Costa Rica -quốc gia hạnh phúc
Không chỉ được mệnh danh là thiên đường của những người ưa thích du lịch mạo hiểm, Costa Rica còn tự hào đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc.
Thác nước tuyệt đẹp ở Liberia, Costa Rica.
Phát triển dựa trên các nguồn lực xanh
Từ năm 2006 đến năm 2020, Costa Rica 3 lần được tổ chức New Economics Foundation (có trụ sở chính tại Anh) xếp hạng trong top đầu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Sở dĩ Costa Rica nhiều lần nằm trong danh sách trên vì các chỉ số như mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình, chênh lệch thu nhập, dấu chân sinh thái của quốc gia này luôn được duy trì tốt.
Từ năm 1948, Costa Rica đã giải thể quân đội, chuyển ngân sách quốc phòng vào lĩnh vực giáo dục, y tế và lương hưu. Chính phủ cũng bảo đảm mọi công dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng cao, bao gồm cả miễn phí đến bậc đại học và chế độ an sinh xã hội, đồng thời tích cực thúc đẩy hòa bình trên thế giới.
Trong năm 2016, Costa Rica là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về tỷ lệ chi ngân sách giáo dục so với GDP, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới. Đây là quốc gia duy nhất ở Trung Mỹ có 100% dân số được cung cấp điện. Sau nhiều thay đổi về mặt chính quyền, nguyên lý cơ bản về ngân sách này vẫn giữ nguyên.
Theo thống kê, GDP bình quân đầu người của Costa Rica đạt khoảng 12.000 USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Saamah Abdallah – nhà nghiên cứu của New Economics Foundation nói rằng, dù có mức thu nhập trung bình, Costa Rica vẫn là quốc gia hạnh phúc bởi một phần nhờ vào mạng lưới xã hội mạnh mẽ và vững chắc gồm bạn bè, gia đình và cộng đồng.
Costa Rica cũng đi tiên phong trong kỹ thuật quản lý đất đai, tái trồng rừng và các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch. Vào năm 1996, Costa Rica ban hành chương trình chi trả dịch vụ môi trường (PES). Trong đó, các nhà nhập khẩu dầu, nhà máy đóng chai và xử lý nước thải phải đóng thuế này, trong khi các doanh nghiệp khác tự nguyện đóng góp kinh phí bù đắp cho việc phát thải khí CO2. Số tiền trên được sử dụng để trả cho người dân địa phương bảo vệ cây cối, nguồn nước và đất đai nơi họ sinh sống, không khai thác gỗ trái phép.
Một chương trình trồng cây do Liên hiệp quốc tài trợ bắt đầu vào năm 2007 giúp hơn một nửa lãnh thổ của Costa Rica được bao phủ bởi rừng nhiệt đới. Costa Rica cũng đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, gió và địa nhiệt, hiện cung cấp 98% năng lượng cho đất nước này. Thành công ấn tượng trên khiến Costa Rica cam kết sẽ trở thành quốc gia trung hòa các-bon (CO2) vào năm nay. Với việc phát triển kinh tế dựa trên các nguồn lực xanh, Costa Rica tiếp tục là hình mẫu phát triển lý tưởng, trong bối cảnh thế giới đối mặt những thách thức cấp bách về môi trường.
Bán đảo Nicoya có rất nhiều cư dân sống hơn 100 tuổi.
Bí quyết của dân số có độ tuổi cao
Theo Bộ Y tế Costa Rica, quốc gia này có tuổi thọ là 81, cao hơn một số quốc gia giàu có trong đó có Mỹ. Trong đó bán đảo Nicoya của Costa Rica là một trong những khu vực xanh của thế giới, nơi có rất nhiều cư dân sống hơn 100 tuổi.
Mỗi Chủ nhật, khi sức khỏe cho phép, ông Francisco Gómez (100 tuổi, nông dân đảo Nocoya) lại lái xe từ nhà con gái đến thị trấn ngoại ô để khiêu vũ tại trung tâm cộng đồng. Với ông Gómez đơn giản khiêu vũ là niềm vui mà ông đã mong chờ từ sau khi vợ ông qua đời hồi đầu năm nay. Đây chỉ là một trong những hoạt động của chương trình do Bộ Y tế nước này phát động năm 2010 để giúp người cao tuổi luôn năng động và gắn bó với xã hội. Mặc dù chương trình mở rộng toàn quốc, nhưng nó đặc biệt được ưa chuộng ở Nicoya.
Để chăm sóc sức khỏe, ngoài sống lạc quan, theo đuổi đam mê lành mạnh, dịch vụ y tế cũng góp phần lớn nâng tuổi thọ cho người Costa Rica. Ngay cả những vùng sâu vùng xa nhất hay người nghèo nhất đều có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cấp cứu thông qua một hệ thống phòng khám rộng khắp.
“Số tiền bạn có không tạo ra sự khác biệt về cách bạn được đối xử. Điều này thú vị bởi vì nó không dẫn đến tình trạng ganh đua như ở các nước khác, nơi người ta có thể cần phải mua một ngôi nhà lớn hơn hoặc một chiếc xe đẹp hơn để xứng với địa vị của mình”, ông Mariano Rojas, chuyên gia về kinh tế và hạnh phúc tại Viện Nghiên cứu Mỹ La tinh của Costa Rica nói.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)