Cuối năm thiếu đơn hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm cách xoay sở

Cường Ngô

  –  

Thứ năm, 19/01/2023 13:00 (GMT+7)

6 tháng đầu năm, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh thắng lớn với đơn hàng dồi dào nhưng tình thế xấu đi nhanh chóng ở nửa cuối năm, đánh bay lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu . Các chuyên gia cho rằng, đây cũng là lúc doanh nghiệp phải nhìn lại để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp.

Xuất nhập khẩu thắng lớn đầu năm 2022

Anh Trần Văn Long (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) làm công nhân cho một nhà máy về may mặc ở khu công nghiệp thị trấn Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc). Những tháng đầu năm 2022, đơn hàng nhiều, Long tăng ca thường xuyên, thu nhập của anh gần 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng đi Châu Âu giảm sâu, công việc của anh Long chỉ cầm chừng, thu nhập giảm một nửa.

“Những tháng đầu năm, toàn bộ phân xưởng, máy móc của nhà máy đều phải hoạt động 24/24 giờ và công nhân cũng phải chia 3 ca để làm việc. Mỗi ngày, hơn 2.000 công nhân tại các phân xưởng làm ra 3.000 sản phẩm xuất khẩu. Nhưng hiện tại, đơn hàng đi Châu Âu không có, chúng tôi làm việc cầm chừng” – anh Long nói.

Tình hình đơn hàng giảm sút nghiêm trọng khiến ông Lê Tấn Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – phải than thở: “Một năm bất thường chưa từng có. 25 năm trong ngành, chưa bao giờ tôi thấy chỉ trong một tháng mọi tín hiệu thị trường “xoay chiều”, khác biệt đến thế.

Mặc dù chúng tôi đã có những dự báo chính xác về diễn tiến thị trường, sau đó được củng cố trong dự báo tại hội nghị sơ kết 6 tháng, 9 tháng, nhưng thực tế không ai nghĩ nhiều tới chính kịch bản xấu nhất lại xảy ra như hiện nay” – ông Trường cho biết.

Theo ông, với các áp lực của thị trường, hiệu quả quý III chỉ còn bằng 30% của quý II; còn quý IV “thảm” hơn khi không có hiệu quả tổng thể do các hoạt động trích lập dự phòng. 

Xuất khẩu kém đơn hàng vào cuối năm. Ảnh: Cường NgôXuất khẩu kém đơn hàng vào cuối năm. Ảnh: Cường NgôXuất khẩu kém đơn hàng vào cuối năm. Ảnh: Cường Ngô 

Chủ tịch Tổng Công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, đối với doanh nghiệp ông, ngược với 2 quý đầu năm lượng đơn hàng dồi dào, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15 – 20%/tháng. Nhưng từ tháng 7.2022 trở đi, đơn giá và lượng hàng có xu hướng giảm dần, khiến doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn.

“Phần lớn doanh nghiệp dệt may đang trong tình trạng “đói đơn hàng”, chỉ số ít doanh nghiệp uy tín, bảo đảm chất lượng, thời gian cung ứng sản phẩm tốt mới duy trì được ổn định sản xuất. Đơn hàng hiện có của doanh nghiệp đến hết tháng 11 và nửa tháng 12, số thiếu hụt còn lại có thể bù đắp bằng việc nhận đơn hàng nhỏ của Hàn Quốc và một số thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc” – ông Dương chia sẻ.

Giải pháp nào?

Số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 là lần đầu tiên xuất nhập đạt 732 tỉ USD đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhờ đó, cán cân thương mại thặng dư năm thứ 7 liên tiếp, với giá trị gần 11 tỉ USD, góp phần ổn định tỉ giá, dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, với tình hình xuất nhập khẩu quý IV/2022 giảm sút nghiêm trọng, Bộ Công Thương nhận định rằng, năm 2023 sẽ làm một năm đầy thách thức với lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trao đổi với PV về số thành tựu xuất nhập khẩu trong năm 2022, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay, theo thông tin sơ bộ đánh giá từ một số ngành hàng, thì tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng, như là dệt may, da giày. Do vậy, vấn đề đơn hàng, cũng như nguồn hàng xuất khẩu tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Song, ông Hải cũng cho rằng, năm 2023 bức tranh xuất nhập khẩu không hoàn toàn là những khó khăn, thách thức. Bởi, bối cảnh năm 2023 sẽ có những điểm khác. 

“Tại thời điểm này, tình hình COVID-19 đã giảm bớt những tác động đến kinh tế. Tuy nhiên, những biến động chính trị, căng thẳng chính trị leo thang, kéo theo sự cạnh tranh giữa các nước lớn… gây nên trạng thái suy thoái và lạm phát, ảnh hưởng đến cả chúng ta.

Như vậy, đây là đặc điểm khó khăn cho năm 2023, có sự khác biệt so với các năm trước đây. Song, hậu quả tác động là giống nhau, đều dẫn đến việc làm cho nguồn cung đứt gãy, chuỗi cung ứng gián đoạn…

Vì thế, với kinh nghiệm, bài học ứng phó đã có trong thời gian qua, cách chúng ta ứng phó sẽ linh hoạt hơn, đây cũng được xem là điểm tích cực” – ông nói.

Khi được hỏi, bước sang năm 2023, có những yêu cầu gì mới với một số mặt hàng xuất khẩu, ông Hải khẳng định, yêu cầu bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Điều đó cũng phản ánh vào trong vấn đề sản xuất và thương mại hàng hóa.

“Tôi cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp phải nhìn lại, để thúc đẩy tái cơ cấu, bên cạnh việc gia tăng số lượng, chú trọng chất lượng, cũng như chú trọng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường phát sinh trong thời gian tới” – ông Hải nói.

Về giải pháp, TS Hồ Quốc Lực – nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) – nói rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho bằng giá mềm nhằm hạn chế kẹt vốn, kẹt kho.

Song song hết sức chú ý công việc quản trị hàng tồn kho nhằm, cụ thể như trang bị công suất kho lạnh có tính toán cho dự trữ lúc cần thiết nhằm chủ động kho trữ và nguyên liệu.

Luôn tìm hiểu thông tin về tình hình cung ứng trong ngoài nước cũng như xu thế nhu cầu của người tiêu thụ để có tính toán trong việc tiêu thụ và trữ hàng của mình thiết thực và hiệu quả. Rà soát tồn kho kịp thời để tranh thủ mọi cơ hội kinh doanh… 

Đồng thời, chỉ mua nguyên liệu đáp ứng cho đơn hàng đang có, tránh tăng tồn kho. Tập trung nguồn lực vào sản xuất chính, không đầu tư tràn lan. “Thật ra bình thường các doanh nghiệp vẫn quan tâm các vấn đề này, nay chỉ là ý thức cao hơn” – ông nói.