Để yên cho bác sỹ ” hiền” – một góc nhìn của người làm nghề

“Để yên cho bác sỹ “hiền”” của tác giả Hùng Ngô sẽ phát hành vào ngày 3/3/2018. Mỗi ngày, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta gặp biết bao những thông tin phản ánh về nghề Y với những bức xúc của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về thái độ phục vụ, về những sơ suất của nghề. Người bệnh đến với bác sĩ, bệnh viện với hy vọng tìm sự sống. Bác sĩ chữa bệnh cứu người là trách nhiệm, bổn phận. Thế nhưng, sự bùng nổ thông tin đã giúp cho báo chí phát huy quyền lực ảnh hưởng đến nghề Y và cũng không tránh khỏi những thông tin bị “bóp méo”, sai lệch, giật gân để câu kéo độc giả. Với sự “tiếp tay” của mạng xã hội, những thông tin tiêu cực nhanh chóng trở thành những cơn “bão”, lan toả khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, tạo nên sự hoang mang trong cộng đồng. Điều đó đã gián tiếp đẩy cuộc sống của các bác sỹ xuống một tầng sâu hơn của áp lực và dồn họ vào một môi trường làm việc đầy lo lắng, thấp thỏm lo sợ “tai bay vạ gió” rơi trúng đầu mình.

Người ngoài ngạch không có nhu cầu để tìm hiểu, người trong ngành Y không có thời gian để giải thích thanh minh cho mọi thông tin lan tràn hàng ngày trên mạng xã hội, khiến cho hố sâu khoảng cách giữa người dân và bác sỹ nói chung, và giữa bệnh nhân/người nhà bệnh nhân và bác sỹ nói riêng ngày càng trở nên trầm trọng, khó có thể thông cảm cho nhau. Làm ở khoa hồi sức cấp cứu, thường xuyên phải đối mặt với những trận chiến kịch tính cùng Thần Chết đã cho bác sỹ Hùng Ngô cơ hội để nhìn công việc từ mặt trái của nghề, những “tấn trò đời” do chính những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đảm nhiệm vai diễn. Và anh đã ghi chép lại những điều đó, chắt lọc lại trong chương 1 và 2 của “Để yên cho bác sỹ “hiền””.

Qua những câu chuyện được bác sỹ Hùng Ngô ghi chép lại, chúng ta dễ dàng có cái nhìn rõ ràng hơn về những sinh viên Y khoa, những người đã chấp nhận trải qua con đường học hành gian truân dài gấp đôi các nghề khác, áp lực gấp trăm lần, đánh đổi cả tuổi thanh xuân, sức khỏe và những cơ hội thăng tiến, cơ hội tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc trong cuộc đời để trở thành bác sỹ. Ở góc nhìn bác sỹ – bệnh nhân, những câu chuyện phòng khám khiến độc giả cười ra nước mắt trước những nhận thức ấu trĩ, lối ứng xử thiếu văn hóa của một lớp những người mà bác sỹ Hùng Ngô định nghĩa bằng khái niệm “bần nông vàng vẩu”, nhưng cũng không hề thiếu vắng những góc nhìn hiện thực bi đát, về sự bất lực của người thầy thuốc có tâm trước những căn bệnh, những ca cấp cứu hiểm nghèo.

Tác giả cuốn sách cũng không hề bao biện cho những góc tối của nghề bởi nghề nào cũng có những hạn chế, có những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng trước những cơn bão dư luận đang dắt mũi đại chúng, khiến số đông người dân nhìn nghề y với ánh mắt ác cảm, thì những bộc bạch của “Để yên cho bác sỹ “hiền”” phần nào minh bạch hóa những hiểu lầm đang bị truyền thông thổi phồng, bóp méo có chủ ý. Bác sỹ Hùng Ngô nói “làm bác sĩ cái đầu phải lạnh nhưng trái tim phải nóng”, cảm xúc không được phép xen vào cuộc chiến với tử thần, có vậy mới đủ độ tỉnh táo.

Trong khi đó, chương 3 và 4 lại dẫn dắt người đọc đến với những câu chuyện thâm trầm, lắng đọng, triết lý về cuộc đời, về số phận con người bằng một giọng văn già dặn đầy suy tư kiểu Nam Cao. Những phần viết về mẹ, về gia đình, bên cạnh những trang trăn trở về sứ mệnh của nghề là những trang lắng đọng cảm xúc nhất, gây xúc động nhất, chạm tới trái tim độc giả. Nghịch lý và cũng là bi kịch của nghề y là khi các bác sĩ không thể giúp gì cho những người thân của chính mình đang mắc bệnh hiểm nghèo, hay từng bước thấy sinh mệnh của bệnh nhân vuột khỏi tầm tay trong những ván cờ đấu trí với thần Chết. Những trang viết trào phúng, châm biếm về chuyện nghề vừa dí dỏm, hài hước, thậm chí ngoa ngoắt đem lại tiếng cười nhiều cung bậc, với những ẩn dụ, so sánh gợi nhắc đến văn phong Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng.

Đọc nhiều, dấn thân trải nghiệm, đi nhiều, nên vốn văn hóa khá uyên bác cộng với sự tài hoa, khéo léo của một người chơi nghệ thuật, văn chương của bác sỹ Hùng Ngô khiến độc giả liên tưởng ít nhiều đến Vũ Bằng, Nguyễn Tuân với những thú ăn chơi tao nhã. Dù không phải dân viết văn chuyên nghiệp, nhưng văn phong độc đáo, có bản sắc tạo nên một dấu ấn Ngô Đức Hùng trên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi, thị phi. Xen giữa những ồn ào của chuyện nghề là những khoảnh khắc dành cho cái Tôi đời thường – nghệ sĩ của chàng bác sĩ trẻ này. Bước chân khỏi thế giới bệnh viện, Hùng quan sát, cảm nhận và tận hưởng cuộc sống một cách nhẩn nha như người già trước tuổi. Thế giới nhân vật đa dạng: từ bà cụ bán hàng xén góc đường, đến anh đại gia bao nhiêu năm viếng nhầm mộ mẹ, đến cặp vợ chồng ông lão bán nước trên phố, cậu bạn bán hàng đa cấp, cô em – đại diện gương mặt một thế hệ sành điệu, thực dụng nhưng sến sẩm, mê tiểu thuyết ngôn tình, một ông bác bỏ nghề bác sĩ đi buôn… những không gian, thời gian trải nghiệm cuộc sống đời thường sau bức tường bệnh viện: một thoáng giao mùa, một chiều tảo mộ cuối năm, khoảnh khắc giao thừa,… là những thước phim sinh động về cuộc sống, với góc quan sát đa chiều của tác giả, tạo nên những dòng tự sự lúc trầm lắng, suy tư, lúc hài hước, giễu nhại… đầy cuốn hút. Chính cách kể chuyện tự nhiên, không màu mè, không hư cấu với giọng văn sắc sảo, ngôn ngữ linh hoạt, tư duy có chiều sâu văn hoá và logic khoa học đã tạo nên sự sức hút đặc biệt cho “Để yên cho bác sỹ “hiền’”.

Với cấu trúc chia làm bốn chương riêng biệt với bốn góc nhìn về chuyện nghề, chuyện bệnh viện, chuyện xã hội và chuyện tôi, “Để yên cho bác sỹ “hiền”” cho thấy một cuộc đời được soi dưới một ống kính lập phương nhiều màu, cho ta thấy một tâm hồn phong phú, một cá tính đa sắc, một giọng văn phức điệu nhưng dù hài hước, mỉa mai, chua chát hay đau đáu, xót xa nỗi niềm nhân sinh, thì kết tụ lại sau mỗi con chữ vẫn là trái tim của một con người trân quý sự sống, biết sống đẹp và ăm ắp tình đời, tình người. “Để yên cho bác sỹ “hiền”” không chỉ chia sẻ chân thành những thực tế áp lực công việc, những gian khổ của nghề Y – nghề mà “hoạ phúc chỉ cách nhau trong gang tấc”, giúp chúng ta thấu hiểu về những con người đang thầm lặng chiến đấu, giành giật sự sống từ bàn tay tử thần, mà còn giúp chúng ta nhìn thấy được những vướng mắc còn tồn tại trong ngành Y nói riêng và trong cả xã hội nói chung. Để chúng ta có cơ hội soi sâu vào những điều mà chúng ta chưa từng biết, hoặc được biết nhưng cũng từ chối nhìn nhận với ánh mắt công bằng và khách quan. Cuốn sách không chỉ là tự sự dành cho những người làm nghề Y mà còn là cuốn sách cho những người yêu văn chương và muốn khám phá những vẻ đẹp tâm hồn và giá trị cuộc sống.

***

 

Bác sỹ Ngô Đức Hùng (sinh năm 1981) Chuyên ngành Hồi sức cấp cứu

Tốt nghiệp loại giỏi trường Y – bác sỹ nội trú sau 11 năm học liên tục. Được đi tu nghiệp nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn quyết định ở Việt Nam làm bác sỹ. Hiện anh đang làm việc ở tại một bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội và sẵn sàng đóng góp cho cuộc đời một trái tim.
Tự nhận mình là kẻ đứng giữa dòng chảy cuộc đời nhưng điềm nhiên như đứng ngoài việc và mắc một thứ bệnh kinh niên là “tiêu chảy ngôn ngữ”, bác sỹ Hùng Ngô rất khéo tự hoạ mình và cuộc đời mình bằng con chữ, tuy nhiên, không có trong vốn từ vựng hai chữ “giá như”.
Bác sỹ Hùng Ngô là gương mặt không xa lạ với những người tham gia mạng xã hội bởi những bài đăng của anh đều đề cập đến những vấn đề “nóng” của xã hội, đặc biệt là những vấn đề của nghề y – tâm điểm của những cơn bão trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Những câu chuyện đời, chuyện nghề qua giọng văn nhiều cung bậc cảm xúc, sắc sảo, tinh tế, thâm thúy của cậu bác sĩ trẻ đầy tâm huyết với nghề, với đời đã cuốn hút hàng chục ngàn lượt người tham gia tương tác và trò chuyện trên mạng xã hội. “Để yên cho bác sỹ “hiền”” được chắt lọc từ những bài viết anh đã đăng tải trước đó trên mạng xã hội.