Dạy cách học


Giáo viên cần đóng vai trò tổ chức, hỗ trợ học sinh tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức.

Từ những tiền đề khai mở

Dù muốn hay không, thực tiễn toàn cầu hóa cũng đang đặt các loại hình đào tạo (trong đó có nhà trường) trước những thử thách về việc đào tạo nguồn nhân lực lao động cạnh tranh có khả năng thích ứng với nhu cầu sống và làm việc trong một thế giới luôn luôn thay đổi.

Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 tại Hội nghị lần thứ 8 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sau khi chỉ ra những hạn chế và yếu kém của giáo dục đã nêu giải pháp chỉ đạo: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Cái quan trọng nhất trong giảng dạy nói chung, (…) là rèn luyện bộ óc, là rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng kiến thức của mình… Đó là một tư tưởng quyết liệt, mang tầm vóc thời đại.

Đến cách tư duy về dạy học

Nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, việc dạy cách học (learning to learn) thật sự không còn là khái niệm mới mẻ đối với các nước có nền giáo dục phát triển hiện nay. Tháng 12-2000, tại Manila (Philippines), chuyên gia và lãnh đạo giáo dục nhiều nước đã tập trung bàn thảo kế hoạch và giải pháp Kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập (Knowledge networking in the world of learning) để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Bước sang thế kỷ mới, Ủy ban giáo dục Quốc tế thế kỷ 21 (ICDE) đã khởi xướng vấn đề “Học tập suốt đời” (Lifelong Learning) – được xem là một chìa khóa giải quyết những mâu thuẫn trong tương lai và đón nhận thách thức của thế kỷ mới, là nhịp đập của xã hội và nguyên tắc chỉ đạo mọi cải cách giáo dục. Đối với nhà trường, dạy “cách” thật sự là nhu cầu cấp thiết, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa thời gian học tập và khối lượng tri thức nhân loại không ngừng tăng vọt theo cấp số nhân vốn đã tồn tại từ lâu.

Với tinh thần hướng vào khai thác tiềm năng, hướng vào xu thế khuyến khích phát triển tối đa nội lực của người học, việc “dạy cách học” đặt người giáo viên trước những lựa chọn đổi mới đồng bộ nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức quá trình giáo dục, dạy học, kiểm tra đánh giá,… hợp lý nhằm bảo đảm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.

Về phương pháp dạy học: thay đổi “hệ hình” từ giáo viên là người truyền thụ tri thức, học sinh tiếp thu thụ động sang giáo viên đóng vai trò tổ chức, hỗ trợ học sinh tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức; chú trọng sự phát triển khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp, các phương pháp dạy học thí nghiệm, thực hành. Đồng thời, tăng cường vận dụng đặc trưng của các phương pháp dạy học tích cực, dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, từ đó giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Để thực hiện điều đó, trước hết cần dạy học sinh “cách học”: rèn luyện những tri thức phương pháp để biết cách đọc hiểu sách giáo khoa, tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới – mà trước hết là thuần thục các thao tác tư duy như: phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, so sánh, phản biện,… để từng bước phát triển năng lực vận dụng sáng tạo; Tăng cường phối hợp học cá thể với học hợp tác theo phương châm “tạo điều kiện cho học sinh nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn”. Mỗi học sinh vừa cố gắng tự lực học một cách độc lập, vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình tiếp cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới.


Học viên Học viện Cảnh sát nhân dân trong giờ học ngoại ngữ.

Về hình thức dạy học, thay vì thiên về dạy lý thuyết sẽ chú trọng đến các hình thức học tập đa dạng; các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Về điều kiện dạy học, cùng với khai thác các điều kiện dạy học trong phạm vi nhà trường, tăng cường khai thác các điều kiện bên ngoài trường phổ thông như: các trường ĐH, CĐ; cơ sở nghiên cứu; di tích lịch sử, di sản văn hóa; các nguồn lực trên internet như: thí nghiệm ảo, bài giảng điện tử, e-learning,…

Theo đó, việc “dạy cách học” thực chất là quá trình chuyển hóa mục tiêu sang cách thức giáo dục, nói như Tsunesaburo Makiguchi – nhà cải cách giáo dục Nhật Bản từng gây sự chú ý của các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo tư tưởng vốn quan tâm đến sự cải cách và hồi sinh nền giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới: “Mục đích của giáo dục là hướng dẫn quá trình học tập và đặt trách nhiệm học tập vào trong tay mỗi học sinh. Giáo dục được xét như là quá trình hướng dẫn học sinh tự học”.

Đôi điều suy ngẫm

G.E.Lét-xinh từng cho rằng: Cái lỗi lầm lớn nhất mà người ta mắc phải trong giáo dục là không hướng dẫn lớp trẻ tự suy nghĩ. “Dạy cách học” chính là dạy cách nghĩ, cách thực hiện; tạo nên tiền đề của dạy tự học, tự phát triển và tạo cơ sở học tập suốt đời mà “nguyên tắc duy nhất để học tập suốt đời là mỗi người đều phải biết cách học”.

Mặt khác, “dạy cách học” cũng là một giải pháp đánh thức những tiềm năng của học sinh, giúp học sinh tự tin tự khẳng định bản thân, góp phần đáp ứng mục tiêu “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời” như Nghị quyết 29 của Đảng đã đề ra. Có thể xem đây là một trọng tâm mang tính đột phá trong tư duy dạy học hiện nay.

“Dạy cách học” chính là dạy cách nghĩ, cách thực hiện, góp phần tạo nên tiền đề của dạy tự học, tự phát triển và tạo cơ sở học tập suốt đời mà “nguyên tắc duy nhất để học tập suốt đời là mỗi người đều phải biết cách học”.