Đôi nét độc đáo của văn hóa chợ truyền thống Nam Bộ
Nguyễn Hữu Hiệp
Chợ ở Nam Bộ rất đa dạng và đôi khi có một không hai về địa điểm họp chợ, mặt hàng mua bán, quy mô… nhưng có một điểm chung: cho dù là chợ kiểu nào, bất cứ nơi đâu, cũng đều bật lên những nét văn hóa chợ rất đáng yêu. Tìm hiểu đôi nét về chợ sẽ hiểu thêm về nền kinh tế, đời sống lao động sản xuất và phong tục tập quán của cư dân vùng đất.
Chợ truyền thống thường được hình thành ở địa thế “trên bến dưới thuyền”. Ảnh: DUY KHÔI
Sơ thời, chợ thường được hình thành tại những khoảng đất trống, có bóng cây cạnh các lỵ sở, hoặc nơi đóng quân, khi đã sung mậu thì phố sá mọc lên, dần dần trở nên sầm uất. Trên cơ sở đó, đến thời Pháp thuộc, chợ ở Nam Bộ được quy hoạch tương đối bài bản: chợ làng/xã cách nhau khoảng trên dưới 10km, chợ tỉnh cách nhau trên dưới 60km, giữa các chợ tỉnh là chợ quận, gần hay xa là do địa hình cụ thể từng nơi. Khoảng cách giữa các chợ cũng chính là khoảng cách giữa các “nhà dây thép”, vì cơ quan này và cơ quan hành chính (“nhà việc” hay công sở) đều tập trung khu vực chợ. Chợ nào cũng có “nhà dài”, tức “nhà lồng chợ”, trên đầu nhà lồng có vẽ tên chợ, thường viết bằng chữ in hoa không bỏ dấu, thí dụ Chợ Ðình ghi là CHO ÐINH, Chợ Mới ghi là CHO MOI… Nhà dài chợ làng xã hoặc quận huyện được cất bằng gỗ dầu, lợp ngói vẩy cá, tuổi thọ khoảng 60 năm; nhà dài chợ tỉnh khung sườn bằng sắt, cũng lợp ngói vẩy cá, tuổi thọ trăm năm. Hai bên nhà lồng và đường đi trong khu vực chợ đều là nhà phố, trệt hoặc lầu. Chợ nào cũng có bến xe, bến đò và bến sông, rất thuận tiện cho việc “đi chợ”.
Một cách chung nhất, chợ là trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa, thường được nhóm họp ở nơi đông dân cư; nhưng ở miền Nam, đặc biệt là tại ÐBSCL, do đặc điểm địa hình, địa lý, nhân văn… nên ngoài những chợ ở khu dân cư như vừa nói, người ta còn họp chợ bất cứ nơi đâu. Tại một bến sông thì gọi chợ búa (búa: bến). Trước sân nhà ai đó, có khi tràn ra lề đường làng, gọi chợ chồm hổm (một cách ngồi phổ biến của người Nam Bộ, vì không có sạp kê). Chợ trong vườn cây bên đường, gọi chợ thời gian, được chính quyền địa phương mặc nhận, cho người chủ đất ấy tạm khai thác hoa chi trong một thời gian, bao giờ thật sự sung túc sẽ lập chợ chính thức. Ðộc đáo nhất là chợ trên sông gồm nhiều ghe được neo đậu quây quần tại một địa điểm thuận tiện việc đi lại, giao lưu hàng hóa, gọi chợ nổi, với mặt hàng chủ yếu là nông sản do nhà vườn mang đến bán, hoặc sang cho vựa. Nổi tiếng có chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Ngã Bảy ở tỉnh Hậu Giang, chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng và rất nhiều nơi khác khắp đồng bằng.
Chợ trời ở Nam Bộ, hàng hóa không được bày bán trong tiệm mà “đổ xá” theo lề đường, giá rất rẻ. Ví dụ như chợ trời biên giới bày hàng bán giữa đồng trống tại biên giới Việt Nam – Campuchia, tất nhiên có cả dịch vụ đổi tiền. Chợ phiên thì trước 1975 có chợ mua bán trâu bò ở núi Sam vào những ngày quy định, nay hình thành tại sóc Tà Ngáo ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; hoặc các phiên chợ mua bán hoa kiểng vào dịp Tết… Chợ đêm chỉ nhóm họp lúc nửa đêm, khá nhộn nhịp nhưng do ngày trước chưa có điện, phải dùng đèn trứng vịt, ánh sáng tù mù nên cũng gọi chợ âm phủ, ví dụ như chợ chiếu đêm Cái Dầu Ðịnh Yên, ở Lấp Vò, Ðồng Tháp. Vì ban ngày bà con phải lo dệt chiếu, tối lại mới đem ra chợ bán để bạn hàng đến mua gom đem đi bán lẻ các nơi cho kịp buổi chợ đông. Chợ lưu động bày bán hàng trên các loại xe, phổ biến là xe đẩy, chuyên bán rau dưa, thịt cá, khô mắm, gạo muối, bông hoa, bánh trái, giải khát các loại, tương chao tàu hủ, hàng nhôm nhựa, nhang đèn, các loại đồ thủ công như rổ rế, chổi quét nhà… giá khá rẻ vì không phải đóng thuế.
Một phiên chợ nông sản. Ảnh: DUY KHÔI
Ðặc biệt, Nam Bộ có chợ lưu động trên ghe, luồn lách khắp các kinh rạch cung ứng đủ loại vật thực thiết yếu cho nhân dân vùng sâu vùng xa, họ không rao mời mà dùng kèn hơi báo hiệu. Còn nếu chèo xuồng tam bản bán lặt vặt quanh quẩn ở vàm sông hoặc nơi giáp nước (chỗ hai dòng nước chảy gặp nhau trong một con kinh, phù sa lắng tụ lâu ngày làm cho vàm kinh/lòng rạch bị cạn), các ghe thương hồ không đi được nên phải đậu lại để chờ “con nước lớn”, thì gọi “bán vàm”. Nên có câu ca dao “Chịu oan một tiếng bán vàm / Bán thì có bán điếm đàng thì không”. Rồi thì có chợ trên núi, điểm bán là những chỗ tương đối đông dân cư hoặc ngã ba đường nơi thường có khách bộ hành qua lại, như ở triền núi hoặc chân núi. Ấn tượng nhất ở Nam Bộ có lẽ là chợ trên mây, họp trên đỉnh núi Cấm. Ngoài ra còn có chợ “si-đa” hay chợ “nghĩa địa” mua bán quần áo, hoặc các loại máy, phụ tùng và xe máy đã qua sử dụng hoặc “rớt đời”… nhưng vẫn còn khá tốt, đẹp, lại rẻ. Chợ chuyên doanh như chợ cua đồng, chợ ốc hến, chợ chuột ở Phù Dật, ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang…
Bên cạnh một số chợ chỉ tồn tại một thời gian nhất định, đa phần đều từng bước được hợp thức hóa, nâng cấp, phát triển. Vì vậy mà từ thời Pháp thuộc, dân gian đã có đặt vè kể ra loạt chợ ở Nam Bộ nghe khá vui tai và phổ biến đến ngày nay:
“Nghe vẻ nghe ve, nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ, đi giáp một vòng.
Hàng hóa mênh mông, kêu bằng Chợ Lớn.
Thiên hạ phát ớn, là chợ Bình Đông.
Ấm bụng no lòng, kêu bằng Chợ Gạo.
Thiệt là huyên náo, là chợ Bến Thành.
Xúm nhau giựt giành, là chợ Bến Tranh.
Ăn ở hiền lành, đi chợ Thủ Đức.
Tối mò như mực, là chợ Gò Đen.
Cẳng bước không quen, là chợ Gò Vấp.
Khỏi lo đèn tắt, đi chợ Gò Dầu.
Sợ má đợi lâu, đi chợ Bà Quẹo.
Không trì cũng kéo, là chợ Bến Tre.
Chợ gì vắng hoe, kêu bằng chợ Đuổi (Đũi).
Ăn mặn như muối, là chợ Cầu Kho.
Nấu nướng khỏi lo, là chợ Xóm Củi.
Coi chừng lửa khói, là chợ Lái Thiêu.
Vắng mẹ nó kêu, là chợ Bến Nghé.
Ai mà đau khổ, đi chợ Cầu Duyên.
Gục xuống gục lên, kêu bằng “chợ ế”.
Đạp nhằm quỵ té, là chợ Cần Chông.
Rượt chạy lòng vòng, là “chợ chồm hổm”.
Làm ăn yên ổn, là chợ Biên Hòa.
Hay hát dân ca, là chợ Phước Lý.
Toàn là thi sĩ, là chợ Cần Thơ.
Nó cắn ơ hờ, là chợ Rạch Kiến.
Vừa nói vừa nghiến, là chợ Cái Răng.
Ăn uống lăng xăng, đâu bằng Chợ Quán.
Người ưa bàn tán, ra chợ Bùng Binh.
Không dính trong mình, là chợ Cần Giuộc.
Muốn gặp Trời Phật, đi chợ Long Hoa.
Phơi lúa mau khô, thì đi Chợ Đệm.
Rờ êm như nệm, là chợ Sài Gòn.
Đàn bà chết chồng, xuống chợ Rạch Giá.
Không ăn thịt cá, ra chợ Hà Tiên.
Cho người tới biên, là chợ Bến Thuế.
Tướng sĩ xe pháo, là chợ Bàn Cờ.
Vợ bỏ bơ vơ, chợ Cầu Ông Lãnh.
Người nào cũng bảnh, là chợ Cái Cơm.
Khỏi lo bần cùng, đi chợ Phú Quới.
Chưa đi đã tới, là chợ Cà Mau.
Chẳng được ngọt ngào, là chợ Đà Lạt.
Ngứa gãi sột soạt, là chợ Hóc Môn.
Nghe kêu hết hồn, là chợ Trà Cú.
Xe chạy ngắc ngứ, là chợ Gò Công.
Đi giáp một vòng, cũng chưa hết chợ.
Thiệt là đáng sợ, là cái “chợ Trời”.
Ai biết xin mời, tiếp theo vè chợ…”
Lời mời tất nhiên không thể không có người hưởng ứng. Một người vùng Bảy Núi có bài vè “Nhóm chợ trên mây”, không chỉ giới thiệu những đặc sản miền núi mà còn phản ánh được một nét sinh hoạt văn hóa địa phương:
“Bán rau bán ớt bán cà
Bán thơm bán mít cùng là bán dưa,
Sớm mai chợ nhóm tới trưa
Bán bầu, bán bí, bán dưa cải trường
Có bán đậu hủ cùng tương
Đậu xanh, đậu trắng, bán đường cà om
Bán gà, lại bán heo con
Hươu nai cũng có món ngon đồ rừng
Đọt lang, đọt sộp, đọt vừng
Bán rau ngành ngạnh, bán gừng, bán me
Tháng tám kẻ bộ, người ghe
Khoai lang, khoai tím, bán mè, bán lươn
Chuối cao, chuối ngự, đồ thường
Mãng cầu, đu đủ trong vườn gánh ra
Dưa leo, dưa hấu, khổ qua
Sớm mai hành hẹ, gánh ra dẫy đầy
Con Mên bán gióng, bán mây
Giáng hương, củi bó, trái cây, vú bò
Người thời bán gạo, bo bo
Bột lùng, bột ngải, mừng rò, trái dâu
Tóc xanh chí những bạc đầu
Bán buôn từ thiện giữ câu tu trì…”
Thật vậy, cho đến nay bà con Nam Bộ thường nhắc, cũng là một cách tự dặn mình: Mua bán ăn thua đồng nài, bày đặt ăn gian, mua cân già bán cân non, ngu sao làm cho cả nhà hưởng mà tội một mình.
Một nét văn hóa rất đáng yêu!
Tiệm cà phê “kho” di động trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHÔI