Dẹp loạn “vùng đen” vi phạm bản quyền
Dẹp loạn “vùng đen” vi phạm bản quyền
Sự tồn tại của hàng trăm website phim lậu đã khiến các trang chính thống, nhà sản xuất và các rạp bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu, lợi nhuận, thương hiệu.
Mới đây, website phim lậu phimmoi.net đã bị khởi tố, được coi là tín hiệu mở đầu cho cuộc phòng chống vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Web phim lậu phimmoi.net vừa bị cơ quan công an khởi tố vụ án
Phim chưa chiếu rạp, đã bị đánh cắp
Theo kế hoạch, bộ phim Vùng đất câm lặng 2 (A silent place 2) ra mắt trên thế giới từ ngày 28/5/2021, trình chiếu tại Việt Nam từ ngày 18/6/2021 và sau 45 ngày chiếu rạp sẽ được đưa lên nền tảng Netflix, Paramount+. Tuy nhiên, chưa kịp ra rạp, bộ phim này đã được đưa lên một số trang web chiếu phim lậu tiếng Việt. Hàng loạt phim “bom tấn” mới nhất như Góa phụ đen, Space jam: Kỷ nguyên mới… cũng chung “số phận”.
Tương tự, với phim trong nước, đại diện Galaxy Play cho biết: “Chưa đầy 24 giờ phát hành phim điện ảnh Bố già trên Galaxy Play, chúng tôi đã phát hiện và thống kê được hơn 10 đường link phim lậu sao chép phim chuyền tay trên mạng xã hội. Nổi cộm là các tên miền: phimgiz, fullphimmoi, bilutvs, phimmoii, zingtvs… Không riêng Bố già, nhiều phim khác trên Galaxy Play cũng bị các trang phim lậu lấy cắp”.
Vấn nạn phim lậu vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang khiến các nhà quản lý “đau đầu”. Thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, có hơn 400 website tiếng Việt công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên mạng, 60 – 70% số phim trên các website không có bản quyền. Mới đây, web phim lậu nổi tiếng và tai tiếng nhất là phimmoi.net đã bị Công an TP.HCM khởi tố vụ án.
Cơ quan công an xác định, ông chủ website phim lậu này là Nguyễn Tuấn Tú (ngụ tại tỉnh Lâm Đồng). Từ năm 2014, Tú đã có kế hoạch xây dựng, phát triển website phim trực tuyến miễn phí trên Internet và đã thuê 2 cá nhân có trình độ kỹ thuật cao về công nghệ thông tin để lập trình, quản trị và vận hành website phimmoi.net.
Tú còn sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể bản quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền để thu lợi bất chính với số tiền lớn. Năm 2020, phimmoi.net là một trong những trang web có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam, với 5,2 triệu lượt/tháng, doanh thu mỗi tháng lên tới hàng tỷ đồng.
Tháng 6/2020, tên miền phimmoi.net bị chặn, nhưng sau đó, phần lớn lượng truy cập chuyển sang phimmoizz.net. Đến tháng 4/2021, người dùng Internet phát hiện trang web phimmoizz.net biến mất và chỉ sau vài giờ, website này bất ngờ hoạt động trở lại với tên miền phimmoiizz.net.
Theo Similarweb, trang phimmoizz.net xếp hạng 36 tại Việt Nam với 24,5 triệu lượt truy cập được ghi nhận trong tháng 1/2021. Tháng 3/2021, phimmoizz.net đã bị Công ty Morning Consult (văn phòng đại diện thương mại ở Mỹ) tố cáo đích danh vì hành vi đăng tải trái phép hàng ngàn bộ phim và chương trình truyền hình.
Để không còn “bắt cóc bỏ đĩa”
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã mở rất nhiều đợt truy quét nhằm vào các website vi phạm bản quyền, nhưng chỉ được ít lâu, các trang này nhanh chóng “sống lại” dưới các tên miền mới. Nguyên nhân là, chủ các website vi phạm bản quyền thường đặt máy chủ ở nước ngoài, thuê dịch vụ lưu trữ đám mây của Facebook, Google, Fshare, Openload… không giới hạn dung lượng với giá rất rẻ để lưu trữ phim. Việc “chuyển nhà” diễn ra dễ dàng, nên các trang phim lậu như “vòi bạch tuộc”, cứ chặn trang này, thì trang khác lại mọc lên.
“Vi phạm bản quyền phim là vấn đề chung mà tất cả quốc gia đều phải đối mặt. Nhưng khi Covid-19 qua đi, rạp được mở cửa, chúng tôi vẫn phải chiếu và buộc phải chấp nhận việc doanh thu có thể giảm tới 60 – 70%”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV tại Việt Nam thở dài.
Hiện nay, các đơn vị sản xuất nội dung, các đài truyền hình, hãng phim chủ yếu sử dụng biện pháp rà soát thủ công để phát hiện những trang web, ứng dụng có nội dung vi phạm bản quyền, sau đó liên hệ với các chủ thể này, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Đối với các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, thì dùng biện pháp khiếu nại bản quyền qua các bảng mẫu định sẵn.
Tuy nhiên, số phim, video, clip vi phạm bản quyền bị gỡ bỏ rất ít. Tại Việt Nam, hiện nay không có quy định nào về việc chặn các địa chỉ giao thức Internet vi phạm bản quyền. Hoạt động thu hồi tên miền của các trang web vi phạm tuy có quy định, nhưng cũng không thể thực hiện hiệu quả.
Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với các chủ sở hữu bản quyền gửi email cảnh cáo, buộc gỡ nội dung vi phạm cũng như thực hiện các biện pháp can thiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, Cục đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn người dùng mạng tại Việt Nam truy cập những nội dung xâm phạm bản quyền.Tuy nhiên, các biện pháp này chưa phải là giải pháp căn cơ để đối phó với nạn website lậu khi các cá nhân/đơn vị đặt máy chủ, đăng ký tên miền tại nước ngoài.
“Tôi cho rằng, phải liên tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đồng thời nâng cao ý thức của người dùng để tự mỗi cá nhân nói không với việc dùng website lậu”, ông Hải bày tỏ.
Từ góc nhìn của nhà sản xuất, ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) chia sẻ, các nhà sản xuất nội dung phải đầu tư rất nhiều chi phí để sản xuất nội dung nhằm cạnh tranh thu hút thuê bao. Tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi đó, việc xử lý các vi phạm bản quyền trên Internet rất khó khăn. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề vi phạm bản quyền, tạo môi trường thúc đẩy kinh doanh nội dung phát triển.
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) – đơn vị bị vi phạm bản quyền truyền hình nhiều nhất – đã khởi kiện thành công, đòi bồi thường 500 triệu đồng đối với 2 công ty truyền thông vì tự ý khai thác phim “Bí thư tỉnh ủy”, “Chạy án”… VTV cũng đã khiếu kiện một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác một chương trình của VTV trên YouTube.