Đỗ Hồng Ngọc – một bác sĩ, nghệ sĩ đa tài

Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 (khai sinh ghi 1943) tại Phan Thiết (quê gốc Hàm Tân, nay là thị xã La Gi), tỉnh Bình Thuận, là một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng nhưng rất đam mê sáng tác văn học nên anh còn là hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh.

screenshot_1653000828.pngBác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (bên trái) và tác giả (ảnh chụp tại Đồi Dương – Phan Thiết cuối những năm 90)

Trước năm 1975, anh đã từng cộng tác với các báo, tạp chí: Bách khoa, Ý thức, Tuổi ngọc, Tình thương… Sau ngày đất nước thống nhất, giống như những trí thức yêu nước khác, anh chọn Tổ quốc và ở lại Việt Nam tiếp tục đóng góp cho đất nước bằng nghề nghiệp chuyên môn của mình, đồng thời anh vẫn tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Bài viết này chỉ xin phác họa chân dung đa tài của Đỗ Hồng Ngọc – một người con Bình Thuận sống xa quê – dưới góc nhìn về một tác giả sáng tác văn học. Riêng lĩnh vực y học vốn là chuyên môn chính của anh thì xin dành cho những bậc thức giả và đồng nghiệp của anh vì người viết vốn là kẻ “ngoại đạo”.

Nhà nghèo, cha mất sớm, tản cư trong rừng không có được các điều kiện thuận lợi như những bạn bè cùng trang lứa nên anh đi học trễ đến ba, bốn năm so với số tuổi theo quy định. Nhờ nghị lực vượt khó, vươn lên và được sự dẫn dắt chân tình của học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) anh đã rút ngắn chương trình trung học được ba năm, đuổi kịp bạn bè để vào Sài Gòn học tiếp bậc đại học. Anh quyết định chọn nghề y – phần nào cũng do định hướng của học giả Nguyễn Hiến Lê, vì thế sau này khi viết lời giới thiệu cho tập sách y học phổ thông đầu tay của anh, ông đã có nhận xét hết sức tinh tế: “…Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị…”. Anh đặc biệt quý trọng và biết ơn học giả Nguyễn Hiến Lê như một người thầy mẫu mực mặc dù suốt quãng đời cắp sách, anh chưa hề được học ông trực tiếp một ngày nào.

Trên lĩnh vực sáng tác văn học, anh đã xuất bản hàng chục đầu sách như các tập thơ: Tình người, Thơ Đỗ Nghê, Giữa hoàng hôn xưa, Vòng quanh, Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, Thơ ngắn Đỗ Nghê, Biển của một thời (thơ in chung), Một thuở sương mù (thơ in chung). Về văn xuôi, anh có các tập truyện ngắn: Cuộc đi dạo tình cảm (in chung với nhiều tác giả), tùy bút: Gió heo may đã về, Già ơi… chào bạn, Tạp bút Những người trẻ lạ lùng, Cành mai sân trước (tuyển tập), Nghĩ từ trái tim, Thư gởi người bận rộn, Khi người ta lớn, Như Thị, Nhớ đến một người, Ghi chép lang thang… và gần đây nhất là các tập tản văn: Về thu xếp lại, Biết ơn mình, Để làm gì…

Bài thơ Lời ru của anh nói lên sự dằn vặt, trăn trở của những trí thức yêu nước ở miền Nam trước làn sóng xâm lược ngày càng gia tăng ác liệt của đế quốc Mỹ vào Việt Nam năm 1965, giờ đây đọc lại có thể rất bình thường nhưng vào thời điểm nó xuất hiện thì không hề đơn giản.

Ngủ đi con, ngủ đi con

Ngày mai rồi khôn lớn

Cầm súng với cầm gươm

Ngủ đi con, ngủ đi con

Ngày mai rồi khôn lớn

Giết bạn bè, anh em…

Ngay sau khi ra đời, bài thơ đã được phổ nhạc và phổ biến khá mạnh mẽ trong phong trào văn nghệ phản chiến của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Tác giả phần nhạc (nhạc sĩ Miên Đức Thắng) của bài hát này về sau đã bị chính quyền Sài Gòn kết án 5 năm tù về “tội” phản chiến. Sau này, Lời ru được chọn in vào tuyển tập thơ – văn – nhạc-họa – báo chí Tiếng hát những người đi tới, do Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên phối hợp với nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1993. Đây là tuyển tập bao quát khá toàn diện phong trào văn hóa – văn nghệ chống Mỹ của sinh viên, học sinh đô thị miền Nam giai đoạn 1960 – 1975.

Anh có nhiều kỷ niệm khó quên với phố biển Phan Thiết – nơi anh một thời gắn bó sâu đậm – và trong bài thơ Trên sông khói sóng, in trong tập Giữa hoàng hôn xưa, anh đã viết:

Ơi những con đường ta đã đi

Gia Long, Đồng Khánh mượt xuân thì

Chân run rẩy cát bờ Thương Chánh

Gió ở đâu về thơm bước khuya

Năm năm không về thăm Phan Thiết

Năm năm đã hẹn trăm lần về

Nghe nói người xưa chừng lỡ bước

Nghe nói lòng ta, chừng chưa nguôi…

Anh tâm sự: “…Bài này làm từ năm 70, 71. Giọng đã xưa nhưng mình vẫn thích, vì lòng ta mà cũng không biết rõ, không dám rõ, chỉ như nghe nói, nghe đồn vậy thôi…”. Đúng như nhà lý luận – phê bình văn học Huỳnh Như Phương đã viết rất chính xác về thơ anh: “…Hồn thơ này nhạy cảm với những gì đã qua, những gì đã xa, biết là mất mà không tin là mất, vẫn có thể níu kéo được, vẫn có thể gìn giữ được, bằng kỷ niệm, bằng tình yêu và bằng chính thơ ca…”.

Anh có một cháu gái, đặt tên là La Ngà – tên con sông của quê hương Đức Linh – Bình Thuận. Rất không may, cháu không thể sống đời với anh và gia đình. Trong tập thơ “Vòng quanh” – anh đã dành những tình cảm da diết nhất mà anh có được để viết về đứa con không may mắn của mình:

Ba viết trăm lần lý lịch

Cứ mỗi lần viết đến tên con

Ba lại ngẩn ngơ

Như một kẻ mất hồn

Biết trả lời sao

Câu hỏi

Hiện con đang làm gì

Ở đâu?

Xin nói thêm về một chi tiết có liên quan ít nhiều đến con đường sáng tác văn học của anh, đó là mối quan hệ giữa anh và nhà văn – nhà báo Nguiễn Ngu Í. Anh gọi ông Nguiễn Ngu Í bằng cậu vì mẹ anh và ông là hai chị em cô cậu ruột. Nguiễn Ngu Í tên thật là Nguyễn Hữu Ngư, sinh năm 1921, tại Tam Tân (nay là xã Tân Hải, thị xã La Gi) mất năm 1979 tại TP. Hồ Chí Minh vì bệnh điên, là một người tài hoa và đầy nhiệt huyết nhưng bất đắc chí. Thuở nhỏ, anh đặc biệt ngưỡng mộ tài năng và học vấn của cậu, hơn nữa chính cậu là người đã khai mở con đường học vấn cho anh. Có lẽ vì thế mà về sau này, bên cạnh nghề nghiệp chính là y học, anh lại vướng vào nghiệp văn, nghề báo như cậu của mình chăng? Dường như cho đến bây giờ vẫn chưa có ai hỏi anh điều này, nhưng trong bài thơ “Đêm trên biển La Gi” viết để tưởng nhớ người cậu kính yêu của mình, anh đã có những câu thơ khơi gợi và khuấy động nhiều cảm xúc về một miền ký ức chưa xa:

Đá cũ mòn rêu hoài Đá Ngảnh

Nguồn xưa cạn nước vẫn Nguồn Chung

Về đâu mái tóc xanh ngày ấy

Câu hỏi ngàn năm có chạnh lòng?

Cũng theo lời anh kể lại: Nguồn Chung là giếng nước do một vài thanh niên đầy nhiệt huyết ở La Gi, Hàm Tân trước đây, trong đó có cha và cậu của anh chung tay chăm chút xây nên chỉ với một mục đích khiêm tốn là giúp cho người qua đường dọc biển từ Tân Hải đến La Gi có chỗ tạm nghỉ chân và uống nước. Vật đổi, sao dời trải qua bao biến thiên của thời cuộc, giờ đây giếng nước chỉ còn trơ gạch vụn và người xưa cũng đã rủ nhau về một thế giới khác.

Về văn xuôi, sở trường nổi bật của anh là tản văn, tùy bút. Anh viết về y học bằng bút pháp thanh thoát, bay bổng của văn học; đồng thời những vấn đề nhân sinh, nhân tình thế thái muôn màu muôn vẻ khi hiện ra dưới ngòi bút của anh đều thấm đẫm y đức của một người thầy thuốc chân chính. Nói cách khác, giữa con người và trang viết của anh luôn có sự hòa quyện đến mức nhuần nhuyễn giữa “y đức” và “y văn” như vốn có từ trong máu thịt. Điều này không phải bất cứ người thầy thuốc nào tham gia viết văn hoặc sáng tác văn học cũng có được. Tất nhiên, trên thế giới, đã từng có những thầy thuốc – nhà văn cực kỳ nổi tiếng như: Lỗ Tấn (Trung Quốc), Sê-khốp (Nga)… Tìm trong các nhà văn Việt Nam hiện đại, những người xuất thân từ ngành y cũng không phải là quá hiếm.

Hiện nay, anh Đỗ Hồng Ngọc đã vào ngưỡng ngoài 80 nhưng vẫn chưa dừng tay bút. Ngay cả trong thời điểm phải nằm nhà vì đại dịch Covid-19, anh vẫn dành thời gian, công sức đọc lại và tu chỉnh tuyển tập tản văn “Tôi học Phật”. Tuy điều kiện sức khỏe không cho phép anh thường xuyên về thăm quê như trước nhưng tôi biết, tận đáy lòng mình, anh vẫn dành cho quê nhà những tình cảm sâu đậm và thiêng liêng nhất.

Đôi khi tôi tự hỏi: Đỗ Hồng Ngọc, anh là thi sĩ, văn sĩ hay bác sĩ? Rồi tôi tự trả lời: Dường như tên gọi nào cũng đúng với anh cả. Thôi thì, xin được gọi anh là một nghệ sĩ đa tài – người con của xứ biển mặn mòi luôn đau đáu hướng về quê hương Bình Thuận.