Đà điểu đầu mào – loài chim nguy hiểm nhất được nuôi trong vườn nhà

To lớn như khủng long, đà điểu đầu mào-loài chim nguy hiểm nhất thế giới với những ngón chân dài sắc nhọn là loài chim mà con người đã và vẫn đang nuôi dưỡng.

Một phân tích mới về vỏ trứng cho thấy người cổ đại sống ở New Guinea cách đây 18,000 năm đã dũng cảm nuôi một loại chim đáng sợ – đà điểu đầu mào.

Với bản tính hung dữ, có tính chiếm lĩnh lãnh thổ cao và thường được so sánh với khủng long về ngoại hình, đà điểu đầu mào là một sinh vật khó có thể thuần hóa.

Các nhà khoa học từ Đại học Pennsylvania đã nghiên cứu 1,000 vỏ trứng cổ đại và phát hiện ra rằng người cổ đại lấy một số quả trứng nhỏ làm thức ăn, những quả trứng lớn hơn thì nuôi cho đến khi nở thành con. Những con đà điểu đầu mào nở ra sẽ được nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành.

Hầu hết vỏ trứng được tìm thấy đều ở giai đoạn cuối, nghĩa là phôi thai bên trong đã hình thành đầy đủ các chi, mỏ, móng vuốt và lông. Các nhà nghiên cứu cho rằng khu rừng nhiệt đới trên đảo cách đây 18,000 năm là “bằng chứng sớm nhất chứng minh việc con người can thiệp vào quá trình sinh sản của loài gia cầm”.

Theo Sở thú San Diego, đà điểu đầu mào là loài chim nguy hiểm nhất thế giới, với móng vuốt sắc nhọn giống dao găm dài khoảng 10 cm ở mỗi bàn chân có thể cắt đứt những kẻ săn mồi, hay kể cả con người. “Đà điểu đầu mào có thể rạch thủng bụng bất cứ con vật nào chỉ bằng một cú đá nhanh như chớp,” đại diện của sở thú cho biết.

Vào thời điểm đó, con người trên đảo New Guinea, ở phía Bắc Australia đã nỗ lực rất nhiều để thu thập trứng của đà điểu đầu mào, loài chim có khả năng gây ra thương tích chết người. Đà điểu đầu mào trưởng thành có kích thước lớn, cao tới 1.8 mét và nặng 59 kg. Nó có thể chạy với vận tốc 50km/h xuyên qua rừng rậm, điều này có nghĩa là ngay cả Usain Bolt – người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh cũng không có cửa chạy thoát khỏi đà điểu đầu mào. Khi chạy, chúng giơ hai cánh lên và vỗ vỗ để giữ thăng bằng. Chúng cũng có thể nhảy cao tới 1.5m và cũng là những vận động viên bơi lội cừ khôi.

Giáo sư Kristina Douglass tại Đại học Penn State cho biết: “Con người nuôi đà điểu đầu mào từ hàng nghìn năm trước khi thuần hóa gà. Đây không phải là một loài gà, nó là một loài chim khổng lồ, không biết bay và rất hung dữ”.

Ngày nay, đà điểu đầu mào là động vật có xương sống lớn nhất của New Guinea. Lông và xương của chúng là những vật liệu rất tốt để làm đồ trang sức và trang phục nghi lễ. Thịt chim còn được coi là một món ngon ở New Guinea.

Nhưng chúng rất hung dữ. Năm 2019, một người đàn ông ở Florida đã bị một con đà điểu đầu mào giết chết. Nạn nhân là ông Marvin Hajos, 75 tuổi. Ngày 12 Tháng Tư, ông Hajos tự gọi đến đường dây nóng 911. Cuộc gọi thứ hai do một người khác có mặt ở hiện trường gọi khẩn xin cứu người có liên quan đến một loài chim cỡ lớn. Ông Hajos được đưa đến bệnh viện gần đó nhưng không cứu kịp và đã qua đời. Con đà điểu đầu mào hiện vẫn ở trong sân vườn nhà ông Hajos khi nhà chức trách điều tra về vụ việc.

Ở Mỹ, đà điểu đầu mào được nuôi để làm cảnh vì chim có vùng đầu và cổ khá đẹp với màu xanh lam rực rỡ.

Đọc thêm:

-Người có miệng rộng nhất thế giới được ghi tên vào sách Guinnes

-Cặp ‘chồng lùn vợ cao’ phá Kỷ lục Guinness Thế giới

-Chuyện lạ: Người đàn ông Anh xếp được 5 viên kẹo M&M chồng lên nhau, phá kỷ lục Guinness thế giới