Để yên cho bác sĩ ‘hiền’ trong dịch Covid-19
Những giàn hỏa thiêu vội
Khi bác sĩ (BS) Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), trở về nhà giữa dịch Covid-19, người hàng xóm vừa từ nhà vệ sinh công cộng bước ra vội vàng úp ngay bàn tay chưa rửa của mình vào miệng, hít một hơi sâu. Hỏi han mấy câu, người hàng xóm vừa che miệng vội vàng nói “thế thôi nhé” và nép vào bờ tường tránh BS Hùng như gặp phải thứ gì kinh khủng. “Mình nói với theo, lần sau anh nhớ rửa tay trước khi đưa lên mồm nhá, kẻo lại tiêu chảy. Anh ấy không nói gì, ù té biến mất khuất sau bức tường”, BS Hùng viết trong cuốn sách mới ra của mình: Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể. Sách do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành.
Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể đầy ăm ắp những câu chuyện về Covid-19 như thế. Những câu chuyện kể từ khi đại dịch này bùng nổ, gây hoang mang, nghi ngại. Nó chia rẽ cộng đồng vì những lo lắng và kỳ thị bệnh nhân. Nhưng nó cũng mang lại sức mạnh của chia sẻ khi mọi người tổ chức lại cuộc sống và kết nối với nhau đẩy lùi dịch bệnh. Đã có quá nhiều câu chuyện như thế trên báo chí, mạng xã hội. Nhưng BS Hùng, với vị trí là người xử lý các tình huống bệnh trực tiếp, đi xây dựng bệnh viện dã chiến ở nhiều địa phương, có những câu chuyện hậu trường thật đặc biệt.
Là người lạc quan và hóm hỉnh, BS Hùng cũng khiến câu chuyện của mình trở nên giàu cảm xúc hơn. Đặc biệt, nó còn được đặt trong góc nhìn đạo đức sinh học và giải thích dễ hiểu. Chẳng hạn, sự kỳ thị với những F0 được tác giả cắt nghĩa từ nỗi sợ. BS Hùng đặt nỗi sợ Covid-19 trong tương quan với nỗi sợ HIV nhiều năm trước. Khi đó, HIV được phát hiện trong nhóm người đồng tính. Việc công khai danh tính người đồng tính để khoanh vùng nguy cơ đã thổi bùng lên làn sóng kỳ thị, tấn công họ. “Cho đến bây giờ, các con đường lây nhiễm HIV đã được làm rõ, nhìn lại mới thấy dư luận xã hội dã man với đồng loại thế nào”, ông Hùng viết về những “dàn hỏa thiêu” vội vàng dựng lên.
Suốt 2 năm đối diện với Covid-19 ở cự ly gần, BS Hùng có nhiều câu chuyện về sự kỳ thị cũng như gắn bó. Những y BS bị xa lánh, thậm chí bị chủ nhà cho thuê đuổi. Nhưng cũng có gia đình đã bỏ qua được bất hòa khi cả nhà cùng đi cách ly. Chi tiết khu cách ly đã thu xếp để người được xác định là “nguyên nhân lây” ở khu vực khác cho thấy sự tinh tế của người quản lý, cũng như sự quan sát của vị BS. Đọc những cắt nghĩa của ông một cách khoa học, những câu chuyện đời, năng lượng của sự bình tĩnh và lạc quan cứ thế lan ra thấm thía.
Bìa cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể
Ảnh: Nhã Nam
Pha trộn văn học mạng và viết
Có những đoạn văn trong Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể chỉ thoáng qua đã thấy bóng dáng của nghề y và sức hấp dẫn từ những kiến thức chuyên ngành. Chẳng hạn như đoạn này: “Covid trông như quả ké có nhiều gai, ảnh chụp từ kính hiển vi điện tử là ảnh 2D bẹp dí nên trông nó như hình cái vương miện. Giới khoa học cũng văn vẻ, thường lấy các hình ảnh mỹ miều mô tả cho những tổn thương kinh dị. Như loại tổn thương da trong bệnh hủi gọi là hoa hồng hủi, lá phổi ung thư di căn đầy khối u chụp phim X-quang lên có hình ảnh gợi nhớ “thả bóng bay” hay “ruột bánh mì” để mô tả nhu mô phổi bị con vi khuẩn lao ăn lỗ rỗ. Và bây giờ, Covid được gọi là vi rút vương miện (corona – PV), đại diện cho hình ảnh vương quyền”.
Tất nhiên, sách không chỉ có câu chuyện Covid-19. BS Hùng cũng kể những kinh nghiệm thực chiến của mình với những bệnh nhân khác trong thời kỳ bình yên giữa các làn sóng Covid-19. Đó là những cơn cuồng thực dưỡng, hay mê đắm hóa mỹ phẩm ngoại một cách hết sức hóm hỉnh.
Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể đã được đăng rải rác trên Facebook của tác giả, người vẫn được cư dân mạng gọi là BS Húng Ngò. Ngay từ khi là những bài viết ngắn, những status của ông đã có sức tương tác mạnh. Trong đó, có thể thấy lối văn mang dấu ấn của văn nói rất linh hoạt cộng với sự logic của một người làm khoa học lâu năm, cái nhìn nhân hậu vào thời cuộc. Cách viết của BS Hùng có sự pha trộn của cả cách hồn nhiên bộc lộ của người trẻ lẫn độ lùi của người từng trải. Như thể bạn đang đứng trước một giảng viên tóc bạc và nghiêm khắc trong công việc, nhưng lại vẫn thích đùa. Sự cân bằng đó trong văn chương, thực sự, không phải ai cũng đạt được.