ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG THÀNH TỰU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG THÀNH TỰU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu, thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống của nhân dân, thương mại hóa các sản phẩm khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Lễ kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam lần thứ 5 (18/5) và kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2018), cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Theo Giáo sư, Viện sỹ, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh, sau 43 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hiện có 52 đơn vị trực thuộc, trong đó có 33 viện và trung tâm nghiên cứu chuyên ngành là những đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản và phát triển công nghệ, 1 học viện khoa học và công nghệ, 1 trường đại học khoa học và công nghệ, đóng trên nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó có 2 trung tâm xuất sắc lần đầu tiên ở Việt Nam về toán học và vật lý đã được UNESCO công nhận và bảo trợ.
Trải qua 43 năm thành lập và phát triển, qua nhiều lần chuyển đổi tên gọi và nhiều thế hệ lãnh đạo, Viện luôn là cơ quan nghiên cứu khoa học quan trọng hàng đầu của cả nước về khoa học công nghệ. Viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng nhất (2000) và Huân chương Hồ Chí Minh (2010). Nhiều tập thể và cá nhân các nhà khoa học được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ và nhiều giải thưởng khoa học khác. Hiện nay, Viện đang chủ trì thực hiện nhiều chương trình, dự án quan trọng như: chương trình khoa học công nghệ vũ trụ, chương trình Tây Nguyên 3, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; dự án về công nghệ tế bào gốc phục vụ chữa bệnh; dự án Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; dự án Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam; dự án sản xuất thép từ bùn đỏ, chất thải của quá trình chế biến quặng bô xít ở Tây Nguyên…; tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác với Pháp về vệ tinh quan sát trái đất sau khi đã thực hiện thành công dự án VNREDSAT-1; các dự án trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng; các dự án phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn…
Nhân Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam và Ngày truyền thống của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành tích xuất sắc mà Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các thế hệ trí thức, các nhà khoa học đã lao động quên mình, vượt qua khó khăn, gian khổ để đạt được trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở trình độ cao cho đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Viện qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học tiêu biểu của cả nước, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, với tiềm lực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là rất nặng nề, với nhiều chỉ tiêu phấn đấu ở mức cao đòi hỏi toàn thể cán bộ, viên chức, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện cần quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu của cách mạng 4.0.
Cùng với đó, Viện tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ, tạo môi trường, động lực cho các nhà khoa học cống hiến, sáng tạo. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Viện cần chủ động đổi mới cơ chế từ việc đề xuất đến việc cấp kinh phí, thanh quyết toán, nghiệm thu các chương trình, nhiệm vụ, dự án, đề tài khoa học, làm sao phải đảm bảo được chất lượng hiệu quả khoa học của các kết quả nghiên cứu và phải tiết kiệm, chống lãng phí trong nghiên cứu khoa học. Tiếp tục triển khai các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như: Toán học, vật lý, đa dạng sinh học, khoa học sự sống, khoa học trái đất, khoa học biển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu, thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống của nhân dân, thương mại hóa các sản phẩm khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Tăng cường chủ động hội nhập quốc tế theo hướng mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến để chuyển giao hoặc tạo ra được những sản phẩm khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; xây dựng mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ của Viện tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, đề xuất của Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; Giáo sư, Viện trưởng Viện Toán học Phùng Hồ Hải; Phó Giáo sư,Viện trưởng Viện công nghệ sinh học Chu Hoàng Hà, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định cho phù hợp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến, phục vụ đất nước.
Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là “Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam”. Đây là một ngày có ý nghĩa không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ, tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, về tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: http://www.dangcongsan.vn/preview/newid/484056.html