Đề xuất mô hình nghiên cứu phân tích ý định khởi nghiệp của sinh viên

Tóm tắt

Cùng với những quyết tâm trong điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các cơ quan hữu quan, phong trào hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp đang được thực hiện rộng rãi trong nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo. Để có những cơ sở vững chắc phục vụ cho việc định hướng khởi nghiệp của sinh viên, tác giả nghiên cứu các cơ sở lý luận và đề xuất mô hình nghiên cứu phân tích ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Từ khóa: Khởi nghiệp, ý định, mô hình, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp là một hiện tượng nhiều mặt (multifaceted phenomenon) và những định nghĩa của nó thay đổi đáng kể (Peng, 2000). Schumpeter (1942) định nghĩa khởi nghiệp là thực hiện “kết hợp mới”. Kirzner (1997) cho rằng nhà khởi nghiệp giỏi là những người có khả năng khai thác sự không hoàn hảo và mất cân bằng của thị trường. Khởi nghiệp có thể được định nghĩa là việc tạo ra doanh nghiệp mới (Low & MacMillan,1988; Peng, 2000). 

Theo cách tiếp cận của Cable (2010), thuật ngữ “khởi nghiệp” được hiểu là những dự án kinh doanh mang tính sáng tạo, có rủi ro và tăng trưởng cao, thường đòi hỏi một khoản tài trợ lớn từ bên ngoài. Hầu hết, các nguồn vốn khởi nghiệp đến từ nguồn tích lũy cá nhân trong giai đoạn đầu tiên (Cole, 2009). Những người mới bắt đầu cũng có thể nhận được sự ủng hộ phi chính thức từ bạn bè và gia đình hoặc những người trong cuộc (Alden, 2011). 

2. Cơ sở lý thuyết về khởi nghiệp

Định nghĩa khởi nghiệp theo từ điển tiếng Việt được giải nghĩa là bắt đầu sự nghiệp. Định nghĩa khởi nghiệp cũng thay đổi qua thời gian với các nhà nghiên cứu khác nhau. Đến đầu thế kỷ XX, định nghĩa khởi nghiệp đã được hoàn thiện và được diễn đạt là quá trình tạo dựng một tổ chức kinh doanh và người khởi nghiệp là người sáng lập nên doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, “không phải bất cứ ai cũng có tiềm năng để mở một doanh nghiệp riêng” (Learned, 2002). “Một người khởi nghiệp tiềm năng là người đón lấy cơ hội để thành lập công ty riêng mình ngay khi cơ hội xuất hiện”  (Shapero, 1981).

Sự khởi nghiệp là một quá trình bắt đầu từ việc nhận biết cơ hội, từ đó phát triển ý tưởng để theo đuổi cơ hội qua việc thành lập công ty mới. Theo tổ chức Global Entrepreneurship Monitor thì “một doanh nghiệp khi vừa thành lập sẽ trải qua 3 giai đoạn từ hình thành, phát triển ý tưởng đến thành lập doanh nghiệp và cuối cùng là duy trì và phát triển doanh nghiệp”.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới nghiên cứu đề tài khởi nghiệp rất nhiều. Các quốc gia này có tầm nhìn hướng về một xã hội, đất nước tốt đẹp, giàu mạnh khi có những doanh nghiệp mới được thành lập để cung cấp các giá trị mới cho toàn xã hội. Đối tượng nghiên cứu khởi nghiệp đặc trưng là thanh niên – sinh viên. Vì đối tượng này là thành phần có nhiều tiềm năng khi có các tính cách đặc trưng về sự năng động và sáng tạo. Tuy nhiên có 2 trường phái nghiên cứu về khởi nghiệp.

Một trường phái chỉ tập trung nghiên cứu tiềm năng khởi nghiệp đối với thanh niên – sinh viên thuộc chuyên ngành kinh tế và trường phái còn lại thì nghiên cứu cả tổng thể những cá nhân và tập thể, tổ chức có khả năng khởi nghiệp ở tất cả các khối ngành.

Theo Hynes (1996) thì các nghiên cứu khoa học cũng như các lý thuyết khởi nghiệp cần được thực hiện ở tất cả các tầng lớp thanh niên – sinh viên chứ không nên chỉ tập trung vào sinh viên chuyên ngành kinh tế. Theo ý kiến của giáo sư Hynes, “nếu như thực hiện các nghiên cứu đánh giá chung cho cả sinh viên kinh tế và sinh viên khối ngành kỹ thuật thì có thể sẽ phát hiện được những điều tương đồng và khác biệt giữa 02 nhóm đối tượng đó về tiềm năng khởi nghiệp của mỗi nhóm đối tượng”.

Những yếu tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi nghiệp được nghiên cứu nổi bật là độ tuổi, giới tính, trình độ học thức, kinh nghiệm làm việc, sự giáo dục và các yếu tố cá nhân (Delmar & Davidsion, 2000). Nếu nhóm những yếu tố riêng lẻ thành những yếu tố tổng quát ảnh hưởng đến tiềm năng khởi nghiệp của sinh viên thì có 3 yếu tố ảnh hưởng. Đó là yếu tố địa lý (demographic data), yếu tố tính cách cá nhân (personality traits) và yếu tố môi trường (contextual factors). 

Yếu tố địa lý (demographic data) thường dùng để diễn tả cá nhân khởi nghiệp về giới tính, độ tuổi, vùng miền. 

Yếu tố tính cách cá nhân (personality traits) thường được biết đến ở người khởi nghiệp là tính cách tham vọng, chấp nhận rủi ro và khả năng độc lập trong quyết định. McClelland vào năm 1961 đã nhấn mạnh rằng nhu cầu thành đạt là yếu tố quyết định chính đến tiềm năng khởi nghiệp của cá nhân. Trong khi đó vào năm 1987, Robinson thì khẳng định rằng “sự tự tin và thỏa mãn bản thân là yếu tố quyết định”. Các nhà nghiên cứu khác thì tranh luận rằng “tiềm năng khởi nghiệp được quyết định bởi nhiều tính cách mà không chỉ riêng một tính cách”. 

Dyer vào năm 1995 đã đưa ra mô hình phát triển của quá trình khởi nghiệp bao gồm các yếu tố tính cách cá nhân, các yếu tố xã hội (mối quan hệ gia đình và vai trò của từng cá thể trong gia đình) và các yếu tố kinh tế vĩ mô. 

Scott vào năm 1988 đã kết luận rằng “những đứa trẻ có tiềm năng khởi nghiệp thường làm việc trong công ty của gia đình từ khi còn nhỏ” Scott đã khảng định rằng sự tác động của cha mẹ đến tiềm năng khởi nghiệp của cá nhân gồm 2 phần: vai trò ảnh hưởng và vai trò người cung cấp nguồn lực để khởi nghiệp. 

Reynolds đã dựa vào kết quả các nghiên cứu trước đó và tiến hành đề tài của mình vào năm 1997. Ông đã đi đến kết luận rằng “sự ảnh hưởng tích cực của gia đình, trình độ học vấn cao, nhu cầu thành đạt cao, khả năng chấp nhận rủi ro cao và có xu hướng đổi mới là những nhân tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi nghiệp của nam giới từ độ tuổi 25 đến 40 tuổi”. 

Đối với nhóm các yếu tố tính cách cá nhân, có 2 cách nghiên cứu đang được các nhà nghiên cứu tiến hành. Thứ nhất, người nghiên cứu chỉ xem xét tác động của một yếu tốt tính cách cá nhân. Cách còn lại, người nghiên cứu xem tác động tổng hợp của một nhóm các yếu tố tính cách cá nhân lên tiềm năng khởi nghiệp.

Hai nhà nghiên cứu Driessen và Zwart đã thực hiện nghiên cứu sự tác động của 10 yếu tố tính cách cá nhân lên tiềm năng khởi nghiệp vào năm 2006. Mô hình đã được hai tác giả phát triển lên thành mô hình EScan sau đó để đo lường các tính cách này tác động đến tiềm năng khởi nghiệp của một cá nhân và được khảo sát trên mạng Internet toàn cầu.

3. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

3.1. Các giả thuyết nghiên cứu

3.1.1. Chuẩn mực xã hội (Social Norms)

Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào thì cũng phải tồn tại trong môi trường nhất định tùy từng thời điểm, không gian, thời gian. Môi trường này sẽ là tác nhân có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức đang tồn tại. Hành động của con người được định hướng, thúc đẩy bởi hoàn cảnh xã hội, quy tắc xã hội, chuẩn mực xã hội (Coleman, 1998).

Chuẩn mực xã hội là cảm nhận áp lực, mức độ quan tâm xã hội để đi đến hành vi quyết định kinh doanh hay không (Liñán & ctg, 2005). Còn Krueger & Brazeal (1994) cho rằng chuẩn mực xã hội là cảm nhận của chúng ta về tầm quan trọng của việc trở thành doanh nhân.

Chuẩn mực xã hội gắn liền với việc bạn bè, gia đình và mọi người trong xã hội có cổ vũ ủng hộ hành vi một cá nhân tự mình kinh doanh hay không. Môi trường sống, văn hóa xã hội có khuyến khích hay phản bác hành vi hay ý định khởi nghiệp. Điều này xuất phát từ văn hóa tổ chức, vãn hóa gia đình. Chuẩn mực xã hội là thái độ của mọi người (thành viên gia đình, đồng nghiệp, bạn bè) về doanh nhân (ElfVing & ctg, 2009).

Vì vậy, chuẩn mực xã hội sẽ định hướng ý định khởi nghiệp, suy nghĩ và hành vi của một cá nhân. Nó là tác động tâm lý đối với hành vi của con người và giúp con người suy xét để đi đến quyết định nào đó. Những sự cổ vũ, lời động viên hay những ý kiến phản bác, chê trách từ xã hội sẽ làm gia tăng hay giảm sút ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết Hl: Chuẩn mực xã hội có mối quan hệ dương với ý định khởi nghiệp.

3.1.2. Cảm nhận sự khát khao (Perceived Desirability)

Để thành công trong công việc, điều cần thiết và đầu tiên là phải có sự khát khao ham muốn. Nhưng sự khát khao ấy lại xuất phát từ sự hấp dẫn của công việc hay hành động sắp diễn ra và làm cho cá nhân cảm thấy thích thú. Tính hấp dẫn trong việc bắt đầu kinh doanh là tiền đề và động cơ tạo ra sự khát khao. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, sự khát vọng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm giúp những cá nhân đang muốn trở thành doanh nhân, tự mình tạo lập sự nghiệp bằng việc lập ra doanh nghiệp thực hiện được ý định khởi nghiệp.

Sự khát khao tạo cho cá nhân sự quyết tâm, ý chí kiên định thực hiện hành vi nhất định mà trong bối cảnh là ý định khởi nghiệp. Cảm nhận sự khát khao là mức độ cá nhân nhận thấy sự hấp dẫn của việc bắt đầu kinh doanh (Krueger, 1993; Liñán, 2004). Một doanh nghiệp khó có thể thành công trên thương trường, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay nếu chủ thể của ý tưởng không có sự thôi thúc trong bản thân hay sự khát vọng, thích thú bởi việc được thực hiện ý tưởng đó.

Sự khát khao là động lực chính để chủ thể ý tưởng kinh doanh đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện nó theo khả năng và điều kiện của hoàn cảnh kinh tế đặt ra. Từ đó, ta có thể đưa ra giả thuyết sau đây:

Giả thuyết H2: Cảm nhận sự khát khao có mối quan hệ dương với ỷ định khởi nghiệp.

3.1.3. Cảm nhận tính khả thi (Perceived Feasibility)

Bên cạnh cảm nhận sự khát khao đối với ý định khởi nghiệp thì cảm nhận tính khả thi cũng cần và khá quan trọng. Cảm nhận tính khả thi là mức độ mà bản thân cá nhân đó tin rằng có thể bắt đầu công việc kinh doanh (Liñán, 2004; Krueger, 1993). Ý định tạo lập doanh nghiệp luôn đi kèm với tính khả thỉ của ý tưởng kinh doanh. Nếu một ý tưởng thiếu khả thi thì ý định thực hiện nó sẽ bị giảm hay mất đi. Niềm tin vào sự thành công, vào tính hợp lý và vào sự phù hợp của ý tưởng kinh doanh sẽ thúc đẩy chủ nhân ý tưởng quyết tâm thực hiện nó. Cá nhân sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện một hành vi nhằm đạt được mục tiêu đề ra dù có khó khăn xảy ra.

Ý tưởng kinh doanh sẽ bị đập tắt nếu nó không mang tính khả thi, khó thực hiện, không thể thực thi hay mang tính hiệu quả thấp. Tính khả thi mang lại sự hy vọng cho ý tưởng, cho lòng quyết tâm thực hiện hành vi kinh doanh. Sự hợp lý của cách thức, mô hinh kinh doanh hay kế hoạch kinh doanh của chủ thể ý tưởng sẽ tác động đến mức độ cảm nhận tính khả thi của mỗi cá nhân (Liñán & ctg, 2005). Do vậy, chúng ta đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết H3: Cảm nhận tính khả thi có mối quan hệ dương với ỷ định khởi nghiệp.

3.1.4. Điều kiện thị trường và tài chính (Market and Finance Conditions)

Tình trạng thị trường và tài chính cũng có vai trò quan trọng đối với sự hình thành ý tưởng kinh doanh. Điều kiện thị trường tốt hay xấu đều có thể khơi gợi ý tưởng sáng tạo về một mô hình hay cách thức kinh doanh cho sinh viên. Trong thực tế, nhiều ý tưởng kinh doanh được phát triển dựa trên những lỗ hổng của nền kinh tế, hay những hoàn cảnh thị trường xấu thúc đẩy sinh viên tìm cách khắc phục bằng những giải pháp kinh doanh mới hay việc phát triển dự án mới. Còn tài chính là thước đo để bất cứ ai muốn thành lập doanh nghiệp phải xem xét.

Tài chính là huyết mạch của quá trình kinh doanh, thiếu tài chính hoạt động kinh doanh sẽ suy yếu thậm chí có thể chấm dứt. Tài chính ảnh hưởng đến ý tưởng kinh doanh (Grundstén, 2004), do đó thúc đẩy ý định khởi nghiệp. Điều kiện thị trường hiện tại giúp cá nhân khám phá và phát triển ý tưởng kinh doanh, còn điều kiện tài chính cung cấp nguồn lực để đảm bảo việc kinh doanh được bắt đầu. Yếu tố môi trường (điều kiện thị trường và tài chính) đóng vai trò quan trọng để sinh viên hình thành ý định khởi nghiệp (Lüthje & Franke, 2004).

Giả thuyết 4: Điều kiện thị trường và tài chính có mối quan hệ dương với ý định khởi nghiệp.

3.1.5. Tính cách cá nhân (Personality)

Tính cách cá nhân là những phẩm chất, đặc điểm riêng của mỗi người. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy vai trò của tính cách cá nhân trong hành động khởi nghiệp của một người. Kirzner (1973) mô tả những người khởi nghiệp kinh doanh là những người có đủ khả năng nhạy bén để phát hiện được các cơ hội lợi nhuận mà trước đó chưa phát hiện ra, thế rồi tận dụng các cơ hội đó.

Theo cách Kirzner mô tả, quá trình khởi nghiệp liên quan chặt chẽ tới khả năng phát hiện và chú ý tới những thứ mà không ai trước đó từng chú ý. Kihlstrom (1979) cho rằng “hành động khởi nghiệp là đặc tính sẵn sàng đối mặt với những cái không chắc chắn của con người”. Còn McClelland (1961) thì cho rằng “đặc tính khác biệt giữa những người có ý định khởi nghiệp với phần còn lại của xã hội là chấp nhận rủi ro và nhu cầu thành đạt”. Tính cách cá nhân có vai trò quan trọng trong sự khởi nghiệp thành công (Rodermund, 2003).

Giả thuyết 5: Tính cách cá nhân có tác động dương đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

3.1.6. Cảm nhận môi trường giáo dục Đại học (Perception on University Environment)

Môi trường đại học đóng vai trò quan trọng trong cảm nhận của sinh viên. Các trường đang có vị trí là tác nhân thúc đẩy để hình thành ý tưởng kinh doanh cho sinh viên (Luthje & Franke, 2004). Ở các nước phát triển trên thế giới, môi trường học tập tại các trường đại học có vai trò cực kỳ quan trọng trong nhận thức của sinh viên cũng như thúc đẩy sinh viên lựa chọn ngành nghề của bản thân mai sau. Ví dụ như ở Mỹ, khi nhắc tên một trường đại học hay khi học tại trường đó, cá nhân đó sẽ cảm nhận không khí học tập cũng như sức sống, sự phát triển của nghề mình đang theo đuổi. Chẳng hạn khi học tại học viện MIT hay Havard thì trong suy nghĩ luôn hướng về việc phát triển ý tưởng kinh doanh, học tập và cung cách quản lý doanh nghiệp, môi trường học và danh tiếng của các ngôi trường này, giúp người học luôn tự tin về kiến thức và kỹ năng có được khi tốt nghiệp.

Với sự tự tin đó, các sinh viên dễ dàng phát triển ý tưởng kinh doanh để trở thành những doanh nhân thành đạt. Như vậy cảm nhận môi trường giáo dục của sinh viên sẽ thúc đẩy sinh viên hình thành nên những ý định kinh doanh. Cảm nhận môi trường giáo dục ở đây đề cập đến các vấn đề như khóa học bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, các môn học và không khí học tập, sự hỗ trợ của trường trong việc xây dựng nhóm. Giáo dục tinh thần doanh nhân khuyến khích sinh viên mới tốt nghiệp bắt đầu khởi nghiệp (Lüthje & Franke, 2004). Cảm nhận môi trường giáo dục đại học kích thích sinh viên khởi nghiệp (Gaddam, 2008).

Giả thuyết 6: Cảm nhận môi trường giáo dục đại học có mối quan hệ dương với ý định khởi nghiệp.

3.2. Đề xuất mô hình nghiên cứu

            Từ những giả thuyết nghiên cứu trên, tác giả bài báo xây dựng mô hình nghiên cứu phân tích ý định khởi nghiệp của sinh viên.

mo hinh 1

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất phân tích ý định khởi nghiệp

4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sẽ vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cửu định lượng. 

Nghiên cứu định tính dùng để điều chỉnh, bổ sung các thành phần và biến quan sát dùng để đo lường các khái niệm, đánh giá điều chỉnh các thuật ngữ sao cho phù hợp và dễ hiểu hơn, rõ nghĩa hơn đối với sinh viên. Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật thảo luận nhóm. Nội dung trong phần thảo luận nhóm dựa trên các biến quan sát và cơ sở lý thuyết, bảng câu hỏi sơ bộ được thiết lập và thảo luận để điều chỉnh nội dung không phù hợp, trùng lắp hoặc bổ sung những câu hỏi còn chưa đầy đủ. Sau khi đã hiệu chỉnh lại thang đo bằng thảo luận nhóm, bảng câu hỏi sẽ được dùng để phỏng vấn thử để xác định tính phù hợp của nội dung các mục hỏi, cách dùng từ, thuật ngữ. Từ kết quả của lần phỏng vấn này, bảng câu hỏi tiếp tục được điều chỉnh để chuẩn bị cho bảng câu hỏi phỏng vấn chính thức. Các tiêu chí sẽ được mã hóa cụ thể thành các thang đo và sử dụng phần mềm SPSS để tiến hành phân tích và kiểm định mô hình nghiên cứu.

5. Kết luận

Việc nghiên cứu phân tích ý định khởi nghiệp của sịnh viên sẽ giúp cho chúng ta có những định hướng rõ ràng cụ thể đối với sinh viên trong quá trình học tập. Thông qua việc xây dựng mô hình nghiên cứu, là một việc vô cùng quan trọng cho công tác chuẩn bị nghiên cứu của tác giả trong thời gian tới, cũng như nhằm đảm bảo tính chính xác và khả năng áp dụng của nghiên cứu vào thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thu Thủy (2015). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi sự của sinh viên đại học. Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  2. Liñán, Francisco (2004), Intention-Based Models of Entrepreneurship Education.
  3. Mütterlein, J., & Kunz, R. E. (2018). Innovate alone or with others? Influence of entrepreneurial orientation and alliance orientation on media business model innovation.
  4. Journal of Media Business Studies, 14 (3), 173-187.
  5. https://doi.org/10.1080/16522354.2018.1445162.
  6. Nguyễn Trọng Hoài (2016). Khởi nghiệp: Vai trò của Chính phủ và trường đại học. Hội thảo khoa học khởi nghiệp tại Việt Nam: Cơ hội & Thách thức trong thời kì hội nhập. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Kinh tế TP. HCM, 3-4.
  7. Nguyen, V. T., & Bryant, S. (2004). A study of the formality of human resource management practices in small and medium-sized enterprises in Vietnam. International Small Business Journal, 22(6), 589-610
  8. Nguyen, V. T., & Rose, J. (2009). Building trust. Evidence from Vietnamese entreprenuers. Journal of Business Venturing, 24, 165 – 182.

 

Proposing the research model to analyze the start-up intention of students

Nguyen Thi Ly

Hai Duong University

Hoang Tien Linh

Thuongmai University

Abstract:

Along with the determination of Vietnamese government and the effort of authorities, the start-up movement among students is spreading to many universities and educational institutions. In order to have solid foundations for the orientation of students ‘entrepreneurship, this article studies theoretical foundations and proposes a research model to analyze the start-up intention of students.

Keywords: Start-up, intention, model, student.