Đà Lạt 125 năm và dấu ấn của bác sĩ Alexandre Yersin
Ngược dòng thời gian, trở về thời khắc 3giờ 30 phút ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbian đã trở thành dấu ấn quan trọng đối với Đà Lạt. Đến nay, trải qua 125 năm hình thành và phát triển Đà Lạt đã khác xưa, nhưng dấu ấn và câu chuyện về người khám phá ra nơi đây vẫn luôn làm bao người xúc động.
“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ
Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ…”
Cứ như thế, Đà Lạt đã đi vào những vần thơ, ý nhạc một cách rất tự nhiên, trở thành một địa danh có sức cuốn hút kỳ lạ làm say lòng bao lữ khách. Một thành phố ở Việt Nam nhưng lại mang sắc thái của Pháp từ khí hậu cho đến phần lớn kiến trúc.
Dấu ấn của Dr. Alexandre Yersin ngày càng sâu đậm trong quá trình phát triển của thành phố Đà Lạt
Trong nhật ký hành trình cuộc thám hiểm, ông viết: “ Những đường đất uốn lượn làm ta tin rằng chúng ta đang đi trên mặt biển dậy sóng lớn. Langbian nằm ở giữa như một hòn đảo và cảm giác càng xa dần mỗi khi ta tiến lên”. Tuy Dr. Alexander Yersin, không phải là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Langbian, nhưng chuyến thám hiểm của ông vào năm 1893 vẫn có ý nghĩa quyết định đối với thành phố Đà Lạt tương lai. Bởi chuyến đi này có thể coi là tiền đề cho việc khai sinh Đà Lạt và rồi từ đó, dấu ấn của A. Yersin ngày càng sâu đậm trong quá trình phát triển của thành phố.
Đà Lạt luôn được định hình là thành phố dành cho người Âu
Sau sự “khám phá” và những chuyến thám hiểm, tiền đề của một thành phố tương lai được phác họa. Qua các đồ án quy hoạch mà người Pháp dày công xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XX, Đà Lạt luôn được định hình là thành phố dành cho người Âu. Vậy nên, người Pháp đã chọn những không gian đắc địa để xây dựng các công trình kiến trúc mà ai cũng biết là không dành cho người bản xứ. Cho đến tận hôm nay, Đà Lạt không chỉ được biết đến là một “ thành phố ngàn thông ”, “ thành phố ngàn hoa ” hay “ thành phố sương mù ”… mà còn được biết đến là một “ Bảo tàng kiến trúc địa phương của Pháp”. Theo thống kê, Đà Lạt có khoảng hơn 1.300 công trình kiến trúc, biệt thự cổ mang phong cách châu Âu. Trong số đó, tòa nhà cong – Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) đã trở thành một trong những tác phẩm huyền thoại về kiến trúc.
Trường Lycée Yersin là công trình tri ân những đóng góp của Dr. Alexandre Yersin cho thành phố Đà Lạt
Năm 1934, Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn cho Nha học chánh một mảnh đất gần 15 hecta ở Đà Lạt để xây dựng trường Grand Lycée. Hiện nay trong Phòng lưu trữ Tòa Khâm sứ Trung kỳ bảo quản tại trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn lưu giữ hơn 30 bản vẽ kỹ thuật khổ lớn cùng nhiều tài liệu giá trị về quá trình xây dựng công trình này. Năm 1935, công trình được khánh thành và tổ chức khai trương với sự tham dự của bác sĩ Yersin, khi đó đã gần 80 tuổi. Tháng 4/1937 chính quyền Pháp đã sát nhập trường Petit Lycée và trường Grand Lycée thành một trường, lấy tên là Lycée Yersin để tri ân những đóng góp của ông cho thành phố Đà Lạt.
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, nét quyến rũ đặc biệt là dãy lớp học được xây dựng phá cách theo một đường cong mềm mại ôm lấy một khoảng sân rộng. Cuối dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian cao nguyên xanh thẳm. Với những nét tinh tế, độc đáo, công trình này đã được các nhà phê bình, các kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Vượt qua không gian, thời gian và những tên gọi khác nhau, Lycée Yersin vẫn hiện hữu nhiều dấu ấn của Yersin. Ngôi trường không chỉ là nơi để học tập, nghiên cứu mà còn là địa điểm thu hút khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm khi du lịch Đà Lạt. Ngày nay trường Lycée Yersin đã bị đổi tên thành trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt, nhưng mình vẫn thích gọi với tên thân thương Lycée Yersin.
Bác sĩ Alexander Yersin không chỉ có công trong việc khai sinh ra thành phố trong tương lai, còn là người đề xuất xây dựng Viện Pasteur tại Đà Lạt và đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học để đời cho hậu thế. Đến nay, trải qua 125 năm hình thành và phát triển Đà Lạt đã khác xưa, nhưng dấu ấn và câu chuyện về người khám phá ra nơi đây vẫn luôn làm bao người xúc động.
dalat-info
5/5 – (2 bình chọn)