Định hướng huy động tiềm lực khoa học công nghệ cho chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường

21/12/2021

TN&MTGóp phần thực hiện thành công chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo Quyết định số 417/2021/QĐ – BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bài báo tập trung nghiên cứu cách thức định hướng để huy động được tiềm lực khoa học công nghệ phát huy xã hội hóa trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, cộng đồng, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, tham gia thực hiện, đóng góp vào chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, thúc đẩy triển khai các cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ, hợp tác theo phương thức đối tác công tư, đầu tư theo quy định.

Định hướng huy động tiềm lực khoa học công nghệ cho chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Mục tiêu chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường

Chương trình chuyển đổi số TN&MT ghi nhận mục tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025 như sau: Hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản QPPL, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường bắt kịp thay đổi của công nghệ; 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực 1 lần; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Bộ được thực hiện trên môi trường mạng, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 80% CSDL về TN&MT được cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); 80% thiết bị điều tra, quan trắc, đo đạc sử dụng công nghệ số; từ 50% công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của Ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ AI;…

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên cần xác định các nội dung cơ bản huy động tiềm lực KHCN cho chuyển đổi số ngành TN&MT.

Nội dụng cần huy động tiềm lực khoa học công nghệ cho chuyển đổi số ngành TN&MT

Theo Quyết định số 417/2021/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số TN&MT và nghiên cứu Mục 3.9 của Chương trình, Bộ TN&MT có thể đặt ra các nội dung ưu tiên trong huy động tiềm lực KHCN cho chuyển đổi số TN&MT như sau:

Huy động tiềm lực khoa học xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số ngành TN&MT.

Huy động tiềm lực khoa học cho việc xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển KT-XH.

Huy động tiềm lực khoa học xây dựng các hệ thống thông tin, CSDL lớn lĩnh vực TN&MT nhằm quản lý toàn diện, hiệu quả, gồm: CSDL về nền địa lý quốc gia, quan trắc TN&MT, đa dạng sinh học, nguồn thải, tài nguyên nước, viễn thám, biển và hải đảo, BĐKH; khí tượng – thủy văn; địa chất – khoáng sản.

Huy động tiềm lực khoa học xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước.

Huy động tiềm lực khoa học xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số về TN&MT đến năm 2030.

Huy động tiềm lực khoa học nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.

Huy động tiềm lực khoa học triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, quản lý chất thải, nguồn thải, cảnh báo sớm thiên tai.

Huy động tiềm lực khoa học thu hút nhân lực, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyên môn cao về công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số; mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện huy động tiềm lực khoa học công nghệ cho chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường

Định hướng huy động tiềm lực khoa học công nghệ cho chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường

Ngành TN&MT đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào chuyển đổi số.

Khi xây dựng kế hoạch, các tổ chức để thực hiện qua các bước cơ bản như sau: Bước 1: Nhận thức cơ hội khi tiến hành chuyển đổi số; Bước 2: Thiết lập các mục tiêu huy động tiềm lực KHCN cho chuyển đổi số; Bước 3: Phát triển các tiêu đề huy động tiềm lực cho từng lĩnh vực tài nguyên trong chuyển đổi số; Bước 4: Xác định các phương án lựa chọn cho từng lĩnh vực KHCN có thể huy động cho chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường; Bước 5: Thử nghiệm và đánh giá các phương án lựa chọn trong huy động tiềm lực KHCN cho từng lĩnh vực tài nguyên; Bước 6: Lựa chọn phương án huy động phù hợp với từng lĩnh vực TN&MT; Bước 7: Xây dựng kế hoạch phụ trợ trong huy động tiềm lực để dự phòng; Bước 8: Lượng hóa việc lập kế hoạch bằng việc lập ngân quỹ.

Khi phân tích quá trình lập kế hoạch huy động tiềm lực KHCN phục vụ cho chuyển đổi số ngành TN&MT, cần chú ý bố cục kế hoạch huy động bao gồm: Mục tiêu và nhiệm vụ KHCN cần huy động; đối tượng huy động; phương thức huy động; kinh phí và điều kiện bảo đảm cho kế hoạch huy động; thẩm quyền quyết định huy động; trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch huy động; thời gian và tiến độ huy động; kết quả huy động; thời gian, địa điểm, phương thức bàn giao kết quả huy động tiềm lực KHCN cho chuyển đổi số ngành TN&MT.

Một số giải pháp định hướng huy động tiềm lực khoa học phục vụ cho chuyển đổi số ngành TN&MT

Để làm tốt công tác hoạt động huy động tiềm lực KHCN phục vụ công tác chuyển đổi số ngành TN&MT trong thời gian tới, ngành TN&MT cần quan tâm thực hiện và làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ và các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN về công tác huy động tiềm lực KHCN: Các cá nhân, tổ chức thẩm quyền được huy động tiềm lực cần nắm rõ nguyên tắc, trình tự huy động, biết huy động những gì, huy động trong phạm vi nào và tổ chức, cá nhân được huy động cũng cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác huy động phục vụ cho chuyển đổi số các lĩnh vực tài nguyên thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ và các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN về công tác huy động tiềm lực KHCN phục vụ cho chuyển đổi số ngành TN&MT.

Hai là: Đánh giá được thực trạng nhu cầu huy động và các nguồn tiềm lực KHCN có thể huy động: Ban Chủ nhiệm dự án thành phần của các cơ quan, đơn vị địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT điều tra xác định được nhu cầu cần huy động và các nguồn tiềm lực KHCN có thể huy động của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn, lập các phương án, kế hoạch huy động cụ thể, có hiệu quả và thiết thực.

Ba là: Xây dựng các kế hoạch, phương án huy động cụ thể: Căn cứ vào Chiến lược phát triển KHCN hàng năm, chương trình kế hoạch công tác hàng năm của chính quyền địa phương, yêu cầu thực tiễn công tác; các đơn vị quản lý TN&MT ở địa phương phải đề ra được các kế hoạch, phương án huy động cụ thể nhằm thu thập thông tin cho chuyển đổi số ngành TN&MT. Các kế hoạch, phương án huy động thật cụ thể, chi tiết, có tính khả thi, ưu tiên cho các nhiệm vụ huy động các tiềm lực KHCN có trình độ công nghệ cao, tiên tiến, phục vụ cho công tác quản lý TN&MT trọng điểm.

Bốn là: Dự báo được nhu cầu huy động và các nguồn tiềm lực có thể huy động trong tương lai: Công tác dự báo, nắm bắt tình hình hết sức quan trọng. Qua thực tiễn công tác quy hoạch, QLNN về TN&MT các địa phương phải lường trước những khó khăn, thuận lợi trong công tác huy động, phải dự báo được nhu cầu huy động và các nguồn tiềm lực có thể huy động trong tương lai để chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố, thiên tai, BĐKH có thể xảy ra trong thời gian tới.

Năm là, Tăng cường hợp tác quốc tế trong huy động tiềm lực KHCN cho chuyển đổi số ngành TN&MT. Chủ động chuyển hướng đa dạng hoá các hình thức hợp tác để huy động tiềm lực KHCN của các nước phát triển, hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN cũng cần được mở rộng và tăng cường theo nhiều mức độ khác nhau, từ hợp tác với cơ quan quản lý KHCN của các nước, đến các quỹ nghiên cứu KHCN, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Các nội dung hợp tác cũng đã chủ động gắn chặt với nhu cầu phát triển KHCN trong nước, trong đó chú trọng đến nhu cầu hợp tác quốc tế của địa phương có tiềm lực KHCN đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT.

NGUYỄN TIẾN DŨNG

Học viện Cảnh sát Nhân dân