Công ty môi giới lao động thu tiền phí bất hợp pháp thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Cùng với nhu cần nhập khẩu lao động trên thế giới ngày càng tăng thì các công ty chuyên môi giới xuất khẩu lao động ở Việt Nam được thành lập ngày càng nhiều. Vậy trường hợp trong quá trình hoạt động công ty môi giới lao động thu tiền phí bất hợp pháp thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
NỘI DUNG YÊU CẦU
Hiện tại tôi đang dính một số rắc rối với công ty XKLĐ, tôi có giới thiệu người ra công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội, bây giờ nhận thấy dấu hiệu lừa đảo nên chúng tôi xin rút và chúng tôi đã đóng 65 triệu vào công ty, có giấy xác nhận đóng tiền, vậy nhưng chúng tôi chưa kí bất kì thủ tục nào hay giấy tờ nào về việc đồng ý cho công ty đưa chúng tôi đi, hiện tại chúng tôi đã nói chuyện với công ty nhưng công ty không trả lại tiền cho chúng tôi. Ngoài ra tôi hiện đang không có mặt tại Việt nam nên nếu có giấy triệu tập của công an tôi không thể có mặt ngay được, tôi cần luật sư tư vấn trường hợp trên.
Xin cảm ơn!
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật dân sự 2015
– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020
NỘI DUNG TƯ VẤN
Nội Dung Chính
1. Quy định về thu tiền phí dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1.1 Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Tại Điều 21 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như sau:
“Điều 21. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với người lao động về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải thỏa thuận rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động; ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động (nếu có).
…”
1.2 Quy định về thu phí dịch vụ của người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về tiền dịch vụ như sau:
“Điều 23. Tiền dịch vụ
1. Tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
2. Tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ thu từ người lao động phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ;
b) Không vượt quá mức trần quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Chỉ được thu sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết;
d) Trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.”
Theo đó thì phí dịch vụ chỉ được thu sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết.
Như thông tin anh cung cấp thì trường hợp của anh, doanh nghiệp dịch vụ với người lao động chưa ký kết bất kỳ loại hợp đồng/văn bản nào nhưng doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền của người lao động. Đồng thời, nội dung của phiếu thu tiền không xác định rõ là khoản thu gì, chỉ ghi chung là “tham gia thi tuyển đơn hàng” và “hoàn thành tài chính lần 1 ĐH…”. Trong khi đó, theo quy định trên thì cần phải ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động (nếu có) trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đó là khoản tiền dịch vụ thì hành vi thu tiền này vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:
“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
…
7. Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.
8. Thu tiền môi giới của người lao động.
9. Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này.
…”
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định hành vi bị nghiêm cấm việc:
“Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Theo đó, nếu có cơ sở cho rằng phía công ty dịch vụ có hứa hẹn sẽ sắp xếp công việc cho cả chồng của người lao động thì người lao động (vợ) mới ký hợp đồng và thi đơn hàng từ phía công ty dịch vụ nhưng sau đó không thực hiện thì có thể xem xét tới hành vi bị nghiêm cấm ở trên.
2. Kiến nghị trường hợp công ty thu phí dịch vụ không đúng quy định
Trường hợp này, người lao động có thể gửi đơn đề nghị yêu cầu phía công ty dịch vụ giải quyết việc hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nộp cho công ty. Trường hợp gửi đơn yêu cầu mà không được phản hồi thì người lao động có thể tới trực tiếp trụ sở công ty và yêu cầu gặp người quản lý để được giải quyết.
Lưu ý, trong quá trình làm việc qua lại với bên đại diện công ty dịch vụ, người lao động có thể lưu lại các bằng chứng thông qua việc ghi âm, lập biên bản ghi nhận buổi làm việc… để có cơ sở giải quyết sự việc về sau.
Trong trường hợp đã liên hệ với phía công ty mà không được giải quyết thì người lao động có thể gửi đơn tố cáo tới Bộ lao động thương binh xã hội – cơ quan quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc gửi đơn khởi kiện dân sự ra Tòa án nhận dân có thẩm quyền để được xem xét xử lý.
Ngoài ra, người lao động cần kiểm tra tính pháp lý của công ty dịch vụ xem có đủ điều kiện hoạt động, kinh doanh lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay không. Trong trường hợp nếu nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo, không rõ ràng về mặt pháp lý, hồ sơ, giấy tờ thì người lao động có thể gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm ra cơ quan công an để được giải quyết. Trường hợp có đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng có liên quan.
Đối với vai trò là người môi giới, anh cần theo sát, hướng dẫn và phối kết hợp cùng với người lao động thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Đồng thời, giải thích và chứng minh cho người lao động hiểu việc anh đã truyền đạt và gửi các yêu cầu đề nghị của người lao động đến phía công ty dịch vụ. Từ phía anh, anh có thể gửi email, tin nhắn hay cuộc gọi liên hệ đến người đại diện phía công ty dịch vụ đề đạt yêu cầu của người lao động về việc hoàn trả toàn bộ số tiền mà người lao động đã đóng để một phần tác động đến công ty, một phần tạo chứng cứ cho trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh sau này (nếu có).
3. Mức phạt các hành vi liên quan đến thu phí khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ) được quy định tại Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
3.1 Mức phạt chính
Điều 42. Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
…
d) Không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với người lao động;
…
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động hoặc tuyển chọn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.
…
8. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của pháp luật;
….
3.2. Hình thức xử phạt bổ sung
…
đ) Đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động để thu tiền của người lao động trái pháp luật quy định tại khoản 6 Điều này;
e) Đình chỉ hoạt động tuyển chọn người lao động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tuyển chọn người lao động để thu tiền của người lao động trái pháp luật quy định tại khoản 6 Điều này.
3.4. Biện pháp khắc phục hậu quả
…
đ) Buộc doanh nghiệp dịch vụ trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 6, điểm a khoản 8 Điều này;
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.