Dấu hiệu bị dị ứng ở mặt
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng – Bác sĩ Da liễu – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bị dị ứng ở mặt là vấn đề thường gặp, đặc biệt trong thời tiết mùa đông hanh khô. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân với những biểu hiện khác nhau. Việc xác định dấu hiệu dị ứng sẽ có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm những giải pháp để khắc phục và hạn chế tái phát.
Nội Dung Chính
1. Dị ứng ở mặt là gì?
Da mặt là nơi mỏng và nhạy cảm nhất ở cơ thể, vì vậy đây là khu vực thường rất dễ bị dị ứng khi tiếp xúc dị nguyên.
Dị ứng ở mặt được định nghĩa là tình trạng da mặt xuất hiện các vết mẩn đỏ, phát ban do tiếp xúc với một số tác nhân nào đó mà có khả năng gây dị ứng. Bị dị ứng ở mặt gây ra nhiều dạng tổn thương da khác nhau với nhiều vùng da bị ảnh hưởng.
Mức độ dị ứng trên da tùy thuộc vào nguyên nhân, cơ địa người bệnh cũng như một số yếu tố đi kèm khác.
Một số nguyên nhân gây dị ứng ở mặt như:
- Dị ứng mỹ phẩm;
- Dị ứng ở mặt do dị ứng theo mùa;
- Dị ứng côn trùng, động vật;
- Dị ứng nguyên nhân do viêm da tiếp xúc;
- Dị ứng thực phẩm;
- Dị ứng thuốc đang sử dụng.
Thông thường, người bị dị ứng ở mặt sẽ xảy ra phản ứng ở khu vực mũi, cằm, trán và 2 bên má. Một số người khác thì có thể dị ứng mặt lan tới tai, da đầu và cổ.
2. Dấu hiệu bị dị ứng ở mặt
Dấu hiệu thường gặp khi bị dị ứng ở mặt là nổi mẩn đỏ kèm theo ngứa trên da. Nguyên nhân có thể do dị ứng mỹ phẩm đang sử dụng. Tình trạng này khiến da tăng tiết bã nhờn, lỗ chân lông bị bịt kín trong điều kiện vi khuẩn làm ổ, sinh sôi và phát triển. Đau rát vùng da vừa sử dụng mỹ phẩm kèm theo ngứa từng đợt, sưng tấy, mẩn ngứa thành nốt ban đỏ và nổi mề đay giống như vết muỗi cắn.
Ngoài triệu chứng nổi mẩn đỏ trên da mặt, các dấu hiệu khác có thể xảy ra bao gồm:
- Mề đay: Đây là tình trạng bị dị ứng ở mặt kèm theo nhiều sẩn. Sẩn có dạng tương đồng với những vết muỗi cắn hay lằn roi đánh vào mặt da, kèm theo ngứa khó chịu;
- Viêm da dị ứng: Dấu hiệu nhận biết là trên bề mặt da xuất hiện từng mảng hồng ban. Đôi khi còn kèm theo mụn, mụn nước xuất hiện thì bạn bị dị ứng ở mặt trầm trọng. Đây là trường hợp cần theo dõi sát và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu do có nguy cơ mụn nước vỡ gây nhiễm trùng da;
- Chàm tiếp xúc: Tình trạng này dễ nhận biết do trên bề mặt da xuất hiện từng mảng hồng ban có giới hạn rõ ràng, kèm theo mụn nước và ngứa dai dẳng.
3. Cách làm giảm dị ứng da mặt tại nhà
Các dấu hiệu của bị dị ứng ở mặt có thể tự thuyên giảm hoặc biến mất sau khoảng thời gian điều trị. Tuy nhiên, để không gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống, chị em có thể thực hiện những cách sau để giảm dị ứng da mặt tại nhà:
- Tránh chà xát mạnh lên bề mặt da như gãi, cào hoặc chà xát quá mạnh;
- Hạn chế thoa nhiều lớp kem dưỡng hoặc trang điểm quá dày, lưu giữ lâu trên da bởi có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông;
- Hạn chế sử dụng những loại thức ăn có chứa nhiều đường và chất kích thích;
- Tránh ăn hay uống những thực phẩm, thức uống có khả năng gây dị ứng cao như: chất kích thích, đồ ăn cay nóng, tôm, cua..;
- Khi di chuyển ra ngoài, cần đeo khẩu trang để hạn chế các tác nhân có hại tấn công da mặt, đồng thời, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
- Da mặt cần được vệ sinh đúng cách, sạch sẽ bằng các sản phẩm sữa rửa mặt phù hợp. Đồng thời, bạn cần giữ thói quen vệ sinh chăn, gối, khăn mặt thường xuyên;
- Đối với những người đã có tiền sử dị ứng mỹ phẩm, nên kiểm tra sản phẩm mới trước khi sử dụng để làm giảm dị ứng da mặt. Bạn nên thử phản ứng của da với loại mỹ phẩm trước khi sử dụng.
- Rửa tay và mặt sạch trước khi trang điểm: Đây là cách giảm dị ứng da mặt cơ bản nhất. Khi bị đau mắt, hay có biểu hiện ngứa bất thường ở mắt không nên trang điểm vào vùng da này.
Một lưu ý quan trọng là khi nguyên nhân khiến bị dị ứng ở mặt, nổi sần ngứa hoặc phát ban vẫn chưa được xác định rõ, bạn nên tập thói quen ghi lại những thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm đã và đang sử dụng trong các sinh hoạt thường ngày. Việc này đóng vai trò quan trọng để xác định những yếu tố gây dị ứng và giảm dị ứng ở mặt.
4. Cách chữa dị ứng thực phẩm
Một số phương pháp điều trị dị ứng thực phẩm như:
- Cách chữa dị ứng thực phẩm bao gồm cho các thuốc chống dị ứng như kháng histamin, corticoid (methylprednisolon) đường uống hoặc tiêm truyền đường tĩnh mạch, vitamin C và các thuốc chống viêm đường uống khác.
- Trong trường hợp dị ứng thực phẩm dẫn đến sốc phản vệ xảy ra thì thuốc đầu tiên được chọn là Adrenalin. Adrenalin có thể tiêm bắp, dưới da, truyền tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh nhân và theo phác đồ của Bộ Y tế.
Với những người đã từng bị dị ứng ở mặt có liên quan đến thực phẩm cần có những biện pháp phòng bệnh chủ yếu sau:
- Xác định có dị ứng với nhóm thực phẩm nào thì không nên ăn uống hay tiếp xúc với những loại thực phẩm đó;
- Xem kỹ thực đơn, thành phần và các nhóm thức ăn để tránh ăn nhầm vào những loại thực phẩm đã bị dị ứng từ trước;
- Tránh xa những khu vực chế biến thực phẩm vì khi vô tình hít phải hơi thức ăn thuộc nhóm dị ứng cũng có thể bị dị ứng ở mặt;
- Không nên sử dụng các loại hải sản đã chết hoặc thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh. Nguyên nhân là do nhóm thực phẩm này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn;
- Tránh dị ứng chéo khi ăn thức ăn cùng loại ví dụ một người bị dị ứng cua biển cũng không nên ăn những loại hải sản khác như ghẹ, mực, tôm, sò…
Tóm lại, bị dị ứng ở mặt là vấn đề thường gặp do nhiều nguyên nhân với những biểu hiện khác nhau. Các dấu hiệu thường gặp khi bị dị ứng ở mặt là nổi mẩn đỏ kèm theo ngứa, nổi mề đay, chàm hay sạm da… Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu dị ứng trên mặt sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.