dongcong.net
THIÊN CHÚA BA NGÔI
báo giáo sĩ
Lời mở đầu
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống người Kitô hữu. Vì thế, người Kitô hữu cần phải tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm cao trọng này, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi trong suốt cuộc hành trình tiến về quê trời.
Hội thánh đã khẳng định :
“Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin.
Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần, dùng để tự mạc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi.” (GLCG số 234)
Trong tâm tình chia sẻ, tôi gửi đến anh chị em bài suy niệm về ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được trình bày trong Thánh Kinh, trong Giáo lý của Hội thánh và ngay trong vũ trụ vạn vật do Thiên Chúa tạo dựng chung quanh chúng ta. Tôi hy vọng bài suy niệm này sẽ giúp anh chị em thêm hiểu biết, tin tưởng, và tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi; đồng thời xây dựng đời sống yêu thương hiệp nhất trong mọi hình thức tổ chức để được Ngài ban sự sống trường sinh trong Nước Trời.
Nội dung bài suy niệm như sau :
1- Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa Duy Nhất, có Ba Ngôi phân biệt với nhau, nhưng không tách biệt là Cha, Con và Thánh Thần.
2- Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu Thương tuyệt đối; nên sự hợp nhất nơi Ngài là tuyệt hảo và quyền năng của Ngài thì vô biên.
3- Gợi ý thực hành.
* * *
Chương một
THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ THIÊN CHÚA DUY NHẤT,
CÓ BA NGÔI PHÂN BIỆT, NHƯNG KHÔNG TÁCH BIỆT
A. NỀN TẢNG TRONG THÁNH KINH
Thánh Kinh trình bày Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất, có Ba Ngôi phân biệt với nhau là Cha và Con và Thánh Thần, nhưng Ba Ngôi không tách biệt nhau :
1. Thiên Chúa Cha sáng tạo vũ trụ vạn vật cùng với Thánh Thần và Ngôi Lời :
– “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,1-2)
– “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1,1-3)
2. Thiên Chúa Ba Ngôi dựng nên loài người giống hình ảnh của Ngài:
“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1,26)
3. Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa và là Đấng hằng hữu :
– “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18)
-“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.” (Ga 8,28)
4. Chúa Giêsu phân biệt với Chúa Cha :
-“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.” (Mt 11,27; Lc 10,22)
-“Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính Người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính Người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai Người Con.” (Ga 5,21-23)
– “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,44)
5. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và phân biệt với Chúa Cha và Chúa Con :
– “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.” (1 Cr 2,12)
-“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm.” (Ga 16,7)
– “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13-14)
6. Ba Ngôi Thiên Chúa không tách biệt nhau.
Chúa Giêsu đã tuyên bố :
– “Tôi và Chúa Cha là Một.” (Ga 10,30)
– “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10,38)
– “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9)
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và thanh tẩy họ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi :
-“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20)
B. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH
Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã xác quyết : Thiên Chúa duy nhất, có Ba Ngôi phân biệt với nhau, nhưng không tách biệt :
1. Các Ngôi vị Thiên Chúa thực sự phân biệt với nhau.
“Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần không đơn thuần là những danh từ chỉ cách thức hiện hữu của hữu thể Thiên Chúa vì Ba Ngôi thực sự phân biệt với nhau : Chúa Con không phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con.” (GLCG số 254)
2. Ba Ngôi Thiên Chúa phân biệt nhau do các mối tương quan về nguồn gốc nhưng là Thiên Chúa duy nhất :
“Chúa Cha là Đấng sinh ra, Chúa Con là Đấng được Chúa Cha sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi.” (GLCG số 254)
3. Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi đồng bản thể, nên không tách biệt nhau :
“Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi : “Ba Ngôi đồng bản thể” (Cđ Con-tan-ti-nô-pô-li II năm 553; DS 421). Các ngôi vị Thiên Chúa không chia nhau một thiên tính duy nhất, nhưng mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn : Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính. Mỗi ngôi vị là thực tại đó, nghĩa là bản thể, yếu tính, bản tính đó.” (GLCG 253)
4. Toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa :
– “Vì, cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt động. “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ tạo mà là một nguyên lý duy nhất. Nhưng mỗi ngôi vị thực hiện công trình chung theo đặc tính riêng.” (GLCG số 258)
– “Cho nên, dựa vào Tân Ước (1 Cr 8,6). Hội Thánh tuyên xưng “Một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành mọi sự, một Chúa Giêsu Kitô, cùng đích của mọi sự và một Chúa Thánh Thần, trong Người muôn vật được hiện hữu.”
– “Đặc biệt các sứ mạng của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con và trong việc trao ban Chúa Thánh Thần, tỏ lộ nét đặc thù của từng Ngôi vị.” (GLCG số 258)
– “Vừa là công trình chung, vừa là công trình của mỗi Ngôi Vị, nên nhiệm cục của Thiên Chúa vừa cho thấy đặc tính của từng Ngôi Vị, vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Vì thế, người Kitô hữu có hiệp thông với một Ngôi Vị, thì cũng không mảy may tách rời Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, thì tôn vinh nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô là do Chúa Cha lôi kéo và Chúa Thánh Thần thúc đẩy.” (Rm 8,14) (GLCG SỐ 259)
C. BẰNG CHỨNG NƠI CÁC TẠO VẬT
Các tạo vật đều do Thiên Chúa Ba Ngôi sáng tạo, nên chúng đều có nhiều yếu tố kết hợp lại, thường gồm có 3 phần phân biệt, nhưng không tách biệt nhau :
1. Các loài thảo mộc như cây nhãn, cây dừa, cây chối … đều có 3 phần phân biệt với nhau : gốc rễ, thân cây và cành lá; nhưng 3 phần này không tách biệt nhau.
2. Các loài động vật và thân xác loài người cũng gồm có 3 phần phân biệt với nhau : đầu, mình và các chi; nhưng 3 phần này không tách biệt nhau.
3. Loài người chúng ta là loài đặc biệt hơn cả, vì được Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng giống hình ảnh của Ngài (St 1,27), nên chúng ta không chỉ có thân xác hữu hình, mà còn có linh hồn và tinh thần vô hình.
Như vậy, con người chúng ta gồm : Thân xác, linh hồn và tinh thần là ba phần phân biệt, nhưng không tách biệt nhau, trái lại ba phần này đã kết hợp thành một con người duy nhất, toàn diện và sống động.
Chương hai
THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ TÌNH YÊU TUYỆT ĐỐI,
NÊN SỰ HỢP NHẤT NƠI NGÀI LÀ TUYỆT HẢO
VÀ QUYỀN NĂNG CỦA NGÀI THÌ VÔ BIÊN
I. THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ TÌNH YÊU TUYỆT ĐỐI.
Khi nói đến tình yêu, chúng ta cần phân biệt hai thứ tình yêu : tình yêu tự nhiên và tình yêu siêu nhiên. Tình yêu tự nhiên thì phát xuất từ loài người, có tính tương đối, nên có thể thay đổi; còn tình yêu siêu nhiên thì phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, có tính tuyệt đối, nên không bao giờ đổi thay.
Tình yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa là nguyên lý trọng tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; nghĩa là Thiên Chúa chính là nguồn mạch của tình yêu sáng tạo và cứu độ.
A – NỀN TẢNG TRONG THÁNH KINH
Thánh Kinh đã trình bày nhiều lần : “Thiên Chúa là Tình Yêu”
1. Thiên Chúa là Đấng yêu thương :
Thiên Chúa yêu thương loài người bằng tình yêu tuyệt đối, Ngài tạo dựng, nuôi sống và cứu độ loài người, mặc dầu loài người đã phản bội Chúa. Chúa Giêsu đã tuyên bố :
-“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
-“Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.” (Ga 3,35)
2. Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ đến cùng :
“Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)
3. Chúa Giêsu đã hy sinh tính mạng và truyền cho các môn đệ giới răn yêu thương như Người đã yêu thương :
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” – “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 13, 34; 15, 12-13)
4. Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá là bằng chứng tình yêu thương hoàn hảo.
Thánh Phaolô đã viết như sau :
– “Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8)
-“Hãy sống trong tình bác ái, như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.” (Ep 5,2)
– “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại.” (Tt 3,4)
5. Thiên Chúa là tình yêu.
Thánh Gioan đã trình bày như sau :
– “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu…
– “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.”
-“Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.”
. . .
– “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người : Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4,7-21)
B- GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH
1. Hội Thánh tuyên xưng Thiên Chúa là Tình Yêu Vĩnh Cửu.
Hội thánh đã dựa vào Thánh Kinh để trình bày như sau :
– “Trong dòng lịch sử của mình, It-ra-en đã khám phá ra Thiên Chúa chỉ có một lý do duy nhất tự mạc khải cho họ và đã chọn họ giữa tất cả các dân khác để thuộc về Người : đó là tình thương nhưng không của Người. Và nhờ các ngôn sứ, It-ra-en cũng hiểu rằng, chính vì yêu thương mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu và tha thứ những bất trung và tội lỗi của họ.”
-“Tình thương của Thiên Chúa dành cho It-ra-en được so sánh với tình thương của một người cha đối với con mình (Hs 11,1). Tình thương đó còn mạnh hơn tình thương của một người mẹ dành cho con cái (Is 49,14-15).
– “Thiên Chúa yêu dân Người hơn cả một người chồng yêu vợ quý (Is 62,4-5). Tình yêu đó sẽ thắng vượt cả những bất trung tệ hại nhất (Ed 16; Hs 11); và sẽ đưa đến hồng ân quý giá nhất : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3,16)
– ”Tình thương của Thiên Chúa “Vĩnh Cửu” (Is 54,8) :
– “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi.” (Is 54,10)
– “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31,3).
– ”Thánh Gioan còn đi xa hơn nữa khi xác nhận : “Thiên Chúa là Tình Thương” (1 Ga 4,8.16) :
“Bản thể của Người là tình thương, khi cử Con Một Người và Thánh Thần Tình Yêu đến trần thế lúc thời gian đã viên mãn,”
-”Thiên Chúa mạc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Người (1 Cr 2,7-16; Ep 3,9-12); chính Người là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – và Người đã tiền định cho ta được dự phần vào tình thương ấy.” (GLCG số 218-221)
2. Hội Thánh còn khẳng định rằng : Chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi.
-“Thiên Chúa là hạnh phúc trường cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không tàn lụi, Thiên Chúa là tình thương. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
– Thiên Chúa tự ý muốn thông chia vinh quang hạnh phúc của Người. Đó là “kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9) mà Người đã cưu mang từ trước khi tạo dựng vũ trụ trong Con yêu dấu của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Con của Người” (Rm 8,29), nhờ Thần trí làm nên nghĩa tử.” (Rm 8,15)
– ”Kế hoạch này là một ân sủng được trao ban từ muôn thuở (2 Tm 1,9-10) xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi. Tình thương này được trải ra trong công cuộc sáng tạo, trong toàn bộ lịch sử cứu độ sau khi nguyên tổ sa ngã, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà sứ mạng Hội Thánh nối tiếp.” (GLCG số 257)
C. NGUYÊN LÝ CĂN BẢN NƠI CÁC TẠO VẬT
Chúng ta tiếp tục quan sát sự sinh động của các tạo vật do Thiên Chúa Ba Ngôi sáng tạo. Các tạo vật đều có một yếu tố làm nguyên lý căn bản nối kết các yếu tố khác thành một tạo vật hoàn chỉnh và sống động.
– Nhựa sống lưu dẫn trong thân cây đã nối kết ba phần phân biệt nhau là gốc rễ, thân cây và cành lá thành một cây duy nhất. Do đó, nếu không có nhựa sống, thì cây không thể tồn tại và phát triển.
– Máu huyết trong cơ thể của loài người hoặc loài vật đã nối kết các bộ phận trong cơ thể thành một thân thể duy nhất. Nếu không còn máu trong cơ thể thì loài người hoặc loài vật sẽ chết.
– Trong gia đình, chính tình yêu thương đã nối kết người cha, người mẹ và con cái thành một gia đình duy nhất.
– Trong xã hội, mọi người luôn sống trong tình yêu để tồn tại và phát triển : tình vợ chồng, tình huynh đệ, tình gia tộc, tình làng xóm, tình đồng hương, tình dân tộc, tình nhân loại. . .
II. SỰ HỢP NHẤT NƠI THIÊN CHÚA LÀ TUYỆT HẢO
1. Tình yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa Ba Ngôi đã nối kết Ba Ngôi thành một Thiên Chúa duy nhất :
Sự hợp nhất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi là tuyệt hảo; nghĩa là không có gì có thể chia rẽ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở đâu có Chúa Cha hiện diện, thì cũng có Chúa Con và Chúa Thánh Thần; và ngược lại ở đâu có Chúa Con thì cũng có Chúa Cha và Thánh Thần.
Chúa Giêsu đã tuyên bố :
– “Tôi và Chúa Cha là Một.” (Ga 10,30)
– “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10,38)
– “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” (Ga 14,11)
– “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9)
– “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” (Ga 14,23-24)
– “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga, 16,13-15)
2. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ yêu thương nhau và hợp nhất với nhau thành một, như Ba Ngôi Thiên Chúa là một :
– “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”
– “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,20-23)
III. QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA THÌ VÔ BIÊN
A – NỀN TẢNG TRONG THÁNH KINH
1. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng.
Thánh Kinh đã ghi :
– “Người là Đấng Toàn Năng, ta chẳng sao vươn tới, Người cao cả, vì Người hùng mạnh và công minh. Người quyền năng, vì Người chính trực, nhưng chẳng áp bức ai.” (G 37,23)
– “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.” (Kn 12,18)
– “Lạy Chúa, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài. Ngài nắm giữ vương quyền, lạy Chúa, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả. Ngài cũng là nguồn phú quý vinh quang. Chính Chúa làm bá chủ muôn loài : nắm trong tay dũng lực quyền năng, nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức.” (1 Sbn 29,11-12)
– “Xin làm cho mọi dân nước và chi tộc nhận biết rằng : Ngài là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa nắm giữ mọi quyền năng và sức mạnh; và chẳng một ai khác, ngoại trừ Ngài, có thể phù hộ dòng giống Ít-ra-en.” (Gđt 9,14)
– ”Ý định Ngài cao cả, quyền năng Ngài mạnh mẽ để thực hiện những kỳ công. Ngài là Đấng để mắt theo dõi mọi đường lối của con cái loài người, để ban cho ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.” (Gr 32,19)
– “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.” (Rm 1,20)
2. Thiên Chúa quyền năng đã thực hiện chương trình sáng tạo.
Thiên Chúa Ba Ngôi đầy quyền năng, Ngài làm đuợc mọi việc. Ngài đã sáng tạo toàn thể vũ trụ vạn vật và loài người. Ngài xếp đặt muôn vật theo một trật tự kỳ diệu. Ngài dùng quyền năng và chỉ phán một lời liền có mọi sự :
– “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất …
-“Thiên Chúa phán : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” . . .
– “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ.” (St 1,1-28)
3. Thiên Chúa thể hiện quyền năng qua mầu nhiệm nhập thể.
– “Sứ thần nói với bà Maria : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,35)
-“Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37)
– “Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,18)
– “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)
– “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.” (Lc 4,14)
– “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng hiện có và đã có, chúng con xin cảm tạ Ngài đã sử dụng quyền năng mạnh mẽ và lên ngôi hiển trị.” (Kh 11,17)
4. Thiên Chúa thể hiện quyền năng qua mầu nhiệm Phục sinh.
a) Chúa Giêsu phục sinh :
– “Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa để xử sự với anh em.” (2 Cr 13,4)
– “Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.” (Rm 1,4)
– “Vấn đề là được biết Chúa Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.” (Pl 3,10)
– “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.” (Dt 1,3)
b) Chúa sẽ cho loài người sống lại :
– “Chúa Giêsu trả lời người Sađốc về sự sống lại của loài người : “Các ông lầm, vì không biết Thánh Kinh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa.” (Mt 22,29)
– “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.” (1 Cr 6,14)
-“Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,4)
– “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,21)
– “Anh em đã cùng được mai táng với Chúa Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.” (Cl 2,12)
5. Thiên Chúa thể hiện quyền năng qua việc làm chứng của các tông đồ :
– “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.” (Cv 4,33)
– “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cr 2,4-5)
– “Bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Như vậy, từ Giêrusalem, đi vòng đến tận miền I-ly-ri, tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.” (Rm 15,19)
– “Nhưng nếu Chúa muốn, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đến với anh em, và tôi sẽ được biết, không phải tài ăn nói của những kẻ kiêu ngạo đó, mà là quyền năng của Thần Khí.” (1 Cr 4.19)
– “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng.” (Rm 15,13)
– “Được Thiên Chúa chứng thực bằng những dấu lạ điềm thiêng, bằng nhiều quyền năng khác nhau và bằng các ân huệ của Thánh Thần mà Người phân phát tuỳ ý muốn của Người.” (Dt 2,4)
6. Thiên Chúa thể hiện quyền năng qua việc phán xét :
a) Chúa phán xét những thiên thần phạm tội :
-“Những thiên thần đã không giữ địa vị của mình, nhưng rời bỏ nơi mình ở, thì Người dung xiềng xích mà giam giữ họ đời đời trong ơi tối tăm, để chờ phán xét trong Ngày lớn lao.” (Gđ 1,6)
– “Thật vậy, Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần phạm tội, nhưng đã đẩy họ vào hố Địa Ngục tối tăm, giữ họ để chờ cuộc phán xét.” (2 Pr 2,4)
b) Chúa phán xét loài người :
Chúa Giêsu đã tuyên bố :
– “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử.” (Ga 5,22)
Chúa Giêsu đã báo trước ngày tận thế, Người sẽ đến trong quyền năng và sẽ phán xét toàn thể nhân loại :
– “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng. Các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.” (Mc 13,24-27; Lc 21,25-28; Mt 24,29-31)
Chúa sẽ thưởng phạt theo tiêu chuẩn tình yêu siêu nhiên :
– “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
– “Ta bảo thật các ngươi : Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,34-40)
– “Quân bị nguyền rủa kia; đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngôi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”
– “Ta bảo thật các ngươi : Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”
“Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,41-46)
B. BẰNG CHỨNG TRONG VŨ TRỤ – VẠN VẬT
Thiên Chúa Ba Ngôi thể hiện quyền năng qua các thụ tạo trong vũ trụ. Ngài đã xếp đặt muôn vật theo một trật tự thật kỳ diệu. Chúng vận hành và liên hệ mật thiết với nhau :
1/ Các loài thực vật và động vật luôn vận hành, biến đổi và phát triển theo quy luật do Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng đã ấn định. Loài nào phát triển theo loài ấy, nhưng liên hệ với nhau.
2/ Các bộ phận trong thân thể loài người cũng luôn vận hành nhằm biến đổi các yếu tố chung quanh, từ tình trạng chết (các thức ăn) biến thành sự sống (thân thể sống động), đúng theo quy luật Thiên Chúa đã quy định. Thật vậy, thân thể loài người là tổng hợp tất cả các yếu tố vật chất chung quanh, gồm : chất đặc, chất lỏng và chất khí.
3/ Mặt trời, mặt trăng, trái đất và các hành tinh trong vũ trụ bao la cũng xoay vần theo các quỹ đạo do Thiên Chúa quyền năng xếp đặt, nhờ đó chúng đã tồn tại và vận hành không ngừng.
Chương ba
GỢI Ý THỰC HÀNH
Sau khi đã hiểu biết ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và xây dựng đời sống cá nhân cũng như tập thể trên tình yêu thương tuyệt đối, bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi để xứng đáng là con cái của Ngài.
1. ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN
a) Mỗi khi làm dấu thánh giá và đọc : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy làm dấu thánh giá một cách chậm rãi. Chúng ta phải vẽ phần thân của thánh giá dài hơn phần đầu; vì nếu vẽ phần thân thánh giá ngắn hơn phần đầu, là chúng ta đã vẽ thánh giá ngược !
Khi vẽ hình thánh giá trên mình, là chúng ta tưởng nhớ và tuyên xưng tình yêu thương tuyệt đối nơi Thiên Chúa Ba Ngôi qua sự chết và sống lại vinh hiển của Ngôi Hai Thiên Chúa. Chính Người là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại được Chúa Cha sai đến trần gian.
Thật vậy, thánh giá là biểu tượng của tình yêu hoàn hảo đã chiến thắng sự chết; là biểu tượng của tình yêu thương cứu độ.
b) Mỗi lần tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta không chỉ làm dấu thánh giá, mà chúng ta còn phải mời Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn. Chúng ta xin Ngài nâng tình yêu tự nhiên của chúng ta lên tình yêu siêu nhiên.
Nhờ tình yêu siêu nhiên, chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa (Ga 14,23; 15,4-10).
Nhờ tình yêu siêu nhiên, chúng ta mới có thể yêu thương tất cả mọi người (Mt 7,12); yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương (Ga 13,1.34; Lc 23,34); và yêu thương cả kẻ thù như Chúa dạy (Mt 5,43-48; Lc 6,27-28.32-36); không còn kỳ thị hay tách biệt (1 Cr 12,13; Cl 3,11).
2. ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
a) Nền tảng để thiết lập giao ước hôn nhân và xây dựng gia đình chính là tình yêu. Nhưng trong thực tế, nhiều đôi hôn nhân và gia đình chỉ xây dựng trên tình yêu tự nhiên, nên khi gặp hoàn cảnh khó khăn, hoặc vì lý do nào đó, gia đình của họ dễ tan vỡ, có khi ly thân, ly dị, hoặc đối xử tệ với nhau. Họ đã tách biệt nhau, mỗi người một ngả.
b) Vì thế, các gia đình Công giáo, muốn được bình an, hạnh phúc, thì phải mời Chúa Ba Ngôi ngự trị trong gia đình. Cầu xin Ngài nâng tình yêu tự nhiên giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái lên tình yêu siêu nhiên.
Nhờ tình yêu siêu nhiên mọi thành phần trong gia đình sẽ không tách biệt nhau và mới có thể chu toàn các bổn phận đối với nhau và trung thành với nhau trọn đời.
Nhờ tình yêu siêu nhiên, các gia đình không chỉ quan tâm đến những người trong gia đình nhỏ bé của mình; nhưng còn quan tâm giúp đỡ các gia đình chung quanh, trong gia tộc, trong khu xóm, để mọi người yêu thương đoàn kết với nhau, cùng nhau xây dựng Hội Thánh và thế giới ngày một tươi đẹp hơn.
3. ĐỜI SỐNG TRONG HỘI THÁNH
a) Chúa Giêsu đã thành lập Hội Thánh. Người đã ban cho Hội Thánh một giới răn mới là yêu thương như Người yêu thương, nghĩa là tình yêu siêu nhiên, tình yêu hoàn hảo (Ga 13,34-35; 15,12-17), để mọi người trong Hội Thánh được “hoàn toàn nên một” như Thiên Chúa Ba Ngôi là một (Ga 17,20-23).
Thánh Phaolô cũng trình bày Hội Thánh đã được “Người thánh hoá và thanh tẩy bằng nước và lởi hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lầy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.” (Ep 5,26-27)
b) Nhưng thực tế, trong Hội Thánh hiện nay, vẫn còn một số người chưa hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu của họ chưa được nâng lên tình yêu siêu nhiên, nên trong sinh hoạt hằng ngày, họ vẫn còn sống tách biệt giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, giữa người giầu và người nghèo; giữa người già và người trẻ. Và có người còn kỳ thị chủng tộc, ngôn ngữ, quốc gia hay các miền Nam Bắc. . .
c) Để xứng đáng là thành viên trong Hội Thánh lý tưởng của Chúa Kitô, mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta hãy xin Chúa Ba Ngôi đến ngự trị trong tâm hồn mọi thành phần trong Hội Thánh. Chúng ta xin Chúa Ba Ngôi biến đổi tình yêu tự nhiên sẵn có nơi mỗi người, thành tình yêu siêu nhiên.
Nhờ tình yêu siêu nhiên, mọi người mới có thể xoá đi những tách biệt và kỳ thị. Nhờ tình yêu siêu nhiên, các thành phần trong Hội Thánh sẽ đoàn kết hợp nhất với nhau để xây dựng Hội Thánh và chứng minh cho mọi người thấy là chúng ta là con cái Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhờ tình yêu siêu nhiên, tất cả mọi thành phần trong Hội Thánh sẽ tích cực chu toàn sứ mệnh Chúa trao : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20)
4. ĐỜI SỐNG TRONG XÃ HỘI.
a) Mọi người trong xã hội, là những người chưa tin nhận Thiên Chúa Ba Ngôi, nên họ chỉ sống theo tình yêu tự nhiên phát xuất từ con người, mà tình yêu tự nhiên thì luôn luôn thay đổi. Trong khi có nhiều người ngày nay đã nhận tiền tài và danh vọng là vị thần để tôn thờ, nên họ coi người khác như kẻ thù và tìm mọi cách tiêu diệt nhau, do đó chiến tranh đã xẩy ra triền miên.
b) Với tình yêu siêu nhiên, chúng ta hãy tích cực rao giảng Tin Mừng cho mọi người biết : Thiên Chúa, Đấng sáng tạo là Cha yêu thương; Ngài yêu thương tất cả mọi người không trừ ai. Ngài muốn mọi người trên thế giới cũng yêu thương nhau bằng tình yêu siêu nhiên và nhìn nhận nhau là anh chị em trong một nhà, con một Cha. Ngài luôn mở rộng cửa Trời để đón tiếp họ, nếu họ sám hối, bỏ con đường dối trá, bất công và ích kỷ.
Quả thật, khi nào mọi người trên thế giới đều tin nhận Thiên Chúa Ba Ngôi và sống trong tình yêu siêu nhiên, thì thế giới sẽ có Hoà Bình đích thật.
Nguyện xin Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn mọi người. Amen.
Lm Giuse Hoàng Kim Đại
Lm. Giuse Hoàng Kim Đại – trích conggiaovietnam.net