Dịch vụ Công ích

Dịch vụ Công ích

Dịch vụ cũng là hàng hóa, nhưng khác với các hàng hóa khác bởi việc
cung ứng nó không đi kèm với chuyển giao quyền sở hữu mà chỉ là đem lại
lợi ích nào đó cho bên tiếp nhận. Ngoại trừ các dịch vụ tự nguyện
(voluntary service) không vụ lợi và dịch vụ công vụ (civil service) của
nhân viên nhà nước, việc cung ứng các loại dịch vụ được thực hiện thông
qua thị trường dịch vụ và chịu sự chi phối của cơ chế thị trường như cơ
chế giá cả, cơ chế cung cầu và cơ chế cạnh tranh.

Dịch vụ công cộng hiển nhiên là một phần của dịch vụ, nhưng cụ thể là
những dịch vụ gì? Trong chuyên văn quốc tế, dịch vụ công cộng chỉ có
một tên gọi chung là public services nhưng lại có hai định nghĩa khác
nhau tùy theo ngữ cảnh. Định nghĩa thứ nhất nhấn mạnh đến đối tượng sử
dụng dịch vụ, còn định nghĩa thứ hai nhấn mạnh đến cả bên cung ứng và
bên sử dụng dịch vụ.

Kết cấu của xã hội hiện đại bao gồm Nhà nước, thị trường và người dân
cùng gia đình họ. Nhà nước được quan niệm như một tổ chức cung ứng dịch
vụ quản lý xã hội được thị trường và người dân thuê, trả tiền bằng thuế
và phí. Thị trường là bên cung ứng toàn bộ hàng hóa, kể cả hàng hóa
dịch vụ, cho Nhà nước, cho người dân và cho bản thân thị trường. Người
dân vừa là đối tượng hưởng dụng các dịch vụ quản lý của Nhà nước vừa là
người tiêu dùng các hàng hóa của thị trường, trong đó bao gồm cả hàng
hóa dịch vụ. Người ta gọi các dịch vụ cung ứng cho người dân và gia đình
họ là dịch vụ công cộng. Ví dụ: dịch vụ định giá bất động sản vừa phục
vụ cho Nhà nước, chẳng hạn khi xử án hay thu hồi đất, vừa phục vụ cho
nhà kinh doanh bất động sản khi lập dự án kinh doanh, lại phục vụ cho cả
người dân khi họ cần mua hay bán nhà. Chỉ riêng hoạt động định giá cho
người dân mới gọi là dịch vụ công cộng. Hoặc như thương mại bán buôn và
bán lẻ thì chỉ hoạt động bán lẻ mới gọi là dịch vụ công cộng. Các chuyên
gia quy hoạch đô thị và các nhà đô thị học thường dùng cụm từ dịch vụ
công cộng theo định nghĩa này, và gắn nó với khái niệm không gian dịch
vụ công cộng.

Xu hướng xã hội hóa đầu tư phát triển dịch vụ công ích đô thị

Khi đô thị càng phát triển thì mức sống người dân càng được nâng
cao, nhu cầu về dịch vụ công ích càng rộng lớn và đa dạng đến mức ngân
sách đô thị không đáp ứng nổi, khiến chính quyền đô thị phải tìm cách
thu phí đối với các dịch vụ ít nhiều có tính hàng hóa công cộng không
thuần túy như cấp nước, giáo dục, y tế, dù rằng phí đó chưa bù đắp đủ
giá thành và chính quyền vẫn phải trợ cấp, nhưng tuy nhiên cũng chia sẻ
gánh nặng cho ngân sách.

Xu hướng mở cửa dịch vụ công ích cho sự tham gia của khu vực tư nhân (Private-Sector Participation/PSP)

Trong nhiều ngành dịch vụ công ích xuất hiện xu hướng tư nhân hóa,
tức là chuyển nhượng cho tư nhân đảm nhiệm một phần hoặc hoàn toàn việc
cung ứng dịch vụ, như nước Pháp đã gần trăm năm nay giao cho các công ty
tư nhân cung ứng nước đô thị. Hay nước Anh thời Thủ tướng M. Thatcher
tư nhân hóa vận tải đường sắt, vận tải công cộng đô thị và nhiều dịch vụ
khác. Khoảng 3 thập kỷ gần đây xu hướng PSP được nhiều chính phủ quan
tâm vì các lẽ sau đây:

1. Do ngân sách thiếu hụt.

2. Do thành tích yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước trong quản lý
vận hành KCHT và cung ứng dịch vụ công cộng, vì thiếu động lực mạnh mẽ
cho việc cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, hạ giá thành và mở rộng
diện phục vụ.

3. Do quan điểm kinh tế của đảng cầm quyền đối với vai trò của chính
quyền và của thị trường.
Tuy vậy PSP phát triển rất chậm vì vấp phải rất nhiều thách thức về tư
duy không chỉ từ phía chính quyền và khu vực tư nhân mà còn từ phía
người dân. Mặt khác, vì còn đang mò mẫm nên thể chế PSP còn nhiều bất
cập.

Những năm gần đây, nhiều nước đã “nâng cấp” vai trò của khu vực tư
nhân từ “tham gia” trở thành “đối tác”, và sự tham gia của khu vực tư
nhân chuyển thành “quan hệ đối tác công – tư” (Public-Private
Partnership/PPP).

Khu trung tâm CBD Seoul, Hàn Quốc

Quan hệ đối tác công – tư (PPP)

Sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung ứng dịch vụ công ích thường
bị nhiều quan chức chính quyền, thậm chí cả người dân, trên thực tế đồng
nhất với tư nhân hóa, xem đó cũng chỉ là một dạng kinh doanh của tư
nhân mà Nhà nước quản lý như đối với các dạng kinh doanh khác để kiếm
lợi nhuận mà thôi. Hiển nhiên quan điểm đó đã gây khó khăn và hạn chế
việc tư nhân cung ứng loại hàng hóa đặc thù là dịch vụ công ích, có khi
lại gây rối như trong việc thu phí đường bộ.

Để xác định rõ vai trò của chính quyền và khu vực tư nhân đồng thời
nêu bật đặc điểm mối quan hệ giữa chúng với nhau trong cung ứng dịch vụ
công ích, ngày nay người ta gọi mối quan hệ đó là quan hệ đối tác công –
tư, tức là chính quyền và nhà cung ứng tư nhân là hai đối tác bình
đẳng, liên kết với nhau thông qua hợp đồng cung ứng dịch vụ, trong đó
quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên theo nguyên tắc “3 chia
sẻ”: chia sẻ lợi ích (benefit) (không phải lợi nhuận – profit); chia sẻ
trách nhiệm; và chia sẻ rủi ro.