Doanh nghiệp nhập khẩu bất an vì tỷ giá

Doanh nghiệp nhập khẩu bất an vì tỷ giá

Tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào để gia công như dệt may, da giày, điện tử, nhựa, xi măng…

Ngồi trên đống lửa

Việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá USD thêm 2% từ trung tuần tháng 10 đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu lớn.

Nếu các nhà xuất khẩu phấn khởi vì hầu hết đơn hàng xuất đi được tính bằng USD, nhờ đó họ có thêm phần chênh lệch, thì những doanh nghiệp nhập khẩu lại đau đầu vì giờ đây, mỗi container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí do tỷ giá tăng. Theo đó, giá USD tăng khiến các doanh nghiệp nhập nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất bị đội chi phí nhập khẩu, do đổi VND để mua USD thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài. Điều này khiến giá thành tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.

Ngay với doanh nghiệp xuất khẩu, niềm vui cũng không trọn vẹn, vì đa phần doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Chiều xuất được lợi chút ít, nhưng chiều nhập khẩu đầu vào bị đội giá, nên cân bằng được đã là may.

Việc tăng tỷ giá tác động mạnh đến các doanh nghiệp có hoạt động thanh toán bằng USD, cứ 1 triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây chỉ trả khoảng 23,4 tỷ đồng, thì nay tăng lên 25,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp có quy mô nhập khẩu càng lớn thì phần chênh lệch tỷ giá càng cao.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tỷ giá tăng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD vào năm 2021, đã đưa Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhưng, từ dệt may, giày dép đến thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nội địa đều phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất, đạt 50-60 tỷ USD như điện tử, máy tính, song chỉ là gia công, lắp ráp nên phải nhập phần lớn linh phụ kiện.

Thống kê cho thấy, 10 tháng qua, cả nước đã nhập 303,42 tỷ USD hàng hóa nguyên liệu, máy móc, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 269 tỷ USD, chiếm 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong đó, ngành dệt may nhập khẩu 12,5 tỷ USD vải, tăng 8%; nhập nguyên liệu dệt, may, giày dép gần 6 tỷ USD, tăng 9,6%; nhập bông gần 3,4 tỷ USD, tăng 24%. Ngành thủy sản cũng nhập xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 40,6%…

Theo Bộ Công thương, USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu như dệt may, da giày, điện tử, nhựa… gây sức ép giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Văn Lâm, Phó giám đốc Công ty Thương mại – Dịch vụ Vân Long (Hà Nam) chia sẻ, tỷ giá tăng kéo theo chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp phục vụ các đơn hàng đã ký tăng khoảng 10%. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp đang chịu nhiều tác động bởi chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu sản xuất, giá nhân công đều tăng, nay lại thêm tỷ giá ngoại tệ tăng làm giảm đáng kể lợi nhuận.

Quý III/2022, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ công bố khoản lỗ tỷ giá 400.000 USD do mua nguyên liệu đầu vào và thanh toán nợ ngắn hạn bằng USD trong bối cảnh đồng tiền này tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Công ty đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, mà nguyên nhân chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Các doanh nghiệp đang có khoản vay bằng USD như ngồi trên đống lửa bởi phần chênh lệch tỷ giá tăng quá mạnh, không chỉ ăn mòn lợi nhuận, còn khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ.

Theo đánh giá của SSI Research, nhóm doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá 8,6% so với USD. 

Lo giảm mạnh đơn hàng

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao”, Báo cáo của Bộ Công thương nhận định.

Thực tế, lạm phát tăng nhanh tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đơn hàng đã giảm thấy rõ trong 2 tháng qua. Dệt may, điện thoại, giày dép đều chưa đủ đơn hàng 2 tháng cuối năm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở nhiều ngành hàng xuất khẩu, khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10. Nay lại thêm tỷ lệ mất giá của VND so với USD trong xu hướng mất giá chung, càng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Đơn cử, với ngành xi măng, 3 tháng gần đây xuất khẩu sụt giảm mạnh. 10 tháng của năm 2022, ngành này xuất khẩu gần 26 triệu tấn xi măng, clinker, giảm 30,2% so với cùng kỳ, trị giá đạt 1,14 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ. Đại diện một nhà sản xuất xi măng cho biết, 80% than dùng cho sản xuất được doanh nghiệp nhập khẩu, trong khi USD đã tăng giá mạnh, đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng thêm trên 10%, trong khi giá xi măng xuất khẩu lẫn nội địa không tăng.

Đơn hàng suy giảm, tốc độ xuất khẩu không còn như các quý trước, song do xuất khẩu tăng mạnh suốt từ đầu năm nên xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD, nhưng trong 2 tháng còn lại của năm 2022 khó có thể duy trì mức xuất siêu này.