Đất nghĩa trang ở nông thôn do cấp nào quản lý? Khi mở rộng đất nghĩa trang có phải thực hiện theo quy hoạch không?


Xin hỏi đất nghĩa trang nhỏ hơn 10ha ở nông thôn do cấp nào quản lý, khi mở rộng có phải quy hoạch không? Cấp nào thực hiện quy hoạch và khoảng cách tới khu dân cư là bao xa? Nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường thì bị cải tạo hay sẽ phải đóng cửa? Câu hỏi của chị Thúy Hằng (Long An).

Đất nghĩa trang ở nông thôn do cấp nào quản lý? Khi mở rộng đất nghĩa trang có phải thực hiện theo quy hoạch không?

Về đất nghĩa trang tại Điều 132 Luật Đất đai 2013 và Điều 162 Luật Đất đai 2013 có quy định:

Điều 132. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích

2. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích sau đây:

a) Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Điều 162. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa

1. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa bảo đảm tiết kiệm và có chính sách khuyến khích việc an táng không sử dụng đất.

3. Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời tại Điều 9 Nghị định 23/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định 98/2019/NĐ-CP) và Điều 31 Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng có nêu:

Điều 9. Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 31. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

2. Tổ chức lập kế hoạch 05 năm, hàng năm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng và lộ trình đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và phần mộ riêng lẻ trên địa bàn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí ngân sách hàng năm theo kế hoạch để đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ nhu cầu táng của người dân trên địa bàn.

Theo đó, đất nghĩa trang ở nông thôn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và việc mở rộng đất nghĩa trang phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Đất nghĩa trang ở nông thôn

Đất nghĩa trang ở nông thôn (hình từ Internet)

Khoảng cách an toàn từ khu nghĩa trang đến khu dân cư được quy định thế nào?

Về khoảng cách an toàn từ khu nghĩa trang đến khu dân cư được quy định tại tiểu mục 2.13.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng như sau:

– Khoảng cách an toàn môi trường của nghĩa trang, cơ sở hỏa táng quy hoạch mới phải đảm bảo các quy định trong Bảng 2.25, cụ thể như sau:

Nghĩa trang

– Trường hợp đặc biệt, khi cơ sở hỏa táng đặt ở đầu hướng gió chính của đô thị hoặc khi nghĩa trang đặt ở đầu nguồn nước thì khoảng cách an toàn môi trường của các công trình trong cơ sở hỏa táng, nghĩa trang phải tăng lên tối thiểu 1,5 lần;

– Phải bố trí dải cây xanh cách ly quanh khu vực xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng quy hoạch mới với chiều rộng ≥ 10 m;

– Trong vùng an toàn môi trường của các công trình thuộc nghĩa trang, cơ sở hỏa táng chỉ được tổ chức các hoạt động canh tác nông, lâm nghiệp, quy hoạch các công trình giao thông, thủy lợi, cung cấp, truyền tải điện, xăng dầu, khí đốt, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình khác thuộc nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, không được bố trí các công trình dân dụng khác;

Nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường thì bị cải tạo hay sẽ phải đóng cửa?

Tại Điều 11 Nghị định 23/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định 98/2019/NĐ-CP) có quy định:

Đóng cửa nghĩa trang

1. Các nghĩa trang phải đóng cửa khi không còn diện tích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các nhiệm vụ phải thực hiện khi đóng cửa nghĩa trang:

a) Việc đóng cửa nghĩa trang do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân theo phân cấp và được thông báo công khai;

b) Khắc phục ô nhiễm môi trường trước khi đóng cửa nghĩa trang (nếu có);

c) Cải tạo, chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mộ chí và các công trình trong nghĩa trang, trồng cây xanh, thảm cỏ trong và xung quanh nghĩa trang;

d) Các nghĩa trang trong đô thị hoặc trong khu dân cư nông thôn phải có tường rào hoặc hàng rào cây xanh bao quanh với chiều cao đủ bảo đảm cho dân cư xung quanh không bị ảnh hưởng;

đ) Đối với nghĩa trang nằm bên đường quốc lộ phải trồng cây xanh ngăn cách bảo đảm không ảnh hưởng tới mỹ quan, người tham gia giao thông.

Theo đó trường hợp nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa, tuy nhiên phải theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.