ĐỀN KIẾP BẠC – Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc
Để tìm kiếm chính xác nhất trên website Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, hãy search trên Google với cú pháp: “Từ khóa” + “consonkiepbac.org.vn”. (Ví dụ: tin tức mới consonkiepbac.org.vn). Tìm kiếm ngay
Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng toàn thể gia quyến. Đền toạ lạc giữa thung lũng núi Rồng, thuộc địa phận 2 làng Vạn Yên (tên nôm là Kiếp) và làng Dược Sơn (tên nôm là Bạc) nên có tên gọi là đền Kiếp Bạc, nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Trong lịch sử khu vực Kiếp Bạc không ít lần thay đổi về tên gọi và địa danh hành chính:
+ Thời Hùng Vương thuộc bộ Vũ Ninh
+ Thời thuộc Tần là đất quận Nam Hải
+ Thời thuộc Hán, Vạn Kiếp mang tên Lãng Bạc, rồi đến thời thuộc Đường đổi tên là Lãng Châu của đất quận Giao Chỉ.
+ Thời Đinh thuộc đất đạo Bắc Giang.
+ Thời Lý, Trần gọi là hương Vạn Kiếp thuộc huyện Phương Sơn, châu Lạng Giang, lộ Bắc Giang thượng.
+ Thời Lê, xã Vạn Kiếp thuộc huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc.
+ Thời Nguyễn, Vạn Kiếp đổi thành Vạn Yên (An). Từ năm Gia Long 21 (1822), Vạn Yên thuộc tổng Trạm Điền, huyện Phượng Nhỡn, trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh 12 (1831) đổi trấn Bắc Ninh thành tỉnh Bắc Ninh. Đến cuối thập kỷ 80, sang đầu thập kỷ 90 thế kỷ XIX, xã Vạn An thuộc huyện Lục Ngạn, phủ Lạng Giang. Ngày nay, đền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Về vị trí địa lý, khu vực Vạn Kiếp/Kiếp Bạc có vị trí đặc biệt về giao thông cũng như quân sự. Ở đây có sông Lục Đầu, chảy qua phía tây khu di tích với chiều dài 10 km, có 6 dòng hợp lưu gồm: Sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, chảy từ phía tây bắc về, đổ xuống hai dòng hạ lưu là Kinh Thầy và Thái Bình để ra biển phía đông nam. Đây là nguồn cung cấp nước, chuyển tải phù sa cho đồng ruộng, nguồn thuỷ sản tự nhiên vô cùng phong phú cho một vùng rộng lớn của đông bắc châu thổ Bắc Bộ. Về phương diện giao thông, có thể nói đây là những con đường lưu thông huyết mạch thời phong kiến, góp phần quan trọng về giao thương kinh tế, quân sự, kiến tạo nên những thành tựu văn hoá một thời.
Kiếp Bạc có núi Rồng hình tay ngai, bao bọc những thung lũng của sông Thương ăn sâu vào hẻm núi, có thể tập kết hàng nghìn chiến thuyền trước khi xông trận. Trên các đỉnh núi có thể quan sát một vùng sông nước làng mạc bao la, tạo thế chủ động cho quân sĩ khi tiến cũng như khi lui “tiền công hậu thủ”. Phía bắc là hệ thống núi rừng trùng điệp, nơi có thể giấu hàng vạn quân, lập căn cứ an toàn, phía nam có làng mạc trù phú, lắm của nhiều người, là nguồn cung cấp nhân tài vật lực to lớn cho chiến tranh.
Vùng Kiếp Bạc còn là nơi giao thương lâm, thổ sản từ phía bắc xuống; nông, hải sản từ phía nam lên. Vì thế mà, suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, Kiếp Bạc luôn là vị trí trọng yếu của một vùng chiến lược. Kiếp Bạc không chỉ là một cảnh quan hùng vĩ, một vị trí có tầm chiến lược, mà còn là một vùng sơn cước giàu có. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đã đóng đại bản bản doanh và phủ đệ tại Vạn Kiếp. Đặc biệt, sau ba lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên toàn thắng, Trần Hưng Đạo đã sống những năm tháng thanh bình tại Vạn Kiếp và mất tại đây ngày 20 tháng 8 năm 1300. Do có công lao to lớn đối với dân tộc trong sự nghiệp giữ nước, nên ngay lúc sinh thời, Trần Hưng Đạo đã được lập đền thờ, gọi là sinh từ. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng: “Thái sư thượng phụ Quốc công Tiết chế, Nhân võ Hưng Đạo đại vương”. Vua Trần Thánh Tông tự soạn văn bia ca ngợi công đức của ông, dựng tại sinh từ.
Theo văn bia tại di tích cho biết, đền Kiếp Bạc được xây dựng sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời năm 1300, vị trí đền ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên khu đất có diện tích khoảng 13.500m2.
Sang thời Lê (1428 – 1788), theo “Đại Việt Sử ký toàn thư” năm 1427, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh sắp thắng lợi, Lê Lợi đã cắt ngân quỹ, cử Dương Thái Nhất về tu sửa đền Kiếp Bạc, ra sắc chỉ nghiêm cấm chặt cây quanh đền và xâm phạm đất đai di tích.
Dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), đền Kiếp Bạc được Nhà nước và nhân dân quan tâm, tu bổ, tôn tạo vào các năm 1847, 1887, 1906, 1916, 1920…
Trong kháng chiến chống Pháp, khu di tích Kiếp Bạc bị tàn phá nặng nề các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy không còn; dấu vết quy mô xây dựng của các lần trùng tu không còn đầy đủ: Trung từ và Tả Hữu Giải vũ bị giặc Pháp đốt phá, chỉ còn lại hậu cung, tiền bái và cổng đền.
Các công trình kiến trúc hiện nay được Nhà nước và nhân dân trùng tu tôn tạo từ năm 1962 đến nay, cụ thể như sau:
– Năm 1978, trùng tu toà Trung từ; năm 1995, xây dựng khuôn viên Nhà bạc, tả hữu hành lang.
– Năm 1998 đến năm 2000, trùng tu toà Hậu cung, Trung từ và Tiền bái.
– Năm 2006, xây dựng tường bao nội tự, tôn tạo lại sân Đền.
– Năm 2009, xây dựng nhà khách, nhà kho…
Năm 2014, với sự đóng góp công đức của nhân dân, đền Kiếp Bạc được đại trùng tu quy mô lớn. Theo văn bia, đây là đợt đại trùng tu lần thứ tư trong lịch sử, thể hiện sự tri ân của thể hệ chúng ta với Đức Thánh Trần. Các công trình kiến trúc trở lên hoàn chỉnh, bố cục cân đối. Các công trình kiến trúc đền Kiếp Bạc lấy núi Trán Rồng làm khởi điểm (dương) phát triển ra đê sông Lục Đầu (âm), bố cục theo luật đối xứng tuân thủ nguyên tắc âm dương ngũ hành, bát phương ngũ sắc…mang phong cách cung đình gồm: Thần đạo, Nghi môn, Tả hữu thành các, giếng mắt rồng, nhà Bạc, tả hữu giải vũ, đền chính…
Phối cảnh không gian toàn cảnh đền Kiếp Bạc
Nghi môn đền là công trình kiến trúc đồ sộ hoành tráng, thiết kế kiểu cổng thành dạng bức cuốn thư với ba cửa vòm và hai trụ biểu lớn. Đây là bức tranh sinh động hội đủ tứ linh, tứ quý, khái quát cả âm dương, trời đất, thiên nhiên, con người nơi đất thánh. Qua nghi môn là tả hữu Thành các. Công trình được xây dựng thời Nguyễn, có ý nghĩa là nơi dừng chân, tu chỉnh khăn áo của các đoàn rước trong các ngày trọng hội. Trong sân là giếng mắt Rồng. Giếng nằm ở trung tâm thung lũng dãy núi Rồng do mạch nước ngầm từ núi chảy ra. Tường truyền, giếng xây dựng từ thời Trần, gắn với tên tuổi của danh tướng Yết Kiêu – Người có công tìm và phát hiện ra nguồn nước. Nước giếng thơm và trong mát tiếp thêm sức mạnh cho quân sĩ khi ra trận. Giữa sân là Tắc Môn (thường gọi là nhà Bạc). Công trình nằm trên đường thần đạo, là cầu nối giữa nghi môn và đền chính, mang ý nghĩa như một bình phong chắn tà khí cho Đền. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ trọng thể của Nhà nước dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần.
Nghi môn đền Kiếp Bạc
Qua các bậc thềm tượng cho ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh) vào đền chính. Đền chính kiến trúc kiểu tiền nhất (一), hậu đinh (丁) gồm: Tiền tế, trung từ, hậu cung bài trí thờ tự như sau:
– Toà Hậu cung:
+ Cung cấm: Bài trí thờ tự chính cung là Ban thờ Gia tiên và ban thờ Đức Quốc mẫu (phu nhân Đức Thánh Trần). Hai bên là Ban thờ Đệ nhất Vương cô Khâm Từ Hoàng Thái Hậu Quyên thanh Công chúa; và Ban thờ Đị Nhị nữ đại Hoàng Anh Nguyên quận chúa giữ nguyên.
+ Cung ngoài: Bài trí Ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Phía trước là ban thờ Tứ vị Vương tử bằng ngai và bài vị gồm: Hưng Vũ Vương, Hưng Hiến Vương, Hưng Nhượng Vương và Hưng Trí Vương
– Tòa Trung Từ:
+ Chính giữa là Ban thờ Phạm Điện Súy Tiền tướng quân Phạm Ngũ Lão. Hai bên là hai ban thờ tướng quân Yết Kiêu (bên trái) và tướng quân Dã Tượng (bên phải).
– Toàn Tiền Tế: Bài trí ban thờ Công đồng Trần triều ở chính giữa, hai bên là tả chiêng, hữu trống.
Hàng năm đền Kiếp Bạc có 4 sự lệ chính. Theo Hương ước làng Dược Sơn, báo cáo Công sứ năm 1938, ghi rõ các sự lệ như sau:
– Lễ khai xuân, tế lễ tại đền vào ngày 11 tháng Giêng.
– Lễ kỵ Đức Vương phụ (tức An Sinh Vương Trần Liễu), tế lễ từ ngày 30 tháng 3 đến 1 tháng 4.
– Lệ kỵ Đức Thánh Trần, tế lễ từ ngày 19 – 21 tháng Tám.
– Lệ kỵ Đức Quốc Mẫu, tế lễ từ ngày 27 – 29 tháng Chín.
Đặc biệt, lễ hội đền Kiếp Bạc xưa được tổ chức từ ngày 16 và kết thúc vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Lễ hội Kiếp Bạc là lễ hội lớn và giữ vai trò lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng to lớn bậc nhất trong đời sống văn hóa của nhân dân địa phương cũng như cả nước. Trong kỳ Đại lễ ở đền Kiếp Bạc có nhiều nghi thức tế lễ nhưng quan trọng nhất là lễ dâng hương quốc tế ân ban; lễ hội quân trên sông Lục Đầu; lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu; lễ hầu thánh… Ngoài ra, còn có các trò biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc như: thi nấu cơm, múa rối, đập niêu, chọi gà, cờ tướng…
Ngoài ra, khu di tích Kiếp Bạc còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể, di sản Hán Nôm phong phú, đúc kết tinh hoa văn hoá của các lớp người ở nhiều triều đại, từ tri thức dân gian đến tri thức bác học, bao gồm: các tập văn tế, văn khấn, văn cúng, văn chầu; các thác bản ghi chép về đất, người, sự lệ, lễ tiết…; văn bia, hoành phi câu đối, thần tích, thần sắc, bài châm, thẻ bài, thơ, phú, vịnh, giáng, gia phả, sự tích, hương ước, ấn chỉ… đặc biệt là bộ ấn của Đức Thánh Trần. Du khách hành hương về đền Kiếp Bạc đều mong xin được dấu ấn nhà ngài, mang bên mình cầu an. Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 28/4/1962, khu di tích Kiếp Bạc được xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 313 VH/QĐ của Bộ Văn hóa- Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2012, di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.