Đơn vị sự nghiệp công lập – định nghĩa, đặc điểm và ví dụ
Đơn vị sự nghiệp công lập – định nghĩa, đặc điểm và ví dụ
Đơn vị sự nghiệp công đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dịch vụ công cho người dân. Vậy, đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm những đơn vị nào? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây của eBH nhé!
Định nghĩa về đơn vị sự nghiệp công lập là gì?
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật viên chức 2010, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội thành lập theo quy định pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước.
Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 120/2020/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài được định nghĩa như sau:
Đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ do Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định pháp luật, trụ sở được đặt ở nước ngoài.
Khoản 2, Điều 9, Luật viên chức năm 2010 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
-
Đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ hoàn toàn về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao tự chủ hoàn toàn về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
Xem thêm: Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp
2. Đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập
Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đầu tư và xây dựng để vận hành, tùy vào từng loại hình mà Nhà nước có sự hỗ trợ ngân sách ở cấp độ khác nhau.
Mục đích của đơn vị sự nghiệp công lập là cung cấp dịch vụ sự nghiệp trong trong lĩnh vực Nhà nước chịu trách nhiệm cung ứng cho nhân dân, hoặc các lĩnh vực mà khu vực phi Nhà nước không có khả năng đầu tư, không quan tâm đầu tư.
Cơ chế hoạt động: Hiện nay đang được đổi mới theo hướng tự chủ và thực hiện hạch toán độc lập.
Cụ thể: Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, hạn chế tình trạng lạm quyền, vượt quyền, phòng chống tham nhũng.
Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Hiện nay, đã có quy định về việc thành lập Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư vào các đơn vị sự nghiệp công lập khác trong trường hợp cần.
Nhân sự: Chủ yếu được tuyển dụng theo vị trí việc làm, theo hợp đồng, quản lý và sử dụng dưới tư cách viên chức. Bên cạnh đó, người đứng đầu đơn là công chức.
Phân loại: Theo quy định của Nghị định số 116/2015/NĐ-CP của Chính Phủ, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có thể chia thành 4 loại như sau:
-
Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
-
Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.
-
Đơn vị tự đảm bảo một 1 phần chi thường xuyên.
-
Đơn vị được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
3. Ví dụ về đơn vị sự nghiệp công lập
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 9, Luật viên chức năm 2010, đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ: tự chủ hoàn toàn về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy nhân sự.
Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ: chưa được tự chủ hoàn toàn về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy nhân sự. Đơn vị này chủ yếu là các viện nghiên cứu, bệnh viện trực thuộc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.1. Đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập
Điều 2, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ và Cơ quan ngang bộ
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW.
3.2. Ví dụ cụ thể
Ví dụ về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
1) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ và Cơ quan ngang bộ (trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ công an và Bộ quốc phòng):
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ: Bao gồm Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, trực thuộc Bộ và đơn vị ở nước ngoài. Ví dụ:
Trường Đại học Luật Hà Nội trực thuộc Bộ tư pháp, và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo.
Viện Nghiên cứu thiết kế trường học trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo.
Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục và các tổ chức tương đương Tổng cục thuộc Bộ.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục, Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng thuộc Bộ.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ.
2) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài.
3) Đơn vị thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập nhưng không phải đơn vị sự nghiệp công lập.
4) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW, gồm:
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh.
Ví dụ: Đài phát thành truyền hình là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (Sở).
Ví dụ: Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở trực thuộc Sở y tế Hà Nội.
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Chi cục và tương đương thuộc Sở.
Ví dụ: Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc quản lý của Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội thành phố Hà Nội
-
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh.
5) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, hoặc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW.
Trên đây là khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập và các nội dung có liên quan. Nếu bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với Bảo hiểm xã hội điện tử eBH để được hỗ trợ tốt nhất.