ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI – TRANG CHỦ

Sau năm 1954, ông vào sống tại Sài Gòn để làm báo và hoạt động cách mạng. Ngoài cái tên Vũ Bằng ông còn có nhiều bút danh khác như Tiêu Liêu, Lê Tâm… Vũ Bằng như một mảnh hồn của Hà Nội. Nói tới Vũ Bằng là người ta nhớ tới một Hà Nội dịu dàng, thanh lịch, tao nhã. Nói tới Vũ Bằng người ta bỗng thấy thêm yêu một Hà Nội nghìn năm văn vật đầy thần thái, đầy yêu thương dịu dàng không thể lẫn với ai khác. Nói tới Vũ Bằng là người ta nhắc tới “Miếng ngon Hà Nội” (bút kí,1960) và “Thương nhớ mười hai” (hồi kí, 1972). Có thể nói khi viết về “cái ăn” dường như ngòi bút của Vũ Bằng rất có duyên và có đất để tung hoành. Với “Miếng ngon Hà Nội”, bằng ngòi bút đong đầy tình yêu thương của một người con xa Hà Nội, Vũ Bằng đã cho người đọc biết đến và thưởng thức những món ngon mang đậm cái hồn Hà Nội. Ông viết về Miếng ngon Hà Nội là viết về chính đời mình: “Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng, làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn… Những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn…”.

Từng món ăn Hà Nội được nhà văn mô tả chăm chút, kỹ lưỡng, đều là các món “quốc hồn, quốc túy” từ phở bò, rồi phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, gỏi, quà bún, chả cá, thịt cầy, tiết canh cháo lòng… Tất cả 15 món ăn trong bút kí “Món ngon Hà Nội” dưới ngòi bút của một nhà văn “con ruột của Hà Nội” sành ăn đã trở nên thật sinh động khiến cho người đọc như đang được thưởng thức những món ăn ngon tuyệt vời đó. Ông viết về những món ăn Hà Nội với những lời lẽ thật bình dân, chân thật như một thực khách đang xuýt xoa cái ngon nhưng không hề dung tục mà ngược lại toát lên cái thần thái của người Hà Nội tinh tế, lịch lãm. Không chỉ đơn thuần mô tả những món ăn, cách làm những món ăn mà Vũ Bằng còn gửi gắm vào trong đó cả nỗi yêu thương, nhung nhớ về Hà Nội.

Còn với “Thương nhớ mười hai” ông viết về 12 tháng với khung cảnh thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, con người, văn hóa của Hà Nội và của miền Bắc. Ông đã dành trọn tác phẩm này để viết về văn hóa Hà Nội với chiều sâu của lịch sử và vẻ đẹp của Hà Nội trong nỗi hoài niệm da diết. Tác giả đã mất mười một năm ròng rã để hoàn thành tập sách. Mười một năm chỉ để viết về nỗi nhớ trong một năm – đủ để thấy nỗi nhớ đó khắc khoải đến nhường nào. “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng là một tập tản văn được viết trong hoàn cảnh tác giả đang sống ở Sài Gòn, nhớ về miền Bắc – Hà Nội và người vợ thân yêu của mình. Tập tản văn được chia thành mười hai đoạn, mỗi đoạn tương ứng cho một tháng âm lịch của một năm. Qua đó nét văn hoá, những phong tục tập quán, những thói quen, những mảnh tâm hồn của mảnh đất Hà Nội nói riêng và của vùng đất Bắc Bộ nói chung hiện lên rất rõ nét. Cùng là người “sành” Hà Nội, cùng là người có một tình yêu Hà Nội đặc biệt nhưng mỗi nhà văn lại có một cách ứng xử, một cái nhìn khác khi viết về Hà Nội. Nếu như Nguyễn Tuân hiện ra như một tao nhân mặc khách mang đậm cái thú thích “dịch chuyển”, Thạch Lam cảm nhận và viết về Hà Nội như một thi nhân thực thụ thì Vũ Bằng lại ca ngợi sự tinh tế của các món ăn với sự khoái khẩu của người thưởng thức, hưởng thụ. Thế nhưng, cùng với Nguyễn Tuân và Thạch Lam, Vũ Bằng đã thêm một nét vẽ, thêm một nét nhớ nhung, thêm một sự da diết vào bản tình ca nỗi nhớ Hà Nội.

Nhà văn Triệu Xuân ca ngợi: Có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi tôi: “Sắp sang thế kỷ XXI rồi, nếu chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào?”. Tôi trả lời ngay: “Một trong những cuốn tôi mang theo là “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng!… Bởi viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông…

Và:

“Văn hồi kí của ông là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế. Cùng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội…đã góp phần định hình kiểu hồi kí trữ tình độc đáo. Có thể xem đây là một đóng góp quan trọng của Vũ Bằng vào thể kí nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung.

Có một “Thương nhớ mười hai”, có một “Miếng ngon Hà Nội” và có một Vũ Bằng như thế để nỗi nhớ, nỗi yêu thương Hà Nội vốn luôn cháy bỏng trong trái tim những người con yêu Hà Nội lại thêm một lần nữa cháy bỏng hơn.