Dấu Hiệu Sinh Non, Dọa Sinh Non & Cách Điều Trị | Huggies
Tất cả các mẹ bầu đều đều cần học cách nhận biết những dấu hiệu sinh non dù ngay cả khi mẹ không thuộc diện có rủi ro cao, vì không phải trường hợp sinh non nào cũng có dấu hiệu giống nhau hoặc rõ nguyên nhân tại sao. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra một số dấu hiệu và triệu chứng cho biết mẹ có thể sinh non. Nếu gặp phải một trong các triệu chứng sau hay cảm thấy có gì đó không ổn trong người, mẹ nên đi khám bác sĩ ngay nhé!
>> Tham khảo:
Nội Dung Chính
Sinh non là gì?
Theo trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh quốc gia, sinh non được hiểu là khi em bé chào đời trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ.
Em bé sinh non thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe cũng như khiếm khuyết về nhận thức. Các bé sinh non đều có nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe như nhau và cao nhất đối với em bé sinh sớm trước tuần thai thứ 34.
Các nguyên nhân làm tăng nguy cơ sinh non
Mẹ có tiền sử sinh non.
Mẹ bẩm sinh có cổ tử cung ngắn.
Mẹ từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung.
Mẹ gặp các vấn đề rối loạn khi mang thai: mang đa thai, chảy máu âm đạo,…
Khoảng cách giữa 02 lần mang thai quá ngắn.
Các yếu tố về lối sống như: mẹ ít vận động, thai nhi nhẹ cân, mẹ suy dinh dưỡng, mẹ thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.
Để xác định được nguyên nhân sinh non, các bác sĩ sẽ cần xem xét tiền sử bệnh lý của người mẹ để đánh giá nguy cơ sẽ đến từ mẹ, thai nhi hay những yếu tố ngoại quan khác.
>> Tham khảo: Các mốc khám thai quan trọng mẹ cần biết
Sinh non có nhiều cấp độ tương ứng với các phác đồ chăm sóc khác nhau (Nguồn: Sưu tầm)
Phân loại mức độ sinh non theo tuần
Thông thường có 4 mức độ sinh non, được chia theo tuần tuổi thai như sau:
Sinh cực non: Đối với em bé được sinh trước 28 tuần tuổi.
Sinh rất non: Đối với ca sinh non 28 đến 31 tuần và 6 ngày tuổi.
Sinh non trung bình: Gồm các bé sinh non 32 tuần đến 33 tuần 6 ngày.
Sinh non muộn: Gồm ca sinh non 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày tuổi.
Phần lớn các ca sinh non đều ở tuần thai thứ 32 đến 37, thuộc mức độ trung bình và muộn, cân nặng các bé giao động từ 1,5kg đến 2,5kg. Các ca sinh non này nếu được chăm sóc tích cực, giữ nhiệt độ cơ thể ấm, nuôi dưỡng trong môi trường tiệt trùng thì hầu hết đều có thể lớn dần và phát triển như trẻ sinh đủ tháng.
>> Tham khảo: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo WHO
Các dấu hiệu sinh non mẹ cần biết
Co thắt tử cung: Những cơn co thắt tử cung làm mẹ đau đớn hoặc lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu sinh non.
Vỡ ối: Chuyện vỡ ối có thể khác nhau với từng người, có người thì nước tuôn ào ào, có người chỉ rò rỉ, nhỏ giọt.
Chuột rút: Hiện tượng chuột rút như khi hành kinh có thể là dấu hiệu chuyển dạ.
Đau thắt lưng hoặc đau bụng: Mẹ cảm thấy đau ở phần lưng dưới hoặc đau bụng dưới như sắp đến tháng.
Nặng nề ở vùng bụng dưới: Mẹ có cảm giác cái thai trong bụng đang di chuyển xuống phía dưới, làm gia tăng áp lực lên vùng khung chậu.
Tiết dịch âm đạo: Khi thấy âm đạo tiết ra dịch lỏng, máu hay chất nhầy, có thể mẹ sẽ bị sinh non.
Buồn nôn, tiêu chảy.
>> Tham khảo: Dấu hiệu chuyển dạ chính xác trước 2 ngày
Các dấu hiệu dọa sinh non
Một vài dấu hiệu dọa sinh non mẹ có thể phát hiện sớm kể từ khi thai được 32 tuần trở đi để có sự chăm sóc và theo dõi từ bác sĩ:
Đau bụng từng cơn, cảm giác căng và nặng bụng dưới, đồng thời kèm theo cơn đau lưng
Ra dịch âm đạo có màu hồng và nhầy.
Tử cung co thắt liên tục, tần suất 2 đến 3 lần mỗi phút.
Cổ tử cung bắt đầu mở trên 2cm.
Hình thành đầu ối và có dấu hiệu vỡ ối.
Nếu mẹ nhận thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời và đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Khi cảm nhận có các dấu hiệu sinh non thì các mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay ( Nguồn: Sưu tầm)
Trẻ sinh non thường mắc bệnh gì?
Các biến chứng ngắn hạn và dài hạn ở trẻ sơ sinh thiếu tháng gồm:
Trẻ sinh non thường nhẹ cân hơn trẻ sinh đủ tháng.
Phổi trẻ sinh non chưa được hoàn thiện do thiếu tháng nên dễ mắc suy hô hấp. Khi trẻ lớn lên cũng tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, phế quản,…
Thân nhiệt của trẻ sinh non có thể mất kiểm soát do thiếu chất béo dẫn đến hạ thân nhiệt. Việc hạ thân nhiệt có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp và giảm đường trong máu.
Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh vàng da sơ sinh do trong máu của trẻ còn thừa bilirubin có màu vàng.
Trẻ sinh non thường có nguy cơ mắc khuyết tật về tim, mù, câm,… và bệnh tiềm ẩn liên quan đến hệ thần kinh.
Tuy nhiên, nếu được chăm sóc tích cực ngay từ mới sinh ra, với kỹ thuật y tế hiện đại, các chuyên gia sản sẽ giúp trẻ sinh non hạn chế tối đa các nguy cơ kể trên và phát triển bình thường như trẻ sinh đủ tháng.
Hầu hết ca sinh non đều được chăm sóc tích cực (Nguồn: Sưu tầm)
Cách điều trị sinh non
Khi thấy mẹ có dấu hiệu sinh non, tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn hoặc kéo dài thời gian mang thai như: nằm một chỗ, truyền nước, cho dùng Terbutaline hoặc Magnesium Sulfate.
Nếu thai chỉ mới được 24–34 tuần tuổi mà mẹ lại có dấu hiệu sắp sinh, bác sĩ có thể cho mẹ dùng corticosteroid trong vòng 24 giờ trước khi sinh để kích thích phổi và não bé phát triển.
Áp dụng các biện pháp như nằm một chỗ, truyền nước, cho dùng thuốc có chứa steroids, thường cũng chỉ kéo dài thời gian mang thai thêm một ít. Tuy nhiên, bác sĩ có thể tranh thủ thời gian này để giúp phổi bé phát triển hoàn thiện hơn, và nếu cần, sẽ chuyển thai phụ đến bệnh viện có phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU).
Để phòng ngừa sinh non, mẹ cần lưu ý luôn đi khám thai định kỳ đúng lịch, giữ một chế độ ăn uống và sinh hoạt thật lành mạnh và cân nhắc thời điểm mang thai hợp lý.
Lưu ý khi chăm sóc mẹ và trẻ sinh non
Chăm sóc mẹ sau sinh non
Đối với mẹ có con sinh non sẽ thường gặp vấn đề về tâm lý vì lo sợ sức khỏe con mình dù cho bé đang được chăm sóc tích cực bởi bác sĩ và trang thiết bị y tế hiện đại. Khi đó, việc ổn định tâm lý cho mẹ nên được ưu tiên. Mẹ nên nghỉ ngơi, thư giãn và tuân thủ theo những lời dặn dò từ bác sĩ chuyên môn để phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Mẹ sau sinh rất cần sự quan tâm chăm sóc từ người thân và bác sĩ trong 2 đến 3 ngày đầu để hạn chế các bất thường như sốt, viêm vú, áp xe vú,… Đồng thời, mẹ cần có một chế độ ăn dinh dưỡng sau sinh hợp lý để đảm bảo sức khỏe và đủ chất cho bé.
>> Tham khảo: Chăm sóc mẹ sau sinh đúng cách như thế nào?
Chăm sóc trẻ sinh non
Trẻ sinh non sẽ được chăm sóc theo phác đồ của bác sĩ trong 2 năm đầu đời. Đặc biệt đối với những trẻ sinh non khi mới đủ 28 đến 33 tuần với số cân nặng mới sinh dưới 1kg. Điều nên làm khi chăm sóc trẻ sinh non được các chuyên gia gợi ý:
Khám định kỳ với bác sĩ nhi để theo dõi sự phát triển của bé.
Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sinh non thiếu chất theo lời khuyên từ bác sĩ.
Trẻ sinh non có thể sẽ bắt đầu ăn dặm trễ hơn trẻ sinh đủ tháng vì hệ tiêu hóa của bé sẽ phát triển lâu hơn. Vì thế, phụ huynh nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ tháng thứ 6 trở đi với những món ăn dạng đặc và theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trẻ sinh non thường ngủ nhiều giờ một ngày hơn trẻ sinh đủ tháng nhưng giấc ngủ của trẻ lại ngắn hơn nên mẹ đừng lo lắng. Khi ngủ, hãy cho bé nằm ngửa và nằm trên giường để hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Theo dõi và kiểm tra thính giác, thị giác cho bé.
Tiêm chủng đầy đủ cho bé theo phác đồ của bác sĩ.
Phòng tránh sinh non bằng cách nào?
Mẹ bầu nên chú trọng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Tránh ra các trò chơi cảm giác mạnh, vận động mạnh, luyện tập thể thao hay làm việc quá sức.
Tuyệt đối tránh xa thuốc lá, khói thuốc lá, rượu bia; hạn chế trà, cafe và các chất kích thích khác.
Giao hợp trong tần suất được bác sĩ gợi ý. Giao hợp quá nhiều có thể làm tăng tần suất cơn gò tử cung xuất hiện.
Đi đầy đủ các mốc khám thai quan trọng để được theo dõi sự phát triển và thay đổi trong cơ thể mẹ và bé.
Khi có những dấu hiệu dọa sinh non sớm cần đến bệnh viện khám ngay.
Tham khảo: Trẻ sinh non
Nếu như mẹ vẫn đang có những thắc mắc trong việc phục hồi sức khỏe sau khi sinh thì tham khảo chuyên mục Chăm sóc sau sinh hoặc đừng ngần ngại gửi ngay câu hỏi của mẹ về Góc chuyên gia của HUGGIES® để được các bác sĩ giải đáp nhé.