Công ty TNHH De Heus Việt Nam – Vững vàng vị thế, nâng tầm vươn xa – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
De Heus xây dựng vị trí vững chắc trên thị trường TĂCN ở tất cả dòng sản phẩm cho gia súc, gia cầm, động vật nhai lại và thủy sản. Theo số liệu báo cáo, năm 2020 doanh thu của De Heus Việt Nam đạt 12.763 tỷ đồng, nếu tính gộp cả 14 nhà máy vừa mua lại của Masan thì tổng số doanh thu có thể lên tới 26.510 tỷ đồng.
Khẳng định vị thế và uy tín
Những ngày cuối năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, đình trệ thì De Heus Việt Nam vẫn tất bật với việc tiếp nhận 14 nhà máy TĂCN mua lại từ Masan với tổng công suất của các nhà máy này lên tới gần 4 triệu tấn TĂCN/năm, bao gồm số lượng thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) và thủy sản (cá, tôm)…
Đây không phải là lần đầu tiên De Heus Việt Nam mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2008, việc mua lại 2 nhà máy tại Hải Phòng và Bình Dương đã đánh dấu lần đầu tiên De Heus gia nhập vào thị trường Việt Nam. Được thành lập tại Hà Lan nhưng Tập đoàn De Heus đã thực hiện hiệu quả và thành công nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trên thế giới, tạo được tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực sản xuất TĂCN trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng để phát triển các sản phẩm TĂCN. Số liệu thực tế chỉ ra rằng, những năm gần đây, mức tăng trưởng của thị trường TĂCN tại Việt Nam tăng từ 13 – 15%, là mức tăng lớn nhất tại thị trường Đông Nam Á hiện nay.
De Heus hiện sở hữu 22 nhà máy TĂCN tại Việt Nam và 1 nhà máy Premix
Với thị trường tiêu dùng thực phẩm tiềm năng gần 100 triệu dân, ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa phát triển thì nhu cầu TĂCN công nghiệp tại Việt Nam trong 5 năm tới vẫn liên tục tăng, dự kiến đạt giá trị 12 – 13 tỷ USD. Đây chính là thị trường cạnh tranh mà các nhà sản xuất TĂCN nhắm tới, trong đó có De Heus.
Về mục đích mua lại 14 nhà máy của Masan, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á cho biết: “Xu hướng của một số công ty lớn hiện nay là tự sản xuất TĂCN, con giống, tự nuôi, tự giết mổ… Còn chúng tôi sẽ hướng đến mục tiêu có thêm nhiều đại lý, nhà phân phối ở các vùng miền, xây dựng các chuỗi liên kết để giúp người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận và mua được sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu cung ứng các sản phẩm đầu ra sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho thị trường. Việc sở hữu thêm 14 nhà máy TĂCN sẽ giúp chúng tôi giảm các chi phí và tối ưu hóa thời gian vận chuyển, giao hàng đến người chăn nuôi tại các tỉnh, thành của Việt Nam”.
“Trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là làm thế nào để quản lý tốt chi phí, gia tăng lợi nhuận. Sở hữu nhiều nhà máy sẽ giúp chúng tôi đến gần người chăn nuôi hơn, bà con sẽ có nhiều sự lựa chọn các dòng sản phẩm phù hợp hơn với các con vật nuôi của mình”, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á Gabor Fluit chia sẻ thêm.
Ông Gabor Fluit cũng khẳng định: “Chúng tôi không đặt mục tiêu chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần tại Việt Nam trong việc sáp nhập này, mà chúng tôi muốn xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi thành công, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao. Nếu các chuỗi liên kết này thành công, thì chắc chắn thị phần của doanh nghiệp trong mảng TĂCN sẽ tăng dần lên”.
Top 10 tập đoàn hàng đầu thế giới
De Heus Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô toàn cầu, hiện đang là một trong những tập đoàn dẫn đầu ngành TĂCN gia súc, gia cầm và thủy sản với 110 năm kinh nghiệm cũng như kiến thức về dinh dưỡng động vật. Với sản lượng và quy mô hiện tại, De Heus hiện nằm trong top 10 tập đoàn sản xuất TĂCN lớn nhất thế giới, có mặt tại hơn 75 quốc gia, với 82 nhà máy trải dài ở các khu vực trọng điểm và hơn 6.000 nhân viên trên toàn cầu.
Trải qua hơn 12 năm gia nhập thị trường Việt Nam, đến nay De Heus Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc so với nhiều doanh nghiệp trong ngành TĂCN.
Ngoài 22 nhà máy sản xuất TĂCN chất lượng cao theo công nghệ châu Âu, phân bố tại những tỉnh, thành có ngành chăn nuôi phát triển trên cả nước, De Heus còn đang sở hữu 2 nhà máy giết mổ heo và gia cầm; 4 trang trại heo giống cụ, kỵ, ông, bà; 2 trung tâm nghiên cứu cùng với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại tại các tỉnh, thành trọng yếu của Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất TĂCN của De Heus
De Heus đang từng bước xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết để hướng đến mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo quyền phúc lợi động vật và mang lại hiệu quả chung cho tất cả thành viên trong chuỗi. Để thực hiện được điều này, De Heus cùng các đối tác chiến lược đã và đang từng bước triển khai hoàn thiện các dự án mới để sớm hiện thực hóa cam kết của mình.
Trong đó, tháng 6/2020, De Heus đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gia cầm tại Cụm Công nghiệp Hà Bình Phương, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Tháng 9/2020, De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã triển khai Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk với quy mô 200 ha. Đầu tháng 10/2021, Tổ hợp đã đón 1.225 con heo cụ kỵ, ông bà được nhập khẩu trực tiếp từ Canada trên một chuyên cơ riêng về Việt Nam, chuẩn bị cung ứng con giống cho thị trường Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tiếp đó, vào tháng 10/2021, De Heus cùng Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công Dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai tại huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai với quy mô 71.56 ha.
Song song với các dự án “khủng” tại Tây Nguyên, năm 2020 De Heus tiếp tục đầu tư vào Nhà máy ấp trứng gia cầm Bel Gà Tây Ninh, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào “siêu” dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh. Tổng mức đầu tư cho các dự án tại Tây Ninh dự kiến khoảng 141,5 triệu USD (tương đương khoảng 3.325 tỷ VNĐ), gồm: 2 trang trại gà bố mẹ (có công suất 25 triệu trứng/năm), 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn (có công suất 25 triệu gà thịt/năm); Hệ thống chuỗi các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.
Lãnh đạo De Heus Việt Nam cho biết, từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục duy trì là công ty sản xuất TĂCN hàng đầu tại Việt Nam, phát triển thêm nhiều các dự án mới để hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, De Heus sẽ luôn không ngừng phấn đấu giữ vững vị trí Công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, có trách nhiệm xã hội và đóng góp tốt nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại những địa phương mà De Heus đang có nhà máy, các hoạt động đầu tư.
Ông Gabor Fluit,
Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á
“De Heus cùng các đối tác chiến lược đã và đang tích cực cung ứng cho người chăn nuôi nguồn con giống tốt, thức ăn tốt, hỗ trợ kỹ thuật tốt và đảm bảo đầu ra. Tập đoàn Masan là một trong những đối tác chiến lược mà De Heus hợp tác nhằm khép kín chuỗi liên kết, trong đó nhà máy chế biến thịt mát, hệ thống siêu thị của Masan sẽ ở khâu cuối của chuỗi liên kết”.
De Heus