Đồ chơi trẻ em bán cân: Biết độc sao vẫn dùng?
Đồ chơi bán cân siêu rẻ chỉ 80.000 đồng/kg đang thu hút rất nhiều phụ huynh có con nhỏ tại huyện Kiến Thụy – Hải Phòng.
Như nhiều gia đình khác, chị T.T.N. (28 tuổi, Kiến Thụy-Hải Phòng) mua rất nhiều đồ chơi cho cô con gái 2 tuổi giải trí, trong đó có nguyên một bộ đồ chơi trò nấu nướng rất đa dạng và vô cùng rẻ. Bé Bông – con chị vô cùng thích thú và thường xuyên say sưa sáng tạo các món ăn bằng dụng cụ nhà bếp đồ chơi. Đang say sưa chơi trò “nấu cơm” với rất nhiều món đồ lỉnh kỉnh bằng nhựa, chốc chốc bé lại lấy vài món đồ lên miệng cắn hoặc giả là đồ ăn, nhâm nhi thưởng thức.
80.000 đồng/kg đồ chơi đang thu hút rất nhiều bà mẹ mua về cho con
Theo chia sẻ của chị N., bộ đồ chơi nấu bếp chị mua cho con được bán rất nhiều ở chợ, vỉa hè trên địa bàn huyện. Chỉ cần 80.000 đồng, chị đã rinh về cho con gái rất nhiều món đồ, trong đó đa phần là đồ chơi phục vụ các bé gái giả nấu ăn. Theo quan sát của PV, 1kg đồ chơi bằng nhựa có giá siêu rẻ này được rất nhiều món đồ. Nếu như, so với bộ đồ chơi nấu ăn thông thường, được đóng gói, đóng hộp cẩn thận, cho dù là hàng Trung Quốc thì cũng có giá từ 80.000-200.000/bộ đơn giản với khoảng 5 món đồ, thì đồ chơi bán cân đang được nhiều phụ huynh vùng nông thôn lựa chọn lại có tới vài chục món, thậm chí cả trăm món đồ đa dạng.
Loại đồ chơi này được đổ đống trên vỉa hè, không đóng túi, nhãn mác. Màu sắc của các món đồ không tươi sáng mà xỉn màu, xù xì và tương đối thủ công, dễ phân biệt so với các loại thông thường khác. Chị N. cho biết, cũng rất ngạc nhiên vì giá của loại đồ chơi này quá rẻ và khi thắc mắc về nguồn gốc của chúng, chị được người bán hàng nói nó là hàng “made in Việt Nam”.
Với các đặc điểm xỉn màu, giá thành siêu rẻ của loại đồ chơi này, các chuyên gia hóa sinh đều khẳng định nó được làm từ nhựa tái sinh.
Theo các chuyên gia Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam, nhựa có nhiều loại, nếu là nhựa nguyên sinh thì độ an toàn cao, còn nhựa tái sinh thì rất nguy hiểm nếu tiếp xúc gần gũi với con người. Tuy nhiên, xét cho cùng, tất cả các loại nhựa dù nguyên sinh hay tái sinh khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đều sản sinh ra chất độc hại.
Trong quá trình gia công nhựa, người ta có thể đưa vào một số chất hóa dẻo, chất phụ gia. Đặc biệt, các sản phẩm có chứa chất hóa dẻo khi ở nhiệt độ cao sẽ thải ra chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người như tim mạch, tuần hoàn máu hay thậm chí có thể gây ra bệnh tâm thần, ung thư…
Phân tích về vấn đề này, chuyên gia ngành nhựa Nguyễn Giang cho biết: ở Việt Nam không chủ động được nguyên liệu nên đa phần nhập ngoại. Các cơ sở sản xuất hay sử dụng nhựa tái chế để tái chế loại để làm bao bì, hộp nhựa đựng thực phẩm, trong đó có đồ chơi siêu rẻ. Mà các cơ sở sản xuất tư nhân, do điều kiện cơ sở, công nghệ, máy móc chưa cao nên thường sơ chế một cách sơ sài, miễn sao ra được hạt nhựa để bán ra ngoài.
Phụ huynh không nên cho con sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc và có màu sắc không bình thường.
Nhựa tái chế là loại nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung, rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không làm sạch nên trong quá trình đưa vào nhựa hóa, các hóa chất đọng lại trong đó sẽ khuếch tán ra ngoài. Nhựa phế phẩm khi muốn tái chế phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp. Nguyên liệu từ tái chế đã không an toàn, nay còn thêm phụ gia khiến đồ chơi nhựa tái chế rất độc hại. Bên cạnh đó, các sản phẩm càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Vì dung dịch tạo màu này là màu công nghiệp tạo từ các loại hóa chất độc hại như crom, chì, thủy ngân… Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. Ngoài ra, phthalate có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng, nhất là đối với trẻ em.
Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa chính phẩm (nhựa sử dụng lần đầu) do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết tật của sản phẩm. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người.
Chuyên gia Nguyễn Giang cho biết, theo cảm quan, người tiêu dùng nên dùng loại đồ chơi bằng nhựa có màu sắc rõ ràng, sắc nét, trong; hoặc trên bề mặt nhựa trông sạch sẽ thì yên tâm hơn. Bởi khi đã độn nhựa tái chế vào thì không thể trong suốt được nữa, không nên sử dụng bao bì độn nhựa có màu.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, phụ huynh không nên ham rẻ mà mua đồ chơi không rõ nguồn gốc cho trẻ. Có thể ngay hiện tại, trẻ chưa có biểu hiện của bệnh, nhưng về lâu dài, những chất độc hại của đồ chơi không an toàn sẽ gây ảnh hưởng đến phế quản, khí quản, hệ tiêu hóa… Cần phải bỏ ngay những đồ chơi này, bởi không thể tẩy rửa bằng các dung dịch thì đồ chơi nguy hại thành an toàn được.