Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài: Nhiều vướng mắc khó xử lý
TP – Danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã dài dài. Đáng chú ý, một số đơn vị, công ty nợ đóng bảo hiểm trong thời gian rất dài, có đơn vị nợ hơn…100 tháng.
Danh sách nợ ngày càng dài
Theo BHXH quận Hai Bà Trưng mới đây, trên địa bàn quận có hơn 500 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng. Nhiều đơn vị bị xác định nợ kéo dài vài chục tháng, nhiều tỷ đồng.
Ví dụ như Cty TNHH MTV DV&TM VCCI (Đào Duy Anh) nợ hơn 66 tháng với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng của 13 lao động; Cty CP TM DV Tổng hợp Hai Bà Trưng (Lê Đại Hành), nợ 24 tháng hơn 3,4 tỷ đồng của 81 lao động; Cty CP Digicity Việt Nam (Thanh Xuân) nợ 56 tháng, số tiền hơn 1,1 tỷ đồng của 2 lao động; Cty CP Giải pháp EZ (Hà Đông) nợ hơn 1,3 tỷ đồng trong 48 tháng của 1 lao động. Một đài truyền hình trên địa bàn quận Hai Bà Trưng bị xác định nợ 6 tháng với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng của 518 lao động.
Trong tháng 9, đài này đã nộp 1 tỷ đồng. Cty CP Công nghệ Bình Minh (Nam Từ Liêm), xác định nợ 11 tháng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng của 122 lao động. Cty CP Đồng Tháp (Thanh Trì), nợ 122 tháng của 14 lao động, mức tiền hơn 5,7 tỷ đồng; Cty CP Phụ tùng và Tư vấn ô tô (Trần Khát Chân) nợ 21 tháng, số tiền hơn 4,6 tỷ đồng của 151 lao động. Đơn vị này vừa nộp gần 500 triệu trong tháng 9.
Trước đó, quận Cầu Giấy cũng công bố danh sách hơn 3.400 đơn vị còn nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền nợ hơn 290 tỷ đồng. Đáng chú ý, có nhiều đơn vị nợ hơn 100 tháng. Đơn cử như Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng 2 nợ 119 tháng, số tiền hơn 10 tỷ đồng của 1 lao động. Hay như Cty CP truyền thông VMG Việt Nam (Hoàng Mai) nợ 117 tháng, số tiền hơn 2,4 tỷ đồng của 1 lao động. Đặc biệt, Cty CP Thương mại vật tư thiết bị Thăng Long (Nghĩa Đô), nợ 130 tháng, số tiền hơn 1,8 tỷ đồng của 1 lao động.
Tra cứu thông tin tại trang web của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) theo mã số thuế từ danh sách công bố của quận Cầu Giấy cho thấy, công ty Cổ phần Anh ngữ APAX được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2012. Chủ sở hữu/người đại diện pháp luật công ty này theo công bố là Nguyễn Ngọc Khánh; Chủ tịch công ty là ông Nguyễn Ngọc Thuỷ. Công ty này còn có một số chi nhánh tại Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Đà Nẵng…
Cty TNHH sản xuất và PTTM Đức Quang (Mai Dịch), nợ 113 tháng, số tiền hơn 485 triệu đồng của 2 lao động. Cty Cổ phần Anh ngữ APAX (Trung Kính, Cầu Giấy), nợ 31 tháng hơn 48,8 tỷ đồng (456 lao động). Cty này cũng nợ 33 tháng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng với 96 người nước ngoài. Cty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Hà Nội (Dịch Vọng Hậu) nợ 9 tháng, hơn 1,5 tỷ đồng của 134 lao động…
Nhiều vướng mắc, khó xử lý
Dựa trên danh sách công bố nói trên, phóng viên Tiền Phong đã tìm đến một số địa chỉ Cty, đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đơn vị đã chuyển địa điểm đăng ký kinh doanh. Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, có những công ty, đơn vị thuộc diện đã “chết nhưng không được chôn”. Theo vị này, nhiều công ty, đơn vị nhiều năm không hoạt động, gặp khó khăn về tài chính, đã giải thể, dừng hoạt động. “Doanh nghiệp, đơn vị chết rồi nên việc thu hồi tiền gần như là không thể”, vị này nói.
Các đơn vị chức năng của quận tổng hợp danh sách các đơn vị, gửi BHXH để có các biện pháp phù hợp. Hiện tại, thành phố cũng đang chỉ đạo thanh tra nhiều đơn vị, công ty, doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ phân loại theo từng nhóm. Trường hợp nào có khả năng thu hồi thì gửi giấy để các đơn vị đến nộp. Trường hợp khó khăn quá thì kiến nghị đưa ra chính sách phù hợp”, vị này nói, trường hợp nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng cho biết, dựa trên danh sách, hồ sơ của BHXH gửi sang, đơn vị sẽ phối hợp, cử cán bộ đi thanh tra, kiểm tra. Còn việc xử lý thế nào, cụ thể ra sao liên quan quy định cụ thể của ngành bảo hiểm. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, lãnh đạo BHXH thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, việc xử lý các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế kéo dài còn nhiều vướng mắc. Vị này ví dụ, có những công ty không có hoạt động gì, nhưng vẫn duy trì 1 người để thực hiện một số giao dịch, giữ đất, giữ tài sản… “Nếu doanh nghiệp, tổ chức không có người đại diện thì sẽ bị liệt vào dạng bỏ trốn, mất tích để có cách xử lý”, vị này nói, đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tình trạng này trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan BHXH thành phố tổng hợp số doanh nghiệp nợ BHXH, số tiền nợ đóng BHXH hằng tháng để gửi các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã…để thực hiện các biện pháp thu nợ BHXH; tăng cường thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Với những doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự theo đúng thẩm quyền. “Cần điều tra, xác minh, khởi tố đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có hành vi gian lận, cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH cho người lao động”, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo.