tại một số nơi trong Giáo hội đối
với bí tích Thánh Thể, cụ thể là số người tham dự thánh lễ Chúa
nhật giảm sút và các hình thức sùng kính Thánh Thể cũng bị giảm
theo, nhưng đàng khác là sự tái khẳng định tầm quan trọng của
Thánh Thể như trung tâm của đời sống Kitô của bí tích này.

II.
Thánh Thể: Nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô

Thực vậy, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, trong các đoạn
từ 1324-1327, nhắc lại những xác tín của Giáo hội qua dòng thời
gian, và được Công đồng chung Vatican 2 tái khẳng định.

“Bí tích Thánh Thể là ‘nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô’
(LG 11). Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ v à hoạt
động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về
đó. Thực vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải
thiêng liêng của Hội thánh, đó chính là Chúa Kitô, Người là mầu
nhiệm Phục sinh của chúng ta” (PO 5).

“Bí tsch Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội
thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên
Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hoá trần gian trong Chúa Kitô cũng
như việc con người trong Chúa Thánh Thần, tôn thờ Chúa Kitô và
nhờ Người tôn thờ chính Chúa Cha, cùng đạt tới tột đỉnh trong
Thánh Thể” (Huấn thị Mầu nhiệm Thánh Thể, 6).

“Nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được
kết hiệp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu,
khi Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi sự” (1 Cor 15:28).

“Bí tích Thánh Thể vừa đúc kết vừa tổng hợp đức tin Công giáo:
Cách suy nghĩ của chúng ta phù hợp với bí tích Thánh Thể, và ngược
lại bí tích Thánh Thể xác nhận cách suy nghĩ của chúng ta” (Thánh
Irênê, Chống lạc giáo, 4,18,5).

Những dòng trên đây của sách Giáo lý nói lên chỗ đứng trung tâm
của bí tích Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu và cả mối quan hệ
rất chặt chẽ với Giáo hội nói chung, đến độ người ta có thể quả
quyết rằng nếu không có bí tích Thánh Thể, thì Giáo hội sẽ không
còn bản chất và sự hiện hữu.

III.
Giao ước mới

Thực vậy, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa
Tiệc ly mừng lễ Vượt qua với các tông đồ. Ngài báo trước và ủy
thác cho các vị – như một di chúc – ý nghĩa và thành quả cứu độ
xuất phát từ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài (cf. Mc 14:22-25;
1 Cor 11:23-25). Bí tích Thánh Thể là hy tế và là bữa tiệc của
Tân ước, đã được báo trước và tượng trưng bằng giao ước Thiên
Chúa đã ký kết với dân Israel dưới chân núi Sinai, và được các
ngôn sứ loan báo qua các thế kỷ trước Chúa Kitô. Và như giao ước
Sinai ấy đã đánh dấu sự khai sinh của dân Israel như một dân được
Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hoá, thì từ hy tế thập giá, giao
ước mới, cũng nảy sinh Giáo hội là dân của Tân ước. Dân mới này,
tức là Giáo hội, phát sinh và luôn kín múc sức sống từ việc cử
hành thánh lễ, hy tế của Tân ước. Hy tế này có chức năng hình
thành cuộc sống của các thành phần dân mới của Thiên Chúa, tương
quan của họ với nhau và sứ mạng của họ trong trần thế, nghĩa là
làm sao để các Kitô hữu ngày càng sống phù hợp với mầu nhiệm cứu
độ được Thiên Chúa thông ban cho con người, qua Chúa Kitô.

Bí tích Thánh Thể là sự tưởng niệm cuộc Tử nạn của Chúa Kitô trên
thánh giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài, như thánh Phaolô
đã dạy: “Điều tôi truyền lại cho anh em nguyên là điều tôi đã
lãnh nhận nơi Chúa: Chúa Giêsu trong đêm bị phản bội, Ngài cầm
lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra rồi phán: Các con hãy cầm lấy mà ăn. Này
là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con. Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.
Cũng thế, sau bữa ăn, Ngài cầm lấy chén rượu và phán: Chén này
là giao ưjsc mới bằng máu Ta; mỗi khi các con uống, hãy uống để
nhớ đến Ta. Vậy hễ lần nào anh em ăn bánh và uống chén này hãy
rao truyền sự chết củêa Chúa cho tới khi Ngài lại đến” (1 Cor
11:23-26).

Thành ngữ “Giao ước mới bằng Máu Ta” trong đoạn thư trên đây của
thánh Phaolô gợi lại tất cả lịch sử mối liên hệ giữa Thiên Chúa
đối với dân riêng của Ngài xưa kia và mở màn cho mối liên hệ mới
của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Nói một cách cụ thể hơn: ngày
xưa qua Abraham, Môisê và các ngôn sứ, Thiên Chúa đã ký kết giao
ước với dân Ngài là Chúa sẽ bảo vệ dân nếu họ tuân theo lề luật
của Chúa. Chúng ta thấy rõ điều này nhất là khi Chúa gọi Môisê
lên núi Sinai bày tỏ ý Ngài cho dân qua lề luật gồm tóm trong
10 giới răn (Xh 10-20). Đó là giao ước mà ta vẫn gọi là Cựu ước.
Chúa cũng dạy Môisê dựng một bàn thờ, giết bê, lấy máu rảy trên
bàn thờ, còn một nửa rảy trên dân chúng và nói: “Đây là máu giao
ước mà Chúa đã ký kết với các ngươi dựa trên tất cả các lề luật
đó” (Xh 24:8).

Chúa Giêsu, vâng lệnh Chúa Cha, xuống ký với loài người một giao
ước mớibằng chính máu của Ngài. Trong giao ước mới này, loài người
dâng lên Thiên Chúa một lễ hy sinh không phải bằng chiên bò nữa,
nhưng là chính Chúa Giêsu tự hiến làm lễ vật và Ngài dâng thay
cho nhân loại. Vì thế, mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo
hội nhắc lại và hiện tại hoá hy tế của Chúa Giêsu đã tự hiến dâng
trên đồi Canvê chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhờ đó công nghiệp
cứu chuộc của Chúa Giêsu được tiếp tục đổ tràn trên nhân loại.
Công đồng chung Vatican 2 cũng nhắc lại điều này trong Hiến chế
Ánh sáng Muôn dân về Giáo hội: “Khi cử hành nhân danh Chúa Kitô
và đóng vai trò của Chúa Kitô, và khi công bố mầu nhiệm của Ngài,
các linh mục liên kết những lời cầu x in của các tín hữu với lễ
hy sinh của thủ lãnh họ, hiện tại hoá lễ tế duy nhất của Tân ước,
tức là lễ tế của Chúa Kitô tự hiến như một lễ vật tinh tuyền,
một lần thay cho tất cả, dâng lên Cha Người, và áp dụng lễ tế
đó trong thánh lễ cho tới khi Chúa đến” (LG 28).

IV.
Thông ban hồng ân cứu độ qua Giáo hội cử hành thánh lễ

Như thế, mỗi khi thánh lễ được cử hành không có nghĩa là Chúa
Giêsu chịu chết và sống lại một lần nữa, nhưng là cuộc tưởng niệm
sống động và làm cho hiến tế của Chúa Giêsu trở thành hiện tại
và nhờ đó các tín hữu được thông hưởng hồng ân cứu chuộc của Chúa
Kitô. Nói khác đi, thánh lễ là một hiến tế không đổ máu mà Chúa
Giêsu dùng vị linh mục dâng trên bàn thờ cùng với Ngài.

Cũng như Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người để, qua cuộc
sống trần thế của Ngài, biểu lộ và làm cho chúng ta được tham
dự vào sự sống đời đời Ngài đã tiếp nhận từ Chúa Cha. Cũng vậy,
nhờ bí tích Thánh Thể, Giáo hội không phải là một cơ chế phàm
nhân, nhưng trong Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội trở thành “như một
bí tích, nghĩa là trở thành dấu chỉ và là dụng cụ, của sự kết
hiệp thâm sâu với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân
loại” (LG 1).

Giáo hội kéo dài và làm cho mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa qua
Đức Kitô được hiện diện hữu hiệu trong lịch sử, như lời quả quyết
của Công đồng chung Vatican 2 trong Sắc lệnh về đời sống linh
mục vừa trưng dẫn trên đây: “Phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng
tất cả của cải thiêng liêng của Hội thánh, đó chính là Chúa Kitô,
Người là mầu nhiệm Phục sinh của chúng ta, nhờ thịt Ngài được
Thánh Linh làm cho sinh động, Ngài ban sự sống cho loài người”
(PO 5).

Theo các thánh Giáo phụ, máu và nước từ cạnh sườn của Chúa Kitô
chịu đóng đanh (cf Ga 19:34) biểu tượng bí tích Thánh Thể và rửa
tội, hai bí tích này là dấu chỉ mầu nhiệm Giáo hội, là Evà mới,
phát sinh từ cạnh sườn của Adong mới.

Nói tóm lại, Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại tiếp tục
hiến mình và hiện diện thực sự nơi chúng ta qua bí tích Thánh
Thể, để làm cho chúng ta trở thành Giáo hội, thành dân thánh của
Ngài. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên
giống Ngài, phù hợp với Ngài, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi
tội lỗi và làm cho chúng ta được tham dự vào chính sự sống của
Ngài, cuộc sống của con thảo đối với Chúa Cha. Vì thế, thánh Lêô
Cả đã viết: “Sự tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô làm cho chúng
ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận và chúng ta mang trọn vẹn,
trong tinh thần và thể xác, Đấng mà chúng ta cùng được chết, mai
táng và sống lại trong Người và với Người” (Bài giảng 63,7; PL
54,357).

Vì thế, khi đồng hoá chúng ta với Ngài, đồng thời Chúa Giêsu cũng
biến chúngta thành Thân Thể của Ngài: “Vì chỉ có một bánh, nên
chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân mình duy nhất: thực vậy,
tất cả chúng ta đều tham dự vào một bánh duy nhất” (1 Cor 10:1g).
Thánh Albertô Cả giải thích rằng: “Do chính sự kiện Chúa Kitô
liên kết tất cả với Người, nên Người cũng liên kết họ với nhau;
bởi vì nếu có nhiều sự được liên kết với một sự thứ ba, thì chúng
cũng được liên kết với nhau” (IV Sentl, d.8,a.11).

Trở nên Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô nhờ phép Thánh Thể, một
đàng có nghĩa là được dẫn vào trong quan hệ thương yêu nhau giữa
Chúa Cha với Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; và đàng khác, có
nghĩa là trở thành “chi thể của nhau” (Rm 12:5). Cũng vì thế,
Công đồng chung Vatican 2 khẳng định rằng: “Các tín hữu hiệp nhất
với Giám mục, được đến cùng Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con, Ngôi
Lời Nhập Thể, đã chết và được vinh hiển, trong Chúa Thánh Thần,
và họ hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh, được tham dự bản tính
Thiên Chúa” (2 Pt 1:4) (UR 15).

Do đó, nhờ bí tích Thánh Thể, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với
Chúa Cha trong bữa Tiệc ly được thể hiện. Lời nguyện ấy bao hàm
ý nghĩa chân thực và sâu xa nhất của mầu nhiệm cứu độ mà Ngài
đến để thực thi: “Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong
Cha, ước gì chúng cũng được nên một, để thế gian tin rằng Cha
đã sai Con” (Ga 17:21).

V.
Gương sống

Những chân lý thần học trên đây có vẻ lý thuyết trừu tượng, nhưng
trong thực tế, đó là những chân lý hướng dẫn cuộc sống của toàn
Giáo hội và từng tín hữu.

– Tại thành Benares của Ấn giáo bên Ấn độ, từ hơn 20 năm nay có
một linh mục thừa sai người Ý, cha giorgio Bonazzoli, thuộc Hội
Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại Milano (PIME). Cha sống một mình
trong căn hộ và hằng ngày đi dạy tiếng Phạn tại Đại học Ấn giáo
(Hindu University), dịch các văn bản cổ của Ấn giáo ra Anh ngữ.
Cha làm bạn với nhiều nhà hiền triết và học giả Ấn giáo, cũng
như với những đạo sĩ chuyên sống đời chiêm niệm và cầu nguyện.
Cha Bonazzoli là Kitô hữu duy nhất trong một môi trường hoàn toàn
xa lạ với Kitô giáo. Benarès cũng là nơi mỗi ngày có hàng ngàn
tín hữu Ấn giáo từ các nơi ở Ấn độ đến hành hương và tắm trong
sông Hằng.

Một người anh em cùng dòng là cha Piero Gheddo đến thăm cha Bonazzoli
và rất cảm phục vì thấy rằng mặc dù sống xa môi trường và các
cộng đồng Kitô, cha Giorgio Bonazzoli vẫn luôn trung thành với
lý tưởng linh mục. Trả lời câu hỏi về vấn đề này, cha Bonazzoli
đáp: “Sau hơn 20 năm sống và làm việc tại đây, đức tin của tôi
nơi Chúa Giêsu càng được trưởng thành và củng cố hơn nữa”. Ngạc
nhiên, cha Gheddo hỏi bí quyết, cha Bonazzoli dẫn cha Gheddo vào
một phòng nhỏ trong căn hộ, rồi lấy tay chỉ Nhà Tạm Mình Thánh
Chúa và nói: “Chúa đang ở đây”. Quả thực, mỗi ngày, cha Bonazzoli
cầu nguyện và chầu nhiều giờ trước Nhà Tạm của Chúa Giêsu Thánh
Thể và đã kín múc nơi Chúa sức mạnh đức tin và niềm vui sống.
(Piero Gheddo, Otto minuti di Vangelo in TV, Piemme, 1993, pp.
136-137).

– Mẹ Têrêxa Calcutta và các nữ tu thừa sai bác ái mỗi ngày dành
hai giờ để thờ lạy Mình Thánh Chúa: ban sáng với thánh lễ, và
ban chiều với kinh Mân Côi và đọc sách nguyện. Nếu có ai nói rằng
làm như vậy là phí phạm thời giờ lẽ ra nên dành cho việc phục
vụ người nghèo, thì Mẹ Têrêxa đáp lại rằng: “Nếu chúng tôi không
tìm cách bồi bổ bằng sức mạnh của Chúa Giêsu, thì chúng tôi không
thể phục vụ Thiên Chúa nơi các anh chị em nghèo khổ và bị bỏ rơi
nhất”.

Cha Bonazzoli, Mẹ Têrêxa Calcutta, các nữ tu thừa sai bác ái cũng
như bao nhiêu thế hệ các Kitô hữu, qua dòng lịch sử Giáo hội,
đã sống trọn xác tín Thánh Thể chính là trung tâm và là tột đỉnh
của đời sống Kitô giáo. Họ cảm nghiệm và sống thực điều Chúa Giêsu
đã hứa trong Phúc âm Gioan: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong
Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai
Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ
sống nhờ Ta” (Ga 6:56).

Chúa Giêsu vì yêu thương Giáo hội, không những Ngài muốn tiếp
tục ở giữa các tín hữu cho đến tận thế, nhưng Chúa còn muốn trở
nên lương thực mang sức sống thần thiêng cho các Kitô hữu. Chính
vì thế, Thánh Thể vừa là tột đỉnh và là trung tâm điểm của đời
sống Giáo hội.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, trong thư Dominicae Coenae, ngày
18.3.1998, gửi hàng Giám mục trên thế giới về lòng sùng kính Thánh
Thể, đã ghi nhận rằng: “Việc tôn sùng Thánh Thể là linh hồn của
đời sống Kitô giáo, vì đó là dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa
vàđồng thời cũng thực hiện nơi chúng ta khả năng yêu thương. Vì
thế, việc tôn sùng Thánh Thể chính là biểu hiệu của tình yêu thương
vốn là đặc tính chân thực và sâu xa nhất của ơn gọi Kitô giáo.
Việc tôn sùng ấy xuất phát từ tình yêu và phục vụ cho tình yêu
và tất cả chúng ta đều được mời gọi thi hành trong Chúa Giêsu
Kitô… Nếu việc tôn sùng của chúng ta đối với Thsanh Thể Chúa
là chân thực, thì phải làm cho chúng ta ngày càng ý thức về phẩm
giá của mỗi người. Chúng ta phải tỏ ra nhạy cảm đối với mỗi tình
trạng lầm than và đau khổ, mỗi hiện tượng lầm lạc và bất công,
đồng thời tìm cách sửa chữa chúng một cách hữu hiệu nhất”.

VI.
Lời khuyên của một linh mục cao niên

Giáo dân có sống trọn vẹn hay không chân lý “Thánh Thể là trung
tâm của đời sống Kitô giáo”, phần lớn cũng tùy thuộc nơi xác tín
và thái độ của linh mục: chính ngài có sống trọn chân lý ấy hay
không. Trong ý hướng đó, những lời khuyên sau đây của một linh
mục cao niên dành cho “đàn em” thật là quan trọng và hữu ích:

– Thánh lễ phải là mặt trời cho mỗi ngày của con, hãy cố gắng
hiểu rõ, thưởng thức và sống thánh lễ. Hãy cử hành thánh lễ như
thể đó là lần đầu, lần cuối và là lần duy nhất trong đời con.

– Hãy nhớ rằng càng chuẩn bị kỹ lưỡng thì thánh lễ càng được cử
hành sốt sắng. Con đừng làm như những người cử hành thánh lễ liền
sau những câu chuyện tầm phào trần tục, mà không cầu nguyện, suy
tư và mặc niệm trước đó.

– Đừng để cho thánh lễ con cử hành trở thành thói quen máy móc.
Nọc độc giết chết thánh lễ của con chính là tập quán. Việc lập
đi lập lại đưa tới tập quán. Vì thế, con đừng bao giờ sử dụng
một kinh nguyện Thánh Thể mà thôi. Con phải dần dần thay đổi các
kinh nguyện ấy. Kinh nguyện thứ nhất là kinh duy nhất mà các đại
thánh đã cầu nguyện hơn 10 thế kỷ. Kinh nguyện thứ ba cũng có
từ lâu đời. Kinh nguyện thứ tư là bản tóm đẹp nhất lịch sử cứu
độ.

– Mỗi lời trong thánh lễ con đọc phải là một lời loan báo, mỗi
cử chỉ con làm phải là một dấu hiệu thánh. Hãy biến thánh lễ con
cử hành thành một kinh nghiệm sống. Giáo hữu rất hài lòng khi
thấy và nghe một linh mục cử hành sốt sắng, đọc chậm rãi những
lời thánh lễ như thể một người đang nói với một người khác hiện
diện nơi đó, người mà linh mục yêu mến và kính trọng vô vàn.

– Sau phần truyền phép, người ta có nguy cơ chạy. Hãy nhớ những
lời Đức Hồng y thánh thiện Mercier, những lời cuối cùng ngài nói
với các linh mục trước khi chết: “Hãy dành thêm vài phút cho thánh
lễ của anh em”. Vì con đã thuộc lòng những lời kinh nguyện Thánh
Thể, nên con có nguy cơ đọc vội vã, và dân chúng sẽ thấy cách
cử hành thiếu chú ý của con. Đừng sợ đọc thật đúng đắn từng lời
của kinh nguyện.

– Đừng bao giờ ứng khẩu thánh lễ con cử hành. Ước gì đừng bao
giờ con tới bàn thờ, dù là một lần, mà không biết các bài đọc
hoặc hôm đó là lễ gì. Thật là một sự thiếu kính trọng nhất trong
ngày.

– Không bao giờ chính nghĩa Thiên Chúa ở trong tay con như lúc
con giảng. Ngày phán xét, có ít sự nào con bị xét xử nghiêm khắc
cho bằng con dọn bài giảng. Có lẽ đối với nhiều người, những bài
giáo lý duy nhất mà họ nhận lãnh chính là bài giảng của con. Đối
với nhiều người dân, thật khó nhận được Lời Chúa ngoài thánh lễ.
Trong tinh thần trách nhiệm, con hãy nghĩ tới câu: “Những ai dẫn
đưa nhiều người đến sự công chính sẽ được chiếu sáng như sao trời
mãi mãi” (Dn 12:3).

– Hãy ghi sâu điều này trong ký ức của con: điều quan trọng nhất
trong ngày của con chính là thánh lễ. Điều làm con có giá trị
trong tư cách là linh mục, chính là thánh lễ. Khi con cử hành
thánh lễ, con ở trong phần cao nhất của toàn thể kim tự tháp nhân
loại, và trong lúc đó chỉ có một người ở trên con, đó là Thiên
Chúa. Vì vậy, sự kiện con vội vã, hoặc không chuẩn bị hay chia
trí dễ dàng như thế, không phải là một tội sao?

– Hãy luôn thực hành phụng vụ trong đời sống, có nghĩa là dâng
hiến bản thân cho Thiên Chúa và công việc hằng ngày như lễ vật
sống động v à đẹp lòng Chúa (Rm 12:1). Con hãy nhớ rằng, sau khi
gấp sách lễ, thánh lễ của con phải tiếp tục trong cuộc sống. Hãy
thực hành lời khuyên của Đức Piô 12: “Đừng bỏ qua ngày nào mà
không viếng Thánh Thể, thói quen này cũng là một gương rất tốt
cho các giáo hữu”. Và với ý hướng mà Đức Phaolô 6 mong ước: cố
gắng thực hành “như một lời cảm tạ vì hồng ân Thánh Thể cao cả
và như một lời cảm ơn, đồng thời chuẩn bị cho thánh lễ của con”
(Dario Betancourt, I Sacramenti, Fonti di guarigione, Ed. Dehoniane,
Rome, 1985, pp. 161-164).

 

<tiểu
mục
<trang
nhà