Đâu là tài sản nhà nước tại doanh nghiệp?
Trong công ty cổ phần có vốn nhà nước, cần coi Nhà nước cũng là một cổ đông
(ĐTCK) Thời gian gần đây, chứng kiến nhiều vụ án hình sự về thiệt hại, trách nhiệm liên quan đến quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm quyền chi phối, trong đó có các ngân hàng, một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Tài sản nào được coi là tài sản nhà nước tại doanh nghiệp?
Đó là phần vốn mà Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Câu trả lời là vậy! Chúng ta có thể dùng một logic pháp lý sau đây để chứng minh.
Hãy bắt đầu từ quy định về quản lý tài sản công, bởi khái niệm tài sản công đã bao hàm tài sản nhà nước. Tại khoản 1, Điều 98, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có quy định: “1. Việc quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan”.
Chúng ta có nhiều tài sản công, nằm rải rác trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, trong lĩnh vực quân sự, tài sản công là hệ thống khí tài, vũ khí cùng các tài sản khác mà quân đội quản lý. Trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp, thì tài sản công là các bất động sản, phương tiện… mà các đơn vị hành chính, sự nghiệp đang quản lý.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico
Đối với lĩnh vực doanh nghiệp, phân tích từ quy định tại khoản 1, Điều 98, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nêu trên, thì tài sản công là gì? Đó là những tài sản mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do vậy, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính là tài sản nhà nước.
Lấy một ví dụ, Nhà nước sở hữu 3,2 triệu cổ phần tại một ngân hàng, tương đương với số tiền trị giá 32.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Tại ngân hàng, thực chất Nhà nước chỉ là một cổ đông trong số hàng nghìn cổ đông tổ chức, cá nhân khác. Nếu như ngân hàng đó có một khoản tiền trị giá 32.000 tỷ đồng trong tài khoản, thì khoản tiền thuộc về ngân hàng chứ không phải của riêng Nhà nước.
Nhà nước không thể can thiệp, yêu cầu ngân hàng chuyển giao khoản tiền trong tài khoản đó để Nhà nước chiếm hữu, sử dụng. Bởi vì tài sản của một công ty độc lập với chính các cổ đông sở hữu nó. Một điều rõ ràng để khẳng định, tài sản của công ty không phải là tài sản nhà nước.
Trong ví dụ nêu trên, tài sản duy nhất thuộc sở hữu Nhà nước tại ngân hàng chính là 3,2 triệu cổ phần trị giá mệnh giá 32.000 tỷ đồng.
Phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính là cổ phần trong các công ty cổ phần, phần vốn góp trong các công ty trách nhiệm hữu hạn.
Vì lý do này, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất – kinh doanh tại doanh nghiệp được ban hành với 66 điều luật, chỉ tập trung vào các vấn đề quản lý đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Nhầm lẫn pháp luật về xác định tài sản nhà nước
Tham khảo từ một vụ án thực tế, cuối năm 2012, ông Nguyễn Huy Hùng về làm việc tại chi nhánh một ngân hàng có vốn nhà nước sở hữu chi phối. Phụ trách chi nhánh ngân hàng này, điều ông Hùng rất quan tâm là tình hình nợ tồn đọng và giải pháp xử lý.
Trùng thời điểm ông Hùng mới nhận vị trí Giám đốc, chi nhánh ngân hàng nhận được đề xuất cho bán tài sản bảo đảm nhằm xử lý nợ từ phía một người chủ tài sản bảo đảm. Lục trong hồ sơ lưu trữ tại chi nhánh ngân hàng, thì đây là trường hợp liên quan đến các khoản nợ xấu khó đòi của hai công ty kinh doanh sản phẩm gỗ. Hai khoản nợ này có tài sản bảo đảm là các quyền sử dụng đất, đã quá hạn trả nợ từ lâu và đã được ngân hàng trích lập 100% dự phòng tín dụng.
Chủ tài sản bảo đảm đề xuất cho phép chuyển nhượng các quyền sử dụng đất thế chấp để lấy tiền thanh toán nợ ngân hàng cho hai công ty nói trên. Điều kiện đặt ra là chủ tài sản bảo đảm được phép giữ lại một phần tiền bán tài sản bảo đảm, phần còn lại do ngân hàng xử lý.
Ông Hùng không tham gia vào việc cho vay đối với hai công ty nêu trên. Kiểm tra hồ sơ, số liệu dư nợ trong hệ thống, ông Hùng nhận thấy, đến thời điểm đó, các khoản nợ của hai công ty đã được xử lý toàn bộ bằng dự phòng tín dụng, đã được chuyển ra theo dõi tại ngoại bảng báo cáo tài chính và thậm chí xóa khỏi ngoại bảng theo quy định pháp luật. Một khi khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng tín dụng thì nếu bán được tài sản bảo đảm, bất cứ khoản tiền nào thu về cũng được coi ngay thành lợi nhuận bất thường. Nghĩ vậy, trên cương vị Giám đốc chi nhánh, ông Hùng đã quyết định cho phép chủ tài sản bảo đảm thực hiện xử lý nợ theo phương án đề xuất.
Tai bay vạ gió ập đến với ông Hùng vài năm sau đó, liên quan đến việc bán tài sản bảo đảm nói trên. Cơ quan điều tra, truy tố cho rằng, ông Hùng đã có sai phạm trong quy định nội bộ và quy định về bán tài sản bảo đảm trong Nghị định số 163 về giao dịch bảo đảm. Từ đó, ông Hùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 219, Bộ luật Hình sự về tội danh có tên gọi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Câu hỏi đặt ra từ vụ án này là: Tài sản thế chấp có phải là tài sản nhà nước? Quy định về bán tài sản thế chấp có phải quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước?
Câu trả lời là không, nếu như chúng ta xác định chỉ có phần vốn nhà nước sở hữu tại doanh nghiệp mới là tài sản nhà nước. Với nguyên tắc xác định này, một khi số lượng cổ phần mà Nhà nước sở hữu tại ngân hàng của ông Hùng không bị hao hụt, mất mát, thì không có một tài sản nhà nước nào liên quan tới vụ án hình sự nêu trên.
Đồng thời, trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chỉ liên quan đến người được giao đại diện cho Nhà nước quản lý số cổ phần Nhà nước sở hữu tại ngân hàng. Vậy thì chưa nói có sai phạm hay không, việc bán tài sản thế chấp không có bất kỳ mối liên hệ pháp lý nào đến chế độ quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Không thể phát sinh một vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” từ việc bán tài sản thế chấp.
Còn nếu câu trả lời là có, thì một nghịch lý sẽ gây chấn động cả giới ngân hàng, nhất là tại những ngân hàng mà Nhà nước vẫn còn sở hữu chi phối. Bởi từ đây, bất cứ tài sản nào của ngân hàng cũng là tài sản nhà nước, bất cứ vi phạm quy trình nghiệp vụ nào cũng đều có thể bị coi là vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
Vụ án nói trên là một ví dụ điển hình cho sự rủi ro, bất cập phát sinh từ nhận định nhầm lẫn trong xác định đâu là tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Thay đổi để phát triển
Đầu tư vốn vào doanh nghiệp, Nhà nước cũng có các quyền lợi bình đẳng như các cổ đông, thành viên khác của doanh nghiệp. Quyền tối thượng của cổ đông là được hưởng lợi tức từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và được bảo đảm an toàn đồng vốn đầu tư. Muốn đạt được điều đó, doanh nghiệp lại phải nhờ cậy vào nguồn lực nhân sự của công ty. Không một sự sáng tạo, tận tâm nào của đội ngũ nhân sự có thể xây dựng dựa trên một cơ chế đe dọa trực diện bằng những án tù của ông chủ doanh nghiệp.
Do vậy, nếu như không xác định rõ ràng về giới hạn và phạm vi quản lý liên quan đến tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta không có quyền mong mỏi vào sự cống hiến tận tâm của lực lượng nhân sự tại các doanh nghiệp mà Nhà nước còn sở hữu vốn chi phối.