Đi chợ tết – nét đẹp trong văn hóa ngày tết người Việt
Những ngày cận Tết, khi các cửa hàng bắt đầu tràn ngập sắc đỏ của câu đối, lồng đèn, các sạp trái cây trưng bày tài lộc, đu đủ thỏi vàng, hồ lô phú quý thì cũng là lúc nhà nhà rộn ràng đi chợ Tết.
Mọi người thường bắt đầu đi chợ Tết từ sau ngày cúng Ông Táo 23 tháng Chạp cho đến chiều 30 Tết. Bỏ qua những xô bồ thường ngày, chợ Tết mang không khí rộn ràng, đông vui, xôm tụ hơn. Người bán, người mua trao nhau nụ cười, lời chào niềm nở, khiến mọi người như xích lại gần nhau hơn từ chị bán bông, anh bán trái cây, cho đến cô bán thịt… ai ai cũng thân thiện chào mời.
Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ.
Chợ Tết còn có hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong, mùi gừng sả phảng phất đâu đó… Đây là nơi mà nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân. Nhiều mặt hàng quen thuộc với đời sống nông dân bày bán ở chợ quê ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa cũ của dân tộc.
Chợ quê ngày tết
Chợ quê ngày tết tập nập cùng những món đò tươi ngon, chuẩn bị cho một cái tên yên ấm!
Chợ quê những ngày cuối năm nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Đó không chỉ là nơi người dân mua sắm Tết, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ.
Các bà, các chị vẫn quẩy trên vai đôi quang gánh, chất đầy hàng sau xe để đến chợ. Các mặt hàng được bán chủ yếu phần lớn là của nhà làm được là cây chổi, bó rau, nải chuối chưa kịp chín…
Chợ quê những ngày giáp Tết càng đông vui. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào những ngày này thấy đâu đâu cũng bày bán lá dong, lạt, cây quất, cành đào. Không khí Tết làm cả khu chợ quê rộn ràng, vui tươi hơn những ngày thường.
Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đến chợ, bày biện hàng hóa. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon. Phiên chợ quê ngày Tết thường họp đến đầu giờ chiều hoặc buổi sáng, nếu càng vào những ngày giáp Tết, chợ sẽ họp cả ngày.
Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một cành đào, có người chỉ đi dạo chơi nhưng quan trọng là tìm lại không khí Tết của phiên chợ quê.
Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê tìm lại biết bao nhiêu thứ để nhớ. Nhớ lại ngày nhỏ được mẹ mua cho kẹo mật, bánh nếp, bánh kê thơm phưng phức… Những lần đi chợ với mẹ hay cùng lũ bạn mải mê ngắm những chùm bóng bay đủ màu sắc tung bay trên bầu trời rồi quên cả đường về nhà.
Những bí quyết hay để đi chợ Tết
Muốn ăn Tết to, phải lo đủ thứ!
“Muốn ăn Tết to, phải lo đủ thứ” – đi chợ Tết chính là dịp để các mẹ, các chị trổ tài đảm đang, quán xuyến. Để có một cái tết đầy đủ mà vẫn đảm bảo tiêu chí hợp lý, các bà nội trợ có hẳn những kinh nghiệm bỏ túi vô cùng hữu ích như:
Đầu tiên, lên kế hoạch mua sắm rõ ràng để tránh tình trạng “vung tay quá trán”. Trước khi đi chợ, tiến hành tổng kiểm tra nhà cửa, xem những món đồ nào có thể tận dụng, món nào cần mua mới. Lên danh sách chi tiết những món cần mua, số lượng, địa điểm bán, mức chi phí phù hợp.
Tiếp theo, các bà nội trợ sẽ dự tính đi chợ bao nhiêu ngày, món nào cần mua trước, món cần mua sau. Khi đi chợ, mang theo danh sách vật dụng cần mua để tránh tình trạng quên quên, nhớ nhớ, lãng phí thời gian đi chợ nhiều lần.
Tùy theo điều kiện riêng của từng gia đình, các món cần mua có thể khác nhau, nhưng trong đó vẫn có một số món đặc trưng không thể thiếu như: quần áo và giày dép mới, chổi và dụng cụ vệ sinh nhà cửa, vật dụng làm bếp, vật dụng nấu nướng, gia vị, xà phòng, chất tẩy rửa, đồ cúng kiếng và thực phẩm ăn Tết như: bánh kẹo, mứt, dưa hành, trái cây, giò chả,…
Trên đây là tất tần tật về phong tục đi chợ tết – nét đẹp trong văn hóa ngày tết của người Việt. Dù hiện nay, sự góp mặt của nền tảng công nghệ hiện đại có làm cho việc đi chợ tết có nhiều đổi khác, nhưng chung quy lại, đây vẫn là dịp người người nhà nhà đón nhận không khí tết đang đến gần và sắm sửa đầy đủ cho những ngày “chợ đóng cửa”. Hy vọng với những thông tin mới được Phụ nữ và Gia đình chia sẻ trên đây, quý độc giả sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của phong tục lâu đời này và ngày càng yêu quý và góp phần lưu truyền nét đẹp ngày tết này nhé!