Đồ ăn xông hơi bằng đá núi lửa, nhà hàng chật cứng vì khách hiếu kỳ
Đồ ăn xông hơi bằng đá núi lửa, nhà hàng chật cứng vì khách hiếu kì
Malaysia là một đất nước được hội tụ và kết tinh của rất nhiều nền văn hóa, nên có thể nói nơi đây có một nền văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú. Đó chính là một điểm nhấn khá thú vị, bởi bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn khác nhau, với nhiều hương vị khác nhau đồng nghĩa với những phong cách chế biến khác nhau.
Hiểu được truyền thống ẩm thực từ đất nước bạn và tâm lý của khách hàng, anh Ngô Hoàng Huy, chủ nhà hàng ăn uống tại Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, giống như ở Malaysia, người dân Việt Nam cũng rất thích tìm đến những món ăn độc đáo, mới lạ. Nhất là những món ăn mang phong cách chế biến riêng biệt nhưng vẫn đảm bảo được độ tươi ngon cho món ăn và tạo ra một trải nghiệm lạ lẫm, xen chút tò mò khi ăn.
Đá núi lửa Malaysia
“Vì thế, cách đây nửa năm, khi nghe một người bạn vừa đi Malaysia du lịch trở về kể về các món ăn được làm chín bằng đá núi lửa. Tôi đã rất thích thú và dò hỏi khắp nơi để tìm hiểu về loại đá núi lửa này nhưng không được. Lúc đầu cũng định thử thay thế bằng đá cuội, nhưng dùng vài lần đá đã bị vỡ và nhiệt không được cao nên đồ ăn lâu chín, lúc đó trong suy nghĩ cũng đã muốn từ bỏ.”, anh Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, cơ duyên lại may mắn tìm đến với anh Huy, khi 2 tháng sau, trong một chuyến công tác vào TP. Hồ Chí Minh, anh tình cờ bắt gặp tờ rơi dán trên tường, trên đó có số điện thoại và ghi có bán đá núi lửa Malaysia.
“Gần như ngay lập tức, tôi rút điện thoại ra liên lạc và bắt taxi đến tận nhà người bán để xem hàng. May mắn thay, hàng đúng như mong đợi, nhưng giá nhập đá không được ổn định và chênh lệch khá lớn, bởi nó không có giá chung, hàng ít, mà còn phải phụ thuộc vào nguồn hàng từ bên đó chuyển về. Nhưng tôi vẫn quyết định lấy vì quá thích”, anh Huy cho biết thêm.
Tuy nhiên Huy cho biết: “Việc lấy hàng cũng không được suôn sẻ, vì chủ đầu mối trong đó chỉ đồng ý nhập cho nếu lấy số lượng lớn, khoảng 40 – 50 kg mỗi lần, đi kèm mức giá không cố định, từ 300.000 – 500.000 đồng/kg. Do giá chênh lệch nhiều như vậy, nên tôi cũng mới chỉ nhập ra phục vụ nhà hàng, còn ý định nhập hàng ra ngoài Bắc bán buôn đành tạm gác lại.”
“Tuy giá nhập đá cao, nhưng đá có thể dùng rất nhiều lần khoảng từ 3 – 5 tháng, và từ khi có món lạ, lượng khách tăng lên đột biến. Hầu hết khách đến đều gọi các món được chế biến bằng đá núi lửa, với tên gọi như: bê, nai, ngựa, cá, mực xông hơi.”, vừa xếp đá lên bếp anh Huy vừa chia sẻ.
Nướng đá từ 5 – 7 phút
“Thậm chí, tại đây vào giờ cao điểm, chỉ cần thấy khách vào là chúng em đã phải tự động bê đá đi nướng trước để khách gọi chỉ việc bê vào. Vì loại đá này cần nướng trong 5 – 7 phút để đủ độ nóng mới có thể giữ được nhiệt độ trong vòng 40 – 60 phút. Tùy vào nồi to hay nhỏ của khách, nhưng thường một nồi sẽ có từ 5 – 10 viên đá được xếp vào”, một nhân viên của nhà hàng cho hay.
Thịt bê chỉ cần đảo qua đảo lại là chín trong vòng 10 – 15s
Anh Hoàng Quốc Việt, một khách hàng dùng bữa tại đây cho hay, quan sát quá trình chế biến món ăn tươi sống ngay tại bàn rất thú vị, chỉ cần nhân viên cũng có thể làm được. Họ mang sả lót phía dưới rồi đặt những viên đá hồng rực như sắt nung lên, thêm 1 lớp lá nếp phủ lên trên. Sau đó đặt đồ tươi sống lên trên lá nếp, đổ 1 cốc bia vào và nhanh chóng đậy nắp vung. Với thịt bò và thịt bê thì chỉ cần khoảng vài giây là chín, những con tôm vẫn đang nhảy thì khoảng hơn 1 phút.”
Mực cũng chỉ mất chưa tới 1 phút đã chín
Cách xông hơi đồ ăn như vậy không chỉ lạ mắt, giữ được độ tươi ngon của đồ ăn mà vẫn giữ nguyên được vị của đồ ăn và không lẫn với các mùi của gia vị tẩm ướp, anh Việt cho biết thêm.
Thế Hưng