ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM – Viện Nghiên Cứu Pháp Luật & Chính Sách Kinh Tế
Bảo hiểm là hoạt động kinh doanh mà ở đó bên mua bảo hiểm đóng góp một khoản tiền cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhằm hưởng đền bù, trợ cấp trong trường hợp xảy ra rủi ro. Khoản tiền trợ cấp được tính theo mức độ rủi ro và các thiệt hại thực tế mà bên mua bảo hiểm phải chịu.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập của người dân ngày một cải thiện, nhu cầu mua bảo hiểm để tích lũy tài sản, khắc phục một phần thiệt hại khi gặp phải tai nạn, rui ro cũng vì vậy mà không ngừng gia tăng, điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm là rất lớn. Theo báo cáo của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bảo hiểm trong nước vẫn tăng trưởng ổn định. Tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 đạt khoảng 215.000 tỷ đồng, tăng 24,98% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc quản lý hoạt động kinh doanh cũng như năng lực tài chính để đảm bảo khả năng chi trả của các DNBH. Do đó, pháp luật hiện hành quy định rất chặt chẽ về điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (KDBH). Cùng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Kinh tế tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động DNBH
Điều kiện cấp phép thành lập về hoạt động KDBH được quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chỉnh phủ ban hành ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định chi tiết thi hành Luật KDBH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH.
Điều kiện chung: Điều 6 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:
“1. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn:
a) Không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật doanh nghiệp;
b) Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;
c) Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
d) Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;
đ) Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.
2. Đối với DNBH dự kiến được thành lập:
a) Có vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;
b) Có loại hình doanh nghiệp, Điều lệ công ty phù hợp với quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan;
c) Có người quản trị, điều hành dự kiến đáp ứng quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
3. Có hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
Điều kiện cụ thể theo từng loại hình doanh nghiệp: Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:
1. Điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm: Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 6 Nghị định này, thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đối với tổ chức nước ngoài:
– Là DNBH nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của DNBH nước ngoài được DNBH nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập DNBH tại Việt Nam;
– Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
– Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động KDBH và các quy định pháp luật khác của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
b) Đối với tổ chức Việt Nam:
– Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm;
– Có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
2. Điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm:
Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 6 Nghị định này, công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến thành lập phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập;
b) Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm.
Điều kiện về năng lực tài chính của DNBH: Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định của DNBH theo từng loại hình KDBH cụ thể như sau:
1. Mức vốn pháp định của DNBH phi nhân thọ:
a) KDBH phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
b) KDBH theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
c) KDBH theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn pháp định của DNBH nhân thọ:
a) KDBH nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
b) KDBH theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
c) KDBH theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
3. Mức vốn pháp định của DNBH sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập DNBH
Doanh nghiệp đáp ứng đủ các yêu cầu về vốn pháp định, thành viên góp vốn… được quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định nên trên, cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ để được cấp phép thành lập và hoạt động KDBH phù hợp với quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định.
Sau khi nhận được bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động KDBH phù hợp với quy định của pháp luật, Bộ Tài chính sẽ xem xét và cấp phép theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 15 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được lập thành 03 bộ trong đó có 01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao. Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của tổ chức, cá nhân nước ngoài, mỗi bộ gồm 01 bản bằng tiếng Việt và 01 bản bằng tiếng Anh. Các tài liệu có chữ ký, chức danh, con dấu của nước ngoài tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam xác nhận theo quy định pháp luật về công chứng. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
2. Trong thời hạn 21 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo. Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng thời hạn quy định, Bộ Tài chính có văn bản từ chối xem xét cấp Giấy phép.
3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy phép cho DNBH, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do. Bộ Tài chính chỉ được từ chối cấp Giấy phép khi tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn hoặc DNBH dự kiến thành lập không đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định này.
3. Thủ tục sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với DNBH
Điều 16 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định các công việc mà DNBH phải tiến hành sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, DNBH phải đăng báo hàng ngày trong 05 số báo liên tiếp về những nội dung chủ yếu như:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của DNBH;
b) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
c) Mức vốn điều lệ và số vốn điều lệ đã góp của DNBH;
d) Họ, tên của người đại diện theo pháp luật của DNBH;
đ) Số và ngày cấp Giấy phép;
e) Các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh.
2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, DNBH phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp hoặc vốn được cấp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Mức tiền ký quỹ bằng 2% vốn pháp định được quy định tại Điều 10 Nghị định này.
3. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép, DNBH phải hoàn tất các thủ tục dưới đây để chính thức hoạt động:
a) Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp);
b) Đăng ký mẫu dấu, đăng ký mã số thuế, mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng theo quy định pháp luật;
c) Thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước về hoạt động KDBH;
d) Thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm, phê chuẩn các chức danh quản trị, điều hành;
đ) Ban hành các quy trình khai thác, giám định, bồi thường, kiểm soát nội bộ, quản lý tài chính và đầu tư, quản lý chương trình tái bảo hiểm.
4. Nếu quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, DNBH không hoàn tất các thủ tục quy định tại khoản 3 Điều này để bắt đầu hoạt động, Bộ Tài chính sẽ thu hồi Giấy phép đã cấp.
5. Trong quá trình hoạt động, khi DNBH có những thay đổi phải được Bộ Tài chính chấp thuận theo khoản 1 Điều 69 Luật KDBH và khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật KDBH thì phải tiến hành công bố theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Một số nghĩa vụ tài chính khác đối với DNBH
Trong quá trình hoạt động, DNBH phải phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính để đảm bảo việc duy trì khả năng chi trả bảo hiểm cho khách hàng, bao gồm việc dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, đầu tư vốn, quỹ dự trữ bắt buộc….Cụ thể là:
– Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm: Đây là khoản tiền mà DNBH trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết. Mỗi loại bảo hiểm thì sẽ có một khoản dự phòng nghiệp vụ riêng.
– Đầu tư vốn: Đây là khoản nhằm mục đích sử dụng vốn nhàn rỗi, vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác của DNBH để đầu tư sinh lợi. Hoạt động đầu tư của DNBH phải đảm bảo các nguyên tắc theo luật định.
– Quỹ dự trữ bắt buộc: Quỹ này được lập ra nhằm bổ sung nguồn vốn điều lệ và đảm bảo khả năng thanh toán cho DNBH. DNBH phải trích 5% lợi nhuận sau thuế hàng năm để lập quỹ dự trữ bắt buộc. Mức tối đa của quỹ dự trữ bắt buộc bằng 10% mức vốn điều lệ của DNBH.
Trên đây là một số quy định có liên quan đến điều kiện thành lập và hoạt động của DNBH.
Nếu có vướng mắc pháp lý, vui lòng liên hệ:
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH KINH TẾ
Website: https://ilep.com.vn
Email: [email protected]
Hotline: 0975 030 248 hoặc 028 6727 6666
Địa chỉ: Số 24, đường số 37, Khu đô thị Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM