ĐẶC SẢN LẠNG SƠN CÓ GÌ ?

ĐẶC SẢN LẠNG SƠN CÓ GÌ ?

Lạng Sơn có nhiều đặc sản hấp dẫn, từ món mặn đến món ngọt, món chính đến món ăn vặt mà du khách đến đây nhất định nên dành thời gian thưởng thức.

Du lịch đến xứ Lạng, du khách không chỉ ngẩn ngơ với những núi cùng trời, những hang cùng động, những phố với chợ. Để khám phá những hương vị rất riêng Lạng Sơn, du khách có thể vào bất cứ một nhà hàng nào ở thành phố này dù bình dân hay sang trọng. Đến với mảnh đất Lạng Sơn, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cũng sông núi, mà còn được thưởng thức những đặc sản và món ăn ngon ở Lạng Sơn mang đậm hương vị con người vùng rừng núi Đông Bắc.

1. Xao xuyến với những món ngon đặc sản Lạng Sơn chỉ nếm là nghiền.

1.1. Vịt quay lá móc mật: Đây là món ngon có tiếng của người Lạng Sơn. Món này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để thịt vịt không bị tanh lại thơm mùi lá móc mật. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt.

Ngoài vịt quay, món phở vịt ở đây cũng rất nổi tiếng. Thịt vịt mềm ngọt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho ẩm thực xứ Lạng. 

1.2. Phở chua: Hà Nội nổi tiếng với phở bò, phở cuốn thì Lạng Sơn cũng có một loại phở rất đặc trưng đó làphở chua. Phở chua là món ngon đặc sản Lạng Sơn chính gốc

Nguyên liệu chính để chế biến ra món phở chua thần thánh vô cùng công phu.Bánh phở, thịt lợn, khoai lang, khoai môn, thịt xá xíu, gan lợn, gà xé, dưa chuột, lạp xưởng,… tạo nên món phở chua trứ danh. Các nguyên liệu sau khi được sơ chế kỹ càng, lạc rang giã nhỏ, thịt lợn luộc thái lát rồi ướp gia vị và dán lên, khoai thái chỉ rồi sau đó cũng chiên giòn,…Cuối cùng, xếp bánh phở ra tô rồi bày lần lượt topping lên và chan nước dùng béo ngậy.

Ăn phở chua không nên vội vã, phải từ từ nhẩn nha thì mới cảm nhận được rõ hương vị của từng loại nguyên liệu. Tùy theo khẩu vị từng người mà có thể vắt chanh và thêm ớt, sa tế để thêm đậm đà. Phở chua vừa béo vừa bùi lại ngọt ngọt chua chua ăn rồi lại muốn ăn nữa. Kết hợp với bánh cháng thì đúng là combo đúng chuẩn cho những ngày hè, ngày thu.

1.3. Khâu nhục: Món ăn nghe lạ tai này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, khâu nhục được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nơi đây. Thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp thêm khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục ăn kèm xôi, cơm hay bánh mì đều rất ngon.

Làm khâu nhục tính ra mất công mất sức vô cùng. Thịt ba chỉ sau khi sơ chế được cắt thành miếng vuông dày dặn luộc sơ sau đó áp chảo cho săn hết lớp vỏ bên ngoài. Ướp thịt với đủ thứ gia vị gừng, tỏi, ớt, rượu trắng. Để lâu cho ngấm ra vị. Trong thời gian đó, tranh thủ thái nhỏ ca la thầu, cải chua, nấm hương, mộc nhĩ trộn chung với đậu phụ, dấm, mắm. Cho thịt và hỗn hợp này vào chung một túi rồi buộc chặt ại. Hấp cách thủy cho tầm 4 5 tiếng. Thịt lúc này rục ra như đúng ý nghĩa cái tên của nó là đã hoàn thành.

Khâu nhục nấu đến độ ăn mềm, ngọt đậm đà, bỏ một miếng vào miệng là thịt tan chảy ngay trên đầu lưỡi. Người Lạng Sơn hay ăn khâu nhục với cơm hoặc bánh mỳ. Ăn kèm thêm với các loại rau rừng sẽ giúp món ăn đỡ ngán. Người Tày, Nùng ở Lạng Sơn xưa kia chỉ khi  có đám cưới hay hội bản mới có dịp thưởng thức khâu nhục.

1.4. Lợn Quay: Lợn quay không thiếu gì ở miền xuôi tuy nhiên lợn quay Lạng Sơn lại mang mùi vị thơm ngon hiếm có. Người ta vẫn hay nói ăn heo quay thì nhớ đến Lạng Sơn là vì vậy. Lợn quay mắc mật là món ngon đặc sản Lạng Sơn mà ai ai cũng si mê bởi độ ngon, độ giòn, độ đậm đà của món.

Heo được chọn để đem quay là loại heo nhỡ chỉ chừng 35kg đến 40kg. Heo phải cỡ vậy thì thịt mới dai vừa đủ lại ngọt thịt. Mắc mật là loại lá không thể thiếu trong món heo quay xứ Lạng. Người ta rửa lá thật sạch, trụng qua nước nóng rồi bỏ vào bụng heo trước khi quay thì heo quay xong sẽ thơm lừng nức mũi. Ngoài ra, để vị heo thêm đậm đà, người ta còn trộn quả mắc mật với muối và ớt dau đó trà vào thành thịt. Tạo màu bằng mật ong sau đó quay đều cho đến khi vàng ruộm là bạn đã có một món heo ngon lành không chê vào đâu được.

Heo Lạng Sơn quay xong có màu sắc cực kỳ bắt mắt. Lớp da bóng giòn và vàng đều. Phần mỡ đóng lại như thạch, vừa đủ ngậy chứ không ngán. Thịt bên trong chín đều nhưng vẫn giữ được nước, ăn ngọt tự nhiên. Ăn kèm thịt quay với lá mắc mật hay dưa chua là chuẩn nhất, vừa đỡ ngấy vừa ăn được lâu. Nhâm nhi cùng bát tiết canh với lòng lợn làm sạch, vài ly rượu cần. Cần gì cao lương mỹ vị, vậy thôi cũng đủ vui lòng vui dạ lắm rồi.

1.5. Nem nướng Hữu Lũng: Ở Việt Nam chẳng thiếu địa phương có nem nướng ngon. Tuy nhiên nem nướng Hữu Lũng lại có một đặc trưng rất riêng cuốn hút người ăn. Nem nướng Hữu Lũng mang phong cách làm nem của người miền núi.

Nem nướng Hữu Lũng nhìn ngoài không khác gì mấy nem chạo. Mỗi cuốn nem to gần bằng cổ tay người lớn, dài khoảng một gang tay. Người ta gói nem bằng lá chuối xanh, bên trong nhân gồm thịt lợn nạc, bì lợn, bột thính và nêm thêm gia vị cho vừa ăn sau đó buộc lại bằng lạt. Để nem trong điều kiện tự nhiên khoảng 2,3 ngày là bắt đầu chế biến ăn được rồi. Gọi là chế biến thế thôi chứ thực chất chỉ là đem nem nướng trên bếp than hồng cho đến khi lớp là chuối cháy xém và đều ở các mặt là bóc ra ăn được.

Nem nướng Lũng Hữu Lạng Sơn có mùi vị đặc biệt. Vị chua ngai ngái kết hợp cùng hương thơm nức mũi khi nem được nướng lên hòa quyện vào nhau rất nhuyễn. Vắt thêm chút chanh ăn kèm với chút ớt hương vị nem sẽ thêm thăng hoa.

1.6. Bánh trưng đen Bắc Sơn: Trong các loại bánh đặc sản Lạng Sơn, bánh trưng đen là một cái tên tiêu biểu và khác biệt. Bánh chưng đen là bánh chưng của người Tày có một màu đen bóng lạ mắt hoàn toàn khác biệt với các loại bánh trưng thường thấy.

Bánh chưng đen được làm chủ yếu từ các nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh. Cái làm nên sự khác biệt chính là cách người bản địa tạo nên màu sắc đặc trưng cho chiếc bánh. Sau mua gặt, người ta chọn những cọng lúa nếp đều nhất, vàng nhất, to nhất rồi đem đốt thành tro. Vò thật kỹ cho tro mịn ra rồi đem trộn với gạo nếp đã ngâm sẽ giúp cho bánh khi hoàn thành sẽ có một màu đen bóng bẩy. Bánh được gói thánh đòn dài như bánh tét dài chừng 30cm. Khi ăn thì dùng lạt tét thành từng khoanh vừa ăn.

1.7. Bánh cuốn trứng: Khách du lịch khi có dịp ghé đất Lạng Sơn nhất định nên thưởng thức bánh trứng cuốn một lần. Không cầu kỳ, cao sang nhưng bánh cuốn trứng lại là món ngon đặc sản Lang Sơn mang hương vị dân dã cực kỳ hợp với khẩu vị của người Việt. Gạo được xay thành bột mềm mịn rồi tráng mỏng thành lớp vỏ trong suốt. Để trên nổi hấp chừng 30 giây cho bột chín tới rồi sau đó đập một trái trứng ngay giữa bề mặt. Đợi trứng chín tái, dùng một chiếc đũa tre kheo léo cuộn lớp vỏ lại cho đẹp mắt. Rải thêm một lớp thịt nạc băm nhuyễn xào với hành ngò vào trước đường cuốn cuối cùng vậy là hoàn thành rồi.

Bánh cuốn Lạng Sơn thưởng thức càng nóng lại càng ngon. Bánh dẻo, thơm thơm ngậy ngậy ăn hoài không chán. Ăn bánh cuốn Lạng Sơn thì đương nhiên phải chấm với nước chấm Lạng Sơn thì mới phải vị. Đa phần người dân bản địa xứ Lạng thích dùng nước chấm làm bằng giấm hơn. Vị thanh thanh của giấm hòa quyện cùng với vị béo ngậy của trứng sẽ khiến thực khách muốn ăn hoài.

Thưởng thức bánh cuốn trứng mấy lúc trời vào mùa là thú vui, thói quen của người xứ Lạng. Bạn đến Lạng Sơn cũng nên thử qua thú vui này nhé !

1.8. Bánh mỳ nướng: Người Việt Nam mình rất nổi tiếng với các món bánh mỳ. Lạng Sơn cũng góp sức cho menu các loại bánh mỳ ở Việt Nam trở nên đặc sắc bằng món ngon đặc sản Lạng Sơn: bánh mỳ nướng “non lửa” xiên thịt nướng. Người dân ở đây đã sáng tạo trong cách chế biến để cho ra đời một hương vị rất riêng không nơi đâu có được. Mỗi chiếc bánh mì đều được nướng qua 2 công đoạn. Trước hết, người ta phết đều một lớp dầu ăn mỏng lên toàn bánh rồi nướng trên than hoa cho giòn đều. Sau đó, để tăng thêm hương vị, ta phết thêm một lớp hỗn hợp dầu hào và mật ong rồi nướng thêm khoảng 30 giây là được.

Bánh giòn vừa phải, ăn lúc nóng là ngon nhất. Lúc ăn phải chấm thêm với nước chấm thì mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị. Nước chấm cũng được chế biến vô cùng đặc biệt theo công thức riêng của môi nhà. Ở Lạng Sơn bạn sẽ cảm nhận được vị cay xe xé, tê tê nơi đầu lưỡi khi ăn bánh mỳ là do trong món ăn có thêm chút mắc khén xay nhỏ có mùi thơm không thể trộn lẫn.

Bánh mì nướng Lạng Sơn được bán quanh năm nhưng ngon hơn cả là vào mùa đông. Thời tiết se se lạnh mà cầm được ổ bánh mì nóng hổi trong tay thì phải nói là ngon tuyệt cú mèo. Ghé Lạng Sơn đừng quên tìm một hàng bánh mỳ và gọi 1 suất để thưởng thức vị ngon của món ăn này nhé!

1.9. Bánh áp chao: Bánh áp chao là loại bánh đặc sản của Lạng Sơn. Đến Lạng Sơn mà chưa thử qua bánh áp chao thì chẳng khác nào chưa đến. Bánh áp chao được coi là món ngon đặc sản Lạng Sơn “best” khi trời bắt đầu lạnh.

Bánh áp chao được làm từ thịt vịt thôi nhưng cách chế biến lại vô cùng độc đáo. Thịt vịt trước hết được lọc xương rồi luộc sơ qua. Tẩm ướp đầy đủ các loại gia vị rồi bọc bột ở phía ngoài. Lớp bột mỏng vừa đủ để bao trọn được thịt và chiên lên bột không bị vỡ ra. Bột được làm từ bột nếp và thêm chút bột gạo tẻ mới đủ độ dai mà ăn không bị ngán.

Bánh áp chao chiến đến độ thì vàng đều và tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Cắn miếng đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được vị vừa giòn vừa dẻo của bột nếp. Cắn đến miếng thứ hai là thấy được vị ngon ngọt của miếng thịt vịt chín đều. Để đỡ ngán, người Lạng Sơn hay ăn kèm bánh áo chao với rau sống và nước chấm chua ngọt. Cho thêm vài lát dưa món vào nữa là đúng bài.

1.10. Bánh cao sằng: Nhắc đến các loại bánh đặc sản Lạng Sơn thì không thể không nhắc tới bánh cao sằng. Đây là món ăn thú vị, kết hợp độc đáo giữa ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Việt.

Cách làm bánh cao sằng khá đơn giản. Gạo tẻ trộn thêm một ít nếp theo tỉ lệ 1-10 rồi đem ngâm nước và sát thành bột mịn. Cho thêm ít bột lọc vào để tạo độ trong cho bánh. Nhào bột đến khi thật nhuyễn với nước rồi sau đó đổ vào khuôn. Hấp cách thủy bánh và cuối cùng là dưới nước thịt kho nước dừa đặc lên trên để tạo vị béo ngậy.

Bánh cao sằng có màu trong suốt, nhìn qua có vẻ hơi giống bánh đúc miền bắc nhưng chắc hơn. Trước khi ăn, rắc lên phía trên một lớp lạc rang giã sơ vừa bùi vừa béo. Đổ ngập nước chấm vào bánh sau đó sắn từng miếng nhỏ để ăn là cách ăn đúng nhất. Người ta thường ăn kèm bánh cao sằng với nước canh hầm từ xương ống heo vớt hết bọt, thêm hành và mùi tàu thái nhỏ vào để tạo vị thơm quyến rũ.

1.11. Bánh ngải: Bánh ngải là món ăn truyền thống độc đáo của người Tày ở xứ Lạng.

Mang tên bánh ngải vì hương vị tạo nên hương vị chính của món ăn chính là làm từ ngải cứu. Lá ngải được rửa sạch cho vào nồi nấu cùng nước tro tre nứa hoặc tro của vỏ đậu xanh. Mục đích đun cùng với tro để ngải có thể nhừ nhanh hơn. Ngải sau khi đun nhừ, đổ ra rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ xơ, vắt kiệt nước và nắm thành từng nắm bằng nắm tay và giã nhuyễn.

Vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương, đồ xôi và giã nhuyễn cùng với lá ngải nhuyễn đã làm từ trước. Người ta giã xôi ngay từ lúc xôi còn nóng để đảm bảo bánh mềm, mịn và dẻo. Bánh ngải là bánh chay nên nhân bánh chỉ làm từ vừng đen rang chín giã nát trộn với đường phên nấu chảy và để đặc thành một khối.

Bánh ngải được làm từ ngải cứu nên ăn thanh mát mà không bị ngấy. Bánh có mùi thơm dịu của gạo nếp hòa cùng mùi và vị của lá ngải. Đến Lạng Sơn đừng quên mua chục bánh ngải để thử thưởng thức loại bánh làm từ lá ngải đặc biệt vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe.

2. Đặc sản Lạng Sơn mua về làm quà.

2.1. Măng ớt: Cùng là trái ớt, những búp măng nhưng mỗi vùng miền lại có cách chế biến, cách ăn khác nhau. Ở vùng này nó chỉ là gia vị, nhưng ở vùng khác lại là món chủ lực “đưa cơm”. Nếu ai đã từng đến Lạng Sơn, sẽ không thể “làm ngơ” trước một đặc sản của vùng này, đó là món măng ngâm ớt cùng mắc mật tươi.

Người Lạng Sơn xem món măng ớt và mắc mật ngâm là món ăn quen thuộc có thể ăn cùng cơm, phở hoặc bất cứ món ăn gì hàng ngày. Thường thì khoảng tháng 6, tháng 7 mắc mật vào vụ chín, lúc ấy măng trên rừng cũng vào độ ngon nhất sau những cơn mưa đầu hè. Người ta sẽ chọn loại măng mai hoặc măng vầu no tròn, thái miếng. Mắc mật chín vừa độ và ớt loại quả nhỏ. Tất cả cùng ngâm với giấm, tạo ra một loại hương vị đặc biệt chỉ có ở vùng địa đầu tổ quốc này.

2.2 Na Chi Lăng: Cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là lúc đến mùa na chín. Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây.

Na Chi Lăng mắt hồng,quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc. Để chuyển những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người ta đã làm những chiếc ròng rọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi nên đôi khi khách du lịch còn gọi đặc sản này là “na đu dây”. Để có thể vận chuyển đi khắp cả nước, na được thu hoạch trước khi chín khoảng 1 tháng bởi nếu đợi đến sát ngày chín mới thu hoạch thì na sẽ không thể bảo quản để vận chuyển đi xa được.

2.3. Quýt Bắc Sơn: Nếu bạn đang thắc mắc nên mua gì làm quà khi du lịch Lạng Sơn, thì quýt Bắc Sơn là một sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Loại quýt đặc sản được trồng tại các thung lũng của huyện Bắc Sơn. Quýt có màu vàng, vị ngọt mát và thơm, quả quýt căng mọng, ít hạt có vị đam hơi chua rất đặc trưng khó có loại quýt ở đâu có được hương vị này.

2.4. Đào mẫu Sơn

Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, có mùi thơm dịu đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng

Hoa đào Mẫu Sơn đẹp một cách kín đáo. Mỗi bông hoa đào chỉ có 5 cánh, sắc màu phai và những cánh hoa dường như trong suốt. Điều thú vị là mặc dù nhiệt độ ở độ cao 1000m rất thấp, nhưng đào Mẫu vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng.

2.5. Hồng Bảo Lâm: Là loại hồng nổi tiếng được trồng từ rất lâu đời ở xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc và Văn Lang của Lạng Sơn. Hồng Bảo Lâm không chỉ nổi tiếng ở Lạng Sơn còn được rất nhiều thực khách khắp nơi yêu thích. 

Hồng không hạt Bảo Lâm cho năng suất và chất lượng cao hơn, và đây cũng chính là “cái nôi” khai sinh ra loại quả này. Giống hồng đặc sản được trồng từ bao giờ thì không ai biết, ngay các vị cao niên đã trên 80 – 90 tuổi cũng không hay. Do vậy, có thể coi giống hồng không hạt Bảo Lâm là giống cây trồng bản địa của tỉnh Lạng Sơn.

Hồng không hạt Bảo Lâm có thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm; mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 – 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị này do các hạt lép tạo thành; mặt cắt dọc quả không có thớ, thịt quả mịn, hầu như không có đốm đen, không có hạt.

2.6. Rượu Mẫu Sơn: Là sản phẩm độc đáo, đặc sắc của vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc từ sản phẩm rượu gạo và nước nguồn tinh khiết do đồng bào Dao sinh sống ở độ cao 800 – 1000 m so với mặt biển, xung quanh khu vực núi Mẫu Sơn chưng cất, bằng loại men lá và phương pháp chưng cất truyền thống của dân tộc Dao hàng trăm năm nay.

Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển), thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: Cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp, đau lưng.

2.7. Rau Bò khai và Rau Sau Sau

Rau bò khai Lạng Sơn

Cây Bò khai còn có tên khác như rau Hiến, Dạ Yến, Khau hương, Phắc hiến (Tày), Lò Châu Sói (Dao). Rau bò khai thân leo, ngọn nhỏ mềm như sợi bún thường dùng xào chung với thịt bò hoặc bánh đa ăn giòn bùi rất thú vị. Cũng là sản phẩm của tự nhiên, rau ngót rừng bùi, giòn, ngọt nước với hương vị rất riêng.

Rau sau sau chấm thịt băm sốt cà chua

Cây sau sau là loài cây thân gỗ, tán che phủ một vùng rừng rộng lớn, thường trổ búp non vào đầu xuân. Búp sau sau dùng như một loại rau sống, khi ăn thường được chấm với mẻ chua, vị bùi – chát – ngọt, hương thơm nồng nàn rất đặc biệt. Ở vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình), bà con có một thứ nước chấm “đặc chủng” tên là Xà đúc, ăn với rau sau sau rất tuyệt vời, một lần ăn, nhớ mãi không quên. Xà đúc được lấy nguyên liệu từ tuỷ của xương lợn, kết hợp với một số gia vị cả địa phương, ủ men lâu ngày mà thành.Hiện nay, ở các chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn như: Chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh, chợ Chi Lăng, có hàng trăm người dân tộc thiểu số ở Gia Cát, Hoà Cư, Cao Lâu (huyện Cao Lộc), Vân Thủy, Bản Thí (huyện Chi Lăng), thồ xe đạp, bán rong lá sau sau. Bạn có thể mua về xuôi làm quà biếu người thân.

2.8. Các loại ngồng cải

Ngồng cải là một thứ thân non của cây, có hoa màu vàng, mọc cao vổng lên, nếu ăn thường rất đắng. Cải ngồng Lạng Sơn thực ra cũng chỉ là thứ cải ngọt bình thường nhưng không biết do mầu mỡ của đất đai hay bởi sự chăm sóc khéo léo của người Lạng Sơn mà ngồng cải cứ mơn mởn xanh, lại ngọt và thơm đến thế.

Để ăn ngồng cải, người ta cũng chế biến như đối với các rau thường dùng: có thể xào, luộc hoặc nấu tuỳ ý thích mỗi người. Nhưng cách làm ngon nhất, hấp dẫn nhất vẫn là xào chung với thịt bò. Để có được đĩa cải ngồng xào thịt bò thơm ngon, cần phải chọn thứ cải có thân nhỏ xanh non, khi xào nhớ phải cho thêm gừng và không nên xào kỹ quá khiến thịt bò bị dai và cải mất đi vị thơm. Món xào này tốt nhất là nên ăn nóng. Vị ngọt thơm của ngồng cải lẫn mùi thơm của thịt, của gừng sẽ khiến người ăn phải vội vàng nếm thử ngay như sợ nếu không nhanh thì cái mùi vị hấp dẫn kia sẽ tan biến hết vào không gian.