Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nơi huyện vùng cao Bảo Lâm – Cao Bằng – Môi trường Du lịch
Huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) – miền đất cheo leo trên vách đá dựng trời, với dòng sông Gâm trong xanh, hùng vĩ, được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Nhằm đánh thức, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Bảo Lâm đã xây dựng, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lâm giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Điệp trùng non nước hữu tình
Chuyến xe công tác trong những ngày đầu tháng 7 đưa chúng tôi nhanh chóng thoát ra khỏi bầu không khí đặc quánh khói bụi, oi ả của thành phố, hướng về cung đường Đông Bắc đến với huyện vùng cao Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Không khí mỗi lúc một trong lành, nắng sáng vàng ruộm chiếu rọi xuyên qua các tán cây mọc hai bên đường, thấp thoáng đổ tràn xuống dòng suối nước trong leo lẻo.
Dừng xe tại thị trấn Pắc Miầu – cái tên khiến ai cũng phải ấn tượng khi lần đầu đến với địa danh này. Hướng mắt ra phía dòng Gâm, những vách núi dựng đứng xanh rì giăng thành dọc triền sông thơ mộng. Từ khi công trình Thủy điện Bảo Lâm hình thành tạo nên một diện mạo mới cho sông Gâm, con sông với mực nước cao hơn, chảy êm đềm và được ví như hồ trên núi, tạo nên khung cảnh lãng mạn đến kỳ lạ.
Toàn cảnh thị trấn Pắc Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng
Ghé thăm chợ phiên Pắc Miầu – nơi giao thương của bà con các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô… sống quanh vùng. Tại đây, chúng tôi được gặp những người dân hiền lành, hiếu khách. Trong những phiên chợ bà con các dân tộc thiểu số sặc sỡ trong trang phục truyền thống của mỗi dân tộc… từ các bản làng xa xôi đem theo những sản vật của gia đình tự trồng trọt, chăn nuôi đến chợ trao đổi hàng hóa tạo nên không khí nhộn nhịp.
Cách đó không xa, một phiên chợ trâu, bò náo nhiệt bên bờ sông Gâm, mấy du khách lỡ độ đường như chúng tôi trở nên hân hoan vô cùng. Những con trâu béo tròn, vai gồ lên lừng lững, da đen bóng được chủ dắt xuống chợ, phần lớn là cánh đàn ông, cũng có lạc vào dăm phụ nữ trong vai trò kẻ mua người bán. Chợ trâu Bảo Lâm nổi tiếng, thực ra tôi thấy người ta nói nhiều về chợ bò, nhưng ngay lúc này trên bãi đất trống tôi thấy phần nhiều là trâu.
Một người dân ở Pắc Miầu cho biết trâu nuôi ở Bảo Lâm thường rất béo tốt và bán được giá, thịt ngon nên nhiều khi dân bên các huyện Mèo Vạc, Bắc Mê (Hà Giang) hay Bảo Lạc (Cao Bằng) lại dong trâu sang Bảo Lâm nuôi và buôn bán cho được giá. Lái trâu nhìn cũng dễ nhận ra bởi vẻ sành điệu trong cách ăn mặc so với các chủ trâu. Rất nhiều người đứng xung quanh, xem xét, trao đổi, bình luận, mặc cả. Trên đường đã có sẵn một chiếc xe thùng lớn, con trâu nào được bán là cánh lái trâu lại dong lên xe chở về xuôi.
Rời phiên chợ trâu, chúng tôi lại lênh đênh trên chiếc thuyền giữa lòng sông Gâm, cảnh sắc sơn thủy hữu tình hiện lên khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ trước sự kỳ diệu của bàn tay tạo hóa. Một vùng trời – nước mênh mang trong tầm mắt, với hệ thống núi non trùng điệp, hùng vĩ, hòa quyện giữa đại ngàn xanh thẳm, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Trước đây sông Gâm hung dữ vào mùa mưa lũ nhưng nay trở nên xanh trong, hiền hòa vì có Thủy điện Bảo Lâm 3 ngăn đập. Sông Gâm có nhiều sản vật, trong đó có các loại cá quý hiếm như cá chiên – một trong “ngũ quý hà thủy” các loại tôm, cá khác tạo nên nguồn thực phẩm phong phú.
Một vùng trời – nước mênh mang trong tầm mắt, với hệ thống núi non trùng điệp, hùng vĩ, hòa quyện giữa đại ngàn xanh thẳm, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ
Đặc biệt vào tháng Ba mùa hoa gạo, những cây hoa gạo nở đỏ rực hai bên sông tạo khung cảnh lãng mạn như những ngọn lửa nhỏ thắp nắng lên thành những cây hoa đào khổng lồ. Mùa hè dòng nước trong xanh, mát rượi xen với ánh nắng lấp lánh chiếu trên mặt nước làm lóe sáng cả vùng trời non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình.
Khi thuyền qua khe núi, ánh nắng mặt trời chiếu vào dòng nước hắt lên những tảng đá tạo màu sắc lấp lánh, lung linh mộng mị như trong giấc mơ. Ngoài ra, bên bờ sông còn có một hang động mà người dân nơi đây gọi là Động Dơi với những nhũ đá hình thù đẹp mắt, còn nguyên vẻ hoang sơ sẽ hấp dẫn đối với những du khách ưa mạo hiểm, khám phá. Có thể thấy, thiên nhiên đã ban tặng cho Bảo Lâm hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình cùng nét văn hóa địa phương đặc sắc vẫn được lưu giữ đã cuốn hút du khách đến với vùng đất này.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm – Mã Gia Hãnh cho biết: Năm 2000, huyện Bảo Lâm tách ra từ huyện Bảo Lạc. Bảo Lâm có vị trí địa lý thuận lợi là nằm trên tuyến đường Quốc lộ 34, giao cắt nối liền giữa các tỉnh trong khu vực như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang.
Bảo Lâm nằm ở giữa 3 khu vực du lịch quốc gia nổi tiếng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Vườn quốc gia Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Với điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống bà con các dân tộc, Bảo Lâm có thể phát triển khá đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch khám phá hang, động, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Một số điểm du lịch nổi bật của huyện Bảo Lâm có thể kể đến như: Núi Phja Dạ (một phần thuộc địa bàn xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm), hang Lũng Lòn (hay còn gọi là Động Nàng Tiên), Dình Phà hay còn gọi là hang Dơi, thác nước Thạch Lâm,…
Hang Lũng Lòn còn gọi là Động Nàng Tiên, được phát hiện vào năm 2016, nằm trên một ngọn núi khá cao tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng
Nhân lên nét đẹp văn hóa truyền thống
Ông Mã Gia Hãnh – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết thêm: thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, triển khai, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc về nét đẹp văn hóa truyền thống. Huyện duy trì và phát huy các nét đẹp văn hóa của các lễ hội truyền thống như: Lễ hội “Lồng tồng” của dân tộc Tày, Nùng thuộc các xã Mông Ân, Yên Thổ, Vĩnh Quang, Lý Bôn, Nam Quang và thị trấn. Lễ hội “Cầu mưa” của dân tộc Lô Lô xã Đức Hạnh; Lễ hội “Cấp sắc” của dân tộc Sán Chỉ xã Yên Thổ, Mông Ân…
Du khách đến Bảo Lâm sẽ được tham quan làng văn hóa, khám phá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ít người như tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô tại xã Đức Hạnh. Hiện tại, Đức Hạnh có 4 xóm với trên 200 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống. Đồng bào Lô Lô nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số ít người, bao gồm kiến trúc nhà ở, tập quán sinh hoạt, canh tác sản xuất, trang phục, lễ hội văn hóa riêng…phù hợp cho loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu….
Các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Lô Lô
Bảo Lâm cũng là vùng đất có đặc sản nông nghiệp rất đặc sắc với mận máu, lê vàng tại các xã Vĩnh Phong, Yên Thổ, Thái Sơn và Thái Học có chất lượng ngon khác biệt so với các vùng miền khác do khí hậu và thổ nhưỡng. Vùng đất Yên Thổ thì có một sản vật trứ danh, nổi tiếng khắp gần xa đó là gạo nếp cẩm. Hạt gạo có màu tím đậm, bụng tròn, bóng và khi nấu lên có một mùi thơm rất đặc trưng.
Các món ăn của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lâm cũng rất đa dạng và phong phú, nổi bật có mèn mén của dân tộc Mông, thịt lợn hun khói, thịt chua, vịt quay, lợn quay, lạp xường… của dân tộc Tày, Nùng. Về đặc sản tự nhiên từ rừng Bảo Lâm có măng tươi, măng khô và các loại rau. Dược liệu quý hiếm có hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, trà Giảo cổ lam…
“Đánh thức” tiềm năng du lịch Bảo Lâm!
Bảo Lâm là huyện có tiềm năng phát triển du lịch, được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Nhận thức rõ tiềm năng để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, huyện Bảo Lâm đã có rất nhiều giải pháp từ huy động nguồn lực của địa phương cũng như kêu gọi dự hỗ trợ, đầu tư từ các nguồn lực khác. Từ những khó khăn, trở ngại đặt ra trong phát triển du lịch, Bảo Lâm đã xây dựng và đang rốt ráo triển khai thực hiện Đề án phát triển dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lâm giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu là đưa huyện Bảo Lâm trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng và các vùng lân cận với các sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Lưu giữ nét đẹp văn hóa các dân tộc – Biểu diễn đàn Tính
Để mở cơ hội đón khách dừng chân từ Hà Giang – Cao Bằng và các tỉnh khác đến, huyện đã quy hoạch phát triển thị trấn Pác Miầu, chợ đêm, phố đi bộ để bán hàng nông sản, dịch vụ. Chú trọng mở các tour như: Chợ đêm Bảo Lâm – đi thuyền lòng hồ thưởng thức các làn điệu hát Then, Lượn cọi từ thị trấn Pác Miầu đến Thủy điện Bắc Mê (Hà Giang). Tour tham quan du lịch cộng đồng nhà sản của người Tày tại xóm Phiêng Phay (thị trấn Pác Miầu); Tham quan Đồi cỏ Cốc Cạch (xã Thái Học); Tour Khám phá Núi Phja Dạ (xã Thái sơn), hang động tại xóm Nặm Trà (xã Thái Sơn)…
Là một huyện nghèo việc đầu tư cho du lịch mang tính bài bản là vấn đề cốt lõi, mang tính căn cơ để phát triển kinh tế – xã hội tại nơi đây. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan mang lại cũng là những khó khăn mà huyện Bảo Lâm đã đang vướng phải. Do đó, Bảo Lâm rất mong nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, các ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để du lịch Bảo Lâm thật sự cất cánh, để thêm nhiều du khách đến với vùng đất đẹp như mơ này.
Tạ Thành