DỊ ỨNG DA MẶT – LÀM SAO ĐỂ XỬ LÝ? – Flora’s Vanity

Dị ứng da mặt là hiện tượng da bị nổi mẩn đỏ, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu…Tùy theo mức độ nhẹ hay nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe làn da và thẩm mỹ nếu không biết cách xử lý kịp thời.

(Dị ứng da mặt gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài)

Phân biệt các loại dị ứng khác nhau thường gặp và tìm hiểu cách xử lý giúp bạn chủ động bảo vệ làn da khi gặp phải trường hợp này.

1. Các loại dị ứng da mặt thường gặp
Dị ứng do thời tiết

Là khi vùng da mặt không thích nghi kịp nhiệt độ vừa thay đổi hoặc không có sự bảo vệ tốt sẽ tạo nên các phản ứng như nổi sần, ngứa, khả năng nhanh chóng lan rộng nếu không can thiệp sớm.
Dị ứng da mặt do thời tiết thường xảy ra khi nhiệt độ thay đổi thất thường, khi giao mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại.

Dị ứng do thực phẩm

Dị ứng da mặt do thực phẩm khi ăn phải những thức ăn chứa chất gây dị ứng với hệ miễn dịch của cơ thể nên sinh ra các phản ứng trên da như: ngứa, phù mạch ngoài da.
Một số loại thức ăn cần lưu ý để tránh bị dị ứng là hải sản (tôm, cua, ghẹ, cá,…), các loại rau củ như măng, nấm, các loại thực phẩm giàu protein như trứng, thịt đỏ, và các loại thức ăn nhiều dầu mỡ.

Dị ứng do mỹ phẩm

Thói quen sử dụng rất nhiều sản phẩm chăm sóc da cùng nhiều loại đồ trang điểm cùng một lúc khiến cho da bị tắc nghẽn, không hấp thu kịp gây dị ứng trên da. Đồng thời chọn sai thành phần sản phẩm cũng là nguyên nhân khiến da dị ứng.

(Chọn sai thành phần chăm sóc da khiến da mặt bị dị ứng)

Việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chứa nhiều corticoid như kem trộn, hàng giả cũng khiến da bị mỏng, tổn thương và dễ dị ứng hơn.

Dị ứng do cơ địa

Một số người có cơ địa nhạy cảm từ nhỏ hoặc được di truyền bởi bố mẹ sẽ dễ bị dị ứng da mặt hơn người bình thường. Vì cơ địa da những người này thường yếu, hệ miễn dịch của da không được tốt nên chỉ cần một tác nhân nhỏ từ bên ngoài cũng có thể dị ứng.
Những người có làn da cơ địa cần đặc biệt cẩn trọng trong quá trình chăm sóc da, chọn lựa thực phẩm và phải bảo vệ da đúng cách để hạn chế dị ứng tốt nhất có thể.

2. Phân biệt da dị ứng và phản ứng trên da gây ra bởi các sản phẩm chăm sóc da.
2.1. Phân biệt da bị dị ứng

Da dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần phân biệt rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý dị ứng da an toàn và hiệu quả.

Dấu hiệu dị ứng thức ăn

  • Nổi mề đay.
  • Ngứa họng.
  • Sưng tấy môi, lưỡi, mắt, mặt.
  • Chảy nước mắt.
  • Khò khè.
  • Các biểu hiện của sốc phản vệ.

Dấu hiệu dị ứng do côn trùng đốt

  • Sưng (phù) diện rộng tại vị trí bị côn trùng chích
  • Ngứa hoặc nổi mề đay khắp cơ thể.
  • Ho, tức ngực, thở khò khè hoặc khó thở.
  • Các biểu hiện của sốc phản vệ.

Dấu hiệu dị ứng thuốc

  • Ngứa, mề đay.
  • Sưng mặt.
  • Chảy nước mũi.
  • Khò khè, khó thở.
  • Đau bụng, tiêu chảy.
  • Các biểu hiện của sốc phản vệ.

2.2. Phân biệt phản ứng trên da do các thành phần chăm sóc da

Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng da bị nổi mẩn đỏ, mề đay, sẩn ngứa, mụn mủ… khi tiếp xúc với các thành phần có trong mỹ phẩm. Thông thường, các triệu chứng nhẹ có thể thuyên giảm sau 1 – 2 ngày khi ngưng sản phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên ở một số trường hợp nặng, dị ứng mỹ phẩm có thể khiến da sưng viêm nặng, nổi mụn mủ, làm mỏng da, khô ráp,…

Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm nhẹ

Dị ứng mỹ phẩm thường phổ biến và dễ gặp trong cuộc sống. Các dấu hiệu để nhận biết tình trạng này gồm:

  • Da mặt đỏ và ngứa nhẹ: Da mặt có cảm giác nóng ran, đỏ ứng, châm chích.
  • Nổi mụn: Kích thước mụn to nhỏ khác nhau, thường là những nốt mụn li ti, đôi khi là mụn nhọt, bỏng nước hoặc có thể là mụn bọc. Mụn dị ứng mỹ phẩm có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau 1 – 2 ngày.

  • Da tiết dầu quá mức: Da tăng tiết dầu, bã nhờn hơn bình thường khiến mặt dễ nổi mụn.
  • Viêm sưng, mề đay: Vùng da dị ứng sẽ xuất hiện những mảng đỏ và sưng trên diện rộng.
  • Da khô, tróc vảy: Da mất nước, khô ráp, bong tróc, đóng vảy, mất thẩm mỹ.
  • Nám da: Khi bị dị ứng mỹ phẩm, vùng da bị tổn thương dễ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UV sinh ra các phản ứng hóa học tạo thành những vết nám đen hoặc nám trắng.

Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm nặng

Tình trạng dị ứng mỹ phẩm nhẹ nếu không được khắc phục kịp thời sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn nặng với các dấu hiệu:

  • Loét da
  • Bỏng da
  • Mụn sưng viêm
  • Lão hóa sớm: Da bong tróc, xỉn màu, xuất hiện nhiều nếp nhăn và tình trạng thâm nám, tàn nhang.
  • Sốc phản vệ: Tình trạng này xảy ra khi dung nạp quá nhiều sản phẩm chăm sóc da có thành phần gây hại cùng lúc… Triệu chứng toàn thân kèm theo thường là buồn nôn, khó thở, đau đầu, chóng mặt, kém ăn…

Theo các chuyên gia Da liễu, các thành phần dễ gây dị ứng như parabens (chất bảo quản), mineral oil/ paraffin (dầu khoáng), perfume (hương liệu), chì, cồn,…

3. Cách xử lý khi da dị ứng.
3.1. Xử lý tại nhà bằng những cách đơn giản.

Chăm sóc, phục hồi lại làn da

Khi da bị dị ứng, tức là bề mặt da đã bị tổn thương và đang rất yếu, chỉ cần một tác nhân gây hại nhỏ cũng khiến làn da trở nên nghiêm trọng hơn, lúc này hãy cho làn da được “thư giãn”.


(Chăm sóc da với các sản phẩm dịu nhẹ giúp da phục hồi sau dị ứng)

  • Tạm nói “không” với các loại mỹ phẩm làm đẹp, đây là lúc da cần nghỉ ngơi hơn là sống chung với hóa chất. Việc giữ cho da luôn thông thoáng sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng mẩn đỏ, sưng tấy.
  • Vệ sinh sạch da mặt bằng cách dùng bông để lấy lượng nước muối sinh lý vừa phải chấm lên da, sử dụng y như bước toner, sau đó rửa mặt lại bằng nước sạch. Nước muối sinh lý giúp kháng viêm, lấy đi những bụi bẩn và vi khuẩn trên da một cách hiệu quả. Cần chú ý sử dụng kem chống nắng bảo vệ da trước khi ra ngoài, vì lúc này làn da đang yếu, nhạy cảm và rất dễ bắt nắng.
  • Xông da mặt bằng các loại thảo dược có tính kháng viêm tốt như gừng, sả, lá chanh để làm sạch lỗ chân lông, ngăn ngừa tổn thương lan rộng.
  • Uống nhiều nước, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cho da như rau xanh, trái cây để tăng cường hệ miễn dịch cho da, bảo vệ da khỏe hơn.

Đắp mặt nạ thiên nhiên khắc phục dị ứng da mặt

Đắp mặt nạ thiên nhiên giúp giảm nhanh các triệu chứng dị ứng trên da và cung cấp thêm dưỡng chất để nuôi dưỡng làn da thêm mịn màng.

Nha đam: Nha đam chứa glycoprotein ức chế các phản ứng histamine và giảm dị ứng nhanh chóng. Đồng thời nha đam cũng có tính kháng viêm, kháng khuẩn và phục hồi lại làn da sau khi bị tổn thương.

(Mặt nạ tự nhiên từ nha đam giúp giảm di ứng da mặt nhanh chóng)

Khổ qua: Khổ qua có tác dụng làm mát da, giảm viêm, phục hồi lại làn da khỏe mạnh nên rất thích hợp để chữa dị ứng da mặt. Chỉ cần nấu nước khổ qua để rửa sạch da mặt đều đặn sẽ nhanh chóng cải thiện làn da bị dị ứng.

Bột yến mạch: Bột yến mạch giúp làm dịu nhanh cơn ngứa, kháng viêm và chống oxy hóa cao nên được khuyên dùng để trị dị ứng da mặt.

3.2. Gặp bác sĩ điều trị

Trong trường hợp dị ứng nặng và lâu hết bắt buộc phải gặp bác sĩ da liễu thăm khám và sử dụng thuốc điều trị theo sự chỉ dẫn.

4. Cách hạn chế dị ứng da mặt

Hiểu rõ về làn da là cách tốt nhất giúp bạn chăm sóc da hiệu quả và tránh dị ứng da.
Dưới đây là một số bí quyết giữ cho da luôn sáng đẹp, hạn chế dị ứng hiệu quả.

  • Xác định được loại da của mình và xem kĩ thành phần mỹ phẩm trước khi sử dụng. Nên chọn những loại mỹ phẩm có thành phần lành tính, tự nhiên, ít chất hóa học và đặc biệt là không chứa corticoid.
  • Giữ cho da luôn sạch sẽ, khô thoáng, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm ướt. Khi tiếp xúc với những nơi độc hại cần có dụng cụ che chắn, bảo vệ.
  • Tăng sức đề kháng cho làn da bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất từ nguồn thực phẩm là rau xanh và trái cây.
  • Vệ sinh tay sạch trước khi sờ lên da giúp hạn chế được vi khuẩn khi tiếp xúc trên bề mặt da.
  • Đặc biệt, không ăn những loại thức ăn có thể làm da mặt dị ứng, phát ban hay nổi mề đay như các loại hải sản ( tôm, cá, mực…)

( Lựa chọn mỹ phẩm có thành phần an toàn và phù hợp cho da)

Dị ứng da mặt là bệnh lý khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da. Việc nhận biết các dấu hiệu và cách xử lý dị ứng là việc cần thiết để chủ động bảo vệ làn da của chính mình.