Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể

Theo thống kế của Tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Có thể thấy, tỉ lệ số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh so với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Thực tế, tạm ngừng kinh doanh và giải thể là hai hình thức chủ doanh nghiệp thường hướng đến khi doanh nghiệp hoạt động khó khăn, chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh để hạn chế tối đa những tổn thất. Mặc dù đây là hai hình thức hoàn toàn khác nhau, nhưng vẫn có rất nhiều chủ doanh nghiệp nhầm lẫn, không nắm được sự khác nhau giữa hai hình thức này. Trong khuôn khổ bài viết này, công ty Luật TNHH Giải Pháp Việt tư vấn đến các doanh nghiệp nói chung, và các doanh nghiệp đang có dự định tạm ngừng kinh doanh hay giải thể nói riêng về sự khác biệt giữa tạm ngừng kinh doanh và giải thể để doanh nghiệp có được nền tảng pháp lý, từ đó cân nhắc nên lựa chọn hình thức nào phù hợp nhất “nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể” đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể?

Thứ nhất, khái niệm giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh

Luật Doanh nghiệp năm 2020 không đưa ra khái niệm về giải thể doanh nghiệp là gì hay tạm ngừng kinh doanh là gì. Tuy nhiên có thể hiểu tạm ngừng kinh doanh là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định, và sau khoảng thời gian tạm ngừng, doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động bình thường. Còn giải thể doanh nghiệp là doanh nghiệp “khai tử”, chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường

Thứ hai, trường hợp tạm ngừng kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp

Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:

“1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:

“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

  1. a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

  2. b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

  3. c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

  4. d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”

Như vậy, có thể thấy, tạm ngừng kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp đều có thể là quyền của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tự nguyện giải thể hoặc tự nguyện tạm ngừng kinh doanh. Và doanh nghiệp cũng có thể bị bắt buộc giải thể nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Thứ ba, về hậu quả pháp lý

Từ định nghĩa giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh cho thấy:

Giải thể doanh nghiệp dẫn đến hậu quả pháp lý là chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp. Trước khi giải thể doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ liên quan đến quyền lợi của người lao động, khách hàng và các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước.

Tạm ngừng kinh doanh không dẫn đến hậu quả pháp lý làm chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, thay vào đó, tạm ngừng kinh doanh chỉ làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động như bình thường. Và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước, các khoản nợ và hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng và người lao động.

Thứ tư, về trình tự, thủ tục

Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp phức tạp hơn so với tạm ngừng kinh doanh. Xuất phát từ lí do, doanh nghiệp giải thể làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó trên thị trường, nên để nhằm hạn chế việc doanh nghiệp giải thể nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải đảm bảo hoàn thành trả nợ và nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước. Do đó, để giải thể doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục trong nội bộ doanh nghiệp cũng như tại nhiều cơ quan khác nhau (như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan hải quan…)

Như vậy, khi giải thể, doanh nghiệp chấm dứt tồn tại, doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng chi trả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, tạm ngừng kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng về tiền lương cho người lao động, thuế và các nghĩa vụ khác. Do đó, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể tập trung giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, tìm cách huy động vốn để tái cơ cấu doanh nghiệp. Trường hợp có thể hoạt động sớm hơn thời hạn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh về việc hoạt động trước thời hạn. Ngược lại, trường hợp sau thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động có thể lựa chọn giải thể doanh nghiệp.

Trường hợp nếu chủ doanh nghiệp không giải thể doanh nghiệp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là những thông tin liên quan đến nội dung “Doanh nghiệp nên tạm ngừng kinh doanh hay giải thể khi bị ảnh hưởng do Covid-19”. Mọi thắc mắc, tìm hiểu chi tiết, Quý khách hàng có thể liên hệ qua: 

  • Email: [email protected]

  • Hotline: 0902 868 117 – 0909 868 117

  • Website: lawsolutions.com.vn

 

Share