Đặc sản và các món ăn ngon ở Gia Lai (Cập nhật 01/2023)

Các món ăn ngon ở Gia Lai

Gia Lai

Các món ăn ngon ở Gia Lai

(Cập nhật 01/2023)

Cùng Phượt – Đến với Phố núi Pleiku, Gia Lai ngoài việc tản bộ trên các con phố ngoằn ngoèo lên xuống, thưởng thức hương thơm cà phê trong cái se lạnh của sáng sương mù, du khách còn được thưởng thức những món ăn bình dị nhưng rất nổi tiếng của người dân nơi đây. Ngoài các món ăn ngon ở Gia Lai đã nổi tiếng với du khách gần xa như phở khô, bún cua, bò một nắng… ẩm thực Gia Lai còn chiều lòng thực khách với các món ăn du nhập từ các tỉnh bạn nhưng với những biến tấu rất riêng phù hợp với người dân bản địa và nhận được sự ưa chuộng của du khách đến đây.

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả v_hnam, cumeoja, apr.1st, Phu Nguyen, toc.supertramp, Hồ Tấn Nhật Hào, kimi_tranghuynh, Do Tra My, Khuê Mang Yang, nau.angireviewnay, caphegialai, Tiêu đen Chư Sê-Gia Lai, FB Mật Ong Gia Lai, Tran Thelu nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Phở khô Gia Lai

Phở khô Gia Lai (Ảnh – cumeoja)

Phở khô Gia Lai còn được gọi là “Phở hai tô” vì nó bao gồm 1 tô phở khô và 1 tô nước dùng đi kèm. Khi ăn, cho tóp mỡ, rau giá, xà lách… lên trên rồi cho tương vào, trộn đều các thành phần lên rồi từ từ thưởng thức. Sợi phở khô khá đặc biệt, dù được làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà có dáng tròn, mảnh và hơi dai. Nhờ vậy mà khi trộn đều lên, sợi phở rất dễ thấm gia vị nhưng không bị nát.

Bún cua

Theo người dân phố núi, món ăn có nguồn gốc từ những người Bình Định di dân đến Gia Lai, là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống… Với mùi hơi khó ngửi đặc trưng, dần dà người ta gọi là bún cua thối để phân biệt với các món bún riêu khác. Tuy nhiên không nhiều khách dám thử bởi mùi thum thủm của cua thối, nhưng nếu đã ăn rồi thì khó lòng mà quên được bởi hương vị rất đặc trưng.

Cơm lam

Cơm lam hay còn gọi là Cơm nướng ống được coi là món ăn của núi rừng bởi nó chứa đựng sự ngọt ngào của suối và hương vị thơm ngon của loại gạo đặc biệt nơi đây.

Gà nướng mọi

Gà nướng mọi ăn với cơm lam được xem như thứ đặc sản đáng tự hào mà người Gia Lai thường giới thiệu với khách phương xa. Gia vị ướp gà là bí quyết để món gà nướng của Gia Lai trở nên quyến rũ. Công thức không được tiết lộ, thế nhưng chỉ cần ngửi mùi khói nướng, người sành ăn đã có thể cảm nhận được hương mật ong, hương tỏi, sả, ngũ vị hương hòa quyện.

Gỏi lá

Không chỉ ở Kon Tum, đến Pleiku các bạn cũng dễ dàng tìm được và thưởng thức món đặc sản của núi rừng Tây Nguyên này. Gỏi lá ở phố Núi Pleiku nói riêng có tới 30 loại lá khác nhau, thậm chí có nơi có từ 40 đến 50 loại lá. Trong đó có những loại lá quen thuộc như: Cải, tía tô, sung, đinh lăng, mơ, hành, húng… và có cả những loại lá chỉ núi rừng Tây Nguyên mới có.

Tất nhiên, gỏi lá không thể chỉ có lá mà còn có nước chấm được làm từ gạo nếp cho lên men đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi xay nhuyễn. Sau đó người làm nước chấm phi hành thơm cùng mẻ, sa tế, gia vị rồi cho vào hầm tạo nên thứ nước chấm sền sệt, ngon ngất ngây. Cùng với đó, đĩa thức ăn đi kèm quen thuộc đó là thịt ba chỉ luộc thái mỏng, có thêm tôm Biển Hồ, bì lợn luộc và được trang trí nằm gọn giữa một mâm xanh màu lá, liền kề đĩa muối hột, ớt xanh…

Bò một nắng

Bò một nắng có tên gọi đầy đủ là “Bò một nắng hai sương”, thịt bò chỉ phơi một nắng cho vừa héo nên khi đem nướng trên lửa than đượm thơm ngon lạ lùng. Đây là món ăn được nhiều người ưa thích. Để món này được thơm ngon đúng điệu, trước hết phải chọn loại bò cỏ tơ, được chăn thả tự nhiên trên các triền núi, mé sông và chỉ chọn phần thịt đùi và thịt thăn để chế biến. Thịt được thái thành những lát vừa phải, ướp thấm tháp với nhiều gia vị như muối, sả, đường, bột ngọt, hạt nêm, ớt khô rồi phơi qua một nắng. Khi ăn du khách nướng trên lửa than, lật trở cho chín đều, se khô và hơi rám cháy là ngon nhất. Món này ăn kèm với muối kiến được làm từ những tổ kiến lấy trên rừng về, làm sạch, giã nhuyễn cùng muối hạt, ớt, lá then len… tạo thành vị cay chua rất độc đáo.

Muối kiến vàng Krông Pa

Muối làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa có thể khiến nhiều người lắc đầu nguầy nguậy khi nhìn. Nhưng nếu đã nếm qua hương vị hoang sơ này một lần thôi sẽ hiểu vì sao lên Gia Lai nhất định phải mua muối kiến vàng về làm quà hoặc ăn dần. Muối kiến vàng ăn có mùi rất đặc trưng hơi chua chua, nồng nồng, béo béo, ngòn ngọt cay cay của kiến vàng rất bắt mồi với các món nướng hay các loại hoa quả chua.

Heo sọc dưa

Heo sọc dưa có nguồn gốc và hương vị như heo rừng được người dân bản địa thuần hóa nuôi thả vườn trong gia đình. Tuy nuôi trong vườn nhà nhưng với lối sống của đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai vẫn còn dựa vào thiên nhiên nên loài heo sọc dưa này vẫn được nuôi thả rông như heo rừng và thịt săn, thơm đậm, ngọt như heo rừng vậy, ăn khác hẳn với các loại heo thông thường chúng ta hay dùng.

Lụi nướng

Từ “lụi” là từ địa phương, thay cho từ “xiên nướng”. Là một món ăn truyền thống dân gian của những người dân vùng đất đỏ. Được nướng trên bếp than hồng ấm áp của những ngày đầu đông lạnh nhẹ, vỏ bánh tráng của lụi càng trở nên giòn tan. Thịt xay, nấm mèo được cuốn trong vỏ bánh cũng tự nhiên dậy mùi bởi lửa nóng khiến bụng người ta không khỏi cồn cào.

Chả cá Thác Lác

Những con cá thác lác được đánh bắt trong lòng hồ Ayun Hạ khi đem về còn tươi được người dân khéo léo dùng một chiếc thìa nạo lấy phần thịt, sau đó ướp với các loại gia vị rồi đem giã nhuyễn trong những chiếc cối đá. Chả ấy đem trộn thêm chút lá thì là băm nhỏ, nặn thành từng viên tròn rồi chiên trong chảo ngập dầu sẽ dậy lên một mùi thơm đặc trưng, đánh thức vị giác của thực khách. Chả cá thác lác của vùng hồ Ayun Hạ có vị ngọt thanh, giòn và dai. Chính điều ấy khiến loại đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến.

Cá sông Sê San

Cá sông Sê San được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây với cách chế biến đa dạng và giàu chất dinh dưỡng. Một số món đặc trưng của các nhà hàng tại Gia Lai như: Cá nấu măng, cá hấp gừng, cá hấp hoa chuối, cá um chuối xanh, cá chiên gừng, cá nướng, gỏi cá, lòng cá xào cà đắng….

Đặc sản Gia Lai mua về làm quà

Cà phê Gia Lai

Vùng đất của những cánh rừng cà phê bạt ngàn mang lại lợi nhuận kinh tế cho vùng và đã trở thành một trong những biểu tượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, không ít lần níu chân du khách thập phương bởi hương cà phê nồng nàn.

Hồ tiêu Chư Sê

Hồ Tiêu Chư Sê có độ đen bóng đồng đều, hạt to đều và đẹp; hương thơm đặc trưng, cay nồng, dung trọng sản phẩm tiêu đen Chư Sê cao nhất trong cả nước.

Mật ong Gia Lai

Mật ong ở Gia Lai có mùi thơm, vị ngọt thanh, màu vàng óng ánh trong suốt đặc quánh, độ kết dính cao và không bị kết tinh.

Rượu cần

Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hủ, ché hoặc bình không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng cần làm bằng lồ ô hay trúc đục thông lỗ để uống rượu. Rượu cần quý vì nhiều lẽ, người dân Tây Nguyên cho rằng rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, mỗi khi cúng giàng hay tế thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Gia Lai
  • đặc sản Gia Lai làm quà
  • ăn gì khi du lịch Gia Lai
  • các quán ăn ngon ở Gia Lai
  • đến Gia Lai nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Gia Lai
  • ẩm thực Gia Lai
  • món ăn vặt Gia Lai
  • các món ăn vỉa hè ở Gia Lai
  • mua gì ở Gia Lai
  • Gia Lai có gì ngon

5/5 – (1 đánh giá)

GIA LAI

Gia Lai là một tỉnh vùng cao nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 – 800 mét so với mực nước biển. Tiềm năng du lịch của Gia Lai rất phong phú, đa dạng với núi rùng cao có nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Rừng nguyên sinh nơi đây có hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ như Biển Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng, ngoài ra có chùa Minh Thành (Gia Lai). Nhiều đồi núi như cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng. Các cảnh quan nhân tạo có các rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn. Kết hợp với tuyến đường rừng, có các tuyến dã ngoại bằng thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng,v.v…

Bạn có biết: Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây nguyên, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.

  • Diện tích: 15.510,8 km²
  • Dân số: 1.513.847 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã, 14 huyện
  • Vùng: Tây Nguyên
  • Mã điện thoại: 269
  • Biển số xe: 81