Dạy học Đại học: Theo phương pháp nghiên cứu khoa học – Viện Nghiên cứu & Phát triển Công Nghệ Mới
DẠY HỌC THEO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
PHƯƠNG PHÁP THÍCH HỢP VỚI ĐÀO TẠO Ở ĐẠI HỌC
PHÁT HUY TÍCH CỰC VAI TRÒ NGƯỜI HỌC
GVC. ThS Lê Thị Thu Hà
TÓM TẮT
Việc dạy học ở trường đại học có những điểm khác với dạy học ở các trường học khác trong hệ thống giáo dục. Nhà trường đại học phát triển khi vai trò trí tuệ của các giảng viên cùng với phương pháp dạy học của họ có những cống hiến nhất định. Bài viết này nhằm đưa ra ý kiến về việc tổ chức quá trình dạy học theo logic nghiên cứu khoa học – phương pháp thích hợp với đào tạo ở đại học và phù hợp với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm; để khai thác tốt nhất tiềm năng mỗi người phục vụ nhu cầu bản thân và đáp ứng yêu cầu xã hội trong cuộc sống hiện nay.
Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học nên được xem như một hướng dạy học dung hợp trong nó nhiều cách thức và kỹ thuật dạy học khác nhau, có thể được áp dụng một cách mềm dẻo với tiềm năng về phương pháp khác nhau của những nhà giáo đầy tâm huyết tại cơ sở giáo dục đại học.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhận thức về giáo dục ở bậc đại học khác với các nhà trường phổ thông là việc hết sức cần thiết. Khi có trình độ đại học, người học có thể sáng nghiệp và có khả năng tự lập nghiệp rất thành công. Nếu không có được khả năng này thì có thể nói sự tự giáo dục ở trình độ đại học của cá nhân nào đó chưa hiệu quả. Phương pháp dạy học được hiểu là cách thức hoạt động cùng nhau của người dạy và người học hướng tới việc giải quyết các nhiệm vụ dạy học (bao gồm cả trang bị tri thức, kỹ năng, kỹ xảo; hình thành các phẩm chất nhân cách; phát triển những tài năng…). Phương pháp dạy học là cách mà người dạy chỉ đạo (tổ chức, điều khiển, lãnh đạo) hoạt động của người học, còn người học tiến hành hoạt động lĩnh hội tri thức, phát triển năng lực để trang bị cho bản thân thông qua việc tiếp thu, sáng tạo từ kiến thức của người dạy. Phương pháp dạy học cũng có thể xem là cách thức đặc thù tổ chức các mối liên hệ giữa ba thành tố: “Thầy – Trò – Tri thức” của quá trình dạy học nhằm đạt mục tiêu giáo dục.
Nếu dạy học chỉ đòi hỏi người học sự ghi nhớ thụ động, chỉ biết rập khuôn cứng nhắc, chờ đợi chỉ dẫn của người khác thì trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể hình thành ở người học khả năng ghi nhớ máy móc; không thể hình thành được tư duy uyển chuyển, khả năng sáng tạo, tinh thần khám phá và nhu cầu tìm kiếm phát triển, khai thác tiềm năng bản thân.
Như vậy, để tạo cho người học phát triển về mọi khả năng – nhất là khả năng tư duy, khám phá, sáng tạo ngay từ trong nhà trường thì đòi hỏi người giảng viên phải hết sức quan tâm đến phương pháp dạy học của mình, bởi nó góp phần quyết định chất lượng đào tạo. Việc lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học phù hợp trong nhà trường đại học có ý nghĩa nhất định đối với chất lượng đào tạo đại học trong tình hình hiện nay “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu xã hội”[ 1 ] .
II. DẠY HỌC THEO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – SỰ LỰA CHỌN CHO NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HIỆN ĐẠI
2.1. DẠY HỌC THEO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học là quá trình người giảng viên tổ chức cho người học lĩnh hội nội dung kiến thức theo logic nghiên cứu khoa học. Khi nhìn nhận, tiếp cận sự vật hiện tượng, người ta biết suy nghĩ cho cả một quá trình từ khi sinh ra, hình thành phát triển và tất cả những vấn đề liên quan đến sự việc hiện tượng đó. Mọi vấn đề đều có các quy luật của nó và phải chịu chi phối bởi các quy luật đó. Người dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ dễ dàng hình thành cho người học phương pháp tư duy và việc học tập chóng đạt đến kết quả tuân theo những giai đoạn cơ bản nhất định phù hợp với logic của vấn đề[2]. Vận dụng mô hình này vào cách thức tổ chức việc dạy học, xem như đây là một phương pháp ứng dụng tốt, thì chúng ta cũng có một trật tự trong thiết kế từng môn học hoặc từng vấn đề nội dung môn học. Việc nghiên cứu một môn học hay một vấn đề nào đó trong nội dung môn học sẽ bắt đầu từ việc người dạy tổ chức, hướng dẫn và trợ giúp để người học tự khám phá ra nội dung cần giải quyết. Người học giải quyết vấn đề đặt ra thông qua việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Cuối cùng là sự kiểm tra, đánh giá việc đặt và giải quyết vấn đề, trên cơ sở đó tiếp tục quy trình cho những vấn đề mới để tiếp tục giải quyết…
2.2. ƯU THẾ CỦA DẠY HỌC THEO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
2.2.1. Đảm bảo vị thế tích cực, chủ động của người học. Người học được đặt vào vị trí chủ động nhất: tìm tòi, phát hiện và độc lập giải quyết – thông qua các nghiên cứu lý luận và thực tiễn do chính mình thực hiện – các vấn đề lý luận và thực tiễn của từng bộ môn, từng lĩnh vực tri thức. Thông qua việc chủ động này, người học phát huy độc lập tư duy bản thân theo hướng xác định vấn đề cần giải quyết để tự rút ra kết quả học tập – “lấy người học làm trung tâm”.
2.2.2. Hình thành phương pháp làm việc khoa học. Ở đây người học được tập luyện tối đa phương pháp làm việc theo đúng quy trình nghiên cứu khoa học. Điều này tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành ở người học các phẩm chất và năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học – yêu cầu bắt buộc đối với người trí thức trong thời đại kinh tế tri thức và xã hội học tập. Xã hội học tập là xã hội có những đặc trưng biến đổi toàn thế dân tộc thành một “nhà trường không có tường”, tại đây việc học sẽ hoàn toàn được giải phóng khỏi những hạn chế của thời gian và địa điểm; sử dụng giáo viên như học viên và học viên như giáo viên trong cùng một quá trình; dỡ bỏ ranh giới giữa các phạm vi lao động, vui chơi và học tập, dỡ bỏ ranh giới giữa các việc học lý thuyết, nghề nghiệp và nghệ thuật để các thành viên có thể học tập mà vẫn thực hiện công việc mưu sinh và ngược lại[3]…
2.2.3. Dạy khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự kiểm tra và tự đánh giá, tự điều chỉnh kết quả học tập cho người học. Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, người học phải tự học nhiều hơn mới có thể tiếp thu và giải quyết được vấn đề giảng viên đặt ra. Thông qua việc tự đánh giá của người học, người dạy hướng dẫn người học điều chỉnh phần nhận thức và thể hiện hiểu biết; kích thích và khuyến khích việc tự học bởi vì tự đánh giá được thì bao giờ tác dụng tự đào tạo cũng tốt hơn là chấp nhận sự đánh giá của người khác, từ bên ngoài. Thông qua nội dung này, người dạy biết rõ vật cản nhận thức trong lúc người học chỉ biết nhiệm vụ – ưu thế của người dạy so với người học về cơ bản vẫn là năng lực khoa học[4].
2.2.4. Phát triển hứng thú nhận thức, ham tìm tòi và phát hiện sự khác biệt, mới mẻ trong những kết quả học tập để thỏa mãn tư duy mong muốn của bản thân. Theo hướng dạy học này, người học không chỉ tự mình tìm cách giải quyết các vấn đề đặt ra mà còn tự phát hiện ra các vấn đề mới cần giải quyết. Điều này thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của con người – nhu cầu tìm tòi khám phá, thích tìm kiếm thông tin mới và giải quyết những vấn đề mới – đặc biệt là những nhu cầu xuất phát từ cuộc sống của bản thân trong học tập và của cộng đồng gia đình và xã hội.
2.2.5. Đảm bảo tốt nhất yêu cầu cá biệt hóa dạy học, phù hợp với tốc độ, nhịp độ học tập của từng người học. Mỗi người học đặt ra và giải quyết các vấn đề tùy thuộc vào khả năng của bản thân, với tốc độ và nhịp độ phù hợp nhất với mình. Điều này cho phép hiện thực hóa tối đa yêu cầu cá biệt hóa dạy học hay chính là dạy học phù hợp đối tượng – để đảm bảo một sự đánh giá khách quan nhất những tiến bộ của người học. Theo lý thuyết đa thông minh của nhà Tâm lý học Howard Gardner – GS Đại học Harvard đưa ra lần đầu trong cuốn sách “Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences” 1983, con người ta đều có những khả năng thông minh nhất định theo từng lĩnh vực cụ thể nào đó, nếu người dạy biết cách khai thác thì có thể làm cho trí tuệ của người học phát triển vượt bậc, có những phát kiến xuất chúng. Mặt khác, đánh giá một người thì nên so sánh với chính họ chứ không phải đi so sánh với người khác.
2.2.6. Phù hợp đặc điểm tâm lý – nhận thức nhân cách của người học trưởng thành. Theo G.A.Kelly, nhà tâm lý học xuất sắc khế kỷ XX, mỗi con người là một nhà khoa học; cách thức nhận thức thế giới của con người giống hệt như cách thức của nhà khoa học. Sinh viên đại học là những người trưởng thành cho nên họ có xu hướng học tập thông qua giải quyết các vấn đề; họ chủ động xây dựng kiến thức cho bản thân bằng cách tạo cách lựa chọn những thông tin cần thiết, diễn giải trên cơ sở những hiểu biết và nhu cầu hiện có của họ. Chính những lý do này cho phép khẳng định về yêu tố tâm lý thì dạy học theo phương pháp nghiên cứu hoa học rất phù hợp với người học trưởng thành – đó là bậc học đại học trong các cơ sở giáo dục đại học.
2.2.7. Gắn đào tạo với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng việc phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong từng môn khoa học, từng lĩnh vực tri thức, quả trình đào tạo được gắn một cách hữu cơ vào cuộc sống xã hội và đời sống khoa học. Nói khác đi, bằng cách dạy học này thì nguyên lý “học kết hợp với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn” được thực hiện tối đa. Người học nhận thức rất rõ giá trị thực tiễn của các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đã học được trong công việc nghiên cứu của họ từ đó tạo động cơ tích cực cho việc học.
2.2.8. Bảo đảm xu hướng dân chủ hóa nhà trường và tạo điều kiện để xây dựng “trường học thân thiện” như chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với phương pháp dạy học bằng nghiên cứu khoa học, người học sẽ có cơ hội nhìn nhận vấn đề tri thức từ nhiều góc độ khác nhau theo các quan điểm nghiên cứu khác nhau, tránh bị áp đặt vì chỉ có theo cách của thầy giáo. Từ đấy người học lại có cơ hội đưa ra giải pháp mang tính sáng tạo trong giải quyết vấn đề và xác định trách nhiệm bản thân một cách rõ ràng. Đấy cũng chính là cơ hội để người học trở nên tích cực trong ngôi trường thân thiện ấy.
2.2.9. Phù hợp với đặc điểm người dạy đại học. Người dạy học ở trường đại học là các giảng viên – nhà nghiên cứu. Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ là “tự nhiên” đối với họ vì dạy học và nghiên cứu khoa học được hòa quyện với nhau theo cùng một logic, một trật tự trong cách trao truyền tri thức đến sinh viên. Nhà khoa học và nhà giáo thống nhất với nhau, hòa quyện công việc trong con người giảng viên đại học vì tất cả những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học được áp dụng tối đa cho đào tạo.
2.2.10. Phù hợp với điều kiện không gian và thời gian của việc đào tạo trong xã hội hiện đại. Mạng thông tin toàn cầu được khai thác tối đa bởi học viên tự tìm kiếm và giải quyết các vấn đề theo cách của mình chứ không thể trông chờ vào sự cung cấp của giảng viên. Như vậy, quỹ thời gian của sinh viên được sử dụng tối ưu cho việc học tập. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các chương trình giáo dục đại học trên thế giới – giảm thời gian nghe giảng ở lớp – tập trung cho thời gian tự nghiên cứu, tự học của sinh viên Chẳng hạn, để hoàn thành bậc đại học 4 năm, sinh viên Mỹ chỉ cần học khoảng 120 tín chỉ; Nhật Bản 120 – đến 135 tín chỉ; Thái Lan khoảng 120 – 150 tín chỉ trong khi ở Việt Nam thì nhiều hơn thế, ở Singafore thì chủ trương “dạy ít, học nhiều”.
Tóm lại, dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học bảo đảm tốt nhất mục tiêu giáo dục đại học theo Luật giáo dục[5]; Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 của Đảng; Nghị quyết Trung ương 02 Khóa VIII[6]; thực hiện tốt chỉ thị của Bộ giáo dục và Đào tạo “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu xã hội”[7].
2.3. NHỮNG YÊU CẦU CỦA DẠY HỌC THEO PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Dạy học theo phương pháp này đòi hỏi trước hết người giảng viên phải luôn mang tư tưởng của nhà nghiên cứu khoa học, biết cách tổ chức và kết hợp các hoạt động tập thể và cá nhân, có cách tư duy và hành động linh hoạt đầy sáng tạo; hiểu được lý thuyết đa thông minh áp dụng trong dạy học; biết cách tìm tòi và giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh, có lòng vị tha nhân hậu, không cố chấp và am hiểu thực tiễn; không áp đặt bắt buộc người học và tìm cách thắp sáng ngọn đèn trí tuệ trong mỗi cái đầu thay vì đổ đầy nhiên liệu.
Thứ hai, nội dung dạy học luôn được giảng viên thiết kế theo các vấn đề hoặc câu hỏi có tầm lý luận và thực tiễn cụ thể của môn học hay của lĩnh vực ứng dụng, luôn đặt ra yêu cầu cao, không chấp nhận tầm thường dễ dãi để kích hoạt tư duy người học.
Thứ ba, các phương tiện phục vụ dạy học – học tập phải đa dạng và đầy đủ theo nhu cầu nội dung của hướng nghiên cứu. Những người làm công tác quản lý các phương tiện phục vụ có am hiểu, có khả năng và tầm nhìn nhất định. Hay khác đi, phải có sự “đồng bộ hóa” trong đào tạo.
Thứ tư, phương pháp kiểm tra, đánh giá nên thay đổi, tập trung vào cách đánh giá năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng sáng tạo của từng người học cụ thể chứ không phải cách đánh giá theo cách “bó đũa chọn cột cờ” làm nhụt chí người học. Muốn vậy, giảng viên luôn cung cấp cho sinh viên khả năng tự học, tự kiểm tra, tự đánh giá một cách chặt chẽ nhưng khách quan, công bằng, trung thực; nhà trường chấp nhận và sử dụng sáng tạo của sinh viên hướng vào các hoạt động vì cộng đồng xã hội, yêu cầu cao để tạo cho họ cơ hội cống hiến.
Thứ năm, cần thay đổi cách thức quản lý trong đào tạo. Việc quản lý đào tạo nói chung và quản lý quá trình dạy học nói riêng quan tâm đến đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học chứ không nên chỉ là quản lý dạy học thuần túy. Công tác quản lý tạo tâm thế để người dạy và người học phát huy khả năng tốt nhất sự sáng tạo cá nhân và tôn trọng sự cống hiến của họ trong mọi lĩnh vực.
III. KẾT LUẬN
Việc tìm kiếm các cách thức, phương pháp dạy học nhằm thực hiện hiệu quả nhất mục tiêu giáo dục luôn là vấn đề cấp thiết trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Phương pháp đào tạo đang được sử dụng phổ biến trong giáo dục đại học ở nước ta hiện nay đã bộc lộ những khiếm khuyết nhất định vì đã tạo cho người học quá trình tiếp thu thụ động, ỷ lại và hết sức phụ thuộc vào giảng viên, thiếu tính sáng tạo, ngại khó khăn không dám mạnh dạn khai thác thông tin và cũng không dám thể hiện bản thân. Nếu các giảng viên trong quá trình dạy học của mình thực hiện được phương pháp dạy học bằng cách nghiên cứu khoa học thì sẽ tạo được những người học “tự sản sinh ra năng lực và phẩm chất của chính mình”- theo cách nói của Các Mác -đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thực tiễn xã hội hiện đại với nền kinh tế tri thức. Nếu coi đây là một hướng dạy học dung hợp trong nó nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau, sẽ cho phép một sự áp dụng mềm dẻo trong việc tổ chức dạy học đạt hiệu quả cao nhất có thể, đáp ứng đổi mới trong đào tạo đại học hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]; [7]:Chỉ thị về nhiệm vụ năm học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
[2]. Vũ Cao Đàm- Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB KHKT, HN 2002.
[3]. Jamshid Gharajedaghi- Tư duy hệ thống quản lý hỗn độn và phức hợp một cơ sở cho thiết kế kiến trúc kinh doanh, NXB KHXH Hà Nội 2005
[4]. Nguyễn Cảnh Toàn chủ biên Quá trình dạy tự học NXB GD 1998.
[5]. Luật Giáo dục 2005.
[6]. Nghị quyết Trung ương 02 Khóa VIII – Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc Khóa VIII.