Đà điểu: Loài chim châu Phi sống theo lối bầy đàn nhỏ

Đà điểu được huấn luyện cho các cuộc đua như đua ngựa.

Tuy là chim nhưng đà điểu không bay. Có lẽ là do đà điểu không có xương chạc trên xương ức để neo các cơ cánh nên chúng không thể bay được mặc dù chúng có các cánh phù hợp cho việc bay lượn.

Tới nay, người ta ghi nhận tại châu Phi vẫn còn những đàn đà điểu khá đông đúc. Đà điểu tại châu lục này cũng được coi là lớn nhất so với những nơi khác. Một con đà điểu trưởng thành có thể cao tới 3m, cân nặng 140kg. Với đôi chân mảnh, lênh khênh và trọng lượng cơ thể không quá nặng, tốc độ chạy của chúng rất lớn.

Một con đà điểu bình thường hoàn toàn có thể phi nhanh hơn một con ngựa đua. Vì thế, ở một số nơi, người ta đã nuôi, huấn luyện chúng cho những cuộc đua. Nhiều nước ở châu Phi, Trung Đông còn tổ chức đua đà điểu hàng năm, thu hút nhiều tay đua cũng như lượng người tham gia cổ vũ rất đông đảo.

Đà điểu mái.

Tiếp sau đà điểu châu Phi là đà điểu châu Úc. Trưởng thành, chúng có chiều cao trung bình khoảng 2m và nặng trên dưới 60kg. Chúng sống cả ở đồng bằng và miền rừng. Đà điểu châu Úc cũng có tốc độ chạy rất lớn, do đó những loài thú ăn thịt thường không tìm cách tấn công chúng.

Tại châu Úc, có một loài đà điểu khá đặc biệt, gọi là đà điểu đầu mào, sống trong những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp. Đà điểu đầu mào vốn hiền lành, nhưng khi bị dồn vào thế bí thì đột nhiên trở nên rất hung dữ. Lúc đó, chúng quay lại tấn công đối phương bằng chiếc mỏ dài, cứng như thép, cộng với sức mạnh quăng quật của đôi cánh. Đáng tiếc là ở một số nơi, người ta coi thịt đà điểu đầu mào non như một đặc sản, nên số lượng loài này đang ngày một ít đi.

Đà điểu trống.

Còn tại Nam Mỹ, đà điểu có cuộc sống tự nhiên tương đối dễ chịu. Đà điểu tại đây có kích thước trung bình, thường sống trên những cánh đồng cỏ hoang. Khi trưởng thành, đà điểu Nam Mỹ cao chừng 1,5m nhưng chỉ nặng chừng 25kg. Cũng do trọng lượng cơ thể nhẹ nên tốc độ chạy của chúng lớn hơn nhiều so với đà điểu châu Phi.

Khi đạt tốc độ cực đại, có cảm giác như chân của chúng không chạm đất mà bay là là trên ngọn cỏ. Người ta đã mất nhiều công để nghiên cứu cách chạy của đà điểu Nam Mỹ, nhằm áp dụng vào việc huấn luyện vận động viên điền kinh, nhưng tới nay tất cả những nghiên cứu đó đều chưa mang lại kết quả.

Vào năm 2014, giới nghiên cứu chuyên ngành đưa ra một công bố. Theo đó, loài đà điểu tồn tại đến ngày hôm nay có nguồn gốc từ loài “chim voi” cổ đại, cách đây trên 1 triệu năm. Từ những hóa thạch của loài “chim voi” được tìm thấy, sau khi phân tích ADN, người ta cho rằng chúng khá giống nhau về cách cấu tạo xương, nhất là xương phần ức, dẫn đến việc chúng không thể bay cho dù có đôi cánh khá rộng.

Nhưng vì sao “chim voi” lại biến mất khỏi trái đất, thì các giải thích đều không thỏa mãn. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng đà điểu là một loài riêng, không phải là hậu duệ còn sót lại của “chim voi”. Chỉ biết chắc chắn rằng, ngay từ thời Ai Cập cổ đại, người ta dùng hình lông đà điểu để thể hiện ý nghĩa chính nghĩa vì lông của chúng tương đối bằng nhau.

Trở lại với châu Phi, đà điểu ở đây được biết đến với tư cách là loài chim lớn nhất. Cổ cao, chân dài, chúng có thể chạy tới 65 km/giờ. Khả năng tồn tại của chúng rất cao, cho dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, cả về thời tiết lẫn sự thiếu thốn thức ăn. Một con đà điểu châu Phi có thể nhịn ăn cả tháng ròng, và cũng không cần uống nước trong vòng 5 ngày. Bộ lông của đà điểu cấu tạo khá đặc biệt giúp chúng chống được ánh mặt trời thiêu đốt, đồng thời giúp chúng ít tỏa nhiệt, chống mất nước.

Khi trưởng thành, đà điểu trống thường có bộ lông màu đen với một vài điểm trắng ở cánh và đuôi. Chính cách bố trí màu lông như vậy làm cho đà điểu trống trở nên oai vệ, uy quyền nhưng cũng không kém phần “lịch lãm”. Còn đà điểu mái thường có bộ lông màu xám nâu nhạt và cũng có một ít đốm lông trắng. Đáng chú ý, chân đà điểu châu Phi có hai ngón với một ngón lớn hơn trông giống như móng ngựa. 

Trung bình khoảng 3 năm thì đà điểu trưởng thành. Với đà điểu con, trong năm đầu tiên, mỗi tháng chúng cao thêm tới 25cm. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian chúng bị săn bắt nhiều nhất.

Đà điểu phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt.

Tập quán sinh sản và nuôi con của đà điểu cũng khá thú vị. Khi mùa sinh sản tới, cổ và đùi của con trống chuyển sang màu hồng cam hoặc màu xanh. Tuy tranh giành con mái nhưng lúc bấy giờ những con trống vẫn sống trong đàn. Đà điểu trống rất khéo chăm con khi chúng dùng đôi cánh che chở những con non. Những “ông bố” đà điểu cũng khá mát tính vì chúng có thể “trông giúp” con của đối thủ. Hàng năm, vào mùa xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, chính là mùa giao phối sinh sản của đà điểu trong tự nhiên. Lúc ấy, đà điểu trống  thường phát ra những tiếng rít cũng với những âm thanh khác lạ để “báo hiệu” cho con mái đồng thời cũng là để đe dọa những con trống khác. Một con trống có thể “chiếm” 5-7 con mái, nhưng thật kỳ lạ là nó chỉ chăm chút cho một con mái duy nhất mà nó cho là thích hợp nhất với mình.

Còn con mái đẻ trứng vào những hố sâu từ 30cm đến 50cm, do chúng tự đào. Trứng đà điểu khá lớn: nặng từ 1kg đến 1,2kg.

Con mái ấp trứng vào ban ngày còn con trống thì vào ban đêm. Sau khoảng 40 ngày thì trứng nở thành con và lúc bấy giờ “ông bố” sẽ chào đón con chứ không phải là “bà mẹ”. Trong tự nhiên, đà điểu có tuổi thọ cao tương đương con người: chừng 70 năm. Đà điểu con mới nở đã mở mắt và trong vòng 1, 2 tiếng chúng đã có thể chạy nhảy.

Khi ăn, đà điểu thường chúi đầu xuống do cổ chúng quá dài và chân chúng quá cao. Vì thế, nhìn từ xa như thể chúng đang rúc đầu xuống đất, nên mới có truyền thuyết rằng chúng là giống chui đầu vào cát. Tuy nhiên, sau này người ta chứng minh rằng đó là điều vô lý, vì như vậy chúng sẽ bị chết ngạt.