Đại cương giun sán (P1) | BvNTP

KHÁI NIỆM VỀ GIUN SÁN

Giun sán là những động vật đa bào, cấu tạo cơ thể có những cơ quan riêng biệt. Giun sán kí sinh bao gồm các loại giun sán kí sinh trên động vật và thực vật. Có nhiều loại giun sán sống tự do. Tuy nhiên, đối tượng liên quan chủ yếu tới y học bao gồm các giun sán kí sinh ở người, các động vật khác liên quan tới người, nghĩa là có thể truyền bệnh sang người. 

Giun sán sống kí sinh ít hơn, không giống hẳn với nguồn gốc tổ tiên của chúng, cấu tạo cơ thể đã có nhiều thay đổi thích nghi với đời sống kí sinh. Giun sán thường kí sinh theo phương thức bắt buộc, kí sinh vĩnh viễn trong cơ thể vật chủ. Một số ít kí sinh theo phương thức tình cờ lạc chủ, chúng sống tạm thời ở các mô của vật chủ, không phát triển tới giai đoạn trưởng thành.

Đa số giun sán kí sinh ở ống tiêu hóa, bất thường có thể di chuyển lạc chỗ đến những nơi khác trong cơ thể vật chủ. Một số giun sán kí sinh ở gan, phổi, cơ, hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn…

Phương thức sinh sản khác nhau rõ rệt giữa giun tròn, sán lá, sán dây. Hầu hết giun tròn sinh sản đơn giới (có giun đực, giun cái riêng). Sán sinh sản lưỡng giới, riêng sán lá có hình thức sinh sản phôi tử (ấu trùng có khả năng sinh sản) và hình thức sinh sản đa phôi (từ một mầm trứng sinh sản thành nhiều ấu trùng).

Đường xâm nhập của giun sán vào cơ thể vật chủ cũng rất khác nhau. Chủ yếu theo đường tiêu hóa (giun đũa, giun tóc, giun kim, sán lá phổi, sán dây lợn, sán dây bò…). Một số giun sán xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua đường da (giun móc, giun lươn, sán máng…). Một số xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua vết đốt của côn trùng hút máu (giun chỉ…).

Đường thải mầm bệnh giun sán ra khỏi cơ thể vật chủ khác nhau, chủ yếu theo đường thải bã của ống tiêu hóa. Có loại như sán máng S.heamatobium thải trứng qua đường nước tiểu. Có loại thải trứng qua đờm như sán lá phổi Paragonimus sp.

Bệnh giun sán rất phổ biến ở các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của giun sán và các vật chủ trung gian của chúng. 

Ở các nước kinh tế chậm phát triển, trình độ văn hoá vệ sinh thấp kém, phong tục lạc hậu tỉ lệ nhiễm giun sán rất cao, cường độ nhiễm giun sán nặng. Tỉ lệ nhiễm giun sán phối hợp (hai, ba, bốn loại giun sán) trên cùng một cơ thể khá cao. Môi trường ngoại cảnh luôn bị ô nhiễm nặng nề bởi mầm bệnh giun sán.  Theo thống kê của viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, ở miền Bắc Việt Nam, mọi mẫu đất đều tìm thấy trứng giun đũa. Điều này gây khó khăn lớn cho công tác phòng chống giun sán ở Việt Nam.

 

TÁC HẠI CỦA GIUN SÁN VỚI CƠ THỂ VẬT CHỦ

Các giun sán kí sinh đều gây hại cho vật chủ. Có loại rất nguy hiểm dễ gây chết người như: giun đũa, giun soắn. Có loại gây biến chứng nặng nề như thiếu máu, giảm hoặc mất khả năng lao động, dẫn đến tàn phế như giun móc, giun chỉ… Nhưng có loại giun sán thường gây tác hại thầm lặng và bị che lấp bởi nhiều bệnh cấp tính khác nên người bệnh không có nhu cầu thúc bách phải chữa trị và phòng bệnh. 

Nói chung tác hại của bệnh giun sán đối với sức khoẻ và đời sống nhân dân là rất lớn, nhưng thầm lặng, những tác hại do giun sán gây ra bao gồm:

Chiếm đoạt dinh dưỡng của cơ thể vật chủ:

Giun sán hấp thụ một phần thức ăn của cơ thể vật chủ, nếu số lượng giun nhiều thì lượng thức ăn bị mất càng lớn. 

Trong một ngày đêm, sán dây bò có thể dài ra 7 – 10 cm, do đó nhu cầu dinh dưỡng của sán rất cao. Một số giun sán hút máu cơ thể người như : giun móc, giun tóc… Giun sán còn chiếm những chất cần thiết của cơ thể người như: protein huyết thanh, axit folic, sắt huyết thanh (giun móc/mỏ), vitamin B12 (sán dây cá).

Gây độc cho cơ  thể vật chủ:

Giun sán tiết ra chất độc, hoặc thải những sản phẩm chuyển hoá gây độc cho cơ thể vật chủ với biểu hiện: kém ăn, buồn nôn, mất ngủ.  Giun đũa có chất độc ở xoang thân (Ascaron) có thể làm chết thỏ thí nghiệm. Có trường hợp điều trị giun đũa, giun bị chết chất độc của giun giải phóng ra làm người bệnh bị nhiễm độc phải cấp cứu.

Tác hại cơ học:

Giun móc, giun tóc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột. Giun đũa gây viêm tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy. 

Nang ấu trùng sán dây lợn ở não gây động kinh, đột tử; ở mắt gây mù mắt. 

Giun chỉ gây phù voi do tắc bạch huyết. 

Sán lá phổi làm vỡ thành mạch phổi gây ho ra máu…

Gây dị ứng cho vật chủ:

Ấu trùng sán di cư trong cơ thể vật chủ thường gây hiện tượng dị ứng (giun đũa, giun tóc), đặc biệt có loại gây dị ứng nặng, sốt cao, phù nề, bạch cầu ái toan tăng cao (giun soắn). 

Mở đường cho vi khuẩn xâm nhập:

Giun đũa, giun tóc, sán dây làm cho độ toan dịch dạ dày giảm, vi khuẩn dễ phát triển khi xâm nhập qua đường tiêu hoá. 

Ấu trùng giun móc/mỏ, giun lươn… khi chui qua da gây viêm da.

Nhiều tác hại do giun sán gây ra không thể kể hết, có những tác hại âm thầm lặng lẽ, không có biểu hiện bệnh lí, nhưng về mặt sinh hoá có những biến đổi không bình thường.

 

CHẨN ĐOÁN BỆNH GIUN SÁN

Chẩn đoán bệnh giun sán thường phải dựa vào nhiều yếu tố:

Chẩn đoán bệnh giun sán dựa vào triệu chứng lâm sàng chỉ có tính chất tham khảo không chính xác vì các triệu chứng của bệnh không điển hình.

Chẩn đoán bệnh giun sán chủ yếu dựa vào xét nghiệm kí sinh trùng học. Tùy theo vị trí kí sinh và đường thải mầm bệnh ra ngoại cảnh mà xét nghiệm các bệnh phẩm: phân, đờm, máu, nước tiểu… Muốn chính xác, phải dựa vào đặc điểm sinh lí, sinh thái của từng loại giun sán, để tìm trứng, ấu trùng, hoặc giun trưởng thành. Ví dụ: đối với giun đũa thì phải tìm trứng giun đũa ở trong phân, giun kim phải tìm trứng ở nếp nhăn hậu môn, giun chỉ phải xét nghiệm máu vào ban đêm để tìm ấu trùng giun chỉ.

Các phương pháp chẩn đoán miễn dịch học thường cho kết quả không chính xác vì thường có đáp ứng miễn dịch chéo giữa các loại giun sán. 

Hiện nay kĩ thuật chẩn đoán bằng sinh học phân tử đã và đang có nhiều hứa hẹn trong việc phát hiện và định loại các loài giun sán.

 

ĐIỀU TRỊ BỆNH GIUN SÁN

Nguyên tắc điều trị bệnh giun sán:

Chọn thuốc có hiệu quả với nhiều loại giun sán, vì ở nước ta có tỉ lệ nhiễm giun sán phối hợp cao, một người thường bị nhiễm 2 – 3 loại giun sán.

Tập trung thuốc với nồng độ cao để có tác dụng mạnh đến giun và sán. Muốn vậy thường cho bệnh nhân uống vào lúc đói, nhưng không quá đói vì dễ ngộ độc thuốc. Nên dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc tẩy để tẩy sạch chất nhầy phủ trên cơ thể giun sán giúp cho thuốc ngấm được nhiều, nâng cao hiệu quả điều trị. Nên chọn thuốc có độc tính thấp nhưng có hiệu quả cao.

Sau khi uống thuốc điều trị giun sán, nên dùng thuốc tẩy để tống nhanh giun sán ra khỏi cơ thể, tránh được nhiễm độc (do giun sán bị chết, nát) và phòng ngừa được khả năng giun sán có thể hồi phục trở lại. Nên chọn những thuốc bào chế đã có thêm cả thuốc nhuận tràng.

Phải xử lí giun sán sau khi tẩy, để tránh ô nhiễm môi trường vì giun sán thường chứa một lượng trứng rất lớn.

Sau khi tẩy giun sán cần áp dụng các biện pháp vệ sinh, chống tái nhiễm. Ở nước ta môi trường ngoại cảnh thường bị ô nhiễm nặng nề bởi các mầm bệnh giun sán đó sẽ là điều kiện tái nhiễm rất thuận lợi.

Cần điều trị định kì giun sán (6 – 12 tháng điều trị một lần) để phòng chống tái nhiễm và các biến chứng có thể xảy ra. Điều trị giun sán định kì được coi như một phương pháp bổ sung cho chương trình dinh dưỡng ở những vùng có lưu hành bệnh giun sán. Người ta đã nghiên cứu ở Tanzania, thấy tỉ lệ tăng trọng lượng ở nhóm trẻ được điều trị giun sán lớn hơn 9% so với nhóm trẻ đối chứng không được điều trị giun sán (Báo cáo kĩ thuật 666, WHO, 1982). 

Khái niệm điều trị hàng loạt, điều trị chọn lọc các bệnh giun sán:

Điều trị hàng loạt:

Điều trị hàng loạt có chu kì cho tập thể là điều trị cho toàn bộ dân cư sống trong khu vực đó. Đây là một trong những biện pháp rất có hiệu quả trong công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất. Điều trị hàng loạt mặc dù được công nhận là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất. Song đầu tư tài chính cho điều trị hàng loạt rất tốn kém. – Mục đích điều trị hàng loạt không phải để tẩy hết giun sán, chỉ để giảm cường độ nhiễm bệnh và giảm tần số lan truyền bệnh. Khi áp dụng phương pháp điều trị hàng loạt cần đặc biệt chú ý tốc độ tái nhiễm. Cần nghiên cứu cách thức sử dụng thuốc, tần số, khoảng cách, để lựa chọn biện pháp tốt nhất làm giảm tỉ lệ nhiễm, giảm tốc độ tái nhiễm. 

Thuốc dùng trong điều trị hàng loạt phải ít độc, an toàn, có thể sử dụng rộng rãi trong nhân dân, không gây biến chứng. Hiện nay các thuốc điều trị an toàn, hiệu quả cao với nhiều loại giun sán là albendazole, mebendazole. Nói chung nên dùng các thuốc để điều trị 3 lần/năm, khoảng cách 4 tháng trong 3 năm đạt tỉ lệ tái nhiễm thấp nhất.

Điều trị chọn lọc:

Là chỉ điều trị cho một nhóm người trong một khu vực nhất định.

Mục đích: Nhằm đề ra biện pháp điều trị chọn lọc ở các đối tượng bị nhiễm giun nặng. Ví dụ: Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm giun cao nhất, cường độ nhiễm nặng nhất, ý thức vệ sinh kém nhất, nên trẻ em là nguyên nhân gây ô nhiễm mầm bệnh giun sán ra ngoại cảnh mạnh nhất và cũng là đối tượng tái nhiễm nhanh nhất. Qua nghiên cứu thấy rằng chỉ cần tập trung điều trị cho trẻ dưới 16 tuổi (chiếm khoảng 50% dân số) cũng làm giảm được tỉ lệ nhiễm, cường độ nhiễm giun sán trong cả cộng đồng. Cũng có quan niệm chọn lọc những người có cường độ nhiễm nặng nhất, tập trung điều trị cho họ cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Điều trị chọn lọc đạt hiệu quả tương đương với điều trị hàng loạt, mà đầu tư tài chính lại tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực và đặc biệt lại tiết kiệm được 50% kinh phí. Người ta thường áp dụng điều trị chọn lọc với một số bệnh giun sán truyền qua đất, dễ mắc nhất, tỉ lệ nhiễm cao, cường độ nhiễm nặng. Thậm chí có thể áp dụng với một số bệnh kí sinh trùng khác.

Một số thuốc điều trị chủ yếu:

Thuốc điều trị giun:

Piperazin (Dietylen diamin), dược dụng là loại hexahydrat.

Biệt dược: Piperal, piperazin citrat, piperol, antepar…

Cơ chế tác dụng: Chẹn thần kinh cơ do tác dụng kháng tiết cholin ở chỗ nối cơ thần kinh và giảm bớt sự sản xuất succinat (cung cấp năng lượng cần thiết cho sự co cơ giun). Do đó giun bị tê liệt, không thể kháng lại nhu động ruột và bị tống ra ngoài.

Thuốc có tác dụng với: giun đũa, giun kim.

Tác dụng phụ: Hiếm thấy ở liều điều trị, nếu có: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Chống chỉ định: Bệnh gan, thận, động kinh, thai 3 tháng đầu, không dùng khi nhiễm quá nhiều giun vì có thể gây tắc ruột.

Levamisole:

Biệt dược: Levaris, decaris, solaskil…

Cơ chế tác dụng: Thuốc ức chế hoạt động của men succinat dehydrogenaza có ở trong cơ thể của giun. Ngăn cản sự chuyển hoá fumarat thành succinat dẫn đến tê liệt cơ giun rồi thải trừ qua phân.

Thuốc có tác dụng với: Giun đũa, giun tóc, giun kim. 

Tác dụng phụ: Ít gặp, nếu có: nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, dị ứng. Phụ nữ có thai không nên dùng.

Chống chỉ định: suy gan thận nặng, phụ nữ có thai.

Mebendazole:

Biệt dược: Vermox, fugacar, soltric…

Cơ chế tác dụng: Thuốc ức chế sự hấp thu glucose của giun làm mất mất khả năng dự trữ glycogen, giảm hình thành ATP (là chất quan  trọng trong việc duy trì sự sống và sinh sản của giun).

Thuốc có tác dụng với nhiều loài giun: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim và ấu trùng giun chỉ.

Tác dụng phụ: hiếm gặp, nếu có: đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Albendazole:

Biệt dược: zentel, zenben, alzental.

Cơ chế tác dụng: Cơ chế tác dụng cũng giống mebendazol. 

Tác dụng với nhiều loại giun: đũa, tóc, móc, kim, lươn, sán dây lợn…

Pyrantel:

Biệt dược: Combantrin, antiminth, panatel…

Là dẫn chất của pyrimidine.

Cơ chế tác dụng: Ức chế dẫn truyền thần kinh cơ của giun gây nên liệt cứng và giun bị tống ra ngoài.

Thuốc có tác dụng với: giun đũa, giun kim, giun móc.

Thiabendazole (mitezol):

Cơ chế tác dụng: ức chế hệ fumarat-reductase đặc hiệu ở ti thể của tế bào giun, ức chế tiết acetylcholinesterase của giun lươn, cản trở giun di chuyển. – Chỉ định: hiện nay thiabendazol là thuốc tốt điều trị giun lươn. Thiabendazole còn được sử dụng điều trị bệnh ấu trùng của giun động vật khi nhiễm vào người như: viêm màng não – não do Angiostrongylus cantonensis. Bệnh ấu trùng cơ, tổ chức do nhiễm giun đũa chó (Toxocara canis), mèo (Toxocara cati). 

Tác dụng phụ: ít gặp, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, hạ glucose máu, nên nghỉ 24 giờ sau khi dùng thuốc.

Chống chỉ định: bệnh gan.

Diethylcarbamazin (DEC, banocid, notezin…):

Cơ chế tác dụng: làm liệt cơ giun ở thể trưởng thành của giun chỉ. Với ấu trùng: DEC tác dụng thông qua cơ chế miễn dịch dịch thể và tế bào của vật chủ.

Thuốc có tác dụng: giun chỉ ở thể trưởng thành và ấu trùng.

Độc tính: liều cao gây rối loạn tiêu hoá, mệt, choáng váng, ngủ lịm… Do phản ứng miễn dịch: toàn thân, tại chỗ nổi hạch, viêm hạch bạch huyết, viêm thừng tinh, viêm mào tinh hoàn.

Thuốc điều trị sán:

Niclosamid (yomesal, niclocide, tamox…):

Cơ chế tác dụng: thuốc không hấp thu qua ống tiêu hoá mà chỉ thấm qua phần tổn thương ở vỏ sán qua thân sán sau đó sán bị enzym hủy protein của vật chủ phân giải.

Thuốc có tác dụng với các loại sán dây bò, sán dâylợn, sán màng (Hymenolepsis nana) sán nhái (Dyphyllobothrum latum).

Không nên dùng cho phụ nữ có thai, có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng.

Không uống rượu trong thời gian dùng thuốc.

Praziquantel (pratez, biltricid, cesol):

Cơ chế tác dụng: Ngăn cản hấp thu glucose, tăng thải acid lactic làm kiệt dự trữ glycogen, làm vỏ sán dễ bị tác động của enzym huỷ protein vật chủ làm thay đổi tính thấm  màng tế bào sán, thoát cơ chất. 

Tác dụng: Diệt các thể trưởng thành của sán dây (bò, lợn), sán lá (sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán lá ruột), sán máng (Schistosoma), sán màng, sán nhái. Không có tác dụng diệt trứng sán.

Xem tiếp: Đại cương giun sán (P2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp