Doanh nghiệp ủy quyền cho chi nhánh theo hình thức nào?

Ông Trần Thanh Bằng (TP.HCM) hỏi: Bộ luật Dân sự chỉ có quy định về Hợp đồng ủy quyền, tuy nhiên trong một số luật, bộ luật khác có quy định về Giấy ủy quyền. Vậy, giá trị pháp lý của Hợp đồng ủy quyền và Giấy ủy quyền như thế nào? Khi doanh nghiệp ủy quyền cho chi nhánh thì sử dụng Giấy ủy quyền hay Hợp đồng ủy quyền, có phải công chứng không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Điều 116 Bộ luật này quy định, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo đó, giao dịch ủy quyền là một giao dịch dân sự, do cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác, tùy theo trường hợp cụ thể, có thể được xác lập, thực hiện bằng hình thức hợp đồng ủy quyền do hai bên thỏa thuận; hoặc giấy ủy quyền do bên ủy quyền đơn phương lập chỉ định bên được ủy quyền thực hiện nội dung ủy quyền.  

Hợp đồng ủy quyền: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên chủ thể bằng văn bản, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Trường hợp hợp đồng ủy quyền ký kết giữa hai bên đều là cá nhân; hoặc giữa một bên là pháp nhân với một bên là cá nhân, cần phải được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng (Luật Công chứng năm 2014).

Trường hợp hợp đồng ủy quyền ký kết giữa hai bên đều là pháp nhân thì, đại diện theo pháp luật của mỗi bên ký và đóng dấu pháp nhân. Căn cứ vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, nếu cần thiết, có thể công chứng hợp đồng.

Bên được ủy quyền phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã thỏa thuận trong hợp đồng, nếu thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền thì bên ủy quyền không chịu trách nhiệm đối với phần vượt quá; bên được ủy quyền không thực hiện công việc theo cam kết thì bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền phải thực hiện và bồi thường thiệt hại phát sinh. Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý thỏa thuận trong hợp đồng.

Giấy ủy quyền: Giấy ủy quyền là hình thức ủy quyền do một bên đơn phương lập bằng văn bản, theo đó bên ủy quyền chỉ định bên được ủy quyền nhân danh mình thực hiện một hoặc một số công việc trong phạm vi ủy quyền ghi trong giấy ủy quyền.

Giấy ủy quyền của cá nhân lập phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực (Luật Công chứng năm 2014; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch).

Trường hợp bên ủy quyền là pháp nhân, ủy quyền cho cá nhân hoặc chi nhánh của pháp nhân thực hiện công việc của pháp nhân thì, đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải ký và đóng dấu pháp nhân.

Giấy ủy quyền được lập khi việc ủy quyền, không cần sự có mặt của bên được ủy quyền. Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên được ủy quyền phải đồng ý và  không có giá trị bắt buộc bên được ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy ủy quyền. Bên được ủy quyền theo Giấy ủy quyền không được ủy quyền lại.

Trả lời vấn đề ông Trần Thanh Bằng hỏi, khi doanh nghiệp ủy quyền cho chi nhánh thực hiện nhiệm vụ thì sử dụng hình thức hợp đồng ủy quyền hay giấy ủy quyền và có phải công chứng không?

Theo Khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

Do chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, nên khi doanh nghiệp ủy quyền cho chi nhánh thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền thì, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ cần lập giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký và đóng dấu doanh nghiệp, trường hợp này không cần thiết phải công chứng.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.